Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Nỗi oan Thị Kính


Hoài không muốn về nhà. Lòng ngổn ngang trăm mối. Tiết học Toán của cô Bích Hà làm nó loay hoay kiếm tìm như vừa đánh mất thứ gì quan trọng lắm. Sao mình có thể làm điều đó với Tố Anh chứ? Nó lắc đầu cố xua mọi ý nghĩ đang ngự trị dai dẳng suốt cả buổi chiều này.
      Hoài được tuyển thẳng vào lớp mười là điều hiển nhiên đầy tự hào. Ngày trường nhận được giấy báo đích thân thầy hiệu trưởng tìm Hoài trao tận tay Hoài  âu yếm chúc mừng. Hoài nhớ như in mái tóc hoa râm và bàn tay nhăn nheo run run khích lệ của thầy dành cho mình. Tình cảm ấm áp như người cha dành cho con gái. Tim Hoài như muốn thoát tung khỏi lồng vì nghĩa cử chân thành hiếm thấy trong đời. Máu trong người Hoài như khựng lại tích tắc thôi nhưng cũng đủ để cô nhận biết lòng muốn gì. Hoài rưng rưng sung sướng rồi e thẹn khi bắt gặp những cái nhìn ganh tỵ của bạn bè. Hoài thầm nghĩ đầy vẻ tự hào trẻ con: Muốn cũng khó.
Vào lớp mười là khung trời hoàn toàn mới với đám học trò như Hoài. Ngỡ ngàng Hoài thâu lượm từng chút một mọi thứ. Từ sân trường rợp bóng phượng già vững chãi che mưa nắng cho hàng ghế đá quanh sân. Từ những bậc cầu thang đón những bước chân còn đóng  phèn vội vã hối hả chen nhau cho kịp giờ đúng tiết.  Cũng có khi Hoài chợt nhớ cái nhìn trộm len lén của anh bạn học lớp kế bên hôm nay vắng học. Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là những lúc cô và các bạn nữ trong lớp không hẹn mà gặp khi mắt cứ nhìn ra khoảng sân bao la có hoa bằng lăng tím tím mời gọi ong bướm lượn lờ rượt đuổi nhau mà đầu thì trống rỗng trong veo chẳng nghĩ tí tẹo gì.
Hoài nặng nề bước trên triền đê quen thuộc. Nắng lặng lẽ chào gió tự bao giờ Hoài không biết chỉ thấy hàng trâm bầu như đang cố trở mình chút nữa chào đón ánh trăng lên.
Hoài bao nhiêu điểm? Cô giáo hỏi lại giọng nghiêm nghị  khác ngày thường.
Dạ…
Hoài lắp bắp, trong khi cô giáo đang kiên nhẫn chờ câu trả lời.
Không khí lớp học căng thẳng đến ngột ngạt. Chiếc lá bàng lảo đảo rời cành  theo gió vào tận cửa lớp. Vài ánh mắt ngơ ngác lẫn ngạc nhiên nhìn Hoài.
Quay  ngược kim đồng hồ 15:  Hoài ,  Kim Trang, Tố Anh , Mỹ  Dung đang có cuộc chiến nội bộ. Tố Anh bảo không thể chấp nhận được vì là bộ tứ thì ai cũng phải giống ai không nên chơi trội. Biều quyết đi. Hoài ở thế đặng đừng vì sao Hoài lại vướng vào tình cảnh tréo ngoe này chứ? Kim Trang hậm hực. Mỹ Dung thở dài . Tố Anh quyết: vậy đi không bàn cãi nữa.
Cô Bích Hà khoanh tay trước ngực . Hoài không thể đoán được thái độ của cô giáo nổi tiếng khó này đang nghĩ gì ở cung bậc cảm xúc nào.
Sắp hết tiết. Hoài lấm lét như cún cưng lỡ ăn vụng bột nhìn cô. Vài tiếng giục sao hổng nói.  Trống vang lên. Lớp học như vỡ òa. Cô Bích Hà chào lớp ra về  như mọi khi. Hoài đứng chôn chân nhìn theo. Minh tếu táu: Bão nổi lên rồi… Tố Anh cười như mếu.Trên đường về, biết Hoài không muốn về nhà nhanh nên nhóm tứ cô nương đi thật chậm. Kim Trang mào đầu ra vẻ cụ non. Không sao đâu đừng sợ…Mỹ Dung nhát gan chen vào: Họp phụ huynh chạy trời không khỏi nắng. Hoài bức bối giọng điệu cải lương nửa mùa: Ai làm cho tao lâm vào cớ sự này? Nhà Hoài là xa nhất nên cô một mình độc hành mà gặm nhắm nỗi đau từ trên trời rớt xuống.
