Nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng người con trai kêu đau bụng, dường như có vẻ đau rất kinh khủng, “ái chà, ái chà” cứ thế kêu. Người con gái cuống lên, hỏi anh làm sao đấy? Người con trai nói hình như là tối nay anh ăn no quá, chướng bụng. Cô gái vội kêu, anh mau ra nhà xí đi ngoài thôi.
Người con trai chần chừ rất lâu, dường như không muốn đi, hồi lâu, tôi nghe người con trai nói: "Anh không muốn đi ngoài, chúng mình tiết kiệm nước dội nhà xí vẫn không đủ đâu, thế là tháng này tiền nước lại trội lên thôi. Mà còn nữa, nếu đi ngoài xong, bụng rỗng rồi, thì đêm nay dễ đói lắm!"
Nghe đến đây, đầu óc tôi choáng váng, trống rỗng, trái tim tôi bị thụi một cái đau buốt, câu nói đó trở thành ác mộng suốt đêm của tôi: Đi ngoài hết rồi, anh sợ đói! Nghe câu nói đó, trái tim tôi đau buốt. Tôi nhớ đến ông nội tôi.
Ông nội tôi sống khổ cực trong xã hội cũ, cái thời ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, quanh năm trẻ con vàng mắt ra đợi Tết, vì Tết được ăn một bữa cơm no!
Vì thế, mỗi năm vào ngày Tất niên, trẻ con đứa nào cũng ăn no, cái bụng nhỏ tròn căng, bụng có chướng đến thế nào cũng dứt khoát không chịu đi ngoài. Bởi vì, đi ngoài hết, bụng trống rỗng rồi, sẽ dễ cảm thấy cơn đói, nhưng Tết qua rồi, không còn cơ hội được ăn một bữa no nữa! Vì thế đứa trẻ nào cũng nhịn, cũng nín, bởi vì những năm tháng đó, nghèo, người người sợ đói, trẻ con càng sợ đói!
Nhưng giờ đã là thế kỷ 21, những năm phát tài no đủ, anh lại nghe thấy từ miệng một sinh viên tốt nghiệp đại học cái câu nói đó, anh sẽ có cảm giác gì? Cảm động? Đau khổ? Hay là chua xót? Hay là thương hại nhưng chẳng làm gì được?
Hay là tất cả mọi cảm xúc đó? Hay là chẳng có cảm xúc nào?
Tôi không có thời gian để quan tâm đến nỗi lòng một kẻ hèn kém, vì xã hội nó đã như vậy, tôi cũng lực bất tòng tâm thôi. Cái duy nhất tôi có thể biểu lộ, ngoài ái ngại ra thì cũng chỉ có ái ngại.
Tôi cũng từng khinh bỉ họ, thậm chí còn nhục mạ họ từ trong đáy lòng tôi: Đáng kiếp mày! Ai bảo mày không đủ tài thi vào một trường đại học danh tiếng nhất cơ! Không có tiền thì học đại học cái ----- ấy, mình làm thì mình chịu chứ trách ai!
Nhưng tôi cũng không thể không thừa nhận rằng, một đứa trẻ từ miền sơn cước, nông thôn nghèo khó, không thể chỉ dựa vào trí thông minh mà có thể với tới cánh cổng trường đại học danh tiếng; Nó đòi phải có năng lực và thực lực; Thực lực đến từ một nền giáo dục tốt toàn vẹn, những thầy giáo ưu tú, và còn rất nhiều rất nhiều, như tiền chất thành núi để vào những lớp luyện thi tốt, như một nền giáo dục đa chiều và toàn diện mà chỉ những đứa trẻ thành phố mới được hưởng, như phải có những ông bố bà mẹ có quyền có chức hiểu biết v.v…
Hai bạn trẻ này đều không có, họ chỉ là những đứa con nông dân, họ không có tư cách cũng như quyền lợi để có, không ai mua sách tham khảo, tài liệu học tập cho họ, cũng không có những thầy cô giáo ưu tú cầm tay chỉ dạ, họ chưa từng được nhìn thấy đàn Dương cầm, họ chưa được thấy máy vi tính. Thậm chí ngoài Bí thư chi bộ thôn, họ chưa từng quen bất kỳ một công chức cán bộ nào.
Họ từ sáng đến tối chỉ biết đọc mỗi sách giáo khoa, chỉ biết học cật lực, chỉ biết rằng thi đỗ được đại học mới có thể thay đổi được số phận họ.
Nghe họ ngọng nghịu nói tiếng Anh, trúc trắc tiếng Hoa phổ thông, quần áo hơi nhếch nhác, toàn đồ lỗi thời sờn vai, chúng ta vẫn thường không nén được tiếng cười.
Chúng ta thích thú đàm tiếu sau lưng những người ấy, thích mỉm miệng giả cười như kiểu thiếu nữ để trêu chọc sự ngốc nghếch của họ, thậm chí chúng ta thích cố tình hỏi họ có đi ăn Mc’Donald với ta không, chúng ta quen nhìn thấy họ phải ngần ngại, quen thấy họ bơ vơ, quen với việc những người nhà quê thua thiệt ấy mất nhiều được ít.
Khi chúng ta có quá nhiều những thói quen như thế, chúng ta sẽ bắt đầu không để ý xem họ có đói không, lúc chúng ta lãng phí thức ăn thì họ còn nghĩ thầm đâu đó: Không dám đi nhà xí, sợ đi ngoài hết rồi, đói!
“Một con người có thể đem đi so đọ với một con người không? Không thể so đọ! Một đứa trẻ nông thôn thì nên so sánh cái gì với một đứa trẻ thành phố? Mà không cần so sánh!” Đó là một câu ngày xưa một người bạn tôi hay nói, ngày đó tôi chỉ thấy ngộ nghĩnh, giờ nhớ lại, thấy trong lòng chỉ còn chua chát khó chịu.