Một ngày đẹp trời tháng 5, tôi trở về thăm nhà vào kỳ nghỉ hè của trường đại học. Bất chợt chiếc xe dừng lại tại nhà thiếu nhi của thành phố vì bị hư máy. Chúng tôi được một thời gian ngắn dạo quanh trong khi chờ sửa xe.
Tôi thơ thẩn dạo quanh con đường bến cảng bên ngoài tòa nhà. Ngước nhìn ngôi nhà trẻ thơ đã từng gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu, tôi chợt ước mình được bé lại khi bao kỷ niệm ngày xưa cứ dấy lên như từng cơn sóng biển. Nơi đó có bạn bè, có rất nhiều trò chơi, có niềm đam mê múa hát, và có thầy!
Ôi đột nhiên cảm xúc trong tôi ùa về, thật da diết và xấu hổ. Tôi muốn chia sẻ với độc giả câu chuyện về lỗi lầm của tôi và về người thầy mà tôi đã mang ơn, mang ơn rất nhiều vì đã thứ tha cho lỗi lầm ấy.
Năm đó tôi 10 tuổi, là lớp trưởng lớp múa do thầy làm chủ nhiệm. Lớp tôi toàn nữ và rất thân thiết với nhau. Ngày đầu tiên vào lớp, ai cũng sợ thầy té khói vì thầy rất nghiêm với mái tóc muối tiêu và gương mặt đanh sắt.
Với chất giọng không cao, không trầm, thầy bắt đầu sinh hoạt nội quy và cách làm việc của thầy. Quả thật thầy rất nghiêm. Đứa nào không đi đúng giờ hay trang phục không như quy định sẽ bị phạt. Thầy dạy chúng tôi rất nhiều, từ chuyên môn như múa dân gian, balê, cho tới cách tự chăm sóc bản thân khi phải đi diễn ở xa mà không có ba mẹ đi cùng.
Càng học lâu với thầy, tôi càng nhận ra thầy không như vẻ ngoài chút nào. Những lúc tôi lén nhìn trộm thầy, thầy có nụ cười thật tươi, khi thầy cười gương mặt sáng bừng và rất hiền từ. Với trí óc mười tuổi, tôi nhận ra rằng thầy giống như ba tôi, nếu hư sẽ bị phạt, nhưng nếu ngoan thì ba rất hiền và luôn yêu thương tôi. Và thật, thầy rất yêu thương chúng tôi, và tôi cảm thấy rất hãnh diện vì trong ngày bầu lớp trưởng, thầy đã chỉ định tôi vì tôi vốn có những tiến bộ hơn hẳn các bạn khác.
Với vai trò lớp trưởng, tôi quản lý điểm danh, nhắc nhở các bạn mọi điều và giữ tiền quỹ lớp. Hằng tuần tôi sẽ thu quỹ lớp để dành cho việc ăn uống, liên hoan hay mua nước uống lúc tập chương trình… Lần đầu tiên phải giữ món tiền lớn như vậy so với tuổi của tôi, tôi cảm thấy lo ngại nhưng quyết tâm mình sẽ làm tốt.
Tuy nhiên tính tôi hay quên, và về sổ sách ghi chú thì cực tệ. Tôi lại chủ quan với suy nghĩ: “Không sao, mình sẽ nhớ thôi” nên có những lúc thu, chi đột xuất tôi quên ghi lại. Cuối tháng tổng kết, quỹ bị thâm hụt. Tôi sợ hãi hết sức và giấu thầy, tôi tự xin tiền nhà bù vào. Tháng thứ nhất như vậy, tôi tự nhủ tháng sau sẽ cẩn thận hơn.
Nhưng rồi như tính cách vô lo vô nghĩ, không xem trọng công việc, tôi ngày càng sai. Ngày này qua tháng nọ, thời gian trôi tỉ lệ thuận với số tiền âm. Tôi như mắc phải mớ bong bóng không thể nào thoát ra được. Năm đó tôi lớp 9. Tôi sợ hãi không dám nói với ai, kể cả ba mẹ. Lớp cứ thắc mắc sao dạo này không thấy lớp trưởng dẫn lớp đi ăn chè gì cả. Tôi chỉ im lặng. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt thầy. Thầy cũng chỉ im lặng.
Một thời gian, tôi cố gắng bù vào khoản tiền đó và tình hình tạm ổn. Mẹ tôi cũng đã biết chuyện nhưng vì thương con mẹ không nói với ba mà giúp tôi bù vào bằng tiền của mẹ. Sau đợt đó tình hình tạm ổn, bất chợt thầy yêu cầu tôi hằng tháng cần báo cáo quỹ trước lớp. Tôi xấu hổ, cảm thấy như thầy đang nhìn thấu tâm can tôi.
Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, tôi lại không giữ được món tiền đó lần thứ hai. Lúc đó tôi thật sự nghĩ rằng mình không quản lý được tiền, mình thực vô dụng. Tôi quyết định xin nghỉ, với suy nghĩ ngây thơ rằng thầy sẽ không yêu cầu tôi phải trả món tiền quỹ còn lại. Nhưng minh bạch thì phải thế, thầy yêu cầu tôi trả lại món tiền hiện giờ tôi đang giữ. Nhưng hỡi ôi giờ tôi làm gì còn tiền. Tôi trốn thầy, tránh mặt thầy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng không muốn bị xấu hổ, bị kết tội, rằng sau này lớn lên tôi sẽ đi làm trả lại thầy.
Hai tháng trôi qua, hai tháng dằn vặt và xấu hổ, tôi nhớ thầy vô cùng, tôi muốn được thầy giảng dạy biết bao. Và tôi cũng biết nếu tôi không đưa tiền thì các bạn tôi, các cô và tất cả mọi người sẽ biết tôi đã xấu xa thế nào. Tôi cảm thấy như một sự sụp đổ, chắc sẽ không ai còn muốn chơi với tôi, không thầy cô nào còn thương tôi, tôi sẽ không bao giờ trở về đây được nữa.
Tôi nghĩ rất nhiều và rồi tôi quyết định đến thú tội với thầy. Tôi hồi hộp, sợ hãi, nghĩ đến mọi thứ xấu xa nhất… còn thầy thì ngược lại, rất vui khi gặp tôi. Thầy cố tình nói chuyện thật vui, tôi cảm thấy thế và bớt đi nỗi sợ. Tôi không muốn che giấu nữa, tôi khóc òa trong xấu hổ. Thầy hỏi tại sao tôi lại khóc. Tôi đã kể sự thật với thầy tất cả, về những lỗi lầm, về những nỗi sợ,…
Ôi, thầy ơi, thầy đã bao dung biết bao. Thầy vỗ về tôi và cho tôi hay thầy đã giải quyết mọi chuyện từ lâu rồi. Không ai biết tôi đã từng sai lầm như thế, không ai ghét tôi, không ai thành kiến với tôi. Tôi vẫn là lớp trưởng lớp múa đáng yêu trong mắt thầy cô và bạn bè như ngày nào, và tôi hoàn toàn có thể trở lại đây nếu tôi muốn.
Tôi chết lặng, không thể ngờ mọi chuyện lại có thể tốt đẹp như thế. Tôi không biết nói gì, giờ đây tôi ước tôi có thể nói lời cảm ơn thầy hàng ngàn lần lúc ấy. Nhưng tôi đã không nói. Thầy nói trong đời người ai cũng có sai lầm. Quan trọng là người đó đã nhận ra sai lầm và sửa chữa.
Tôi nhớ mãi câu nói của thầy ngày ấy: “Thầy cho học trò cả cuộc đời, không lẽ không cho được món tiền nhỏ ấy sao?”. Nhưng thầy ơi, thầy biết không, đó không chỉ là món tiền nhỏ, mà còn là cơ hội, là tương lai cho em bước tiếp vào đời.
Vì thầy, em sẽ không bao giờ phạm vào sai lầm này một lần nữa. Em sẽ không đền đáp thầy bằng một món tiền, mà em đền đáp bằng những thành công, bằng một con người tốt của xã hội, thầy mong thế đúng không thầy?
Gần bảy năm trôi qua, em chưa một lần về thăm thầy. Ngày ấy, em quá ngây ngô không biết đến cả số điện thoại hay nhà của thầy, rồi guồng quay học tập và cuộc sống làm em gần như lãng quên người thầy của em. Thầy ơi, thầy đã cho em một con đường, lẽ nào em không đi tốt sao?
Tiếng còi xe vang lên báo hiệu xe đã sửa xong, nhưng tôi không trở lại xe nữa, tôi quyết định bước vào nơi xưa để tìm lại thầy tôi và nói lời cảm ơn chân thành nhất.