Sao về trễ vậy chị ba? thằng Út ngọng líu đón Hoài ở ngõ nhưng không thèm nhìn vào bộ mặt như đưa đám hôm nay của Hoài vì nó biết không bao giờ có quà bánh gì. Ăn vôi miếng cơm Hoài vào bàn học đầu óc trống rỗng ưu tư. Buổi tối nặng nề trôi. Sương xuống rồi nên Hoài thấy lạnh dù không ra sân hóng mát như mọi khi. Tháng năm chưa nằm đã sáng nhưng đêm hôm nay dài quá thênh thang quá. Sao đầy trời mời gọi nhưng Hoài không còn tâm trí thưởng ngoạn xuýt xoa khi thấy sao xoẹt vắt dài ngang trời. Hoài  thở dài ngả vật người ra đống rơm nhìn trân trân vào khoảng không vô định. Mắt cô Bích Hà, nụ cười đôn hậu vòng tay yêu thương ấm áp của thầy và gương mặt ủ dột của tứ cô nương làm Hoài rối rắm ngổn ngang rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Rõ là tuổi mới lớn hay ăn hay ngủ. Tiếng má Hoài cằn nhằn nhưng không quên lấy tấm ni lông che sương cho con gái.
Gà gáy sáng. Chân trời ửng hồng. Nắng như  chẻ quạt cuối chân trời. Hoài tranh thủ vệ sinh thân thể rồi nhanh tay xách cho đầy mấy lu nước đủ xài trong ngày. Nước đang lớn chảy ngày một xiết dồn dập hành quân vào con rạch nhỏ gần nhà. Cầm gàu nước Hoài hất mạnh vào mặt vào người. Nước thấm vào da thịt mát rượi sảng khoái. Ba Hoài vác cuốc ra đồng không quên mắng yêu con gái: Con gái con đứa gì chẳng ý chẳng tứ…hồi bằng tuổi bây là má bây đã có chồng rồi đó. Hoài đã quá quen thuộc với điệp khúc này rồi nhưng hôm nay Hoài cười không nổi. Mất hứng Hoài vào nhà thay đồ rồi cho gà vịt ăn. Cả bầy vịt ta con nào con nấy mập ú nặng nề  đi muốn không nổi vẫn cạp cạp xán lại gần chủ rỉa từng miếng thịt còng ngon lành trên tay Hoài. Đám gà mái gà trống tục tục gọi nhau ăn cỗ. Chú gà trống tơ háu danh vỗ bạch bạch cái cánh ngắn ngủn cất tiếng làm oai. Bị qua mặt anh gà trống già sung lên gáy đè: Ò ó o o o…xuống nhà dưới tao chơi…Chị mái tơ ngó ngiêng ngơ ngác chỉ có chị gà cùng trang phải lứa mới te te chạy theo tiếng gáy mà rằng: lấy cục khác lấy cục… khác …khiến anh trống già tẽn tò giận đỏ mặt đáp lại:  tức hộc máu…tức hộc máu…. Hoài cười sặc sụa chẳng nết na ý từ vì nhớ lại câu chuyện tiếu lâm mà thằng Út kể về tiếng gáy của gà.
Hoài gặp cô Bích Hà, một mình. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ Hoài bước ra tươi tỉnh. Lại trông ngóng các thành viên trong tứ cô nương. Hay là tụi nó sợ mà nghỉ cả rồi. Hoài lẩm bẩm.
Cô Bích Hà vào lớp. Hoài là người đầu tiên lên trả bài. Đề bài  là đề kiểm tra 15 phút hôm qua. Điểm 9 ngon hơ. Ba thành viên còn lại lần lượt lên bảng. Toàn con 5. Lớp học hôm qua vì sao không khí hôm qua nặng nề  giờ đã được lý giải.
Cô giáo vào bài giọng nhẹ nhàng nhưng không ăn nhập gì tới nội dung sincos,  log, an- pha: “ tiên học lễ hậu học văn”.
Hoài đứng bật  dậy như có gắn lò xo bước ra khỏi chỗ ngồi tiến lại gần bàn giáo viên xin lỗi cô và các bạn trong lớp.
Tố Anh, Kim Trang, Mỹ Dung thoáng sững sờ rồi cũng làm y như Hoài. Cô Bích Hà cười. Đây là lần đầu lớp học nhìn thấy nụ cười hiếm hoi của mỹ nhân biệt danh Nữ hoàng băng giá. Lớp học lại rôm rả vỗ tay dô dô tứ cô nương dũng cảm. Hoài tức anh ách ách giữa đàng mang vào cổ.
Nhiều năm trôi qua, Hoài đã thành cô giáo. Gặp lại nhau bạn bè vẫn còn thắc mắc chưa hiểu nỗi oan Thị Kính của Hoài. Mỗi ngày Hoài đều dùng viên sỏi để đếm lỗi lầm. Nhưng trong lọ chứa sỏi lỗi lầm năm đó của Hoài không có viên sỏi này. Vì sao ai biết vì sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết