Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Trong thế giới lặng câm


Rất lâu sau này tôi vẫn không hiểu nổi sao mình không trả lời cô gái ấy trên mỗi chuyến tàu.
Người ta nói thật không sai, câu hỏi khó khăn nhất không đến từ những ông thầy khó tính mà đến từ những cô gái. Những cô càng xinh, hỏi càng khó trả lời. Họ hỏi những thứ không đầu không cuối, không trả lời nổi.
Lần đầu tiên tôi gặp cô gái ấy là khi chúng tôi vô tình ngồi cạnh trên chuyến tàu về nhà. Cô ấy mon men đến và hỏi
¨Bà anh có khỏe không ?¨
Thế nào nhỉ ?một cô gái lạ hươ lạ hoắc, đang hỏi về một người cũng lạ hoắc lạ hươ đối với tôi. Tôi không quen cô gái này và tôi chẳng biết gì về bà tôi.
Tôi trả lời ngắn gọn ¨Hình như bà khỏe¨
Không phải bà tôi ở đâu xa, bà ở nhà tôi. Mỗi chuyến về thăm nhà ngắn ngủi của tôi đều bắt đầu và kết thúc với hình ảnh bà ngồi khâu vá ở bậu cửa. Tôi cũng chẳng hiểu bà có bao nhiêu quần áo nữa mà bà cứ ngồi đó khâu vá cả ngày. Đôi mắt kéo sụp xuống làm bà cứ như đang ngủ trong khi tay thì thoăn thoắt đưa kim. Tôi cũng chẳng biết bà làm thế làm gì, khi đi phiên chợ tháng nào, mẹ cũng mua áo quần mới. Chú hai, chú ba nhìn thấy bà khâu vá thì thường qưở trách mẹ tôi sao không sắm sửa cho cụ. Mẹ tôi nói chẳng được, cũng chán, chỉ mỗi lần họ tới thì bê xấp quần áo mới ra đập mặt họ; rồi lại vác cất vào tủ. Cứ thế, mẹ mua và bà may. Mẹ tôi bảo ¨ Bà mày gàn¨
Đấy, tôi chỉ biết bà tôi gàn. Bà tôi dễ tới bảy mấy tuổi rồi. Thứ duy nhất liên hệ giữa tôi và bà là tiền. Ngày còn là sinh viên, mỗi lần tôi về bà đều dúi vào tay ít tiền lẻ ¨Để mà ăn quà¨. Tôi  cũng chẳng hiểu tiền bà có từ đâu, hay kẹo bánh từ đâu mà tới. Bà có nguyên một cái tủ đầy nhóc kẹo để cho tụi trẻ tới chơi và cái hộp đầy tiền lẻ để cho tôi hàng tháng. Tôi đoán là các chú biếu, nhưng hỏi thì bà chỉ bảo¨Của bà cho thì mày cầm, việc gì phải hỏi¨. Khi tôi đi làm thì mọi việc đảo lại « Của cháu biếu thì bà cứ cầm ». Thế đấy.
Tôi nghĩ bà chẳng phải người ưa ủy mị, tình cảm, hoặc bà quá chán ghét cháu trai. Ngay cả ngày bé, tôi cũng chưa từng được bà nựng, bà chỉ hỏi những chuyện bâng qươ học hành này nọ. Còn bây giờ bà thường hỏi
¨Mày có bạn gái chưa con ?¨
¨Con chưa¨
¨Mày có bạn gái đi, cho bà có đứa nựng¨
Tôi cười trừ và câu chuyện kết thúc. Tôi không hiểu sao cô gái xa lạ kia lại hỏi về bà tôi, người mà tới cháu trai của mình cũng tiếc lời để nói.
¨Sao em biết bà anh¨
¨Thì là em biết¨
Vài lần đi tàu sau, thỉnh thoảng tôi gặp cô gái ấy. Lại hỏi vài điều không rõ ràng. Tôi mơ hồ thấy cái sợi dây vô hình giữa cô ấy và bà tôi mà không hiểu nó là cái gì
¨Con bé ấy xưa bú bà mày đấy¨ bà cười hề hề
Khi tôi nghe điều đó lần đầu thì tôi đỏ mặt, có cảm giác mình bị phản bội. Kiểu như biết tin ông bố cù lần của tôi có bồ nhí bên ngoài hay mẹ tôi giấu quĩ đen.
¨Sao mày phải ngượng khi nghe thế. Con bé đó sinh cùng năm với chú út mày đấy¨
Năm 45 tuổi, bà quyết sinh thêm một đứa bé nữa. Bốn thằng con trai làm bà phát mệt, thêm thằng đít tôn ra đời nữa thì bà hoảng loạn. Tôi nghĩ chắc bà phải gan dạ lắm mới làm được điều đó. Năm đó con cả của bà tức cha tôi đã 25, còn tôi thì hơn một tuổi. Chú út ra đời thì bà trầm cảm thật. Mẹ tôi kể bà đã chẳng thèm thương yêu đứa con mới sinh của mình. Mẹ tôi trở thành mẹ của chú út, còn bà thành mẹ của đứa nhỏ nào đó xóm dưới. Có lẽ là cô gái ấy.
Mẹ mất trong khi sinh nên đứa bé mồ côi từ khi chưa biết khóc. Ông bố lao đao tìm làng trên xóm dưới xin sữa cho con mình. Và bà tôi đã giúp đỡ người đàn ông bất hạnh đó. Tôi không hiểu có phải vì tranh ăn với chú út không mà gia đình tôi chưng hửng trước sự khổ sở của họ. Dòng sữa là dòng tinh túy nhất của trời đất, là chất kết giao của người mẹ và đứa bé, chắc vì thế mà cô gái ấy quấn bà. Bà bảo cả gia đình phản đối khi bà đi làm cái việc như vú em ấy, nhưng bà vẫn làm. Tôi bảo mà, bà tôi gan dạ lắm. Khi cai sữa cô gái ấy thì gia đình tôi không nghe bà nhắc tới họ nữa. Tôi nghi là bà vẫn lén lút qua lại căn nhà đó. Sự thực vẫn là tôi chẳng biết gì về bà.

Tôi có thói quen bắt tàu về nhà vào mỗi thứ bảy cuối tháng. Có lẽ cô ấy cũng vậy.
Sau lần biết sự thật thì tôi có gặp cô gái ấy vài lần nữa. Tôi không biết chào cô ấy là gì, chào em, chào bạn, hay chào cô. Có thứ gì đó như là máu mủ nhưng có cái gì đó như sự phản bội. Tôi luống cuống kì lạ mà không nói nổi câu chuyện cùng người con gái ấy. Có lẽ vì đó là người duy nhất khác dòng lại quan tâm tới bà tôi. Ngay cả người yêu tôi, cô ấy cũng hờ hững. Người yêu tôi thường nói ¨Em chịu, không hiểu nổi bà anh và mấy cuộn chỉ của bà¨. Tôi dẫn cô ấy về thăm nhà vài lần, bố mẹ tôi đều quý. Bà chẳng ý kiến gì, bà cũng chẳng buồn nựng.
Tôi chưa bao giờ cho rằng sẽ lấy ý kiến của bà cho việc lựa chọn vợ hay người yêu. Nhưng rồi khi thấy sự chưng hửng của bà thì tôi cũng có chút lạo xạo trong lòng. Tôi nghĩ nếu yêu thực sự thì họ đã chẳng bị xao động con cỏn như vậy. Nhiều người không muốn bắt đầu một cuộc tình, không phải người ta chưa sẵn sàng, chỉ là chưa thực sự yêu toàn vẹn. Tôi thì khác, tôi chưa yêu toàn vẹn đã bắt đầu. Tôi bắt đầu khi có cảm giác sợ cô đơn và đã sẵn sàng chịu trách nhiệm. Tôi cho mình là kẻ gan dạ, nhưng hóa ra những kẻ kia mới là người dũng cảm. Sau này khi chia tay, người yêu tôi bảo ¨Em căm ghét anh vì việc sống luôn trách nhiệm. Một người tốt không bản năng¨. Tôi đổ tội tại bà mà tôi giờ đã dũng cảm buông tay.
Lần cuối tôi gặp cô gái ấy lại ở ga Hàng Cỏ, tôi mở lời trước về bà. Một thế giới hoàn toàn thú vị và mới mẻ mở ra. Tôi vẫn chưa tin nổi câu chuyện của cô ấy là hư hay thực. Trong câu chuyện, bà tôi hiện ra dịu dàng như mẹ vậy. Cách bà chăm cô gái ấy giống như mẹ chăm con gái, điều tuyệt vời mà tôi chưa khám phá được khi sống trong một họ tộc toàn đàn ông. Giờ thì tôi hiểu sao mỗi sáng chủ nhật mình lại được ăn bánh ướt hay chợ chiều về lại có gói bánh đúc lạc. Đó là món yêu thích của cô gái ấy. Tôi nghĩ tôi sẽ giận cô ấy cả đời.
Người ta thật kì lạ. Tôi chưa từng mong sự yêu thường của bà, nhưng giờ đây lại nhen nhóm sự canh tranh với con người xa lạ kia. Tôi chưa từng gần gũi bà nhưng khi nghe về bà lại thấy thật thân yêu đến thế. Giữa người già và trẻ con luôn có sự liên hệ vô hình, dù họ không hề có quan hệ máu mủ. Bà ngồi bên hiên nhà đơm khuy, vá áo; cô ấy chạy chơi ngoài sân hoặc tôi ngồi vẽ trong nhà thì khi ngước lên chúng tôi vẫn khẽ mỉm cười với nhau như bảo « Đằng ấy, mình vẫn ở đây nhé». Tôi nghi ngại rằng lời nói không phải là cách duy nhất thể hiện tình bằng hữu giữa chúng tôi, người già và trẻ nhỏ. Không phải với tôi, mà ngay cả với cô ấy, thi thoảng bà mới mở lời. Thỉnh thoảng bà kể về thằng đít tôn của bà rồi bảo ¨Con lớn lên cũng phải học giỏi như anh ấy nhé¨. Chưa bao giờ tôi biết bà công nhận sự tồn tại của tôi một cách tự hào.
Khi gia đình họ rời làng, bà già đi thì những cuộc viếng thăm đã vãn. Bà chẳng đưa chân qua nổi cái sân gạch, còn cô ấy không được phép bước chân vào. Họ có tín hiệu ngầm với nhau, bà hàng ngày ngồi khâu vá bên bậu cửa, để bất kì lúc nào cô ấy đi qua cũng nhìn thấy. Cô ấy vẫn bắt những chuyến tàu về quê, chỉ để thấy bà còn ngồi đó. Đó là thứ tình cảm nguyên sơ nhất tôi từng thấy.
Chuyến tàu vẫn ra vào ga Hàng cỏ, nhưng tôi không còn gặp cô ấy trên những chuyến tàu nữa. Khi bí mật được đưa ra thì người cất giấu phải trốn chạy. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy vẫn qua ngõ nhà, chỉ là bỏ chạy khỏi chuyến tàu của tôi. Ngày bà mất, thật kì lạ tôi đã buồn rất nhiều.Tôi cứ nghĩ phải đi tìm được cô ấy. Cần có ai đó mặc áo gai như con gái bà trong ngày tang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết