Tôi về lại nơi này để tìm em. Không còn bị động về thời gian nên tôi có phần thong dong tự tại khác xa với lần trước. Mới có ba năm mà cảnh vật thay đổi nhiều đến nỗi tôi không còn nhận ra đường vào ngõ cũ. Gió nhẹ, mưa lất phất cảnh cũ người xưa lặng lẽ kéo nhau về .
Lần đầu đặt chân đến thị xã vùng ven này là lúc bọn tôi được phân công chấm thi. Vì môn Văn là môn chấm trước nên ai cũng tranh thủ làm cho xong sớm để còn thưởng ngoạn vùng nước nổi linh thiêng này.
Khu nhà tập thể toàn mạng nhện và cứt dơi. Hạnh ngao ngán kêu đói bụng đòi đi kiếm chút gì lót dạ. Màn đêm dày đặc. Mưa thâm lâm, ễng ương cất tiếng gọi bầy ngắt ngang ngắt nghen não ruột. Cầm cái đèn pin tiểu xoay xoay tôi ra vẻ người cứu rỗi mặc dù cái bụng đã sôi sùng sục từ đầu hôm, giả đò õm ờ đồng ý. Cái bóng đen xẹt qua làm hai đứa đứng tim. Thằng nhỏ cỡ 12, 13 tuổi gầy gò, đen nhẻm đứng xớ rớ ở cửa ra vào ấp úng: Dạ, em …muốn gặp cô chơi…
Đi chấm thi lần đầu có ai gửi gắm gì đâu sao có trường hợp này vậy kìa. Tôi nhìn em dò xét. Hạnh giục đi. Tôi kêu thằng nhỏ đi luôn muốn gì vừa đi vừa nói cũng được.
Có thằng nhỏ dẫn đường nên tôi không bị chộp ếch lần nào. Hạnh thì có. Nó không dám than vì là người khởi xướng dặt một dặt hai đòi đi cho bằng được. Đường thị xã vùng ven ổ voi ổ gấu loang lổ lầy lội hết biết. Kiếm được cái quán trần ăn trăn quấn. Ngồi chưa nóng chỗ đã phải dời đổi vì ghế hết gãy chân rồi lại nhíp đít . Quan sát trong quán tôi nghĩ hoài không ra món ăn gì: “Búng pò hóc CpC”. Bà chủ quán đon đả khi thấy khách coi bộ lạ.
- Mấy cô ăn gì?
- Dạ, món này nè. Tôi chỉ vô cái bảng cáu bẩn gọi món. Thằng nhỏ thẽ thọt:
- Nhà tập thể có “cầu” hôn cô? Ý nó hỏi có tolet không, vì ở đây toàn đi cầu cá tra không hè.
Đặt hai tô bún lềnh lềnh mùi ai ái “toàn quốc” lên bàn, bà chủ quán liếc xéo xẹo nói như rít qua kẽ răng:
- Mày phá tao hoài đi nghen con, chưa đi mưa chưa biết lạnh hả?
Thằng nhỏ rụt đầu le lưỡi. Gió sau mưa dù nhẹ nhưng cũng lạnh hơn. Hạnh đảo đũa một vòng lớn đến tận đáy tô tìm động vật nhưng chỉ thấy thực vật là giá và ngò gai. Tôi húp thí đại một muỗng nước lèo thì lâm vào cảnh “chim quyên ăn trái khổ qua”. Bây giờ mà đứng lên trả tiền thì có khi ngày mai về má nhận không ra. Từ khi bị thằng nhỏ đá xéo bà chủ quán cứ nhìn bọn tôi lom lom. Giả vờ lỡ tay để ớt cay tôi xin bà chén nước súp. Bà chủ quán lừng khừng vài giây rồi tiến lại tô bún xốc bưng đi, lúc trở ra bà khuyến mãi cho nắm giá sống nằm thùa lùa trên tay còn lại. Tôi trộm nghĩ. Mai mình về rồi có gặp lại cũng là hy hữu. Kệ. Tôi đứng dậy dũng cảm kêu tính tiền. Thoáng ngạc nhiên nhưng Hạnh cũng bỏ đũa chạy theo. Thằng nhỏ đi trước cười khả khả: Bún bò hócCam- pu- chia… có một không có hai…kha.. kha.
Đi xe đò từ sáng đến xế chiều mới tới nơi, nhóm tôi họp hội đồng chớp nhoáng là đã tối thui. Ba đứa đi ăn bún độc nhất vô nhị CpC về tới nhà đã rã rời chân tay chỉ muốn nằm. Thằng nhỏ chưa chịu về. Nó xăng xái giúp tôi dọn chỗ ngả lưng. Xong xuôi nó mào đầu vẻ bí ẩn. Em được ơn trên cho cái vong theo nên đoán gì trúng phóc cái nấy. Thiệt đó. Hôm qua em ngủ mơ thấy núi trôi lềnh bềnh trên sông Tiền, sáng nay em gặp được hai cô đó. Mà núi trôi coi chừng có đau có bệnh nghen cô. Tôi cười. Vong theo thì sướng chứ sao. Ai nỡ hại người khi đã chết.
- Hổng ấy mai cô mua xôi chè cúng đi.
Thằng nhỏ vẫn nhiệt tình.
- Mai nếu hổng bị gì cô tới chỗ em chơi. Nhà em chỗ vịnh Lâu đài chìm gần mé sông. Tôi khép hờ mắt mơ màng nhưng vẫn còn nghe văng vẳng tiếng thằng bé kiếu về.
******
Em học lớp mấy? Tôi hỏi .
- Dạ lớp 6A6 cô An chủ nhiệm. Nó nói một hơi đầy vẻ tự hào.
- Chiều chiều em hay ra chợ chồm hổm ai kêu gì làm nấy hổng kêu em cũng làm Ai cho thì tốt không cho thì cũng không sao.
Hạnh ra vẻ chưa tin. Nó tiu nghỉu chỉ có ánh mắt là vẫn sáng rực niềm tin không cần chứng minh hay tranh thủ sự đồng tình vào lúc này ít nhất là của tôi.
- Sao em không làm một việc cụ thể nào đó như đưa đò chẳng hạn. Tôi thắc mắc. Nó làm thinh ánh mắt xa xăm như nghĩ ngơi điều gì.
Trước đây có lần đi chợ tôi lớ ngớ vụng về va vào thằng bé trac tuổi nó. Thằng bé đứng dậy sừng sộ bảo tôi đền tiền thuốc. Má nó cũng hầm hầm cầm cây đòn gánh chực phang vào tôi nếu tôi dám cương. Người ta xúm vào chỉ trỏ một hồi. Tôi móc túi lấy tiền đền thì hỡi ôi tiền không cánh mà bay mất. Mếu máo tôi khóc không thành tiếng. Tiếng xầm xì vang lên. Lạ là hai mẹ con thằng bé không nằng nặc đòi tiền đền như ban đầu mà lặng lẽ chuồn êm. Hóa ra tôi bị gài. Phố chợ nhan nhãn trò lừa đảo, ăn cắp, cướp giật, móc túi, đánh nhau như cơm bữa mà tác giả đạo diễn diễn viên chính là mấy thằng choai choai cỡ tuổi thằng nhỏ này.
- Em tên gì? Hạnh hỏi nhưng chú tâm lắm kiểu hỏi để dễ gọi dễ xưng hô.
- Em tên Huỳnh Văn Nu.
- Nu ăn ổi nè.
-Dạ thôi, ổi ăn khó tiêu đau bao tử, cầu kỳ lại xa, thôi hổng ăn đâu. Nu từ chối thiệt tình khiến Hạnh không vừa ý. Không khí có vẻ chùng xuống nặng nề. Bỗng Nu cất giọng ca câu vọng cổ mùi như nghệ sỹ Út Trà Ôn hát bài Tình anh bán chiếu. Chưa đã nó nhại luôn giọng ca sỹ Bảo Yến hát : “ Hồng Ngự ơi, tôi sẽ không bao giờ quên, tôi vẫn hay gọi tên em…Hồng Ngự ơi…nhớ em muôn đời…” Hạnh cười ngặt ngẽo như đứa trẻ làm thằng nhỏ cũng cười theo.
Hạnh ói ôm bụng kêu đau. Trúng thực rồi . Nu nói. Nó chạy te te mua thuốc tuốt đằng chợ nhỏ cách đó chừng bốn năm cây số. Uống thuốc xong Hạnh nằm im, cố ngủ. Tôi nhìn em. Nu cao như cây tre miễu. Toàn thân em chỉ có đôi mắt là đỉnh nhất. Nhớ hôm qua ánh mắt đó cho tôi thấy vẻ căm giận lung lắm về sự bất lực của lời nói mình trước người đối diện. Ánh mắt muốn bảo vệ chân lý nhưng bị người ta tước bỏ. Ánh mắt cương nghị đượm buồn khi nhìn vào khoảng xa vô định. Tôi rùng mình vội lấy áo khoác mặc. Nu tinh ý. – Cô bịnh rồi. Trối nước đó cô ơi. Bịnh này xông là hết liền.
Tôi kiếm chỗ nằm. Toàn thân ê ẩm. Đây là đêm thứ hai cũng là đêm cuối tôi ngủ lại dây. Nu đi đâu mất biệt. Tiếng thằn lằn chặt lưỡi nghe rõ mồn một. Tôi thấy nhớ nhà. Ngày đi thằng em cắc cớ cá độ tôi mà không khóc nó thua chầu ăn sáng. Tôi không thèm chấp, đây đâu phải lần đầu tôi xa nhà? Vậy mà nó thắng. Nước mắt chảy dài.
- Cô khóc sao cô? Để em nấu nồi thuốc nam nầy cô xông là hết “oải” liền hà. Mưa mấy ngày lá tràm còn âm ẩm cháy cưỡng cầu. Nu hì hục dưới bếp dã chiến cả nửa tiếng khệ nệ bưng nồi xông nghi ngút khói lên đặt ngay ngắn ở đầu giường chỗ tôi đang nằm. Khẽ khàng em nói:
- Cô xông đi cô, để em trùm hai cái mềm lên dùm cô cho kín hơi. Nu làm thuần thục như cô dâu mới chăm sóc mẹ chồng.
- Hé hé nắp nồi thôi nghe cô coi chừng ngộp. Coi chừng phỏng cô ơi…rồi rồi…cô “êm” chưa?
Mồ hôi túa ra trên mặt trên lưng tôi như tắm. Tốc mềm tôi không thấy Nu đâu. Thay đồ xong xuôi tôi thấy nhẹ người. Tôi kêu Nu đi dạo cho đỡ buồn. Nó lui cui dọn dẹp nồi xông đặt gần cửa ra vào, khi nào về lấy cho dễ. Tôi ghé tiệm định mua cho Nu cái áo thun làm kỷ niệm. Bà chủ shop thấy Nu mừng rỡ:
- Mấy hôm nay mầy đi đâu sao không phụ cô dọn đồ, mưa ướt hết luôn mình cô làm đâu có kịp, bộ ba đầu sáu tay sao? Ờ mấy ngày nay bán hơi ế, ủa mà mầy đi đâu vậy con, có chuyện gì hôn? mai lại tiếp phụ sẵn mở hàng dùm cô luôn thể nghe hôn. Mầy mà mở hàng thì đắt như tôm tươi cho coi!
*****
Em không dám nhận đồ của cô cho đâu. Nu vừa nói vừa bưng cái nồi chạy như bay trong đêm. Sáng hôm sau đoàn tôi về sớm. Tôi nấn ná chờ em khiến Hạnh nheo nhéo càu nhàu “xe chạy ngủ lại nữa bây giờ”. Tôi về lòng nặng trĩu như vừa bỏ lại nỗi niềm.
*******
Ghé cái quán “Bún pò” năm xưa tôi hỏi thăm Nu. Bà chủ quán nhướng cặp lông mày mới xăm còn xanh lè hỏi lại:
- Nu nào? Ở đây cả chục Nu lận.
Bà cũng quên tôi người đã “xăm mình” bỏ mứa tô bún quán bà cách đây ba năm. Mấy ông khách đang đánh cờ tướng cũng tham gia.
- Thằng Nu ốm ốm đen đen là thằng Nu Cặp vì nghe đâu nó là trẻ sanh đôi. Ối mà có ai mà biết ba má nó là ai đâu nó ở với bà ngoại già hơn tám mươi tuổi. Tội lắm bà cháu nương nhau. Nghèo chứ không nhơ bợn ai thứ gì. Tôi mừng rơn hỏi dồn :
- Vậy nhà Nu …Cặp ở đâu hả chú?
- Ở sau xóm mả. Nhưng còn ai đâu mà cô vô. Nó có bệnh giật kinh phong. Hôm đó nó ra bãi mò hến thì lên cơn, trưa nắng vắng người có ai mà trông thấy nên nó chết rồi. Tội nghiệp lắm cô ơi khi phát hiện chính tui ẵm nó lên chứ ai. Nó chết vì thở không được. Tui móc trong mũi nó ra bùn cả chén. Mắt nó trợn ngược trắng dã thấy thương tâm lắm. Đời nó cũng hay lam hay làm hiền lành chịu thương chịu khó. Nghèo đâu phải tại mình hả cô giáo? Tai tôi ù ù như có ai đặt cái máy xay lúa trong màng nhĩ. Tôi khóc hu hu làm mấy người đàn bà trong quán cũng quẹt nước mắt sụt sùi theo. Mới sáng mà trời đã oi bức ngột ngạt. Mọi người còn bàn tán nhiều lắm vì chuyện dù có cũ nhưng hễ dỡ ra thì lại mới tinh. Họ nói phải chi nó có cha có mẹ đầy đủ thì đã “ thành người” rồi đâu có chết yểu như vậy. Nó mà không chết thì ngoại nó cũng sống thêm được vài năm nữa. Tội nghiệp lúc chôn nó chỉ quấn chiếc chiếu với mấy bộ đồ cũ. Ờ nó còn có cái móc khóa chữ Linh được thắt tỉ mĩ bằng dây ni lông. Tôi sững sờ. Cái móc khóa đó là của Hạnh tặng tôi hôm ra trường. Nu không nhận áo chỉ xin cái móc khóa thủ công làm kỷ niệm.
Tôi cũng chỉ là cô giáo tình cờ quen em. Bà con cô bác ở đây cả đời lam lũ kiếm miếng ăn đã là khó rồi có đâu lo chuyện người dưng. Thôi thì thôi tôi về ôm theo nỗi buồn không gặp được cố tri. Nếu là vong chắc em sẽ theo phù hộ cho tôi phải không Nu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết