Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012
Together - Tập 9
Nghệ thuật xin lỗi.......
Bạn có lỡ lời hay làm gì ảnh hưởng đến danh dự, tổn hại đến tình cảm của người thân thì hãy nén lại sự kiêu hãnh mà thật lòng xin lỗi. Chần chừ để thời gian trôi qua, lỗi lầm ấy sẽ nhân đôi và sự giận dỗi oán hận của "đối phương" sẽ tăng theo dần. Lúc đó mọi quan hệ cũng như tình cảm của hai người sẽ bị đe dọa. Chính vì vậy bạn hãy...
* Xin lỗi càng sớm càng tốt
Nếu bạn đã biết hay làm điều gì sai, đừng để quá lâu rồi mới nói lời xin lỗi. Bạn không nên chần chừ hãy đợi đến lúc thích hợp mới xin lỗi mà phải nói ngay. Khi xin lỗi bạn không cần kiểu cách hay trau chuốt lời nói mà chỉ cần sự chân thành.
* Mặt đối mặt
Tùy theo từng hoàn cảnh nhưng nếu có thể, bạn nên xin lỗi mặt đối mặt là hay nhất. Nếu không bạn có thể dùng nhiều phương cách khác nhau như gọi điện thoại, viết mail, gởi hoa… Bằng cách này người bị tổn thương sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều do sự chân thành của bạn và do sự trung thực của bạn.
* Chân thành lắng nghe
Bạn đã làm điều lỗi với "đối phương", nay bạn chịu nhận lỗi và lắng nghe sự giận dữ một cách chân thành. Hãy để "đối phương" nói ra hết suy nghĩ, bực bội oán giận và rồi mọi thứ sẽ sớm được giải quyết. Bạn không nên mất kiên nhẫn khi nghe hay tỏ thái độ nóng lòng.
* Cử chỉ đẹp tiếp theo sau
Nếu bạn nghĩ rằng việc gởi thiệp, hoa hay kẹo tiếp sau đó có thể giúp "đối phương" vui hơn… thì bạn cứ tiếp tục làm. Việc này có ý nghĩa hơn nếu bạn trực tiếp mang hoa, quà tặng đến cho họ.
* Không vội vàng
Thật là khó để bắt "đối phương" chịu tha lỗi cho bạn ngay được vì nó còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy bị lỗi ít hay nhiều. Nó đòi hỏi phải có thời gian cho họ tha lỗi và quên đi. Bạn không nên tạo áp lực cho họ khi họ chưa thật sự sẵn sàng. Trong những khoảng thời gian này điều cần thiết ở bạn chính là sự chân thành. Bạn đã làm một điều sai vậy hãy chờ thời gian để chúng phai nhạt dần.
Yêu trọn một đời!
Năm ấy, cô mười sáu tuổi, lần đầu thích một chàng trai. Anh không cao lắm, nho nhã thư sinh nhưng lại thích chơi đá bóng, có một giọng nói rất trầm, thành tích học tập tốt, thường đứng nhất trong lớp. Tuy lúc ấy, vấn đề yêu sớm đã không còn là chuyện gì to tát, nữ sinh theo đuổi nam sinh cũng không còn là tin tức nóng hổi, cô càng không phải là dạng con gái hướng nội, nhưng cô chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ tỏ tình với anh, chỉ nghĩ rằng, nếu được mãi mãi đứng xa xa dõi theo anh là đã tốt lắm rồi.
Khi ấy cô thường xuyên gặp anh trên đường, chào hỏi một tiếng cũng vui sướng cả ngày trời, tan học rồi cũng không về nhà mà đến sân vận động chạy chầm chậm từng vòng từng vòng… chỉ để nhìn anh đá bóng. Cô còn học cả cách xếp sao may mắn, mỗi ngày viết một câu cô muốn nói với anh lên một mảnh giấy, gấp thành một ngôi sao may mắn nho nhỏ, vui sướng đặt vào trong một chiếc lọ to. Cô thường nhìn anh và nghĩ, một chàng trai như anh, chắc sẽ thích một cô gái dịu dàng ân cần chăng, đó là cô gái có mái tóc dài đen nhánh, một đôi mắt long lanh, lúc vui vẻ sẽ mím môi cười nhẹ nhàng. Tóc của cô rất đen nhưng lại chỉ ngắn đến vành tai, cô có một đôi mắt to nhưng mỗi khi cười sẽ híp lại thành một đường chỉ. Cô vẫn soi mình vào gương thầm nghĩ, nếu một ngày nào đó cô trở thành mẫu người con gái ấy, có khi nào anh sẽ thích cô? Nhưng nghĩ thì nghĩ thế thôi, mỗi tháng cô vẫn chạy ra tiệm cắt tóc để xén gọn mái tóc vừa hơi hơi dài ra của mình lên đến mang tai, vẫn cười ha ha thật to mỗi khi gặp chuyện vui, đến nỗi đôi mắt to híp lại thành một đường nhỏ.
Năm mười chín tuổi, cô thi đậu vào một trường đại học tầm tầm bậc trung. Anh phát huy khả năng của mình, đậu vào một trường đại học nổi tiếng ở một thành phố khác. Khi cô ngồi trên tàu hỏa rời khỏi thành phố nhỏ đã nuôi nấng cô từ thuở mới lọt lòng này, tràn ngập trong đầu là những hồi ức nhỏ nhoi của cô và anh. Cuộc sống đại học đã mở màn bằng mười mấy ngày tập huấn quân sự gian khổ. Buổi tối trước khi ngủ, những bạn gái khác đều trốn trong chăn lén lút gọi điện thoại về tâm sự kể lể với bạn trai, còn cô đã mấy lần bấm xong dãy số quen thuộc nhưng cuối cùng cũng không nhấn nút gọi. Mười mấy năm rồi, cô mới biết được lần đầu thế nào gọi là nhớ nhung, thì ra, nhớ nhung là một loại sức mạnh khiến con người có thể vô ý rơi nước mắt lúc nào không hay.
Cuộc sống bốn năm trong trường đại học cũng không quá dài, một cô gái dễ thương hoạt bát như cô không thiếu những kẻ theo đuổi, nhưng cô vẫn lựa chọn độc thân. Nhiều người tò mò hỏi cô vì sao, cô luôn mỉm cười nhẹ nhàng, đáp: “Học tập là quan trọng mà.” Quả thực cô cũng rất cố gắng học tập, chỉ để thi đỗ nghiên cứu sinh trường anh. Trong bốn năm, mái tóc cô không ngừng dài thêm, cô cũng không cắt ngắn đi nữa. Có một lần khi họp lớp cũ, mọi người thấy cô thì đều choáng váng, một mái tóc dài suôn thẳng đen nhánh, một đôi mắt to long lanh với màu kẻ mắt thật đẹp khiến đôi mắt ấy càng thêm sinh động, làn da trắng hồng, luôn mím môi cười khẽ, không ai nhận ra cô bé lém lỉnh ngày xưa nữa. Lúc anh nhìn thấy cô cũng không khỏi rung động, nhưng khi ấy tay anh đang vòng quanh chiếc eo thon của một người con gái khác. Cô nhìn thấy cô gái dịu dàng xinh đẹp hơn mình bên cạnh anh, nhưng che giấu rất giỏi sự hụt hẫng trong lòng, chỉ cười nhẹ với anh, nói: “Lâu quá không gặp.”
Hai mươi hai tuổi, cô đậu vào nghiên cứu sinh trường anh với thành tích cao nhất. Anh không tiếp tục học lên mà vào một công ty nước ngoài, công việc xuất sắc, lương mỗi năm nhanh chóng tiến đến bảng sáu người cao nhất. Cô tiếp tục trải qua cuộc sống học sinh đơn điệu thậm chí héo mòn, vẫn sống độc thân. Một lần nghỉ phép về nhà, vừa vào đến nơi thì mẹ cô đã kéo sang một bên, lo lắng xót thương, “Con gái à, học là việc tốt. Nhưng phụ nữ luôn phải cưới chồng sinh con, đó mới là đúng đắn.” Cô gật đầu, bước vào phòng sắp xếp đồ đạc mang về. Lấy chiếc lọ to đựng đầy những ngôi sao may mắn ra trước hết, đặt trên giá sách. Trên giá là một dãy những chiếc lọ đựng sao, đều đầy ắp, vừa đúng sáu bình.
Hai mươi lăm tuổi, với học vị thạc sĩ của một trường đại học danh tiếng và bảng thành tích ưu tú, cô nhanh chóng tìm được một công việc tốt, lương tháng trên vạn tệ. Lúc ấy anh đã tự mở công ty riêng, làm ăn rất thuận lợi. Khi chi nhánh công ty thứ ba được khai trương, anh kết hôn với thiên kim tiểu thư của phó thị trưởng, song hỷ lâm môn. Cô xuất hiện trong buổi hôn lễ linh đình ấy, nghe thấy người cạnh bên nhắc đến chú rể tuổi trẻ tài cao, cô dâu gia thế hơn người, vừa du học về, tướng mạo như hoa, đúng là một đôi trai tài gái sắc. Cô ngắm nụ cười phơi phới mãn nguyện của anh, trong lòng chợt dậy lên một cảm giác hạnh phúc, một cảm giác thật kỳ lạ, như thể cô gái đang nở nụ cười tươi như hoa đứng bên cạnh anh chính là cô vậy.
Hai mươi sáu tuổi, cô kết hôn với một đồng nghiệp trong công ty, từ khi quen nhau đến khi kết hôn không đến nửa năm, ngắn ngủi đến mức cô không biết hai người có yêu nhau hay không. Hôn lễ của họ tổ chức rất đơn giản dưới sự yêu cầu kiên quyết của cô, chỉ mời vài người bạn thân thiết đến dự. Đêm ấy cô uống rất nhiều rượu, lần đầu tiên uống nhiều đến thế, không say nhưng lại nôn đến ruột gan đảo lộn. Cô đứng trong nhà vệ sinh ngắm gương mặt bị hơi nước bao phủ dần trở nên mơ hồ trong gương, lần đầu có cảm giác muốn khóc một trận thật dữ dội. Nhưng phút cuối, cô vẫn dặm lại son phấn, bước ra ngoài tiếp tục đóng vai một cô dâu hạnh phúc tột bậc. Trong túi áo khoác ngoài của cô có một ngôi sao may mắn mà sáng nay cô đã gấp vội vàng, bên trong viết, “Hôm nay, em đã trở thành vợ của người khác. Nhưng em biết, người em yêu là anh.”
Năm ba mươi sáu tuổi, cuộc sống của cô giản dị êm đềm. Một hôm trên đường đi vô tình gặp được một người bạn cũ, nhắc đến anh, bất ngờ biết được việc làm ăn của anh thất bại, cú shock nặng nề này khiến anh cứ lang thang ở các quán bar, vợ con xa rời. Cô tìm đến mấy ngày trời mới thấy anh trong một quán bar nhỏ. Cô không mắng anh, chỉ đưa cho anh một phong bì dày, bên trong là tất cả những gì cô tích lũy được, sau đó nói rằng, “Em tin anh sẽ bắt đầu làm lại được từ đầu.” Anh mở phong bì ra, một dãy số cực lớn đập vào mắt khiến anh không thể nào tin nổi, những người bạn “thân thiết” khi xưa đều lạnh lùng trốn tránh khi nghe anh nói đến hai chữ “mượn tiền”, cô chẳng qua chỉ là một người bạn cũ mà anh suýt nữa đã quên tên, nhưng lại khảng khái rộng lượng đến thế ư? Cô vẫn cười nhẹ nhàng, nói, “Bạn bè chẳng phải nên giúp đỡ lẫn nhau sao?” Đêm ấy khi chồng cô biết được sự tình, một tát tai thật mạnh đã giáng xuống mặt cô, gầm lên: “Hơn triệu đồng mà đưa hết cho hắn không nói tiếng nào, có phải cô có tình ý gì không hả?” Cô bị đánh ngã sóng soài xuống đất, không rơi lệ cũng chẳng nói năng gì, càng không trả lời chất vấn của chồng mình. Tuy cô chưa từng thừa nhận cô yêu anh trước bất kỳ ai, nhưng cô cũng quyết không phủ nhận rằng cô yêu anh.
Năm cô bốn mươi tuổi, công ty của anh đã trở thành một trong những công ty có sức cạnh tranh lớn nhất trong cùng ngành nghề. Đêm ấy anh gửi đến nhà cô hai triệu tệ cùng mười phần trăm cổ phần công ty. Chồng cô vừa vui hể hả vừa nói, “Không cần khách sáo như vậy, bạn bè giúp đỡ nhau là chuyện nên làm”, vừa ký tên lên giấy tờ chuyển nhượng cổ phần. Cô không nói gì, chỉ bảo một câu, “Thôi thì ở lại ăn bữa cơm đi.” Anh không có lý do gì để từ chối. Khi các món ăn được dọn lên, anh sững sờ khi nhận ra những món anh thích đều có đủ. Nhưng khi anh ngẩng đầu lên nhìn thấy cô đang điềm tĩnh gắp thức ăn cho chồng con, trong lòng bỗng hụt hẫng, cảm thấy mình đã suy nghĩ quá nhiều. Trước khi ra về, anh lấy một tấm thiệp mời từ trong túi ra, cười nói: “Hy vọng các bạn có thể đến chung vui.” Cô tưởng rằng anh lại khai trương một công ty con mới nên cũng không để ý nhiều, đón lấy rồi để tạm trên ghế salon. Tiễn anh xong rồi quay người vào nhà bếp dọn rửa bát đũa, cô chợt nghe thấy tiếng chồng mình kêu to: “Câu nói ‘Con người hễ có tiền là phong lưu’ quả không sai. Nhìn người bạn cũ của em đây này, đã kịp cưới vợ hai nhanh đến thế rồi.” Tay của cô chợt run lên, một mảnh bát vỡ sượt qua, máu thoáng chốc tuôn chảy, từng giọt từng giọt tí tách rơi xuống. Cô nhìn khoảng nước bị nhuộm hồng, chợt nhớ đến váy cưới trên người cô gái dung nhan như ngọc của mười mấy năm về trước, hình như cũng chính là màu sắc ấy.
Năm cô năm mươi lăm tuổi, một hôm nọ bỗng ngã xuống ngất đi ngay tại nhà mình, rồi được đưa vào bệnh viện. Sau một đợt kiểm tra, sắc mặt bác sĩ nặng nề, gọi chồng cô ra một bên nói chuyện. Cô vốn là một phụ nữ thông minh, gọi bác sĩ lại rồi hỏi nghiêm túc: “Tôi còn sống được mấy ngày nữa?” Ba tháng!
Bạn bè, họ hàng lần lượt đến thăm cô. Anh là người cuối cùng. Cô nằm trên giường, đã bắt đầu mê loạn, nhưng vừa nhìn thấy ngôi sao may mắn trong tay anh, cô lập tức tỉnh táo. “Cái này cho em phải không?” Cô chỉ vào ngôi sao ấy, trên gương mặt lộ ra nét cười thấp thoáng. Anh vội vã trả lời, “A, phải. Đúng thế. Đây là anh mang đến cho em.” Đúng là mèo mù vớ cá rán, đây vốn do một cô bé gây quỹ cho Hội chữ thập đỏ tặng anh khi tình cờ gặp ở sân bay, lúc ấy anh đang cuống lên để đi gặp cô, lúc nhận lấy cũng chưa kịp nhìn rõ là thứ gì thì đã vội lên xe ngay, trên đường đi cứ giữ chặt lấy mà cũng không biết. Cô đón lấy ngôi sao may mắn ấy, giữ chặt đặt trước ngực một lúc lâu không buông rời.
Cuối cùng, cô chỉ chiếc bàn bên cạnh đó, bên trên cũng đặt một ngôi sao may mắn, đêm qua cô đã tốn hơn một tiếng đồng hồ mới gấp xong, chậm rãi nói với anh: “Trong căn nhà em ở trước kia, vẫn còn ba mươi chín lọ đựng sao may mắn, đợi khi em đi rồi, anh đặt chúng và cả hai ngôi sao này cùng hỏa thiêu với em, được không?” Anh vẫn chưa kịp trả lời thì cô đã nhắm mắt, gương mặt an lành. Hôm hỏa táng cô, anh làm theo di nguyện của cô, rải những ngôi sao may mắn lên khắp trên người cô, ba mươi chín lọ, không cẩn thận đã làm rơi ra một hai ngôi sao mà không phát hiện thấy. Khi anh quay người bỏ đi, chợt nhận ra trên đất vẫn còn hai ngôi sao. Lúc nhặt lên, anh nghĩ, thôi kệ, xem như giữ lại làm kỷ niệm vậy.
Anh bảy mươi tuổi.
Một hôm nọ, khi anh đeo cặp kính lão ngồi đọc sách trong vườn hoa, đứa cháu nội bốn tuổi bỗng mang hai mảnh giấy nhỏ ra, khoái chí chạy đến trước mặt anh, hét lên, “Ông ơi, ông ơi, dạy cháu đọc chữ.” Anh đẩy đẩy gọng kính, nhìn kỹ dòng chữ trên mảnh giấy nhỏ đó, “Kiệt, hôm nay bộ áo đá bóng màu xanh anh mặc rất đẹp. Còn nữa, con số 6 này em cũng rất thích, ha ha.” Anh cau mày, hỏi cháu mình, “Hai mảnh giấy này cháu tìm ở đâu ra thế?” “Đâu phải giấy đâu ạ, đó là hai ngôi sao ông đặt trên bàn sách ấy. Cháu mở nó ra, thì thấy bên trong có chữ nè!” Anh ngẩn ra, lại nhìn vào mảnh giấy thứ hai, “Kiệt, có một hạnh phúc là có một người có thể khiến mình bất chấp tất cả để yêu người đó trọn một đời.”
Có một hạnh phúc là có người có thể khiến mình bất chấp tất cả để yêu người đó trọn một đời. Anh nhẩm đi nhẩm lại, nước mắt đã chảy tràn.
(ST)
LY kem vị cảm
"Này, bộ chị định không đi học hả?" - Hạnh bật dậy sau tiếng hét của nhỏ em, dụi dụi hai mắt nhìn vào đồng hồ, mới có 4h mà.
- Bộ muốn ăn đấm hả? Hạnh ré lên.
- Nhìn kỹ đi, giờ là 6h rồi. Nhỏ em giơ cái đồng hồ đeo tay sát vào mắt Hạnh.
Hạnh nhìn đồng hồ em gái, đúng là 6 giờ thiệt. Hạnh quơ cái đồng hồ ở đầu giường, lắc lắc nó mấy cái thiệt mạnh mà vẫn chả thấy tụi kim giờ, kim phút nhích được chút nào. Hạnh lao ngay vào nhà vệ sinh.
- Sao em không gọi chị dậy sớm hơn. Hạnh cằn nhằn.
- Ai mà biết, thấy chị ngủ mà miệng đang cười, chắc là mơ giấc mơ đẹp nên ai nỡ gọi dậy.
- Em thừa biết là chị luôn luôn dậy lúc 4h30 mà. Bộ em muốn chị bị trễ học hả?
- Em cũng thừa biết tính cẩn thận của chị rồi. Dậy muộn một chút có sao đâu. Vẫn còn dư thời gian chán.
- Dư thời gian đón xe bus nhưng bài thì chị chưa ôn kịp đây nè. Ngỗng đang chờ chị kia kìa. Hạnh cằn nhằn.
- Lâu lâu chị cũng phải cưỡi ngỗng đi chơi chứ. Vậy mới thú vị.
Nhỏ em vẫn nhịp nhịp chân tỉnh queo trước thái độ cuống cuồng, bọc dực của Hạnh. Nhưng Hạnh làm gì còn thời gian trả treo với nó. Hạnh tìm cái cặp hoài mà vẫn không thấy, rõ ràng tối qua để trên bàn mà. Ngó lại thấy nhỏ em đang kê phía sau lưng ghế ngồi, còn nó thì thong thả đọc báo. Tức chết đi được.
- Này, đưa chị cái cặp. Hạnh lừ mắt.
- Từ từ, em đang xem Horoscope của tuần này.
- Mau đưa cặp cho chị. Hạnh hét lên.
- Chị có muốn xem tuần này thế nào không?
- Chị không phải là tín đồ của Horoscope như em. Hạnh lườm đứa em gái.
Giả vờ như không nghe Hạnh nói, đứa em gái tiếp tục chăm chú vào tờ báo trên tay:
- Cung Nhân Mã của chị tuần này hay ho đấy nhé. Một tuần ngập tràn cảm xúc, bạn sẽ gặp vô vàn điều bất ngờ, trong đó có cả việc sẽ gặp được ý trung nhân.
- Chị không đùa. Em cứ ở đấy mà mê tín vớ vẩn đi.
Hạnh lấy cặp xách và vội vàng chạy ra bến xe bus. Hạnh có thói quen dậy từ rất sớm, không chỉ để ôn bài mà còn để bắt chuyến xe bus sớm nhất đến trường. Vì rất dễ dàng tìm một chỗ ngồi lý tưởng ở phía cửa sổ để nhìn ngắm mọi thứ đang chạy ngược lại, cảm giác như mọi người đang tụt lại phía sau, còn Hạnh luôn là người tiến lên phía trước. Thú vị ra phết. Hôm nào bài vở nhiều thì Hạnh còn tranh thủ ôn bài trong không khí khá yên tĩnh. Giờ thì Hạnh không thể có được điều ấy như mọi hôm rồi. Vừa bước lên xe, Hạnh đã cảm thấy hơi nóng phả vào người, không còn một chỗ ngồi nào còn trống. Hạnh là người đầu tiên phải đứng trên xe bus này, ngồi đối diện là một tên con trai bình thường như bao tên con trai khác. Điều đáng nói là mắt hắn to thế kia mà không thấy có một đứa con gái đang vô cùng khốn khổ với những cú giật mạnh khi xe đi ngang qua những cái ổ gà, ổ voi. Thật là đồ vô tâm. Cuối cùng hắn cũng đứng dậy. Chuẩn bị nhường ghế đây mà. Hi hi.
- Chị ngồi xuống chỗ này cho thỏa mái.
Oài! Thì ra không phải nói với Hạnh, mà là với chị vừa mới lên xe. Chị bước đi hơi nặng nề vì đang mang thai và miệng không ngừng cảm ơn. Còn Hạnh thì được một phen chưng hửng. Mặc dù không ai biết được điều này nhưng Hạnh vẫn thấy xấu hổ vì cú tưởng bở vừa rồi. Xem ra cũng không đến nỗi vô tâm, nhưng nhìn vẫn thấy gai gai thế nào ấy.
Hạnh đòi đi làm thêm. Gia đình Hạnh cũng đâu khá giả gì cho cam, cộng với bản tính thích độc lập, nên khi nghe hai con bạn thân rủ đi làm thêm ở một tiệm fastfood từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối khiến Hạnh cũng sốt ruột hết biết. Về tới nhà, Hạnh liền hỏi mẹ về việc đi làm thêm. Mẹ phản đối ngay tức thì. Hạnh biết trước giờ mẹ luôn xem việc học là trên hết nên đâu dễ gì đồng ý.
- Mẹ chỉ mong con chú tâm vào việc học. Làm việc không đơn giản như con nghĩ đâu.
- Nhưng con muốn thử. Mẹ chẳng phải đã nói con nên học cách tự lập mà. Có va chạm mới trưởng thành mà mẹ. Với lại chỉ làm có 2 tiếng thôi, thời gian cũng thích hợp mà mẹ.
Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng mẹ cũng gật đầu. Chưa kịp hí hửng thì bị kèm theo một điều kiện:
- Con đi làm thêm ở quán kem của dì Tuyết bạn mẹ. Mẹ nghe dì ấy nói là quán dạo này đông khách mà chưa kiếm được người làm.
- Nhưng con đã tìm được công việc rồi. Hạnh phụng phịu.
- Không được, con làm chỗ dì Tuyết mẹ mới yên tâm. Với lại mẹ chưa thể tin tưởng con được. Nếu con làm ở chỗ dì Tuyết tốt thì mẹ sẽ cho con làm việc ở nơi khác.
- Nhưng…
- Mẹ không nói thêm nữa. Làm chỗ dì Tuyết, còn không thì sẽ chẳng có việc làm thêm nào cả.
Hạnh đành đồng ý trong miễn cưỡng. Với dì Tuyết thì Hạnh không có quyền từ chối.
Quán kem của dì Tuyết khá nhỏ nhưng được trang trí đơn giản, hài hòa nên dễ dàng gây ấn tượng. Hạnh làm việc theo kiểu thời gian tự do không báo trước, nghĩa là rảnh giờ nào làm giờ ấy. Dì Tuyết chỉ bảo Hạnh cách phục vụ khách hàng và vô vàn những thứ khác mà Hạnh nghĩ chắc chẳng bao giờ mình thực hiện hết được. Nhưng phải chứng tỏ bản lĩnh với mẹ. Hạnh đang cố gắng làm điều đó đây.
Có khách rồi, lần này là cơ hội để Hạnh trổ tài đây. Hạnh nở một nụ cười tươi rói:
- Mời anh vào!
Khách hàng đầu tiên của Hạnh là cái tên trên xe bus, tác giả đã cho Hạnh cục quê hai hôm trước.
Mặt hắn có vẻ hơi ngạc nhiên một chút (chắc vì sự tiếp đón quá nồng nhiệt). Rồi sau đó, hắn với khuôn mặt không cảm xúc ngồi vào bàn. Nhìn là đã biết khách hàng khó tính. Nhưng với phương châm “khách hàng là thượng đế” Hạnh phải biết kiên nhẫn trước những khách hàng như thế, theo lời dặn dò của dì Tuyết.
- Dạ, anh dùng gì ạ!
- Cho đĩa plan đi.
- Vâng, có ngay.
Mặc dù rất bực mình nhưng Hạnh vẫn cố phục vụ một cách vui vẻ nhất có thể.
Sau khi nhởn nhơ ăn hết đĩa plan, hắn đứng dậy đi về phía chiếc xe. Hạnh vội chạy theo:
- Xin lỗi! Bạn chưa trả tiền.
Không thèm trả lời, hắn thản nhiên hắn đeo cặp xách đi vào bên trong quầy chỗ dì Tuyết đang lúi cúi dọn dẹp.
- Con có cần phải trả tiền không mẹ?
Dì Tuyết ngước mặt lên nhìn:
- Ủa, con đi học mới về hả?
Thì ra hắn là con trai của dì Tuyết. Vậy mà hắn dám xạo làm Hạnh phải lăng xăng suốt nãy giờ. Bữa nay Hạnh lại bị hắn cho thêm một trận quê to còn gấp mấy lần hôm ở xe bus nữa. Cục tức này Hạnh nuốt không trôi.
- Vậy hóa ra lúc nãy con là vị khách khó ưa của Hạnh đấy hả?
- Ăn là phải trả tiền dù là ai đi nữa, đúng không dì? Hạnh không thể để hắn chọc tức mà không có phản ứng gì.
- Ừ, phải rồi. Con cũng phải trả tiền. Mà lần sau con đừng chọc Hạnh nữa nghen.
- Thì thấy người ta mời đon đả quá con không nỡ để người ta cụt hứng chứ bộ. Với lại con muốn coi thử nhân viên của mẹ làm có tốt không mà.
Hạnh không thể ưa con trai dì Tuyết nên càng không muốn ngày ngày phải gặp mặt hắn, đành năn nỉ mẹ chuyển chỗ làm thêm.
- Mẹ, con không muốn làm chỗ dì Tuyết nữa.
- Sao, chẳng phải con nói dì Tuyết rất tốt đấy sao?
- Nhưng con trai dì Tuyết thì không tốt.
- Đâu có, sao mẹ nghe thằng Tuấn cũng tốt bụng lắm mà.
- Nhưng hắn luôn trêu tức con, luôn muốn làm con quê trước mặt mọi người. Hay là mẹ cho con sang làm với mấy đứa bạn con đi. Tụi nó bảo công việc không có gì vất vả cả mà lại vui nữa chứ.
- Con quên lời mẹ nói đấy hả. Chẳng lẽ đi làm mà gặp ai không ưa con cũng đòi nghỉ hết sao. Vậy sao mẹ dám tin tưởng mà cho con đi làm ở chỗ khác.
Nhìn mẹ có vẻ giận dữ khiến Hạnh không còn lời nào để biện hộ.
- Này, ngày xưa mẹ và dì Tuyết có hứa làm xui với nhau đấy.
- Hả? Mẹ nói gì vậy? Đang định bước vào phòng nghe mẹ nói Hạnh không thể không quay lại hỏi thêm lần nữa.
- Mẹ bảo chị là trâu đã có cọc rồi đấy. Ha ha, ý trung nhân của chị đã xuất hiện rồi. Horoscope em nói đâu có sai. Đứa em gái chen vào chọc tức.
- Mẹ cổ hũ quá. Giờ là thời đại nào rồi mà còn nói mấy chuyện đó nữa.
- Còn em nữa, nhỏ nhít biết gì mà cười.
Hạnh cốc đầu em gái rồi chui vào phòng đóng cửa. Trời gì đâu mà nóng bức, khó chịu quá.
Hôm nay quán kem đông nghịt, hắn đi học về cũng tranh thủ cùng Hạnh phụ với dì Tuyết. Khách của quán kem phần lớn là học sinh nên lém lỉnh hết chỗ chê. Nhất là mấy em học cấp hai. Tụi nó ngồi ăn mà cứ nhìn hắn và Hạnh rồi che miệng cười, còn nói với dì Tuyết:
- Con dâu hả dì?
- Ừ, dâu dì đó. Được không tụi con? Dì Tuyết cũng hùa theo chọc ghẹo nó.
- Dễ thương ghê, hai người đẹp đôi quá trời luôn!
Hạnh tưởng tượng như mình mặt mình đang gần nồi nước sôi 1000C vậy. Đã vậy hắn còn đùa dai:
- Qúa khen! Qúa khen!
- Này, đừng có mà tưởng bở nghe chưa. Hạnh nguýt hắn.
- Tưởng bở gì. Tui nghe mẹ nói chuyện ngày xưa rồi nghen.
- Chuyện gì là chuyện gì?
- Biết còn hỏi.
- Mệt quá, tui về đây!
- Lời hứa của người lớn có trọng lượng lắm nghen. Ráng mà chấp hành đi.
Dù cho trái đất có ngừng quay thì Hạnh cũng không bao giờ thực hiện lời hứa đó.
Tối chủ nhật, Hạnh cho phép mình ngủ sớm. Cả tuần đi làm thêm, gần như chân tay cử động không nổi. Mở nắp chai tinh dầu đặt ở đầu giường, mùi bạc hà khiến Hạnh thấy dễ chịu hơn.
Oái! Lại trễ giờ rồi. Đây là lần thứ hai trong hai tuần liên tiếp Hạnh dậy trễ. Hôm nay có tiết kiểm tra 15 phút, Hạnh còn phải tranh thủ ôn lại bài.
- Chị có muốn xem Horoscope tuần này không?
- Đọc chị nghe thử nào. Mặc dù đang vội nhưng Hạnh cũng bị thu hút bởi điều đó.
- Chị tự mà đọc lấy. Đứa em gái quăng tờ báo cái phịch trước mặt Hạnh.
“ Hãy bắt đầu một ngày với tinh thần đầy hào hứng. Đừng ngần ngại lấy hết sức mình để thực hiện cuộc chinh phục trong tuần. Hãy kiên trì bám đuổi và bứt phá thử thách. Nếu muốn mọi việc suôn sẻ, hãy thật mềm mỏng và tuyệt đối không “chí chóe” đấy nhé!”.
Tất nhiên là Hạnh sẽ cố gắng để chứng tỏ sự trưởng thành với mẹ rồi. Nhưng còn cái vụ “chí chóe” kia có kết thúc hay không thì ai mà biết được.
Hôm nay dì Tuyết bận đi đám cưới nên có một mình Hạnh trông quán. Dì Tuyết còn bảo xíu nữa thì Tuấn sẽ về phụ giúp nó. Hôm nay vắng khách nên Hạnh ngồi chống cằm suy nghĩ vu vơ. Đang lang thang tuốt trên mây thì có hai tên thanh niên mặt mày bặm trợn bước vào.
- Dạ hai anh dùng gì ạ?
- Ồ, bữa nay quán có em phục vụ xinh gớm mày nhỉ? Một tên nói với tên còn lại.
Hạnh thấy khó chịu cực kỳ, quán không có ai, Hạnh cũng thấy sợ, cái tên chết bằm kia giờ này còn lang thang ở xó xỉnh nào mà chưa về nữa.
- Dạ hai anh dùng gì ạ? Hạnh cố tình phớt lờ.
- Từ đã nào, em lại ngồi nói chuyện với anh một chút đã rồi tính tiếp. Một tên nắm tay Hạnh kéo xuống ghế.
Hạnh hốt hoảng bật dậy, tay hắn vẫn nắm lấy tay Hạnh, đau điếng, Hạnh không thể vùng vẫy được. Hạnh sợ đến sắp khóc.
- Này mấy người định làm gì trong quán của tôi hả? Giọng của Tuấn vang lên rắn rỏi.
Hạnh mừng húm, thừa lúc tên kia đang mất cảnh giác, Hạnh giật tay mạnh thoát thân.
- Em trai làm gì mà nổi cáu lên vậy. Tụi anh giỡn với em gái đây một chút thôi mà. Hai tên kia vẫn tiếp tục bỡn cợt.
- Yêu cầu mấy người ra khỏi quán. Tôi không cho phép ai động đến em gái tôi cả. Tuấn tiếp tục tay đôi với hai tên kia.
Hạnh nghe mà sợ muốn chết. Vội vàng lật đật chạy ra xem có ai để nhờ vả. May quá, vừa lúc đó thì dì Tuyết về, còn có thêm mấy người bạn của dì nữa. Thấy đông người, bọn chúng cười khẩy rồi đi ra.
Hạnh vẫn chưa hoàn hồn, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi. Tuấn chẳng nói gì, lẳng lặng vào trong và đem ra cho Hạnh một ly kem mới nhìn đã phát thèm.
- Hạnh ăn kem nè.
- Ăn đi con. Kem này là thằng Tuấn tự sáng chế ra đó, đặc biệt lắm đấy. Lần sau dì sẽ không bao giờ để con một mình trông quán nữa đâu. Dì Tuyết ân cần bảo Hạnh.
Hạnh ngồi nhấm nháp ly kem. Ngon quá. Mát lạnh thấu xương luôn.
Sau đó thì Hạnh mới phát hiện ra hắn đảm đang dễ sợ. Hầu hết những món kem này đều được hắn tranh thủ thời gian để phụ làm cùng dì Tuyết. Ngoài ra hắn còn sáng chế ra những món kem lạ và cực kỳ ngon nữa chứ. Hèn quán tuy nhỏ nhưng lại đặc biệt hút khách. Và thiện cảm dành cho Tuấn vì thế cũng tăng lên.
- Này, hôm trước cho tui ăn kem gì vậy? Hạnh húng hắng hỏi Tuấn.
- Kem Hạ hỏa đấy. Tuấn cười láu.
- Làm gì có kem nào tên như vậy.
- Kem này dành cho Hạnh mà.
- Này, cấm chọc tui đấy.
- Tuấn đâu có chọc Hạnh. Vị của kem cũng như tâm trạng của con người vậy. Ăn kem đúng với cảm xúc hiện tại của mình thì sẽ thấy ngon hơn rất nhiều.
Hạnh không ngờ Tuấn có suy nghĩ sâu sắc vậy. Đã có một khoảng cách lớn được rút lại trong mối quan hệ “chí chóe” giữa Hạnh và Tuấn.
Hôm sau Hạnh năn nỉ Tuấn chỉ cách làm vài loại kem. Vì Hạnh đã trót nói xạo với con em gái và tụi bạn là biết làm kem.
- Nói xạo là xấu lắm nghe chưa. Hắn cốc đầu Hạnh. Chưa chi mà đã lên mặt thấy ghét.
- Không dạy thì thôi. Nó làm mặt giận.
Hắn chỉ Hạnh nhiệt tình. Mà công nhận hắn giỏi thiệt đấy. Trái ngược với nó.
- Ai dạy Tuấn mà làm giỏi vậy? Hạnh tò mò.
- Đâu có ai, tự học của mẹ vì thấy mẹ làm cực quá. Nhà có hai mẹ con mà.
- Uhm.
Chân tay của Hạnh hôm nay sao mà lóng nga lóng ngóng ghê. Chẳng hiểu vì sao nữa. Bị Tuấn mắng liên tục mà vẫn không hề nổi sung. Lẽ nào Hạnh vừa ăn phải ly kem Rung Động.
Bức thư cũ gửi người em gái...
Đôi khi tôi tự hỏi mình tại sao tôi lại thích Mưa…?
Bởi hạt mưa tinh khiết, trắng trong nhưng mỏng manh, dễ vỡ, chỉ chực tuôn rơi cho đến khi chạm đất, để rồi vỡ tan ra…
Tôi muốn được làm mưa để bất cứ lúc nào cũng có thể bung ra, vỡ oà mà chẳng cần phải có bất kỳ lí do nào để biện hộ cho chính mình.
Tôi nghe mưa rơi rơi, tiếng tí tách, tí tách như thể mỗi khi một hạt mưa rơi xuống chạm mặt đất cũng là khi tôi đã tuột tay đánh mất một điều gì đó vô định trong mình…
...
"Em à!
Cái thời ngọn gió, hạt mưa ấy thật đẹp!
Và em mong manh như hạt mưa của cái thời xa vắng ấy trong anh, nhưng thật ra mưa không như vậy đâu em. Anh không muốn hạt mưa ấy vỡ tan trong em rồi lặng lẽ ra đi như chưa từng xuất hiện nhưng...em biết không, hạt mưa cũng có cuộc sống của nó. Nó bay bay trước mắt em, long lanh, trong vắt không tỳ vết. Đẹp lắm, nhưng rồi rất lâu sau em bỗng nhận ra rằng hạt mưa lạnh lắm khi nó lăn dài trên má em. Mưa và em đi bên nhau, mưa lạnh và lòng em đau nhói, nhưng mưa không phải con dao sắc lạnh đó đâu em! Em và mưa cùng lớn lên và một ngày em nhận ra hạt mưa không chỉ lạnh mà còn trĩu nặng trên áo em, em rùng mình cùng cái lạnh đã lan ra cả sống lưng, cùng từng hạt mưa giờ đây đang lao xuống đến rát mặt. Và bất chợt em thấy rằng mưa thật tệ.
Năm tháng qua đi, em lặng nhìn cơn mưa dưới mái hiên, từng hạt mưa nhỏ nhoi tràn ngập khoảng không bao trùm cả dòng đời hối hả, mưa lăn dài trên lá, trên những chiếc áo mưa nặng nề, nhưng ngoài đó có mưa mà không có em. Em thờ ơ nhìn từng hạt mưa rơi như thể mưa và đám mây đen kịt xấu xí trên kia chỉ là một, một vài hạt mưa cố gắng đến bên em nhưng nó chỉ đến được sát chân em rồi chìm ngụp trong vũng nước đen đục ngàu đất cát cùng rác rưởi, em co chân lại như né tránh hạt mưa giờ đây đang bắn lên tung toé cùng biết bao cát bụi, như thể nó cuốn theo cả nhũng gì bẩn thỉu xấu xa nhất mà em từng thấy. Cuối cùng em vẫn xuống đường và tiếp tục cuộc hành trình nhưng cơn mưa đã tạnh!
Dòng đời trôi đi và hạt mưa cũng sẽ biến đổi em à.
Mưa không còn long lanh? Nó trở lên xấu xí hay nó vẫn trắng trong như suy nghĩ của em ngày nào? Điều đó không quan trọng!
Đó là một ý kiến tệ, nếu như không muốn nói là rất tệ. Thật ra điều đó vẫn quan trọng lắm vì tình yêu chính là cuộc sống.
Nãy giờ Anh muốn nói với em vài điều, mong rằng em sẽ hiểu! Điều quan trọng nhất là hãy thực tế, trong cả cuộc sống và tình yêu vì cuộc đời phức tạp lắm. Nếu chỉ nhìn hạt mưa long lanh trước mắt mà không thấy hạt mưa ngập chìm trong bùn lầy dưới chân, chỉ cảm nhận hạt mưa trên mặt không thấu được hạt mưa thấm trên áo thì em rất dễ đi sai đường. Để rồi khi đi đến cuối con đường ấy em sẽ chỉ thấy màu đen cùng sự tiếc nuối.
Nhưng chớ đừng quên, ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, vì vậy hãy cứ sống như là chính em vậy, cô bé của tôi ạ!
Vững tin!
…"
Tìm em giữa chốn cuồng dại
Thêm một buổi tối nữa, tôi lại hành hạ cái tai của mình bằng cách chui vào Temple – một bar bình dân trên phố Hàng Buồm.
Đến giờ, tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần chui vào cái nhà ống dài ngót 100m với những tiếng nhạc chát chúa này. Nhưng tôi nhớ chắc chắn rằng, tôi đã đến phố Hàng Buồn lần này là thứ lần thứ 2 mà không bị cái vị ngọt của Gordon’s pha lẫn Schweppse làm cho ngà ngà và cuồng lắc trong tiếng nhạc.
Lần đầu của tôi là ở số 16, nơi có Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố. Đó là lần tôi tới gặp nhà thơ Bằng Việt để nghe ông nói về “Lý Công Uẩn” - bộ phim làm cúng cụ cho Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bị đặt lên hạ xuống bao nhiêu lần vì chất lượng.
Lần thứ hai chính là đêm nay, ở cái số 8 với Temple kẻ vào người ra, nghiêng ngả một lối đi chưa đầy 3m rộng lúc giữa đêm. Và có lẽ vì tỉnh táo nên tôi đã thừa cơ quan sát mọi thứ xung quanh mình để rồi chợt rùng mình nhận ra hàng tá thứ… man dại.
Đêm hôm trước, cũng ở Tempel vì mải mê với một cô nàng “hai dây” mà quên béng cái áo khoác puma ở một xó nào đó. Có đứa bảo tôi, đừng tìm nữa, nó đã bị biến thành rẻ lau sàn mất rồi. Vậy mà tôi vẫn mượn cớ đi tìm áo để quyết mò tớ.
Đúng là mượn cớ thật vì tôi có thèm tìm cái áo đâu, tôi đảo mắt giữa đống người ngổn ngang cuồng dại chỉ để tìm một khuôn mặt rất quen, khuôn mặt mà bao nhiêu lần trước đó, tôi cố lưu trong đầu mình với ảo giác thực thực hư hư.
Đêm nay em không xuất hiện, tôi cũng thôi nhảy nhót, thôi kêu lễ tân bưng rượu. Không có em, chả thứ nhạc nào đủ sức kích động tôi. Liên tục đám choai choai bàn bên với những chai Heineken sang bàn tôi để cụng khi chúng thấy tôi trời trồng một chỗ. Chúng cố làm cho tôi vào hùa bằng những cái lắc mông, những bàn tay bám hông đám nữ chân dài, quần ngắn, áo xẻ ngực… Tôi cười khẩy ra điều mọi thứ rất vô vị!
Một cô nàng xỏ cái dép đến 20 phân, cao hơn tôi gần nửa cái đầu tìm cách khà khịa. Tôi không phải là kẻ bắt mắt với bề ngoài bảnh bao hay sở hữu một body cuốn hút. Nhưng chính sự lạnh lùng thờ ơ của tôi hóa ra lại là liều thuốc nhử với nhiều cô em! Tiếc những khuôn mặt tìm cách áp sát tôi đều đã phải ra đi sau ngụm rượu nhấp môi mà không lôi được đôi mắt tôi ra khỏi một chỗ - cái chỗ lần nào tới, tôi cũng nhìn thấy em!
Nhìn mãi, nhìn mãi… cuối cùng em cũng lướt qua. Em mặc một chiếc áo thùng màu trắng, cổ rộng, áo thùng tới quá cả quần sooc khiến tôi ngợ em chỉ mặc độc cái áo. Em cười rất tươi, cười tới tan biến vẻ lạnh lùng phải cố tạo hàng đêm lúc em đứng vai người phục vụ bàn. Đêm nay, em vào quán với tư cách một người khách như anh. Em đi qua anh để tới bàn bên cạnh và rồi… những gì tôi đã từng thấy, từng nghĩ về em đã bị những cánh tay vòng qua eo hông em, rũ cho bằng sạch.
“Có gì đâu nhỉ một cuộc chơi? Mình đã ôm eo bao nhiêu cô nàng trong này để nhảy? Em cũng có thể chứ!” – Ý nghĩ ấy an ủi tôi giữa xô bồ chát chúa!
- Cho em xin tí lửa – Em quay sang tôi với một điếu Marlboro trắng ngậm trong miệng. Tiếng nhạc át tiếng em nhưng qua khẩu hình tôi vẫn biết em cần lửa. Tôi châm thuốc cho em rồi quay đi. Thêm một sự trêu ngươi tôi chẳng bao giờ nghĩ tới được. Còn em, em không biết mình vừa “trêu ngươi” một người bởi em đâu có phải là cái guốc trong bụng tôi.
Tôi ném đi hết thảy những nghĩ suy vào từng đôi chân xiêu vẹo đang thi nhau dẫm đạp lên sàn nhà. Một chút chóng mặt nhưng dẫu sao vẫn đỡ hơn việc phải ngước lên nhìn em man dại với đám con trai bàn bên cạnh.
Tiếng điện thoại rung buộc tôi phải tạm rời Temple để ra ngoài. Và cuối cùng ở giữa những hàng xe trên vỉa hè tôi ngồi nghe điện, em rệu rạo rời Temple trong vòng tay một gã Tây già khụ. Chiếc taxi mở cửa và lăn bánh, em theo xe đi về phía… mất hút.
Thế là hết Tempel ạ!
Một chuyện tình - Cảm động rơi nước mắt...
1. Mẹ ở quê lên
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.“Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thân hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo. Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi. Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: “Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!”
Tôi cười: “Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ”.Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: “Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!”.
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: “Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?”.Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trôi những âm điệu không êm đềm.Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà.
Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất ấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đóng cửa phòng đánh “sầm” một cái, nằm bên trong khóc ầm ĩ.
Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: “Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?”.Anh trừng mắt nhìn tôi nói: “Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?”.Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận “trọng trách” này. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: “Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?”. Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.Cuối cùng, chồng tôi thở dài: “Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?”. Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn cháo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam) nhảy bổ vào toa-lét, nôn ọe hết.Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý.
Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.
2. Những tháng ngày tăm tối
Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: “Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào”.Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn ọe, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi. Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua. Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: “Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!” và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền. Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại “ồn ào” lăn xuống.Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ.
Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: “Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn giao thông, đang trong viện”.Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệch xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc.Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe buýt đã đâm thẳng vào bà…Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như… trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém.
Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi. Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: “Anh chờ chút, tôi ký!”. Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: “Không khóc, không khóc…”. Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.“Rodi, em có thai à?”.Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ “tới tấp” tràn xuống má.Tôi đáp: “Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!”.
Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.Không biết chồng tôi đã nói “Anh xin lỗi em!” với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Phía tôi, là vô ý; còn anh, là cố tình.
3. Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!
Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh. Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.
Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính “lạch cà lạch cạch”, có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.
Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: “Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?”.
Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp. Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh… Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi… Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.
Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: “Phải chuẩn bị hậu sự đi!”.Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là…Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi:
“Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố… Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể. Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố…
Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất…”.Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.
Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:
“Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời… Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh… Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi…”.
Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: “Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố…”.Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh “lách tách”, để mặc nước mắt chảy dọc má…
Hoa tai bên phải
Những rung động đầu tiên của tuổi thiếu niên là chất tơ tình thượng hạng nhất thế gian. Cảm xúc không say đắm, biểu hiện không nồng nàn. Ánh mắt lén nhìn, đôi má ửng hồng và sự tưởng bở dễ thương trước một hành động muốn–hiểu–sao–thì–tùy. Không cả mưu toan đến cái cầm tay. Thế mà tôi trân quý tình cảm ấy hơn bất cứ tình yêu “người lớn” nào đến sau này.
Chuyện bắt đầu từ một tai nạn dễ thương vào ngày đầu tiên năm lớp 6. Cây bút mực đang chạy trơn tru thì nghẽn. Tôi vẩy mạnh nó để sửa. Một dòng mực phóng ra, đậu thẳng hàng lên chiếc áo trắng tinh của cậu con trai ngồi phía trên. Quay đầu lại, cậu ta rướn cổ nhìn xuống lưng áo. Tôi mím môi nặn ra một nụ cười giả lả, trong đầu nhanh chóng tính kế sách: Năn nỉ ỉ ôi. Đề nghị giặt giúp. Tồi tệ nhất là phải xin mẹ ứng trước tiền tiêu vặt để đền cái áo khác. Nhưng anh chàng lại cười khoái chí:
- Hớ, tớ mặc áo chấm bi đi học này. Mốt nhỉ!
Cậu ấy tên Nguyên. Và suốt sáu năm sau ngày hôm ấy, lúc nào chúng tôi cũng bên nhau. Cảm tình tôi dành cho Nguyên qua những ngày đến trường, qua những mùa hè đã từng chút, từng chút kết chặt lại.
Một Cuộc Mua Cốc.
Mùa hè năm lớp 11 lên 12, tôi tập tành uống cà phê. Hôm ấy là ngày thứ ba của tuần nghỉ hè đầu tiên. Mãi gần trưa, tôi mới ngủ dậy. Sau bữa ăn nhẹ, tôi pha một cốc cà phê ra ban công ngồi, đặng ngắm nghía những đám mây đen to như đàn khủng long đang tiến quân che kín bầu trời. Ngay khi chạm môi vào làn cà phê ấm thơm, trong đầu tôi ‘bíng boong’ suy nghĩ: “Phải mua một cái cốc cà phê. Một cái cốc xinh đẹp, chuyên dụng chắc chắn sẽ làm cà phê ngon lành hơn.” Nói rồi, tôi điện thoại rủ Nguyên cùng shopping mua cốc. Tuy lèm bèm đôi chút về thời tiết, cậu cũng đến.
Vừa bước vào siêu thị thì trời nhỏ giọt mưa đầu tiên. Tôi tần ngần rất lâu trước quầy sành sứ, cầm lên bỏ xuống mấy chục cái cốc. Nhiều cái rất lạ, rất bắt mắt nhưng không làm tôi vừa ý. Tôi tìm kiếm một chiếc cốc mà chỉ vừa chạm tay vào, cảm giác “phải rồi, chính nó” sẽ lan tỏa từ các tế bào da ở vùng tiếp xúc sang các tế bào da lân cận, rồi cứ thế lan khắp thân người. Lan truyền giống như hiệu ứng domino. Nguyên chờ tôi, đứng ngắm nghía những chiếc đĩa pha lê nhập khẩu ở quầy đối diện. Tôi cầm lên một chiếc cốc màu hồng. Không hề xuất hiện cảm giác lan truyền mong muốn. Nhưng khiến tôi thích thú chính là chiếc cốc màu xanh dương đặt cạnh. Một cặp cốc hồng và xanh – hồng cho con gái và xanh cho con trai. Hai tay cầm cặp cốc ấy, tôi hí hửng bước đến bên Nguyên.
- Thích không? Mỗi người một cái nhé. – Tôi nhấn hơi mạnh chữ “người”, ngầm báo hiệu cho Nguyên rằng cách gọi của tôi đã bớt bạn bè hơn. Chứ bình thường tôi sẽ nói “Mỗi đứa một cái nhé”.
- Cốc đôi á? Thôi đi.
- Sao lại thôi? Xinh mà. Để ở nhà uống, có ai biết đâu mà sợ. – Tôi phụng phịu.
- Nhưng có phải cặp kè gì đâu. – Có một cái gì đó rất lạ trong giọng Nguyên.
Tôi nhìn thẳng vào Nguyên. Một suy nghĩ đến nhanh: Nếu bây giờ không nói thật ra hết những gì tôi cất trong lòng bấy lâu, chẳng biết bao giờ mới lại có một dịp vô tình thuận tiện như thế này. Hiện đã là mùa hè cuối cùng của trường trung học. Tôi hy vọng một mùa hè thật khác những mùa hè trước. Tôi đòi hỏi một sự tiến triển.
- Vậy thì bây giờ chúng ta có thể chính thức cặp kè. – Tôi nói sau một cái hít thở sâu.
- Không thể! – Nguyên nói mà từ chối nhìn vào mắt tôi.
- Tại sao? Đừng có chối là những năm qua cậu không có cảm tình với tớ. Tớ có linh cảm của con gái. Hơn nữa, cậu không phải là đang có bạn gái thì làm sao lại không thể? – Dòng máu di chuyển lên mặt tôi như bị đun nóng.
- Nhìn này! – Nguyên nghiêng mặt, chỉ cho tôi chiếc hoa tai pha lê đen lấp lánh trên dáy tai phải của cậu.
- Sao chứ? Bấm từ Tết vừa rồi mà, mới mẻ gì đâu! – Giọng tôi có âm hưởng của tức tối, nghĩ rằng Nguyên đang cố đánh trống lảng.
- Nam tả nữ hữu. Con trai đeo hoa tai chỉ đeo bên trái, hoặc cả hai tai. Chỉ gay mới đeo độc một chiếc hoa tai bên phải. – Nguyên bước đến sát trước mặt tôi, hai tay đút vào túi quần, nói rất thầm. Nhưng những lời ấy lại dội thình thịch lên màng nhĩ tôi.
Tôi nhìn sâu vào đồng tử mắt cậu ấy. Đồng tử bình thường là nói thật. Đồng tử nhỏ hẹp là nói dối. Sao tôi lại thấy đôi đồng tử ấy to đùng như cái chén thế kia?! Tôi định nói một lời nào đó để tình thế bớt tẽn tò, nhưng ngặt không một âm hơi bật ra. Nguyên nhìn tôi, mím môi một cái rồi bỏ đi. Cậu ấy không đưa tôi về.
Tôi không chủ động liên lạc với Nguyên sau đó. Cậu ấy cũng vậy. Suốt hai tháng đầu mùa hè, ngày ngày tôi đón xe buýt ra ngoại thành học làm gốm. Lần đầu tiên, tôi tham gia một hoạt động mà không có Nguyên. Tôi trống trải và buồn bực ghê gớm. Cứ như là bước ra khỏi nhà mà quên chải đầu, ngoại hình thiếu tề chỉnh nên kém tự tin. Sang ngày thứ hai. Sang ngày thứ ba … Mọi chuyện dần ổn. Những ngày tôi sống tách ra khỏi Nguyên bắt đầu từ đó. Việc tôi và Nguyên từng chút một trở thành hai đường thẳng song song thân thiết – luôn luôn có nhau nhưng không bao giờ giao nhau – bắt đầu từ mùa hè mà tôi đi học làm gốm ấy.
Học làm gốm là cái cớ để tôi ép bản thân bận rộn và tìm một không gian xa Nguyên. Lòng tôi gào thét trong trận lụt những câu hỏi. Nhưng tôi biết tìm gặp Nguyên là điều tệ nhất để xử lý hoàn cảnh này. Tôi khó mà giữ được bình tĩnh và thông suốt nếu gặp cậu ấy ngay. Tôi phải tìm cho mình một chính kiến trước. Tôi phải xác minh rõ ràng luồng cảm xúc trong mình. Vì cảm giác của tôi không phải là hụt hẫng và xấu hổ của một cô gái bị từ chối lời tỏ tình. Cảm giác trong tôi khó chịu hơn nhiều.
Suốt cả khóa học, tôi chỉ chuyên tâm nặn ra những cốc cà phê. Bài tốt nghiệp của tôi là một chiếc cốc cà phê trắng phau. Tôi quệt một vệt mực tím sẫm lên ngón cái tay trái của mình - ngón có hoa tay và in vân tay đó lên phần phía trên của quai cầm cốc. Trông hệt như tôi đã sử dụng và làm vấy bẩn chiếc cốc với bàn tay lem luốc.
Một ngày cuối hè, tôi hẹn Nguyên đi cà phê. Trong những lúc nặn đất sét, tôi đã nghĩ rất nhiều về những ngày tháng đã qua và lời thú nhận của Nguyên. Tôi quyết định không tin vào lời thú nhận ấy. Tôi quyết định sẽ gặp Nguyên lần cuối, rồi dứt luôn tình bạn. Bởi cậu ta đã nói dối quá đáng. Có trăm vạn lý do để từ chối một cô gái, thế mà Nguyên lại chọn cái lý do rẻ nhất: Tự hạ thấp chính mình. Thời ấy, tôi nghĩ gay là một chuyện rất tởm, rất xấu.
Những Lời Quá Thật.
- Hãy thú thật rằng cậu đã phỉnh tớ đi. Chỉ là tớ quá hiểu lầm, khiến cậu khó xử nên cậu phải nói mình là gay. – Tôi chào Nguyên xối xả tại quán cà phê.
- Cho một espresso nóng. – Nguyên nói với anh phục vụ bàn, nhẹ nhàng kéo ghế ngồi, không đáp lại lời tôi.
Chúng tôi trân mắt nhìn nhau, để mặc hai cốc cà phê nóng ấm dần nguội lạnh đi. Rồi miệng Nguyên cong lên giống–một–nụ–cười:
- Ốm một chút. Nâu một chút. Nghe bảo cậu dành hết mùa hè tập tành làm gốm hả? Có làm quà cho tớ không?
- Trả lời câu tớ hỏi lúc nãy trước thì mới nhận được quà.
- Nếu tớ trả lời không giống những gì cậu muốn nghe, cậu có cho tớ quà không? – Ngón tay Nguyên di di trên mép cốc cà phê, mắt đăm chiêu nhìn vào mặt nước màu nâu sẫm trong ấy.
Tôi đặt lên bàn một chiếc hộp, bên trong có cốc cà phê tôi đã làm và đẩy nó về phía Nguyên. Tôi nhìn kỹ cậu ấy. Nguyên đã hớt tóc cao hơn, lộ hai tai ra. Chiếc hoa tai pha lê óng ánh đập vào mắt tôi. Nguyên xỏ lỗ tai cả hai bên, nhưng lúc nào cũng chỉ đeo bên phải.
- Biết như thế từ bao giờ? – Lúc đó, trong đầu tôi đã định sẵn là phải hỏi “Cậu thật sự bị gay à?” trước. Thế mà lại thốt ra câu này. Cứ như tư duy tôi đã mặc nhiên chấp nhận chuyện Nguyêngay, bỏ qua câu mào đầu mà vào thẳng vấn đề.
- Lờ mờ suy đoán như thế lâu lắm rồi. Tìm đủ mọi cách chữa, gặp cả bác sĩ tâm lý. Đến đầu năm 11 thì chắc chắn. Mệt mỏi rồi, chẳng muốn cố gắng chối bỏ sự thật làm gì nữa. Đeo cái hoa tai này để nhắc bản thân rằng mình là ai. Càng cố tìm cách lấp liếm cho một cái không thật, càng không thấy vui vẻ.
Nguyên đã nói rất nhiều. Những biện giải khoa học. Những phân tích tâm lý. Những suy nghĩ và lo toan. Tôi cảm giác Nguyên không phải đang trút sạch ra hết những tâm sự đã nén sâu trong lòng. Mà cậu ấy đang tấn công từ muôn hướng, hòng đâm chết cái hy vọng còn le lói trong tôi: Có thể bằng một phép tiên nào đó đem giới tính của Nguyên trở về bình thường, để chúng tôi có thể yêu nhau và tay trong tay cặp kè.
Mẹ Nguyên mang thai và sinh cậu ấy vào năm thứ hai đại học. Vừa học, vừa chăm sóc gia đình, vừa chuẩn bị sinh con khiến người phụ nữ 20 tuổi phải đương đầu với quá nhiều stress. “Có thể stress chính là lý do khiến từ tuần thứ 6 đến thứ 8 trong bụng mẹ, tớ - một phôi thai XY đã không nhận đủ lượng hormone testosterone cần thiết để phát triển hoàn chỉnh các đặc tính nam. Sự thiếu hormone này không tác động lên cơ thể, nên tớ vẫn trưởng thành đầy đủ như một thằng con trai. Nhưng bộ não thì chịu trận. Nếu nó có mười phần, phải sáu, bảy phần là nữ tính mất rồi. Vậy đấy, tớ gay và không thể chữa. Chẳng lẽ lại múc não đổ đi, thay cái mới. Con người, dù thế nào cũng vẫn là nô lệ của sinh học, của tự nhiên.”
Cái cách Nguyên mạch lạc và chặt chẽ chứng minh mình gay đẩy tôi rơi vào một nồi súp cảm giác. Tôi thấy nhẹ nhàng khi không còn bị che mắt bởi bí mật. Tôi thấy ỉu xìu trước sự thật – chẳng còn gì để hy vọng, để tự huyễn hoặc bản thân. Tôi hình dung ra Nguyên lúc né tránh những cặp mắt soi mói đến gặp bác sĩ tâm lý, lúc lục tìm tư liệu sinh học trong thư viện. Những lúc đó, tôi đã ở đâu? Tôi thấy mình vô dụng.
Bầu Trời Đêm Sẫm Màu Cà Phê.
Chúng tôi cùng sang Mỹ du học, nhưng ở khác bang. Nguyên rất enjoy cuộc sống mới. Bớt những ánh mắt đánh giá. Bớt những tiếng xì xầm. Lời nói và hành động của cậu trở nên phóng khoáng hơn. Rồi Nguyên biết yêu. Tôi nhớ như in cảnh đám sinh viên trong thư viện tròn mắt nhìn tôi phấn khích gào ầm vào điện thoại, lúc Nguyên thông báo sắp có cuộc hẹn đầu tiên với một người cùng lớp. Rồi Nguyên nếm trải mùi vị chia tay, thất vọng vì yêu, tự đứng dậy và dũng cảm bắt đầu một quan hệ tình cảm mới. Tất cả những kinh nghiệm sống quý báu ấy, tôi luôn chia sẻ cùng cậu ấy.
Về phần tôi cũng trải qua không ít lần hò hẹn, vài lần mang chức danh bạn gái, nhưng chẳng bền lâu. Tôi luôn tìm kiếm cảm giác thoải mái cùng cực – khi con người tôi, cái tốt, cái không tốt–không xấu và cả cái xấu đều được tự do biểu hiện chẳng chút quan ngại. Cái cảm giác tôi có khi bên cạnh Nguyên. Nhưng tôi chưa tìm ra người thứ hai đem nó đến với mình.
Mùa đông năm ngoái, tôi khăn gói sang bang Nguyên ở chơi suốt kỳ nghỉ. Đêm Noel, sau bữa tối no say, sau khi chén sạch cái bánh khúc cây to đùng và xem hết hai cuộn video, chúng tôi tập tành thi vị: Kéo chiếc ghế bành lớn ra sát cửa sổ ngồi ngắm tuyết và uống cà phê.
Nguyên pha cà phê cho tôi vào chiếc cốc sứ trắng phau có in một dấu vân tay tím. Ủ chiếc cốc trong tay, tôi cảm giác như được chiêm nghiệm lịch sử. Chiếc cốc này, nhiều năm trước chính tay tôi đã mân mê cục đất sét nặn ra nó, tỉ mỉ từng chút thu vén thành hình, in dấu vân tay đẹp nhất của mình lên trang trí, rồi đem cho đi. Để bây giờ, hai bàn tay tôi lại đang hưởng thụ hơi ấm tỏa ra từ nguồn cà phê nóng ấm trong nó. Nếu lúc đó không có Nguyên, thế nào tôi cũng hỏi cái cốc như hỏi một con người: “Mấy năm qua, mi có hoàn thành nhiệm vụ ta giao hay không? Mi đã cùng Nguyên vượt qua bao nhiêu đêm trằn trọc? Mi đã uống cạn bao nhiêu mỏi mệt, bao nhiêu tâm sự của cậu ấy rồi?”
Chiếc cốc ấy vốn là quà tạm biệt Nguyên. Tôi đã cho rằng “Nguyên gay” là lời nói dối được sáng tác nhanh gọn để từ chối mình. Tôi cảm thấy bản thân vô nghĩa trong cuộc sống của cậu – Nguyên nói dối tôi, trong khi tôi luôn đối với Nguyên bằng cả tâm trí và trái tim. Tôi không muốn bên cạnh cậu ấy nữa. Dù thế, tôi vẫn muốn bằng một cách nào đó chăm sóc Nguyên. Tôi kỳ vọng cái cốc thay mình: Ngày ngày chăm chút cho cậu, ít nhất cũng làm tan được cơn khát. Tôi đã dốc trọn sự dịu dàng và mơ mộng của cô gái mới lớn vào cái cốc, trộn đều cùng các phân tử đất sét. Sau này, đến tận bây giờ, tôi chưa đối với ai ngọt ngào và tử tế như từng với Nguyên.
Hớp ngụm cà phê đầu tiên, tôi khẽ nghiêng đầu sang định khen ngon, thì mắt chạm vào chiếc hoa tai bên phải của Nguyên. Một viên pha lê tím sẫm.
- Mới à?! Màu gì tím rịm!
- Ừ. Lúc đi chọn, vừa nhìn thấy đã biết là phải mua ngay. Tím và tròn y hệt mấy cục mực cậu quăng vào áo tớ ngày xưa.
- Nhớ dai nhỉ! Cũng may là tớ, chứ là một cô gái nào khác thì cậu thành tội nhân thiên cổ. Nhớkỷ niệm tình yêu kỹ như thế, ai nỡ đi yêu người khác. – Tôi nói rồi cười, cảm giác vừa ấm áp, vừa đằng đẵng.
- Tớ luôn biết là cậu rất khác mà. Cậu mạnh mẽ hơn bọn con gái bình thường. Từ xưa tớ đã biết. Đâu phải cô gái 17 tuổi nào cũng có khả năng đứng trước mặt con trai, dõng dạc nói anh ta không phải là đang có bạn gái thì tại sao lại không thể cặp kè với mình.
Tôi lườm cậu ấy. Tự nhiên tôi hiểu ra, cái cảm giác rất lạ tôi cảm nhận được trong giọng Nguyên từ chối mình năm xưa chính là hỗn hợp của phân vân và kiên quyết, của nói thật và nói dối, của tin tưởng và nghi ngờ. Cảm xúc của một người đang cân nhắc quyết định có nên chia sẻ bí mật lớn nhất đời mình với người khác hay không.
- Cái ngày theo cậu đi mua cốc là ngày dũng cảm nhất đời tớ. Trước đó, chưa bao giờ tớ nghĩ sẽ có thể nói thành lời cho người khác biết chuyện mình là gay. Ở quầy cốc tách, quả thật tớ rất muốn nhận lời cậu. Lúc đó, cái ý nghĩ ‘phải nói dối’ lớn gấp mấy lần ý nghĩ ‘nên nói thật’. Thậm chí tớ còn nghĩ rất ác là hãy sử dụng cậu để che chắn cho mình. Nhưng cuối cùng tớ lại không gạt cậu.
- Nếu đến bây giờ tớ vẫn còn yêu cậu thì sao? – Giọng tôi tỉnh táo như đó đơn thuần chỉ là một câu hỏi nếu–thì, nhưng lại là những lời thú nhận chân thành. Tình cảm tôi dành cho Nguyên theo thời gian chỉ có sâu sắc hơn, chứ không thể thui chột trở lại thành tình bạn.
- Thì tớ cũng chỉ có thể cám ơn cậu mà thôi!
Chiếc hoa tai màu tím ánh lên lóng lánh. Hoa tai bên phải – Nguyên không vô cảm với những ánh mắt liếc nhìn và âm thầm đánh giá của người xung quanh. Nhưng cậu vẫn ngang bướng đeo độc một chiếc hoa tai bên phải – Đó là lời tự nhắc nhở: “Phải thực tế và hài lòng với bản thân. Một người có thể nói dối chính mình thì vĩnh viễn cô độc.” Tôi đã chịu ảnh hưởng quá mạnh, hấp thụ quá sâu triết lý này của Nguyên. Nên vào buổi đêm sẫm màu cà phê ấy, tôi đã can đảm nhìn thẳng vào cậu ấy, nói những lời thành thật nhất:
- Tớ thật sự rất yêu cậu! Yêu nhiều đến mức chẳng cần cậu yêu lại. Tớ chỉ cần yêu hết phần mình đã đủ nhiều để mãn nguyện rồi.
Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, rồi ngước mắt nhìn hình ảnh phản chiếu của hai chúng tôi trong tấm cửa kính. Chiếc hoa tai màu tím lại ánh lên lóng lánh.
PLOY
Cỏ dại
Để em đợi lâu rồi, Tia Nắng của anh!
Bất giác, Huy mỉm cười.
Những con đường rực rỡ. Người người nhộn nhịp qua lại.
Paris – một buổi tối cuối tuần…
Huy bước đi vội vã, chen qua những đám đông, bỏ lại sau lưng biết bao con phố tấp nập, trên tay là hộp quà bọc giấy đỏ lấp lánh, đính thêm dải ruy băng màu xanh lục. Huy cứ ôm khư khư hộp quà ấy vào lòng, mỉm cười không thôi và hình như, anh còn đang nhảy chân sáo nữa.
Hôm nay, là kỷ niệm tròn hai năm ngày Vy nhận lời yêu anh. Rồi bỗng mọi thứ cứ vùn vụt chạy qua trước mắt, đưa Huy đến một khoảng sân rộng lớn. Chẳng phải là Quảng trường Charles-de-Gaulle quen thuộc của Vy và anh đây sao? Hai đứa đã từng mơ ước được đến nơi này hàng triệu lần khi còn ở Việt Nam, để rồi việc đầu tiên cả hai cùng làm khi đặt chân đến Paris, chính là phóng như bay đến đây và vỡ òa khi được tận tay chạm vào Khải Hoàn Môn...
Huy háo hức tìm kiếm Vy, mải miết đưa mắt theo những bóng áo trắng trên đường – bởi vì ngày hôm trước, Vy đã dặn anh:“Em sẽ mặc một bộ váy trắng, trắng tinh khôi ấy anh ạ. Anh biết em thích màu trắng mà. Hì hì…” - Tiếng cười của Vy giòn tan, vang lên trong đầu Huy…
Rồi một lần nữa, không gian xung quanh lại trôi qua, giờ Huy đang đứng giữa lòng đường, ngơ ngác nhìn đám đông ồn ào trước mặt. Anh chạy, chạy mãi, vất vả xô đẩy đám người hiếu kỳ ra. Cứ như thế, cuối cùng Huy cũng chen được vào giữa, nơi chiếc ô tô đang đỗ lại bên đường và người lái xe thì không ngừng phân bua với cảnh sát. Bỏ qua hết những cảnh tượng phức tạp kia, anh chỉ cố gắng đưa mắt khắp xung quanh, tìm em.
Huy gọi tên em, cố gắng gào thật to, để em có thể nghe thấy, để em sẽ từ đám người nhộn nhạo kia bước ra và chạy đến bên. Nhưng dù gọi đến thế nào, cũng không tìm được em, Vy của anh, em đâu rồi?
Và rồi, em cũng xuất hiện, trong bộ váy trắng tinh khôi như em nói.
Nhưng, trên nền trắng ấy, nhuốm một vệt đỏ, chảy dài…
Huy gào khóc.
Dải ruy băng xanh lục trên tay bay phấp phới.
Thiên Thần đã rời bỏ anh.
***
- Huy, Huy, dậy đi mày, dậy!!!
Giật mình tỉnh giấc. Mơ màng nhận ra khuôn mặt lo lắng của Thanh – thằng bạn cùng phòng. Sờ lên mắt, vẫn còn ướt. Huy nhanh chóng nhận ra vấn đề.
- Không sao đâu, xin lỗi mày nhé! Năm nào cũng làm phiền mày!
Huy đỡ lấy chiếc khăn từ tay thằng bạn, tiện tay vơ chiếc kính trên bàn, nhìn lên đồng hồ.
- 4h sáng rồi kia à? Tao như thế này từ bao giờ? Mày có ngủ được chút nào không?
- Mày học ở đâu kiểu ăn nói khách sáo với bạn bè thế hả? Yên tâm đi, tao đang thức “cày” nốt trận đêm qua, thấy mày mới ú ớ là lại đánh thức dậy luôn thôi.
Thanh cười xòa, tiếp tục đưa cho Huy cốc nước lạnh. Ở với nhau từ những ngày Huy mới chập chững sang Pháp, Thanh như một chiến hữu tận tụy đứng bên cạnh anh trên mọi hành trình trong cuộc đời vậy. Từ khi anh và Vy còn hạnh phúc bên nhau, đến khi em ra đi, anh đau khổ vật vã đến thế nào, anh cố gắng vực dậy để quên em ra sao… Thanh đều biết hết.
- Nhưng mà… ừm, tao cũng không muốn làm mày suy nghĩ, nhưng Vy… đã ra đi gần ba năm rồi, mày cũng nên tập cách quên cô ấy đi. Tao nghĩ Vy nhìn thấy mày cứ mãi như thế này chắc cũng buồn lắm…
Ngửa cổ uống một hơi hết cốc nước lạnh Thanh đưa, Huy nửa thật nửa giả gập người ho sặc sụa, đưa tay khua khua về phía Thanh, tỏ ý giờ không thể nói chuyện được. Thằng bạn cũng biết ý, không nói gì thêm, nhảy lên giường tiếp tục trận chiến dở dang.
Ừ, có phải Huy không biết cái điều mà Thanh vừa nói đâu. Anh biết quá rõ ấy chứ. Đã gần ba năm rồi, à không, chính xác là 2 năm 11 tháng 23 ngày rồi, hình ảnh Vy – Thiên thần nhỏ của anh, vẫn không một giây phút nào bị phai mờ. Em hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của anh thường xuyên đến mức, nhiều lúc Huy ngơ ngẩn không biết thực sự em đã rời bỏ mình hay chưa, hay đây chỉ là một trò đùa tinh nghịch của em mà thôi. Một trò đùa cho ngày kỷ niệm của hai đứa chẳng hạn – trò đùa dai nhất và đau đớn nhất mà Huy từng biết.
- Tao biết mày lo cho tao, nhưng tao cảm thấy Vy vẫn còn ở đâu đó bên cạnh tao. Có thể mày nghĩ tao điên, nhưng nếu lỡ cô ấy đang ở quanh đây, vẫn đang dõi theo tao thì sao? Cô ấy chỉ có một mình thôi, ngày xưa những lúc ở một mình cô ấy thường gọi tao đến và dựa vào tao, thế thì làm sao tao có thể để mình quên cô ấy được. Tao không cho phép mình làm thế!
Chỉ cần nghĩ đến việc em đang lạnh lẽo một mình như thế nào, Huy đã không thể chịu được nữa rồi. Sống mũi anh bắt đầu cay cay. Vội vàng vớ lấy chai nước, chẳng thèm rót vào cốc nữa, Huy đưa lên miệng tu ừng ực. Có người đã từng nói: Cách tốt nhất để không khóc, đó là ngửa mặt lên trời, cho nước mắt chảy ngược vào trong. Không biết đã bao lần anh cố ép mình không được đau đớn khi nghĩ đến em nữa, chỉ nên nhớ về những kỷ niệm đẹp của hai đứa mà thôi. Có phải nước mắt trong Huy chảy ngược quá nhiều, nên trong giấc mơ lại vô thức trào ra chăng?
Quẳng chai nước trống không lên bàn, Huy nằm phịch xuống giường, trùm chăn quá mặt, đeo headphone và để volume thật to. Trong tiếng nhạc xập xình của một bản rap nào đó, anh còn nghe loáng thoáng tiếng Thanh bên cạnh:
- Tao không bảo mày hãy quên hẳn Vy, chỉ là hãy để cô ấy vào một miền ký ức đẹp nào đó, và tiếp tục cuộc sống của mày đi. Năm nào trước và sau ngày kỷ niệm mày cũng như thế này. Tao lo lắm…
Nhắm nghiền mắt, Huy cố đưa mình vào giấc ngủ.
***
- Biểu hiện lạ? Là thế nào hả anh? Em không hiểu?
Nhung, tay đang thoăn thoắt đan một chiếc khăn màu xanh lá đậm, bỗng dừng khựng lại, tròn mắt ngước lên nhìn Thanh. Anh vừa hỏi nó một câu thật sự khó hiểu: Nó thấy Huy dạo này có biểu hiện gì lạ ở chỗ làm không ư? Huy thì có gì lạ chứ, anh vẫn như thế, vẫn nhiệt tình, cười nói không thôi và vẫn tận tụy ở bên chăm sóc cho nó, với một thứ tình cảm mà chính nó còn không phân biệt được là của người anh trai hay người yêu nữa…
- À ừ… không có là tốt, chỉ là anh lo xa thôi… - Thanh vân vê cuộc len trong tay, giả vờ lơ đãng.
- Này này, anh không thể gợi chuyện rồi lại im ỉm như thế được, anh biết em rồi đấy, em mà đã tò mò thì không để cho anh yên đâu!!!
Nhung bỏ hẳn hai que đan trên tay, làm mặt nghiêm nghị đến chỗ Thanh, hết năn nỉ ỉ ồi lại chuyển qua giận dữ, làm đủ trò để Thanh kể chuyện cho. Cái điệu bộ vừa nghiêm túc lại vừa bức xúc vì tò mò của Nhung làm Thanh không nhịn được cười.
- Rồi rồi… cô bỏ tôi ra, nhột quá hahaha… cô tha cho tôi, tôi kể là được chứ gì.
Cuối cùng Thanh cũng chịu thua trước trò “thọc lét” của cô bé tinh nghịch này.
- Thật hả anh? Năm nào cũng thế?
- Ừ… mà không nói chuyện này nữa. Này này, sao em biết anh thích màu xanh lá đấy, đan nhanh lên không sắp hết mùa đông rồi kìa nhóc. – Thanh cười xòa lảng sang chuyện khác.
- Xì… nhận vơ kìa… ai mà thèm đan khăn cho anh…
Nhung cười gượng, tiếp tục cầm que đan lên, nhưng bàn tay nhỏ nhắn của em không còn thoăn thoắt như trước nữa. Khuôn mặt cô bé vô tư ấy thoáng chút lơ đãng và đôi mắt to tròn dường như bắt đầu long lanh hơn.
- Anh này, anh Huy… chắc là… yêu chị í lắm nhỉ? – Em thầm thì.
- Ừ… ừm… Mà thôi, anh về làm nốt bài luận đã, đan nhanh lên nhé cô bé, anh sắp chết rét vì đợi em rồi đấy!
Nói rồi Thanh vờ quay đi lấy cái ba lô trên bàn, bước nhanh ra khỏi cửa, tránh ánh mắt em. Anh không đủ can đảm tiếp tục ngồi đấy, để rồi chứng kiến những giọt nước mắt của em được. Đã từng rất nhiều lần Thanh đau đầu đắn đo xem có nên kể về tình yêu ngày ấy giữa Huy và Vy, về cái chết của Vy, về sự đau khổ mà Huy đang cố chịu đựng bao năm nay… cho em hay không. Lý trí anh bảo đừng nên gợi lại câu chuyện buồn ấy thêm cho bất kỳ ai nữa, nhưng trái tim anh thì muốn Nhung biết rằng Huy vẫn đang còn lưu luyến mối tình đầu như thế nào, muốn cô bé ấy thôi nhìn Huy với ánh mắt trìu mến, muốn em đừng cười tươi như thế mỗi lần ở bên cạnh thằng bạn thân của anh nữa…
Và hôm nay, chỉ vì không thể chịu nổi ánh mắt rạng rỡ cùng nụ cười hạnh phúc của em khi chiếc khăn màu xanh lá ấy sắp hoàn thành, mà sự ích kỷ trong Thanh đã trỗi dậy lúc nào không hay. Uể oải trở về căn phòng trọ, không còn đủ sức lực để bật đèn, anh ngã mình xuống giường. Hình ảnh em với đôi mắt ướt cứ quay quắt trong đầu anh, anh biết… mình đã sai, sai thật rồi…
Tim anh đau nhói.
Vì anh biết… có một người cũng thích màu xanh lá đậm ấy… như anh…
- Hù!!!
Huy – đang tập trung kiểm tra lại sổ sách thu chi của cửa hàng ngày hôm nay, bỗng bị giật mình vì tiếng hù phía sau. Chẳng cần đoán anh cũng biết, lại là Nhung, cô bé người Việt mới vào nhận vị trí order part-time – một người khá đặc biệt và làm Huy chú ý từ những ngày đầu tiên. Trái ngược với sự nhẹ nhàng và có đôi chút kín đáo, nội tâm ở Vy, Nhung lại khá ồn ào và vô tư như chính cái tuổi 19 của em vậy. Tuy mới đến, nhưng Nhung đã làm thay đổi hẳn không khí có chút hơi trầm tư và yên tĩnh thường ngày nơi đây. Em cười, em nói, em lanh chanh chạy hết bên này đến bên kia… dường như ở bất kỳ ngõ ngách nào trong quán café này cũng đều có thể nghe được tiếng cười giòn tan của em.
- Này, anh mà tính toán sai là trừ lương đấy nhé! – Huy làm bộ nghiêm mặt quay ra phía sau.
- Ối ối em xin anh, từ sau em chừa không dám nữa ạ, hihi. – Nhung cười toe.
Trong một giây, Huy dường như không thể thở nổi.
Đúng là Nhung rất rất khác Vy, nhưng chỉ riêng một điều. Nụ cười. Nụ cười tươi cùng đôi má lúm của em, như thể được tạc nguyên từ Vy vậy. Huy rất sợ mỗi lần phát hiện ra mình đang ngây người ngắm nhìn Nhung cười, và tệ hại hơn, hình như chính Nhung đã phát hiện ra điều khác lạ này nơi Huy và chủ động nói chuyện thân thiết với anh nhiều hơn.
Đôi lúc chuyện về cô bé nghịch ngợm này lại làm Huy băn khoăn. Từ tận đáy lòng, anh thực sự không muốn Nhung hiểu nhầm, càng không thể để một cô bé vô tư như em phải chịu bất cứ tổn thương nào chỉ vì sự vô tình của mình.
Nhưng mà…
Điều mà Huy lo sợ nhất, đó là tần suất số lần nghĩ đến Nhung trong một ngày của mình đang tăng lên chóng mặt. Không chỉ vì nụ cười quen thuộc, mà cả cái mũi tẹt hay chun lại mỗi lần bị Huy mắng, mái tóc mềm được cột đuôi gà cứ đung đưa theo mỗi bước chân em, hay thậm chí chỉ là thói quen hay cắn móng tay mà Huy rất ghét của em nữa… Dường như tất cả những gì ở nơi Nhung đều khiến Huy thấy đáng yêu và thú vị, làm anh không thể không nghĩ đến được.
Huy rất sợ, nếu Nhung cứ ở bên cạnh anh thế này, cứ đối tốt với anh thế này, anh sẽ yêu cô bé mất… để rồi bỏ quên Thiên thần của anh…
- Anh Huy, tặng quà sinh nhật sớm cho anh này! – Tiếng Nhung đằng sau làm Huy sực tỉnh.
Hít một hơi thật sâu, Huy lấy lại bình tĩnh, quay người ra sau.
Trước mắt anh là một chiếc khăn len, màu xanh lá đậm.
- Anh, sao anh lại thích màu xanh lá đậm?
- Vì đó là màu của lá. Nếu được chọn lựa, anh muốn mình là một chiếc lá, ngày ngày chơi đùa cùng mây, tắm mát với mưa, đung đưa trong gió. Đến khi già và rụng đi, anh sẽ bay đến những vùng đất mình chưa từng biết, rồi một ngày mỏi mệt nhẹ nhàng đáp xuống, trở về với đất…
Thế thì từ giờ em sẽ mua tặng anh những đồ vật màu xanh lá nhé, còn anh tặng em những thứ màu trắng, chúng mình đi với nhau như thể lá đang đi với mây ấy. Anh nhé!
Rồi Thiên thần cười, tiếng cười giòn tan, vang vọng, thân quen…
- Anh Huy, anh Huy, ANH HUY!!!
Huy giật mình. Tại sao lại là màu xanh lá đậm? Đã rất lâu rồi, kể từ ngày Vy ra đi, Huy tránh không mua những thứ đồ có màu xanh lá và màu trắng nữa. Em đi, khiến anh trở nên căm ghét hai thứ màu ấy một cách vô cớ, mỗi lần nhìn thấy chúng, anh lại nhớ Vy đến da diết, những kỷ niệm đã chôn chặt trong lòng bỗng tràn về không kiểm soát, làm anh đau đớn như thể có ai đó đang dùng bàn tay vô hình bóp nghẹt tim anh lại vậy.
- Em đan mất mấy tuần trời đấy, tay sưng hết lên rồi này. Anh thích không, thích không? Em đeo thử cho anh nhé! – Nhung vẫn tiếp tục cười nói không thôi bên cạnh, nhanh nhẹn lấy chiếc khăn ra khỏi hộp, định choàng lên cho Huy.
- Không, em bỏ ra đi! Anh ghét màu xanh!
Huy vung tay giật phăng chiếc khăn ra khỏi cổ, mạnh đến mức khiến nó tuột khỏi tay Nhung, rơi xuống đất. Nhân viên trong quán ngỡ ngàng nhìn ra phía hai người, lần đầu tiên họ thấy một người thường ngày hòa đồng, dễ mến, sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai như Huy lại tức giận và có phần thô lỗ đến như vậy.
Về phía Nhung, em đang đứng bất động nguyên chỗ cũ, không thốt nên lời, chỉ biết mở to đôi mắt đã bắt đầu ươn ướt, ngơ ngác nhìn Huy.
- Anh… anh xin lỗi, vì hôm nay anh gặp vài chuyện không vui nên…
Nhận ra mình đã quá xúc động, Huy lóng ngóng cúi xuống nhặt chiếc khăn, gấp gọn gàng và cất lại vào chiếc hộp quà trên tay Nhung.
- Cảm ơn em nhiều lắm, nhưng anh thực sự không thích màu xanh này, nhận quà của em mà không dùng thì phí lắm, em thông cảm cho anh nhé!
- Không sao đâu ạ, em… em xin lỗi anh…
Nhung cúi mặt, lần tay đậy hộp quà lại như cũ, giấu giọt nước mắt đã bắt đầu lăn dài trên má, giọng em lạc hẳn đi. Thế rồi, ôm chặt hộp quà trong tay, em vội vàng bỏ chạy ra phía sau cửa hàng. Mái tóc đen phấp phới phía sau…
Huy ra dấu không có chuyện gì với mọi người, rồi bĩnh tĩnh bước ra bàn tiếp tục tính toán. Đến tận khi ngồi xuống ghế, anh mới thở phào, sờ lên ngực, tim vẫn còn đập mạnh. Vò đầu bứt tai, Huy mệt mỏi gục đầu xuống bàn. Tại sao? Tại sao lại là thứ màu đáng ghét đó kia chứ? Dù có cố gắng đến thế nào, cuối cùng Huy vẫn làm tổn thương em mất rồi, chính anh chứ không phải ai khác, đã khiến nụ cười vô tư tắt lim trên môi em, và thay vào đó là giọt nước mắt. Anh biết phải làm gì với cô bé ấy bây giờ?
***
BỐP!!!
Huy choáng váng ngã sóng soài xuống sàn. Khóe môi nhói đau và ươn ướt. Sờ lên, thì ra cú đấm giáng trời vừa rồi đã làm anh môi anh rách và bắt đầu rỉ máu. Chưa kịp định thần lại, cổ áo Huy tiếp tục bị túm lấy lôi dậy.
- Mày nói đi! Mày có yêu Nhung hay không? Nếu không thì đừng tốt với cô ấy nữa! Rồi bây giờ lại làm cô ấy đau khổ đến thế này! Thằng khốn!
Thanh nắm chặt cổ áo Huy, hét vào mặt anh, tay kia giơ sẵn nắm đấm.
- Mày đánh đi, mày đánh tao đi. Đúng, tao là một thằng khốn nạn, tao không biết phải làm gì bây giờ nữa rồi. Tao biết, tao làm cô ấy khóc rồi, tao cũng đau lắm chứ. Nhưng còn Vy thì sao, tao phải làm sao đây??? Mày đánh cho tao tỉnh lại đi!!! – Huy cũng gào lên.
Nắm đấm trên tay Thanh bỗng khựng lại, đôi mắt anh mở to nhìn thằng bạn thân. Huy, đang khóc. Suốt gần ba năm trời từ khi Vy ra đi, ngoại trừ trong những cơn mộng mị buổi đêm, chưa bao giờ Thanh thấy Huy khóc cả. Ở với nhau quá lâu, Thanh thừa hiểu Huy không muốn chuyện của mình ảnh hưởng đến bất kỳ ai, càng không muốn mình trở nên yếu đuối trước mặt mọi người. Vậy mà giờ đây, Huy đang khóc, một cách thực sự, trước mặt anh.
Thanh từ từ nới lỏng bên tay đang nắm cổ áo Huy, rồi nghiến răng đấm mạnh tay kia vào bức tường đằng sau. Cảm giác nhói đau, không phải ở tay.
Huy dường như mất hết sức lực, ngồi thụp xuống.
Trong căn phòng tối đen, có hai bóng người lặng yên. Một người không cho phép mình được quên mối tình đầu đã xa, còn một người đau đớn chứng kiến người mình yêu khổ sở vì người khác. Lần đầu tiên, họ dám đối mặt với chính mình, để mặc những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Cõ lẽ, đối với một người đàn ông, giọt nước mắt đau khổ nhất, là giọt nước mắt cứ vô thức trào ra trong cố gắng muốn ngăn lại, nhưng không thể…
***
"Anh này, đừng lúc nào cũng chỉ mua toàn đồ màu trắng với màu xanh lá như thế. Cuộc sống này đẹp lắm, có nhiều màu rực rỡ khác nữa anh à. Em cũng thích màu vàng nữa, vì em yêu nắng, bởi vì dù trước đó trời có giông bão đến thế nào, thì cũng sẽ đến một ngày nắng lên ấm áp. Anh nhỉ? Hì hì…"
Huy có nhìn nhầm không, Vy đang ở ngay trước mắt anh, với nụ cười rạng rỡ quen thuộc. Em ở gần đến mức, gần như chỉ cần anh đưa tay ra, sẽ chạm được làn tóc đen mượt mà ấy, và cả bờ môi đang hé cười kia nữa.
Huy cố gắng đưa tay về phía em. Nhưng sao thế này? Tại sao em đang ở gần thế mà như xa xăm, anh càng cố vươn tay, hình bóng em lại càng mờ nhạt, và dần dần tan biến trong làn khói mù mịt…
Rồi từ phía làn khói, một tia nắng le lói xuất hiện. Huy đi chậm chầm, rồi sải bước, rồi bắt đầu chạy về phía tia nắng nhỏ bé, như sợ nếu không nhanh lên, nó sẽ biến mất trong chốc lát. Anh chạy, chạy mãi, cuối cùng cũng đến một khoảng không gian tràn ngập nắng vàng. Thấp thoáng một bóng người ở phía trước, Huy tiến lại gần.
Nụ cười tươi cùng đôi má lúm quen thuộc.
Cô bé như tia nắng vàng rực rỡ.
Không phải Thiên thần. Là Nắng.
Là Nhung.
Mở trừng mắt. Huy thở hổn hển. Khắp người như có lửa đốt. Nóng ran, và ướt nhẹp.
- Mày tỉnh rồi à. Uống thuốc đi rồi tao lấy cháo ăn cho ấm bụng. Thấy đỡ chưa?
Thanh, tay cầm cốc nước và một vỉ thuốc đưa cho Huy. Nhìn đôi mắt thằng bạn thâm quầng, lộ rõ vẻ mệt mỏi.
- Thuốc thang gì, tao không sao đâu, chắc tại đêm qua trùm kín chăn quá. Mày mới đáng lo đấy, đừng cày game nữa, chịu khó ngủ đủ giấc đi.
Huy định ngồi dậy, nhưng người cứ rũ ra, không còn một chút sức lực gì hết.
- Mày không nhớ gì à? Cả đêm qua mày sốt 38 độ đấy, may mà lúc mày nói mê, tao chạy ra định lay dậy thì thấy người mày như cái lò sưởi ấy.
- Thế à? Khỉ thật, sao lại ốm đau đúng đợt cửa hàng đang bận thế này chứ.
CỐC CỐC CỐC
Tiếng gõ cửa bên ngoài vọng vào. Huy liếc nhìn đồng hồ. Mới là 6h sáng.
- Ai mà lại đến vào giờ này nhỉ? – Huy ngạc nhiên.
- Là Nhung đấy! – Thanh thản nhiên nói, cùng lúc nhét sách vở vào ba lô rồi quay lại chỗ Huy.
- Cái gì??? Sao… sao cô ấy lại đến đây??? – Huy không tin nổi vào tai mình, cố gắng gượng người dậy.
- Tao gọi Nhung đến đấy. Mày nghe tao nói này, đừng cố gắng áp đặt cái lý trí dở hơi của mày vào chuyện tình cảm nữa. Đã quá lâu rồi, điều duy nhất mày có thể làm cho Vy bây giờ là hãy sống thật vui vẻ, để Vy có thể yên tâm rời xa mày, đến một nơi tốt đẹp hơn mà cô ấy cần phải đến. Và vì… tao yêu Nhung, nhưng mày cũng là bạn tao. Tao không muốn thấy cả hai người tao yêu thương và trân trọng lại phải đau khổ trốn tránh tình cảm của chính mình mãi như thế này nữa.
Nói rồi, Thanh khoác ba lô lên vai, tiến về phía cửa.
Huy yên lặng lắng nghe những lời từ tận đáy lòng thằng bạn thân. Những gì Thanh vừa nói, cả giấc mơ kỳ lạ đêm qua nữa, khiến Huy như sự tỉnh khỏi cơn u mê bao lâu nay. Có lẽ, đã đến lúc Huy phải để Thiên thần vào trong ký ức, và can đảm đối diện với chính trái tim mình…
- Thanh này, tao… chỉ là… cảm ơn mày nhé, thằng bạn tốt! – Huy nói với theo.
- Không có gì. Nếu đêm qua không có một thằng hâm bị sốt rồi hét tên Nhung ầm ĩ làm tao mất cả ngủ thì còn lâu tao mới chịu nhường Nhung cho mày nhé. Tao phải tự bảo vệ giấc ngủ của mình thôi. Ha ha… - Thanh cười vang.
Ngẩn người một lúc, rồi Huy cũng cười theo. Thì ra là thế, anh đúng là một thằng ngu nhất trần đời này, bản thân mình đang nghĩ gì cũng không chịu hiểu, để cho cả anh, cả Thanh, và Nhung phải khổ sở bao lâu nay.
Ở phía ngoài, Thanh vặn núm cửa. Ánh nắng bên ngoài tràn ngập vào căn phòng, mang theo bóng hình của một cô bé nhỏ nhắn, với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi.
Bất giác, Huy mỉm cười.
Đã để em phải đợi lâu rồi.
Tia Nắng của anh.