Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Người Hà Nội chỉ hơn dân tỉnh lẻ cái hộ khẩu

Lời thề ế vợ cũng không lấy gái tỉnh lẻ hay thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ, chê vợ nhà quê không thèm ăn thứ mẹ vợ nấu của anh Hoàng Mạnh Hùng, chị Võ Hảo, anh Mạnh Tú kèm theo vô số những thói xấu của người nhà quê được kể ra đang làm độc giả 'dậy sóng'. Theo đó xuất hiện hai luồng ý kiến: người thì hoàn toàn ủng hộ, nhưng cũng có những người thẳng thắn chê bai, cho đó là cách nhìn ích kỷ, thiển cận.

Người tỉnh lẻ hay lợi dụng, ý thức kém

Tỏ ra thông cảm với những phiền hà mà anh Ngọc Tú gặp phải khi lấy vợ tỉnh lẻ, độc giả người Hà Nội tên Ngọc Nhi chia sẻ: bản thân tôi là con gái Hà Nội, lấy chồng Hà Nội nhưng anh em chồng đều lấy vợ quê,  chỉ là quan hệ chị em dâu mà tôi cũng không thể chịu nổi.    

Nói ra thì bảo phân biệt quê với tỉnh nhưng thực sự không thể không phân biệt được. Chúng ta sinh ra và lớn lên ở đâu thì quen với nếp sống và môi trường sinh hoạt ở đó rồi khó mà thay đổi thích nghi với môi trường khác được.Tôi không có ý coi thường những bạn có nguồn gốc nông thôn. Nhưng thử suy nghĩ kỹ xem có thấy các bạn khác chúng tôi nhiều lắm không?

Độc giả Ngọc Nhi 'kết tội': "Tất cả mọi vấn đề từ tắc đường, ý thức, văn hóa... đều do các bạn mang từ nông thôn lên hết đấy. Nếu không có người ở nông thôn lên Hà Nội sẽ chẳng bao giờ tắc đường. Không có phụ nữ ăn mặc quá hở hang ra đường (đây là cách bắt chước người thành phố nhưng lại quá lố bịch), không có người tiểu tiện ngoài đường... các bạn có biết chính các bạn là nhân tố quan trọng đang làm xấu đi Hà Nội".
"Người nhà quê hay thích lợi dụng lắm, ý thức thì vô cùng kém" (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Lan cũng cho rằng nếu có kiếp sau cũng không bao giờ lấy người tỉnh lẻ: "Nói thật với các bạn, người nhà quê hay thích lợi dụng lắm, ý thức thì vô cùng kém, mỗi lần người nhà chồng mình lên chơi thì ôi thôi nhà cửa bừa bộn, nhà vệ sinh thì lúc nào cũng ngập nước trong khi mình đã dặn bao nhiều lần là vào nhà vệ sinh không được để nước bắn ra sàn....!

Rồi thích đi thăm thú chỗ nọ kia, rồi nhìn thấy cái gì cũng xin, vay mượn...! Các bạn xem các bạn có lòng tự trọng không?"

Nhiều độc giả nhặt ra hàng loạt thói xấu của người tỉnh lẻ ủng hộ ý kiến của anh Hoàng Mạnh Hùng, Mạnh Tú, chị Võ Hảo.
Theo đó, anh Bùi Quý Nhạn nhận xét rất sợ người ở quê vì hay nhờ vả không ngại ngùng.
Độc giả có nick name Meo cho biết, ở nhà cũng có một người em dâu là người tỉnh lẻ. "Em trai tôi ngoài việc gặp phải những vấn đề phiền toái giống anh bạn anh ra thì toàn thể nhà tôi đều khủng hoảng từ khi một dân tỉnh lẻ bước vô nhà. Thế nên một đứa em trai còn lại của gia đình tôi nó cũng sợ chết khiếp gái tỉnh lẻ như anh, và nó tuyên bố thà ế chứ nó cũng không dám với tới gái tỉnh lẻ".
Hoàn toàn ủng hộ việc nhất quyết không lấy người ở quê, bạn Lê Minh phân tích: "Gia đình nhà tôi cũng phải chịu đựng chuyện này nên rất hiểu những nỗi khổ mà người nào ở trong hoàn cảnh này phải chịu. Chị gái tôi lấy chồng ở Phú Xuyên, nay gọi là Hà Nội mới đấy.
Nhưng thực chất thì vẫn là nhà quê. Điều quan trọng nhất chính là ở nếp sống, cách sinh hoạt khác nhau nhiều. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, nhưng cách sống của người ở quê khác biệt với ở thành phố nên sẽ nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, khó chịu với nhau.
Người nhà của ông anh rể cứ thản nhiên lên Hà Nội ở nhờ để ôn thi đại học mà không hề nói gì với chị gái tôi, chỉ thì thụt với ông anh rể và họ luôn có thái độ rất thiếu sự đàng hoàng.

Lại thêm sự vô ý trong sinh hoạt nữa mới khổ, đồ của người khác cứ điềm nhiên lấy dùng không hỏi han, nếu mình tỏ thái độ khó chịu thì lập tức sẽ bị liệt vào tội ích kỷ, ghê gớm. Giường của vợ chồng thì cứ điềm nhiên ngồi lên mà không thấy vô ý, ở nhà người khác mà không ý tứ gì, cứ như ở nhà mình, nói to, bật ti vi cứ như ở ngoài sân hợp tác xã vậy.

Cách ăn uống, sinh hoạt khác nên dẫn đến những mâu thuẫn chồng chất và thật sự là rất khó hòa hợp giữa người thành phố và nông thôn, sống với nhau rất khó chịu. Cả nhà tôi phải chịu đựng ông anh rể này vì những sinh hoạt khác với nếp sinh hoạt của gia đình và may mắn là cuối cùng chị gái tôi đã quyết định ly dị, chấm dứt sự chịu đựng lẫn nhau và trả lại sự yên bình cho cả gia đình.
Tóm lại người thành phố nên tìm người thành phố để lấy nhau vì sẽ dễ đồng điệu với nhau hơn trong cách sống chứ không phải là sự giàu nghèo.

Tôi đồng ý với quan điểm của bạn. Người ngoại tỉnh lên Hà Nội sinh sống, sự chăm chỉ, cầu tiến của họ có thể hơn người Hà Nội nhưng suy nghĩ của họ vẫn mang tính tư hữu kiểu ở quê, bon chen riêng mình những thứ không đáng. Suy cho cùng cũng vì cố bám trụ lại đây, phải cố cho bằng người Hà Nội nên họ trở thành như vậy. Còn đâu những anh trai làng, cô gái thôn quê thật thà chất phác ...

Độc giả Phi Long kết luận, cần phải nhận rộng những điển hình và tư tưởng không lấy người tỉnh lẻ bởi "Đây là cuộc sống của mình, quan điểm của mình. Mình không thích thì bảo là không thích, mình ghét sự phiền phức thì nói là ghét sự phiền phức".
Người Hà Nội chỉ hơn dân tỉnh lẻ cái "hộ khẩu Hà Nội"
Trong khi đó, đông đảo độc giả cho rằng những suy nghĩ như của anh Hùng, anh Tú, chị Hảo vừa ích kỷ, vừa thiển cận, thậm chí có độc giả cảm thấy như "tát nước vào mặt". Nhiều người chỉ trích các nhân vật trên phân biệt vùng miền và có phát ngôn thiếu suy nghĩ. Họ cảm thấy may mắn cho cô gái tỉnh lẻ không phải lấy một người chồng như vậy.

Bạn Mai Trang nhận xét: "Đầu óc bạn thật là thiển cận. Suy nghĩ, cái nhìn trong mắt người Hà Nội như bạn chắc chỉ nghĩ được rằng: quê đồng nghĩa với con trâu, cái cày, toàn bọn quê mùa thích nhờ vả, ăn bám à?"

Một độc giả khác có nickname là Jet cho biết, sau khi đọc tâm sự của anh Hùng cảm thấy như tát nước vào mặt bởi 'mình cũng biết là người Hà Hội không ưa gì những người nhà quê, nhưng không ngờ quan điểm của tác giả lại gay gắt và phân biệt như vậy".
Độc giả Trang An lại thấy rất nực cười sau khi đọc chia sẻ của "người Hà Nội": "Bạn tự tin về mình quá, bạn đã hoàn hảo chưa mà chê này chê nọ. Chẳng qua bạn hơn người khác chỉ 01 cái hộ khẩu Hà Nội thôi. Chưa chắc gì con gái tỉnh lẻ đã yêu bạn đâu, ai cũng có tự trọng cho mình hết. Bạn cứ lấy gái Hà Nội đi, đợi xem bạn sẽ cung phụng cho người vợ Hà Nội gốc như bạn thế nào.
Người có ăn có học, công việc đàng hoàng tốt đẹp mà không có 01 cái tâm thì cũng là thứ người bỏ đi mà thôi".

Nhận xét đây là một cái nhìn phiến diện, bạn đọc tên Long cho rằng "đó chỉ là ý kiến phiến diện của bạn về người tỉnh lẻ mà thôi, đâu phải cứ ở tỉnh lẻ là như vậy cả. Nói thật chứ ở tỉnh lẻ còn nhiều người có mức sống cao hơn, có kiến thức hơn bạn hiện giờ lắm. Hơn nữa ở đâu cũng vậy thôi, những mặt trái ở thủ đô có lẽ bạn không bao giờ nhìn thấy ".

"Tôi thấy cách nói của anh quá cực đoan, thể hiện cái nhìn nông cạn về sự phân biệt giữa Hà Nội và tỉnh lẻ.

Nó chỉ là sự trá ngụy cho bản tính lười biếng và ích kỉ của đàn ông các anh. Yêu mà lại không dám chấp nhận, yêu mà sợ hi sinh, yêu mà phải toan tính. Nếu có điều gì quá sức, sao các anh không dám thẳng thắn với vợ", độc giả Thu Huyền viết.

Cô bức xúc" 'Tôi nghĩ thế này, thứ nhất, chính bản thân các anh có phải Hà Nội gốc không hay là có được cái nhà thì sinh ra kênh kiệu, thứ hai, dân tỉnh lẻ không phải ai cũng một vốc họ hàng, tôn ti. Mà quan trọng hơn, tỉnh lẻ nhưng cũng đầy lòng tự trọng.

Tôi tin, nếu vợ, người yêu các anh đọc được những dòng này, suy nghĩ này, họ mới là người không thèm đếm xỉa đến các anh. Mà cũng không hiếm trai tỉnh lẻ giỏi gấp nghìn lần, nghị lực gấp nghìn lần các anh. Mang tiếng trai Hà Nội mà toan tính vặt vãnh, sợ trách nhiệm vậy, có đáng mặt đàn ông không?".

Một nữ độc giả khác cảm ơn anh Hùng, anh Tú: "Mình là một cô gái tỉnh lẻ 100%, 7 năm trước mình thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trong tay, có một công việcc ổn định thu nhập tương đối, cũng có anh chàng Hà Nội muốn lấy mình. Cám ơn tác giả đã giúp mình đưa ra được quyết định sáng suốt, mình sẽ tìm một anh chàng cũng nhà quê như mình, chăm chỉ, hiền lành, có chí tiến thủ".
  • Minh Đức

Trai quê nên bớt tự ái để có nhà Hà Nội đẹp

Cả ngày hôm nay, sau khi xuất hiện công khai trên báo để phản hồi bài viết Tôi, gái Hà Nội thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ, vợ chồng tôi đã chat tâm sự trong không khí ngại ngùng. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định phải nói thêm để những người ném đá tôi biết thân biết phận một chút với địa vị của mình.

 Khi thấy tôi không hề tức giận mà gửi lời xin lỗi tới cho cô ấy, các bạn đều cho rằng tôi là một người đàn ông hèn nhát, chó chui gầm chạn… nhưng các bạn không hề biết rằng tôi đang bảo vệ gia đình của mình.

Lúc tôi gửi những chia sẻ của mình lên đây, tôi biết có thể tôi sẽ bị chính những người “ném đá” vợ mình chửi lại mình. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cho rằng mình chỉ cần thật lòng với những gì mình nghĩ và đúng bản chất con người thì không có gì là xấu hổ.

Các bạn nhất là những người ở tỉnh lẻ lên Hà Nội, khi bị động chạm vào lòng tự ái đều nhảy dựng lên thay vì biết chấp nhận thân phận của mình.
Tôi nghĩ đó chính là bản chất sĩ diện rất nông dân mà các bạn đang cố diễn nó và chính bạn đã trở thành diễn viên hoàn hảo hoặc rất vụng về.
Anh Trần Mạnh Quý về quê thăm song thân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Trần Mạnh Quý về quê thăm song thân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hầu hết mọi người đều không thừa nhận rằng người nhà mình nhếch nhác thật. Nếu nhìn thẳng vào quan điểm đó, tôi nghĩ các bạn sẽ không quay sang miệt thị tôi nhiều như vậy.

Thân gửi tới tất cả những bạn đã quan tâm tới những lời chia sẻ của vợ chồng tôi lời cảm ơn. Nhưng các bạn cũng nên biết rằng các bạn cũng đang sĩ diện quá lớn và vì cái sĩ diện đó các bạn đang làm cho khoảng cách người tỉnh lẻ với người thành phố ngày một xa hơn.

Vì sao người tỉnh lẻ chúng ta không thừa nhận rằng hầu hết chúng ta nghèo và đôi khi hèn. Ngoài ra, người tỉnh lẻ đều là những người hám lợi. Những người ném đá đang cố ép mình coi mình là người tự trọng, người không vụ lợi.
Tôi dám chắc rằng lòng tham của con người là vô đáy và ai cũng muốn mình có được cơ hội thăng tiến cũng như có một cơ hội được trở thành người thành phố thực sự.
Tôi thừa nhận mình là kẻ chui gầm chạn. Nhưng chui gầm chạn thì đã sao. Cuộc sống của những người nghèo quanh năm phải đi thuê nhà còn khổ bằng mấy cuộc sống của người có nhà Hà Nội rồi.
Cùng trang lứa với tôi còn rất nhiều người đến giờ vẫn còn nay chuyển nhà trọ, mai chuyển chỗ làm. Khi ấy họ mới thấy bất tiện, mới kẻ hèn. Những người đàn ông hèn mới phải để vợ ở nhà trọ ngay cả khi sắp sinh nở.

Có nhiều thằng đàn ông nghèo ở tỉnh lên cũng giống như tôi. Họ cũng mơ có một chỗ đứng ở thành phố. Thành phố đông đúc thế liệu có chỗ đứng cho chúng ta không?

Nếu đổi lại một chút tự ái, một chút sĩ diện mà chúng ta có tất cả thì chúng ta cũng chẳng vấn đề gì. Có bạn nói tôi rằng tôi là một thằng đàn ông để cho vợ mình tát mặt. Nhưng bạn ạ, vợ mình tát mặt còn hơn để thiên hạ họ chê cười sự nghèo rồi sinh ra ti tiện.

Ở nhà, tôi luôn là người đàn ông của gia đình, tôi muốn vợ con mình thực sự thoải mái và giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình. Vì chút sĩ diện của đàn ông hay của người tỉnh lẻ mà gia đình ly tán thì các bạn nghĩ có nên không?

Bố vợ tôi chưa bao giờ coi tôi là con rể cả. Lúc nào ông cũng nâng đỡ cho tôi. Ông coi tôi như con trai, cho tôi nhiều tiền của. Như thế, tôi cũng cần có những hành động để đền đáp công ơn của ông chứ. Không lẽ, chỉ vì tự ái vặt khi bị vợ chê quê hương mà tôi quay sang chì chiết vợ.
Trong khi đó những gì vợ tôi nói rất đúng với quê hương và gia đình của tôi. Ai bảo tôi qụy lụy vợ mà quên mất cội nguồn thì kệ họ. Tôi cứ sống đúng với bản chất của mình thôi.
  • Trần Mạnh Quý (Thanh Xuân, Hà Nội)

Về quê chồng, tôi không dám đi vệ sinh

Nói đến chuyện ăn uống, tôi tác giả của bài viết “Tôi, gái Hà Nội thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ” đưa thêm một vài dẫn chứng lý giải vì sao người thành phố không nên về quê lấy vợ, lấy chồng.

Đọc comment của các bạn, tôi không thấy tự ái gì cả. Nào là các bạn bảo tôi là đầu đất, đầu bùn hay bôi xấu hình ảnh con gái Hà Nội nhưng tôi thấy các bạn đang cố tỏ ra mình không phải là người ích kỷ khi không rơi vào hoàn cảnh giống người khác.

Nếu ở những hoàn cảnh như của tôi hay của anh Tú chắc các bạn cũng búc xúc chẳng kém gì chúng tôi đâu. Các bạn có biết là “ném đá” chúng tôi, bệnh vực người nhà quê đã chứng tỏ các bạn chỉ là những con người sống giả tạo thôi hoặc vì lòng tự ái nhà quê nên các bạn mới có thái độ bật như thế.

Động chạm tới những điều xấu của người nhà quê các bạn cứ nhảy lên là điều đường nhiên. Nhưng chẳng ai dám không thừa nhận bản chất của họ là như vậy và chính các bạn “ném đá” chúng tôi cũng là cách tự ái rất nông dân mà các bạn không nhận ra.

Hôm nay thấy anh Tú lên tiếng về sự bất tiện của việc lấy vợ quê cũng như những phiền hà họ mang lại, tôi thấy mình được tiếp thêm sức lực để chiến đấu tới cùng quan điểm người thành phố không nên kết duyên với người tỉnh lẻ. Các cụ đã dạy nồi nào úp vung nấy cấm sai tý gì đâu các bạn.
Cứ nghĩ đến về quê chồng là tôi thấy ngán ngẩm. Ảnh minh họa
Cứ nghĩ đến về quê chồng là tôi thấy ngán ngẩm. Ảnh minh họa
Anh Tú đã thành thật lòng mình chia sẻ về những món ăn ở quên bẩn và không hợp vệ sinh, điều này rất chuẩn. Việc ô nhiễm môi trường ở quê chẳng kém gì thành phố đâu. Tôi còn thấy ở quê bẩn và nhếch nhác hơn thôi.

Ngày lễ tết tôi ngại nhất là phải về quê chồng. Tôi mà chứng kiến cảnh họ nấu ăn thì sẽ chẳng muốn ăn. Ai đời, nhà bếp người ở quê xây sát với nhà lợn, nấu ăn bằng thân của cây lúa mà người ta hay gọi là rạ với rơm. Nước nấu uống lúc nào cũng hơi mùi khói. Nấu cơm hay thức ăn pha lẫn tro bếp.

Đúng là cơm nhà quê chẳng khác gì cơm bụi thế cho nên người ta mới gọi cơm bình dân ở Hà Nội là cơm bụi. Nước giếng thì vàng ngàu mà người ta vẫn dùng để sinh hoạt. Tôi dùng cái nước đó đánh răng còn kinh. Lần nào về quê tôi cũng mang theo cả két nước lọc để uống và đánh răng cho đỡ sợ chứ đánh bằng cái nước kia vừa tanh hôi chắc tôi muốn nôn ra hết.

Mỗi lần có công việc gì thì họ không ngần ngại cho đôi bàn tay với bộ móng đen xì vào bóp thức ăn. Thậm chí họ vừa đi làm ở đồng về chỉ rửa qua nước đã lao vào làm thức ăn. Như thế, ai dám ăn?

Chưa hết, mỗi có công việc gì thì người ta đặt mâm cơm xuống ngay cái sân bẩn nhiều người đi qua, đi lại ướt nhèm. Nhìn cái cảnh vừa sắp cơm vừa bốc bả như kiểu đói ăn của họ là tôi thấy ghê người.

Ruồi nhặng thì ở quê như kiểu là nơi nuôi ruồi. Ngồi chơi không ruồi còn chao trước mặt huống chi là khi có nấu nướng gì. Những con ruồi đậu trên mâm cơm nguôi ngơ, nguội ngắt. Một lúc sau, mâm cơm đó lại được hạ xuống để mọi người cùng chụm đầu nhau vào ăn. Một cảnh tượng chỉ có ở nhà quê thôi. Ở phố chẳng ai dám ăn kiểu đó.

Lấy chồng ở quê 10 năm, mỗi năm ép buộc lắm tôi cũng chỉ về nhà chồng 1 đến 2 ngày. Những ngày ở nhà chồng thì tôi không dám đi đại tiện vì sợ cái nhà vệ sinh kiểu “cầu tõm” như người ta vẫn nói. Thậm chí, giấy vệ sinh cũng chẳng có. Tôi biết ở một vài nơi người ta đã sử dụng nhà vệ sinh tự tiêu nhưng có cố hiện đại thì nó vẫn bẩn.

Nhà mẹ chồng tôi nhà vệ sinh dành cho đại tiện sát nhà nuôi lợn, sau đó cách một cánh cửa bằng tre là đến chỗ nấu ăn. Nhà tắm thì trống trơ, trống trải. Mỗi khi tắm tôi đều phải cho người ra coi.
Khi các cụ hay chị em nhà chồng có lên thăm con, thăm cháu họ lại mang cái tác phong sinh hoạt ở quê lên thành phố khiến nhà tôi rất là bẩn.
Với những lý do vừa bổ sung ở như trên, tôi mong rằng ngày càng có nhiều bạn ủng hộ và thông cảm cho nỗi khổ của chúng tôi. Người thành phố không ích kỷ mà chúng tôi sống thật với mình hơn. Thay vì khó chịu, các bạn hãy chia sẻ thành thật những bất tiện mà chúng ta đang gặp phải khi kết duyên với người nhà quê.
  • Võ Hảo

Lấy vợ nhà quê, tôi không thèm ăn thứ mẹ vợ nấu

Tôi cũng thấy sợ vợ là gái tỉnh lẻ rồi đây, nếu cho tôi chọn nữa tôi không bao giờ lấy con gái tỉnh lẻ. Lấy gái Hà Nội xấu tý nhưng còn đỡ phiền toái hơn lấy gái quê.

Tôi đảm bảo người ném đá chị Võ Hảo hay anh Hoàng Mạnh Hùng trong 2 bài tâm sự rất thật Ế vợ tôi cũng không lấy con gái tỉnh lẻ  Tôi, gái Hà Nội thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ chỉ là những kẻ tự ái vặt và không ở trong hoàn cảnh của chúng tôi.
Tôi cũng là một chàng trai phố nhiều đời, bố mẹ tôi đều sống ở thành phố Hải Dương sau đó năm 1960 các cụ lên Hà Nội ở. Cả họ đều chuyển lên phố nên tôi coi như không biết gì về quê nữa.

32 tuổi, tôi được dì tôi làm mai cho một cô sinh viên mới ra trường. Cô ấy xinh xắn, da trắng, tóc dài đậm chất thôn nữ. Ban đầu tôi không có cảm tình lắm vì nhìn có xinh nhưng quê đến vài cục chứ không còn 1 cục như các cụ nói.

Nhưng bố mẹ tôi thì thích cô ấy vì thùy mị, nết na. Vậy là tôi chiều lòng ông bà từ Hà Nội về Quỳnh Phụ, Thái Bình để cưới vợ. 6 năm lấy vợ quê mà tôi cứ ngỡ là đã 20 năm rồi. Với tôi mọi thứ đều bất tiện và thấy phiền hà lắm.
Về quê vợ tôi chỉ thấy chỗ nào cũng bẩn và hôi thối.
Về quê vợ tôi chỉ thấy chỗ nào cũng bẩn và hôi thối.
Mỗi lần về quê vợ, tôi cảm thấy như bị tra tấn và không muốn về. Vợ tôi biết chồng ghét quê nên không ép tôi nhưng bố mẹ tôi thì lại muốn con rể quan tâm tới gia đình nhà vợ nhiều hơn nên tôi đành nghe lời các cụ thi thoảng cũng phải về thăm.

Tôi vốn sống ở thành phố từ bé, chưa bao giờ về quê. Nếu có đi công tác thì cũng chỉ về đến các thành phố thị xã. Lần đầu về vùng nông thôn, tôi đã thấy chán ngấy. Đường đất thì xóc, phân trâu, phân bò và cái mùi hôi thối từ chăn nuôi thải ra thì khỏi phải nói.

Mang tiếng về nông thôn mà không khí chẳng trong lành tý nào cả. Tôi chỉ thấy mùi hôi từ các cống nước. Cái mùi hôi đặc trưng của ngành chăn nuôi.
Về nhà vợ thì sân rộng đấy nhưng phân gà, phân vịt thì bừa phứa. Mỗi khi bước chân tôi phải khéo léo lách nhẹ không dẫm chân vào ngay.

Có lẽ, cái tôi kinh nhất ở quê là các món ăn. Ngày giỗ hay có đám cưới tôi hầu như không dám ăn, uống.
Thậm chí tôi đều mang bánh mì từ Hà Nội về hoặc vợ tôi biết ý mang theo ít đồ ăn về. Nếu không mang về thì cô ấy phải trực tiếp đi nấu ăn tôi mới dám ăn.

Những cái cảnh người ngồi ăn, gà vịt vây quanh là bình thường. Những lúc đó, tôi chẳng nuốt nổi.

Các món ăn quê vợ, tôi sợ nhất là nấu chưa bao giờ chín kỹ. Gà luộc vẫn còn đỏ, mọi người ăn khen ngọt và ngon.
Rau luộc hay món canh nào nhìn tinh vẫn thấy côn trùng dính vào lá rau. Vì lý do ăn uống khiến tôi ghê ghê khi về quê vợ và thấy thật sự bất tiện.
Cũng giống nhiều gia đình khác, người nhà của vợcũng thường xuyên lên nhờ vả gia đình tôi từ chuyện xin việc cho đến chuyện ăn nhờ, ở đậu vài hôm. Bố mẹ tôi thì dễ tính không nói nhưng tôi thấy phiền hà cho cả gia đình quá. Các cụ đã về hưu còn phải đèo bòng cho nhà con dâu nữa sao.

Mẹ vợ tôi lên Hà Nội thăm con cháu có nấu cơm tôi cũng không nuốt nổi. Hôm thì bà nấu mặn, hôm thì bà nấu nhạt thậm chí bà xào thịt bò cho nó dai quách ra. Từ món bắp bò bà biến thành món thịt trâu già.

Mẹ vợ tôi lau nhà, tôi đều bắt vợ lau lại vì vẫn còn vết ố bẩn. Nước mắm ăn thừa bà cũng giữ lại để nhà hôi nực lên. Nói chung tôi thấy ở nhà quê ai cũng thế. Họ tằn tiện quen rồi nên làm gì cũng bẩn cả.

Còn một lý do tôi ghét nhất khi lấy vợ tỉnh lẻ đó là người làng vợ ăn trầu. Khỏi phải nói, ăn trầu bẩn kinh khủng và các cụ cứ vô tư nhổ nước, nhè bã ra khắp nơi. Tôi nhìn thấy khỏi muốn ăn gì luôn.

Còn nhiều lý do tôi không nói ra hết được nhưng tôi khuyên nếu là đàn ông Hà Nội chẳng dại gì mà lấy vợ nhà quê. Khi yêu thì cảm thấy thế thôi chứ ở với nhau tôi mới thấy sự khác biệt giữa nông thôn và thành phố.
Vợ tôi cũng xinh nhưng cái nét quê quê của cô ấy thì không thể thay đổi. Những lúc thế này, tôi nghĩ lấy người thành phố xấu tý còn hơn.
 
  • Mạnh Tú (Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội)

Tâm sự người tỉnh lẻ 16

Mày lên thành phố thì ráng kiếm đứa nào nhà thành phố mà quen, xấu một chút thì hãy bằng lòng hy sinh đời bố, củng cố đời con.

Thànhnkn
Tôi bước ngang đời bên kia bến mới
Với ngổn ngang phiền muộn lẫn âu lo
Kiếp con người cùng sinh từ đất mẹ
Hà cớ gì phân biệt chốn chôn rau
Bởi vì đâu nên thành cớ sự
Chắc vì mưu sinh lặn lội chốn đông người
Ai lỡ cười thì đừng chê ngay vội
Mà bỏ quên cốt cách nơi tâm hồn.
Tôi lớn lên nơi mảnh đất được tiếng là dân Hải Phòng, đi đâu cũng đều bị người ta dị nghị. Có thể vì hung hăng, có khi tại bản lĩnh yêng hùng... Ai cũng hiểu ở đâu thì đều có người này người kia nhưng quả thật vì cái danh mà lắm người sĩ diện lại tỏ ra mình nguy hiểm mà làm liên lụy tới cả một vùng. Mang cái danh ấy rong ruổi từ Sài Gòn, miền Tây qua tới miền Trung đến tận đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và rồi giờ là Hà Nội. Ban đầu khi tiếp xúc, ai nấy cũng đều tỏ vẻ dè chừng, phân biệt. Thế đấy, tôi được cái danh mà mang vạ vào thân.
Cũng may, trải qua thời gian gần gũi, người ngoài mới hiểu được cốt cách cá nhân cái gã tỉnh lẻ như mình: "Cái thằng đến lạ, cứ rong ruổi suốt, không biết khi nào mới dừng lại. Với cái bản tính không chịu trời, không chịu đất mà cũng chẳng chịu người như nó thì như vậy cũng không có gì là khó hiểu. Cái dáng dong dỏng cao, gầy, thêm đôi kính cận, bề ngoài như thằng lãng đãng. Chỉ có điều đã gần thì mến ngay: chơi đẹp - bụng nó không xấu".
Và từ đây, quãng đường gã tỉnh lẻ rong ruổi lên thành phố mưu sinh có nhiều chuyện muốn chia sẻ mà tâm sự đôi điều. Cất bước ra đi, mọi người rỉ tai: "Mày lên thành phố thì ráng kiếm đứa nào ngoan ngoãn, nhà thành phố mà quen, có xấu một chút nhưng hãy bằng lòng hy sinh đời bố, củng cố đời con, chuột nên sa vào chĩnh gạo?". Tôi cười mà gật gù cho qua chuyện.
Bắt đầu bằng chữ "duyên" - chuyện tình với người con gái thành thị, các bậc phụ huynh vẫn thường nghi kỵ dân tỉnh lẻ lên thành phố quen con gái người ta chắc nịch là âm mưu toan tính gì đây: "Có khi họ muốn hộ khẩu, lân la làm quen mà chăm chăm nhìn vào cơ ngơi và túi tiền của mình để hòng chiếm đoạt chứ chẳng tha thiết gì?".
Có thể lắm kẻ như vậy nhưng tỉnh lẻ như tôi nghĩ khác: "Không nên nhìn vào túi tiền của ai đó mà quên mất tâm hồn và giá trị nơi tấm lòng. Có thể bạn sẽ trở nên phụ thuộc và bỗng dưng hèn kém". Và tôi chẳng bao giờ mơ tưởng những thứ không phải là của mình mà chỉ đơn giản bởi chữ "yêu" và chữ "tình".
Lên thành phố một thời gian, hóa ra người thành phố cũng có vài chuyện để bàn: Người thành phố xem nhẹ người tỉnh vì cho rằng họ sống quá bon chen. Người thành phố phân biệt đẳng cấp với nhau bằng nhà nọ, xe kia, bằng cách tiêu tiền mà ông bà để lại rồi cứ ngầm hiểu biển số 32 lớn hơn 16... Bởi vậy cho nên một số người thành thị kiêu ngạo cho mình cái quyền đi xe không mũ bảo hiểm, thích vượt là vượt, muốn rẽ ngang rẽ dọc tùy tiện mà chẳng cần xi nhan.
Thỉnh thoảng người tỉnh lẻ lang thang đi ăn uống, la cà quán sá... như lạc vào cõi khác, cõi dành riêng cho người sở hữu. Khẩu hiệu khách hàng là thượng đế dường như là thứ gì đó quá xa xỉ. Người thành phố có "phở chửi", cafe "phịch" (phịch có nghĩa là cách họ phục vụ bưng bê đặt trước mặt khách hàng kèm theo âm thanh "phịch"), xôi "xéo", quán "tự xử" (không có WC khách ra đường mà tự sướng), bệnh viện "nhăn nhó", giáo dục mắc bệnh thành tích... Người tỉnh lẻ thiết nghĩ dịch vụ của người thành phố có gì đó gắt gỏng, không giống như quê mình: chan hòa, ân cần và trìu mến đến thân thương.
Người thành thị "nhà mặt phố, bố làm quan to", nhờ có hộ khẩu có nhà, đất để cắm dùi nên không lo chuyện cạp đất mà ăn. Người tỉnh lẻ nhà chẳng mặt đường, bố mẹ lam lũ, chỉ là thường dân. Người tỉnh lẻ gắn liền với tháng năm ở trọ nơi xứ người, họ vất vả kiếm sống bằng sức lao động của mình và cuối tháng bớt ăn, nhịn tiêu, nộp tiền nhà cắt cổ cho ông chủ bụng bự, bà chủ lắm điều. Như vậy người thành phố đã giàu càng giàu thêm.
Người tỉnh lẻ sinh sống bằng đủ mọi nghề: đi làm tiếp thị, phụ hồ, nhân viên quèn, không có địa vị trong xã hội vì chẳng quen biết ông to bà lớn nào để xin xỏ hay lót tay... Thậm chí, người tỉnh lẻ còn buộc phải làm cái nghề bị xã hội coi rẻ: nghề làm gái. Xin thưa họ cũng phải bỏ sức lao động của mình để phục vụ. Có trách hãy trách những người không biết cách giữ người mình yêu hay do quen phải những người "trần trụi bản năng của tính người" mà thôi vì ở bên kia, người ta vẫn coi đó là một nghề như bao nghề khác.
Rồi nhân cái chuyện làm kinh tế, tôi thấy người tỉnh lẻ kinh doanh cũng không đến nỗi nào bởi vì người tỉnh lẻ sống không dựa dẫm, biết cố gắng, có ý chí vươn lên. Như vậy, tâm tình của người tỉnh lẻ giản đơn thế này: "Đừng nên phân biệt mà nên sống hòa đồng, phải biết vươn lên, miễn sao giữ đúng 'cốt cách' của người tiến bộ lương thiện".

Bị nhà chồng khinh chỉ vì là dân… tỉnh lẻ

Kể từ khi tôi về làm dâu đến nay đã 5 lần mẹ tôi phải lên đây hạ giọng nói chuyện với mẹ chồng tôi với thái độ van xin hãy bỏ quá cho con gái mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc chùm bài viết về Hà Nội tôi lại nhớ đến thân phận làm dâu người Hà Nội của mình, muốn tâm sự với ai đó cho vơi đi những ấm ức, tủi nhục mà 8 năm qua tôi phải chịu đựng cho đến tận bây giờ,…

Tôi là gái Tuyên Quang. Người ta vẫn nói “Chè Thái”- để ám chỉ chè Thái Nguyên thì ngon, còn “Gái Tuyên”- để ám chỉ những cô gái Tuyên Quang xinh đẹp. Cũng chẳng hẳn là như thế, nhưng tôi là một cô gái may mắn được trời phú cho vẻ đẹp dễ nhìn. Vì thế, những năm học đại học tôi được nhiều người để ý, yêu thương. Tôi chẳng phải là một cô gái tham tiền, nhưng trong số những người đó tôi lại yêu một anh người Hà Nội. Trong lúc yêu tôi cũng đã về thăm nhà anh mấy lần, và lần nào tôi cũng cảm nhận được ánh mắt không thiện cảm của gia đình nhà chồng. Từ bố, mẹ chồng đến các em gái, em trai của anh đều làm tôi có cảm giác sợ hãi. Nhưng vì không có gì rõ ràng, mà chỉ là cảm nhận riêng của mình nên tôi chẳng dám tâm sự với anh, sợ anh lại bảo tôi đổi tiếng ác cho gia đình anh.

Nhưng một lần đến nhà anh chơi, hôm đó, mẹ anh sai tôi đi chợ mua thức ăn, vừa đi chợ về đến cửa phòng bếp tôi nghe thấy tiếng rì rầm của mẹ và anh nói với nhau. Mẹ anh bảo rằng, “Con kiếm đứa nào gái Hà Nội mà cưới, sau này nhỡ có khó khăn gì còn nhờ vả được, chứ rước con bé tận Tuyên Quang về để lo cho nó cả đời à”. Tôi đã rất thất vọng vì câu nói này của bà, nhưng vẫn cố gắng bước chân vào để cho người yêu tôi hiểu rằng tôi đã nghe được hết câu chuyện của hai mẹ con anh. Ăn cơm và rửa bát xong đâu đấy, anh đưa tôi về ký túc xá, anh biết tôi đã nghe được câu chuyện giữa anh và mẹ mình nên chủ động nói lời xin lỗi với tôi, anh còn hứa sẽ không có lần sau.

Những lần sau đó, tôi không muốn đến nhà anh, bởi tôi sợ những ánh mắt, lời nói và thái độ thiếu thiện cảm của những người thân trong gia đình anh sẽ làm cho tôi nhụt chí, và không đủ can đảm để đến với anh- người đàn ông mà tôi rất yêu thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rồi chúng tôi cũng cưới nhau sau khi ra trường. Ngày ấy, xin việc rất khó khăn, nên mặc dù học sư phạm văn ra nhưng tôi cũng chẳng xin được việc. Suốt ngày tôi phải quanh quẩn ở nhà với mẹ chồng (lúc ấy bà đã nghỉ hưu) và 2 đứa em chồng một trai, một gái. Tôi ăn không dám ăn, nói không dám nói mà suốt ngày cứ chỉ biết cắm mặt xuống làm hết việc nọ đến việc kia. Từ đi chợ nấu cơm cho cả nhà, đến lau quyét nhà cửa, và giặt giũ quần áo. Mẹ chồng tôi lại tính sạch sẽ, nên nhà cửa, giường tủ lúc nào cũng phải sạch bóng ra, có thể soi gương được thì mới thích. Còn đứa em gái chồng kém tôi 1 tuổi, nhưng cứ mở miệng ra là chửi chị “Đồ nhà quê”; “Sao chị ngu thế…”; “ngữ chị làm ô sin cho nhà tôi còn chưa xứng chứ đừng nói là làm dâu”… Có lần tức quá, tôi định đưa tay lên tát nó một cái thì bà mẹ chồng đã xồng xộc chạy đến chửi tôi “Sao mày dám đánh con bà” rồi về kể hơn kém với chồng tôi,…

Biết ở nhà thêm thì sớm muộn gì cũng xảy ra mâu thuẫn to, nên chồng tôi cố xin cho tôi dạy hợp đồng ở một trường trung học. Vì nhờ vả xin việc nên cũng phải mất ít tiền, nhưng vì hai vợ chồng tôi không có tiền nên phải mượn của bà, nhưng cũng kể từ đó tôi không được biết đến đồng lương tròn méo của chồng và của mình. Cứ gần đến cuối tháng là bà đã hỏi có lương chưa thì trả bà, vì bà sợ chúng tôi vay không có trả, nên cứ được đồng nào là tôi nộp cho bà hết.

Thời gian ấy lại đúng vào dịp tôi có bầu. Sáng phải dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, giặt giũ quần áo cho cả nhà, rồi mới đi dạy học, tôi về lại phục vụ lau dọn nhà cửa đến 9-10h đêm rồi lại soạn giáo án, … nên sức khỏe tôi suy sụp, và đã mất đi đứa con khi tôi mang thai cháu được gần 3 tháng tuổi.

Lần mang thai thứ 2, tôi đã cố gắng giữ gìn, và nói với chồng tôi để anh san sẻ với tôi một chút ít công việc, nhưng cứ mỗi lần thấy chồng làm là mẹ chồng lại chửi và trách tôi là “Con đàn bà hư hỏng, không biết phép tắc của một người vợ”, rồi bà điện thoại về quê cho bố mẹ tôi trách móc có con gái không biết đường dạy dỗ. 

Kể từ khi tôi về làm dâu đến nay đã 5 lần mẹ tôi phải lên đây hạ giọng nói chuyện với mẹ chồng tôi với thái độ van xin hãy bỏ quá cho con gái mình. Lần nào như thế mẹ tôi cũng khóc và bảo với tôi rằng, "Không ở được với nhau thì ly dị con ơi, mẹ cũng khổ vì con lắm rồi,...".  

Bản thân là một người được ăn học đoàng hoàng, lại là một cô giáo đứng trên bục giảng, tôi hiểu thế nào là phép tắc, phải trái, đúng sai,… nhưng trước mặt mẹ chồng và các em chồng tôi cũng chỉ là loại đàn bà bỏ đi, làm ô sin cho nhà chồng còn không xứng đáng. Tôi không quy chụp tất cả những bà mẹ chồng Hà Nội đều cay ghiệt với con dâu như mẹ chồng tôi, nhưng tôi muốn nói rằng người Hà Nội họ luôn đặt ra cho mình một phép tắc và bắt mọi người phải làm theo cái phép tắc của họ.
  • Phuongnga...

Cho cái nhà để trai quê rước con gái Hà Nội hư

Xin chào độc giả báo Phunutoday, mấy ngày nay tôi theo dõi đề tài về việc người tỉnh lẻ khát khao được ở lại Hà Nội dù phải sống cảnh ở rể. Tôi rất ủng hộ các bạn nam dũng cảm đó.

Tôi nghĩ, thay vì chửi rằng họ hèn nhát hay những cô gái Hà Nội cũng lớn giọng chê người tỉnh lẻ thế này, thế khác; chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế hiện tại.
Tất cả mọi người đang cố bao biện cho tính tự ái của mình.

Một bà mẹ đang mong muốn tìm được một chàng rể quý như tôi trong hoàn cảnh này thì dù cho nhà, cho tiền cũng không thành vấn đề.
Tôi chỉ mong sau này gả con mình cho một chàng rể hiền lành và biết nghe lời, tuân phục chăm bẵm vợ.
Hạnh phúc của cha mẹ lúc về già là thấy con cái hạnh phúc. Con gái của tôi mới có 19 tuổi nhưng nó làm cho cả gia đình tôi điên đảo.

Cháu nó là con út nên vợ chồng tôi chiều cháu. Chúng tôi nghĩ rằng chiều con gái không nguy hiểm bằng chiều con trai. Cho nên trong khi chúng tôi đối xử nghiêm khắc với con trai thì con gái trong nhà luôn phải là công chúa.

9 năm học đầu tiên, năm nào con gái tôi cũng đạt học sinh giỏi. Nhưng từ khi vào cấp III cháu bắt đầu thay đổi.
Hàng ngày, cháu không đến lớp thường xuyên mà la cà, tụ tập bạn bè. Khi các anh trai của nó đã trưởng thành, ra ở riêng thì cũng là lúc cô con gái út được tự do hơn nữa.
Bà Phi ngồi trong căn nhà mới xây cho con gái để lấy chồng tử tế, nghe lời vợ.
Bà Phi ngồi trong căn nhà mới xây cho con gái để lấy chồng tử tế, nghe lời vợ.
Vợ chồng tôi không phải không dạy được con mà thực sự bất lực với con vì môi trường khiến con thay đổi nhiều quá. Chồng tôi dọa đuổi con ra khỏi nhà thì nó đi thật.
Tôi tát nó nói cãi lại rằng “người yêu con còn chưa tát con, sao mẹ dám tát con”. Như vậy, chúng tôi biết dạy con thế nào?  Ở cái thời này, có mấy ông bà vỗ ngực tự hào là tôi dạy được con mình. Đa số, chúng nó đều được bạn bè dạy bảo.

Mới học lớp 11, vợ chồng tôi đã phải đưa cháu đi bệnh viện phá thai. Theo chân con gái thì thấy nó vào nhà nghỉ với bạn trai. Bố mẹ tham gia thì nó nói “con lớn rồi”. Đến bây giờ chúng tôi bất lực với nó.

Không chỉ có vợ chồng tôi rơi vào hoàn cảnh này, tôi biết còn nhiều gia đình khác cũng như vợ chồng chúng tôi. Các con nói là đi học nhưng chúng nó có đi học đâu. Bố chở đến trường, vào cổng chính, con gái lại trốn ra cổng phụ phía sau.
Con gái tôi hiện cũng đang theo học một trường cao đẳng. Nhưng tôi biết rõ nó không còn là đứa con gái ngoan trong khi nhan sắc lại hạn chế. Vợ chồng chúng tôi vẫn ngồi bàn với nhau xem có mối nào không để gả. Con trai tỉnh lẻ càng tốt chỉ cần hiền lành, tử tế là được.

Tôi nói thật, con gái Hà Nội thời nay đa số đều hư hỏng, chơi bời và con trai cũng thế. Vậy mình làm sao dám mong con mình lấy được người chồng là trai Hà Nội và tử tế được.
Nếu có lấy chồng người Hà Nội thì cũng chỉ là những thành phần đầu trộm, đuôi cướp. Như thế, tôi chấp nhận gả con gái cho trai tỉnh lẻ còn hơn.

Ở xóm của tôi cũng có một vài người họ sẵn sàng cho thêm con gái nhà, chỉ mong nó lấy được người hiền lành biết nghe lời vợ sau này thôi.
Con gái mười mấy tuổi đã bỏ nhà đi, phá thai, yêu lăng nhăng, phát tán chuyện giường chiếu của mình lên mạng. Nếu bố mẹ không cho thêm nhà, liệu có chàng trai nào dám lấy chúng nó không?

Tôi nghĩ chúng ta không nên miệt thị người tỉnh lẻ cho rằng họ chỉ lợi dụng con gái Hà Nội. Chúng ta nên nhìn rõ thực tế là luôn mất cái nọ, được cái kia chứ không thể được hết được. Chúng tôi cũng không cho ai một cái nhà tình thương, miễn phí cả.
  • Nguyễn Thị Phi (Giảng Võ, Hà Nội)

Nắm túi tiền và cái nhà, chồng tỉnh lẻ sẽ phục tùng

Sau khi theo dõi mọi người tranh luận về việc con gái Hà Nội có nên lấy chồng ở tỉnh lẻ không, tôi thật thà bảo các bạn nên lấy người tỉnh lẻ. Nhìn gương mấy người bạn Hà Nội của tôi, tôi dám kết luận lấy chồng tỉnh lẻ sướng hơn.

Nhà tôi ở phố Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã sống trong một môi trường thành phố.

Tôi đã học xong Thạc sĩ trường Đại học Thương Mại, hiện đang làm cho một công ty tài chính ở Cầu Giấy, Hà Nội. Cuộc sống của tôi hiện tại vô cùng hạnh phúc vì có chồng nghe lời, con ngoan.

Chồng tôi là người tỉnh lẻ, quê anh ở Hà Trung, Thanh Hóa. Tôi lấy chồng cũng là do được mai mối. Anh là người hiền lành, công ăn việc làm ổn định.
Ban đầu tôi cũng không thích người tỉnh lẻ nhưng bố mẹ tôi nói lấy chồng chứ có lấy cả quê nhà chồng đâu mà lo. Tôi lại vốn cao số nên lấy anh cho phù hợp và nhẹ nhàng.

Tôi nhắm mắt gật đầu lấy chồng người nhà quê. Bạn bè tôi ai cũng khuyên tôi rằng không nên lấy chồng như thế. Nhà cửa chưa có, bố mẹ chồng ở quê lại nghèo thì tôi phải gánh thêm nhà chồng nữa.
Tôi luôn tự hào vì lấy được chồng tỉnh lẻ biết nghe lời.
Tôi luôn tự hào vì lấy được chồng tỉnh lẻ biết nghe lời. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng từ ngày lấy anh, tôi thấy mình chẳng phải gánh thêm gánh nặng nào cả. Chắc tại tôi biết quản lý chồng.
Sau khi làm đám cưới, bố mẹ tôi cho vợ chồng tôi một căn nhà 3 tầng rộng 70 mét vuông gần cầu Hà Đông. Vì thế có thể coi anh là đi ở rể.

Chồng tôi là người rất biết điều. Anh biết thân biết phận mình thiếu thốn vật chất nên bù đắp cho vợ bằng tinh thần. Anh nghe lời vợ răm rắp.
Từ chuyện tôi cấm kiệt việc anh đưa người quen về nhà tá túc, việc về quê ăn Tết đến việc đưa bố mẹ chồng ở quê ra sống cùng.
Nhà đó là của bố mẹ cho tôi nên tôi phải có quyền quyết định cho ai ở thì được ở. Nếu tôi không quyết đoán thì chắc chắn nhà tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như nhà chị Võ Thị Hảo ở Khương Trung.

Tôi nghĩ lấy chồng tỉnh lẻ cũng được nhưng mình phải rắn và luôn cầm đằng chuôi thì mới không bị nhà chồng lấn sân, nhờ vả. Ai ở hoàn cảnh của chị Hảo cũng phải hiểu cho chị ấy. Bị nhà chồng làm phiền thì quá là mệt.

Trong sinh hoạt gia đình, tôi phải giao việc cho chồng ngay từ ngày đầu mới cưới. Hàng ngày, sau giờ tan sở, chồng tôi phải có nhiệm vụ đón con và về tắm rửa cho con.
Bữa tối trong nhà thì ai về sớm người ấy nấu. Chồng tôi làm gần nhà nên anh hay về sớm hơn vợ và anh tự nấu ăn cho cả gia đình. Mặt khác, anh cũng nấu ngon hơn tôi nên anh rất chịu khó nấu nướng.

Chuyện lau dọn nhà cửa, thứ 7 anh không phải đến cơ quan nên anh đảm nhiệm luôn. Chủ nhật, vợ chồng tôi về nhà bà ngoại cách đó 3 km. Chồng tôi không bao giờ bỏ cơm nhà đi uống bia với bạn bè khi chưa được sự đồng ý của tôi.

7 năm làm dâu nhưng không Tết nào tôi phải về quê chồng ăn Tết cả. Tôi cũng sợ cái Tết ở quê và được cái anh rất ủng hộ vợ. Năm nào anh cũng ở lại Hà Nội ăn Tết với vợ con.

Bạn bè tôi ai cũng khen tôi lấy được chồng biết nghe lời. Nhưng tôi nói thật nếu không có quyền, có nhà thì làm sao họ chịu nghe lời mình. Nếu phụ nữ muốn chồng biết điều và nghe lời vợ thì mình phải làm ra tiền hơn chồng và phải có nhà thì chồng mới phục.

Mấy người làm cùng cơ quan tôi, sau giờ làm việc lại tất tả chạy về nhà lo cơm nước. Có chị nấu cơm xong còn chống gối chờ chồng về ăn. Còn tôi, khi về nhà, chồng tôi đã nấu xong xuôi hết, con cái tắm rửa sạch sẽ. Quần áo từ tầng thượng chồng cũng gấp gọn vào tủ hết.
Cuộc sống có vợ, có nhà, có công việc là điều mong ước của rất nhiều người. Phụ nữ có nhà cửa rồi, tôi khuyên nên lấy chồng từ quê lên vì họ biết nghe lời.

Sinh viên thú nhận quyết lấy vợ Hà Nội để thoát khổ

Trong khi cuộc sống ở Hà Nội có quá nhiều khó khăn, kinh tế giá cả vắt cạn túi tiền, công việc bập bõm, hộ khẩu thì không có, tôi cũng mơ ước mình có thể kiếm được một cô gái người Hà Nội và cưới làm vợ. Gia đình tôi ai cũng nói với tôi rằng phải lấy con gái Hà Nội cho đỡ khổ.

Tôi thấy bạn đọc comment chê trách anh Trần Mạnh Quý rằng hèn nhát. Một số bạn đọc cho rằng sẽ làm giàu trên thủ đô bằng sức lực cũng như tài năng của mình. Nhưng tôi xin khẳng định lại với mọi người rằng, không có lực thì ai có thể làm nên sự nghiệp. Chúng ta không thể tay trắng mà làm nên nghiệp lớn được.

Tôi là một sinh viên trường Đại học Xây dựng, mới ra trường được một năm. Hiện tại, tôi vẫn đi làm việc theo hình thức hợp đồng 3 tháng một.
Công việc của tôi đòi hỏi cạnh tranh rất lớn nhưng thu nhập cũng chỉ đủ thuê nhà và xăng xe. Bố mẹ ở quê của tôi vẫn phải gửi phụ thêm cho tôi tiền mới đảm bảo được mức sống tối thiểu ở thủ đô.

Nhiều khi, tôi đau đầu nghĩ sao người tỉnh lẻ khổ thế. Đa số những sinh viên tỉnh lẻ mới ra trường như chúng tôi đều khó khăn trong xin việc cũng như tạo các mối quan hệ. Không có bàn đạp, không có thế lực, thanh niên tỉnh lẻ ở Hà Nội hoàn toàn cô lập.

Bạn bè tôi, nhiều người ra trường rồi mà vẫn phải đi chạy bàn ở quán bia hơi, ai may mắn thì đi làm cho công ty. Sau một năm ra trường, chúng tôi gặp lại nhau ai cũng cười chua chát, không dám khoe thu nhập của mình.

Một vài bạn có điều kiện thì trốn tránh đi xin việc trong thời kỳ khủng hoảng bằng cách học Thạc sĩ.
Nhưng thử hỏi, ở môi trường Hà Nội hiện nay, Thạc sĩ có còn là một mảnh đất màu mỡ cho những sinh viên mới ra trường nữa không?
Là trai quê, tôi cũng khao khát có vợ người Hà Nội. Ả
Là trai quê, tôi cũng khao khát có vợ người Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp
Trưởng phòng của tôi, anh ấy cũng là người tỉnh lẻ. 30 tuổi anh ta đã thành đạt nhưng ít ai biết được rằng cũng nhờ từ phía nhà vợ, anh ta mới có ngày hôm nay.
Vợ giàu, nhà nhiều tiền, có vốn để lướt sóng bất động sản, để chơi chứng khoán. Liệu người tỉnh lẻ chúng ta không có tiềm lực tài chính thì có tiền để mà làm giàu không? Chính vì thế, tôi đang cố gắng tìm cho mình một người phụ nữ thủ đô.

Tôi không cần người con gái ấy phải xinh, không cần phải nhân hậu hay đồng cảm với tôi. Tôi chỉ cần một người con gái có tiền, có nhà Hà Nội thôi, những cái còn khiếm khuyết khi cưới về tôi sẽ đắp, sẽ dạy thêm cho cô ta.
Gia đình tôi không phải gia đình tham của nhưng bố mẹ vẫn khuyên tôi nên chọn những người con gái có nhà cửa đàng hoàng và có nhiều tiền, nhiều hồi môn càng tốt. Theo tôi, suy nghĩ của họ hoàn toàn đúng với thực tế hiện nay.

Các bạn thử nghĩ xem, với công việc hiện nay cộng với mức sống ngày càng tăng thì biết đến bao giờ chúng ta mới có 1 tỷ đồng để mua căn hộ thu nhập thấp. Khi có tiền, căn hộ thu nhập thấp có còn dành cho chúng ta không?
Thay vì cái sĩ diện nhà quê, chúng ta gạt phắt nó đi mà tạo lập sự nghiệp bằng cách lấy một cô vợ người Hà Nội có nhà, có tiền giúp mình kinh doanh được. Chúng ta phải biết đứng trên vai những người khổng lồ. Tôi cho rằng đó mới là những người đàn ông đích thực, đàn ông mà không thức thời thì chỉ là lũ u mê, nghèo đói rồi sau này dần thành kẻ gia trưởng, chỉ biết quát nạt vợ con, ra đường thì đớn hèn sợ hãi.
Tôi nghĩ những người càng ném đá vợ chồng anh Quý, họ càng tỏ ra rằng họ đang bế tắc nhưng vẫn giữ cái sĩ diện cho mình. Nếu bị coi là hèn nhát, chó chui gầm chạn mà lấy được vợ người Hà Nội rồi có được cái hộ khẩu Hà Nội tôi cũng chấp nhận. Về quê sánh cùng cô gái Hà Nội sẽ khác khi đi cùng với một cô bạn gái đồng hương hay cũng người tỉnh lẻ như mình.

Anh, chị nào mà phản đối ý kiến của tôi thì có thể các anh, chị đang giàu và có công việc tốt nhờ ăn may. Con số ăn may này rất ít. Nếu anh chị rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi thì chắc mọi người cũng có suy nghĩ như vậy thôi.

Hiện tại, tôi vẫn cố tỏ ra là người giỏi để chiếm được cảm tình của vị trưởng phòng nhân sự cơ quan tôi. Lý do rất đơn giản, sếp tôi có con gái bằng tuổi tôi và sếp cũng chú ý tôi. Nhận tôi làm rể cũng có nghĩa là kén phò mã nối tiếp đường sự nghiệp của trưởng phòng.
  • Quốc Cường (Yên Mô, Ninh Bình)