Ở các em bé, tôi thích nhất là đôi mắt của các em. Đôi mắt ấy đẹp như viên pha lê trong veo, hiền hòa, lúc nào cũng cảm nhận như có những giọt nước long lanh bao phủ nhìn như ngôi sao đang lấp lánh. Ánh mắt các bé, có lúc ngây thơ tràn đầy niềm vui tuổi còn bé thơ, có lúc cũng buồn thăm thẳm vì những nỗi buồn giấu kín nhưng lúc nào cũng như một viên pha lê. Tôi cảm thấy bé Nhân Ái tội nghiệp bất hạnh dù bị ống thở bao quanh không được cười nhưng đôi mắt thần tiên buồn thẳm như pha lê của em cũng đã là một món quà vô giá. Nhưng trong truyện ngắn này, em bé của tôi không muốn ước một đôi mắt pha lê, mà em ước, mình có một trái tim pha lê...
Trời đã cuối mùa xuân nhưng gió vẫn rét lạnh khiến cho con đường kia trải dài một màu trắng xóa. Gió cứ thế vun vút bên tai, tôi quấn chiếc khăn lại cho đỡ rét. Mặc tận biết bao cái áo bông rồi mà sao mình vẫn cứ thấy rét. Chà! Công nhận là trời Hà Nội mà rét thì chỉ có run hết cả người. Ngoài kia, những hàng phở hàng bún bốc khói nóng hôi hổi khiến cho tôi phát thèm.
Tôi dừng chân bước lại trước một quán phở ghi là Phở Bò Bà Béo. Bà chủ quán béo tròn nhìn thấy tôi liền chào đon đả:
- A cháu gái! Ăn phở hả? Vào đi! Sáng ra phở mới từ lò nóng hôi hổi đó!
- Ê kìa Thúy Trang! - Tiếng gọi từ đâu khiến cho tôi giật mình.
Kìa! Ngồi ngay trong quán phở là cái Hoa. Ô trùng hợp gớm ta, cùng đi ăn trong một quán phở! Biết hôm nay là thi kia mà, sao mà còn ngồi đây? Thế mà kêu Hoa nhà ta chỉ học là chính, chẳng thiết ăn uống gì sất!
- Mày cũng ăn ở đây hả? - Tôi ngồi xuống sau khi gọi một bát phở bò tái lăn.
- Ừ! Eo ôi trời lạnh quá, tao phải chui ngay vào đây!
- Sáng ra lạnh là phải rồi! - Đúng lúc đó bà chủ mang bát phở đến - Vâng cháu cám ơn! Cho cháu thêm 3 cái quẩy!
- OK không thành vấn đề! - Bà chủ thân thiện xởi lởi, chạy ngay ra lấy quẩy.
"...Con sẽ lấy viên pha lê chữa trái tim cho mẹ..."
- Cái gì đấy? Mày là đứa nào? - Tiếng bà chủ quát ai bỗng vang lên.
Tôi và Hoa quay ngay ra. Bà chủ đang quát nạt một đứa bé gái khoảng 6, 7 tuổi co ro núp vào gần nồi phở.
- Bác ơi cho cháu một ít thức ăn thôi mà... - Tiếng đứa bé rên lên.
- Ơ hay con bé này mày hay nhỉ? Tao úp luôn cái nồi phở lên đầu mày bây giờ! - Giọng người đàn bà the thé đáng sợ.
Bất bình, Hoa liền đứng ngay lên và bảo bà ta:
- Con bé có làm gì đâu, bác ác quá đấy!
- Nhưng nó cứ núp vào nồi phở của tôi thế này, tôi làm ăn kiểu gì? - Bà ta vặn lại.
Tôi nhìn đứa bé. Giữa trời lạnh thế này bé chỉ đội một chiếc nón rách, mặc bộ quần áo mỏng manh, thảo nào mà cứ núp vào nồi phở vì rét. Tôi bước tới kéo em bé ra:
- Em bé, em đứng gần đây là bỏng đấy!
- Bỏng? Sao bỏng được ạ? Em thấy ấm mà... - Cô bé khẽ ngẩng mặt lên.
Tôi sững sờ. Nấp dưới chiếc nón lá rách là một đôi mắt đục mờ, gần như con ngươi không chuyển động.
Đó là một em bé mù.
- Em rất lạnh, em chỉ muốn ấm thôi... - Giọng cô bé run lên.
Tôi cố ngăn dòng xúc động kéo em vào trong ngồi cạnh tôi. Hoa liền hắng giọng:
- Bác cho thêm bát phở, cháu sẽ trả thêm tiền!
Nghe đến tiền người đàn bà nở ngay nụ cười và hì hục cúi xuống làm ngay. Em bé ngồi cạnh chúng tôi. Dường như hiểu ra chuyện gì, em liền khẽ nhảy khỏi ghế.
- Em đi đâu đấy?
- Em đi về! - Giọng nói yếu ớt vang lên.
- Chẳng phải em rất đói sao?
- Em không đói...
Kinh ngạc, tôi nói tiếp:
- Em cứ ăn đi, bọn chị đâu có tiếc tiền!
- Nhưng em không đói! - Em bé nói to.
- Thế em xin ăn làm gì?
- Em... - Chưa kịp nói xong, cô bé chạy đi luôn trong trời bắt đầu mưa lạnh.
Tôi vội vã chạy theo. Hoa cũng chỉ quăng cho bà chủ tờ 50.000 đồng rồi cũng cắm cổ chạy cùng. Một em bé lạ chưa gặp bao giờ nhưng đôi mắt mù lòa ấy khiến cho tôi cảm thương và muốn biết vì sao em xin ăn mà không ăn cùng chúng tôi.
Em bé chạy mãi, chạy mãi đến tận gần sông Hồng. Sao em bé mù mà có thể chạy được như thế nhỉ, lại chạy rất nhanh mà không bị đâm nữa kia? Tít xa dưới gầm cầu Long Biên có một căn lều nhỏ rách nát tuềnh toàng, nhìn lụp xụp như sắp đổ đến nơi. Không dám chạy theo em vào nhà, chúng tôi chỉ đứng lại và nhìn qua cửa sổ.
Hóa ra đó là nhà em. Chẳng trách em biết đường chạy về nhà dù đã bị mù...
Em bé chạy đến bên giường, trên đó là một người phụ nữ đang nằm, mắt nhắm nghiền.
- Mẹ ơi! - Tiếng em bé vang lên rõ ràng.
Người phụ nữ đó không trả lời. Em nói nhỏ:
- Mẹ lại ngủ rồi! Con quên mất chưa cho mẹ uống thuốc, sáng nay con chưa cho mẹ ăn được gì! Mẹ ơi, con xin lỗi...
Sau đó em bé vội vàng quay ra pha thuốc. Nhưng đôi mắt chẳng nhìn thấy gì cả nên em làm vỡ luôn cái bát thủy tinh đang được bàn tay run run cầm. Em cúi ngay xuống và bị mảnh thủy tinh đâm vào chảy máu tay. Tôi và Hoa sợ quá chạy vội vào, nhưng em bé không xuýt xoa chút nào mà còn quay ra hỏi:
- Ai đó?
- Bọn chị! Bọn chị ở quán phở đây!
- Hai chị đi theo em? - Cô bé ngạc nhiên.
- Ừ... - Tôi ngập ngừng - Vì bọn chị sợ em không nhìn thấy gì...
- Không sao đâu ạ! Em quen đường rồi, đi lại cũng quen! Ngày trước em cũng bị vấp ngã rất ghê nhưng vì mẹ nên em phải cố gắng quen với cuộc sống này.
Hoa liền đứng ngay dậy đi tới chỗ giường mẹ cô bé. Hoa vốn theo nghề bác sĩ, mong cô sẽ giúp được gì cho người phụ nữ ấy. Em bé cũng thấp thỏm không biết mẹ mình ra sao, đôi mắt vô định của bé cứ nhìn về phía giường mẹ. Tôi cũng nín thở, mong rằng Hoa sẽ cứu được người đàn bà tội nghiệp.
Nhưng...
Gương mặt Hoa biến sắc khi chạm vào người bà mẹ. Bàn tay cô run lên bần bật, đôi môi cô mím chặt để không phát ra tiếng khiến cô bé nghi ngờ. Tôi lờ mờ hiểu chuyện gì liền lập tức chạy lại. Tôi kinh hoàng. Cơ thể người phụ nữ đã lạnh toát. Trái tim bà đã không còn lên nhịp, hơi thở cũng không phập phồng trên mũi. Tôi bàng hoàng nhận ra người mẹ tưởng rằng đang ngủ của em bé nhân hậu ấy đã rời xa Thế gian, rời xa đứa con gái tội nghiệp trong thầm lặng của một giây phút đớn đau nào mà em bé không hề hay biết...
- Mẹ ơi! Mẹ em sao rồi? - Cô bé đưa tay dò đường.
Tôi nuốt nước mắt, đỡ lấy em và bảo:
- Em à, mẹ em đang ngủ! Trước khi mẹ dậy, chúng ta chơi trò chơi nhé! - Tôi cố cười để em quên đi.
- Chơi trò chơi ạ? Chơi gì hả chị? - Với trái tim trẻ con cô bé vẫn rất thích được chơi.
- Bây giờ ta đóng kịch nhé! Chị sẽ là Bụt còn em là cô bé đang cần một điều ước.
- Điều ước ạ?
- Ừ! - Tôi gượng cười - Ta là Bụt đây! Cô bé tội nghiệp, (giả sử) ta có một viên pha lê rất đẹp, nếu như nó gắn lên đôi mắt của con thì mắt con sẽ sáng lại. Con có thích như vậy không?
- Một viên pha lê sẽ làm sáng đôi mắt của con ạ? - Cô bé hỏi hơi khác thường, nhưng vẫn cố tỏ ra vui với trò chơi.
- Cô bé thân yêu! - Tôi tiếp tục đóng vai - Viên pha lê này rất thần kỳ, nó sẽ bảo vệ đôi mắt cho những em bé bị mù bất hạnh. Chỉ cần là một em bé ngoan, viên pha lê sẽ chữa đôi mắt mù cho em bé đó.
- Vậy nó cũng chữa cho trái tim chứ ạ? - Câu hỏi vang lên làm tôi giật mình.
Cô bé đưa đôi mắt vô định nhìn về phía có viên pha lê tưởng tượng:
- Con không cần viên pha lê chữa mắt đâu! Mẹ con cũng có trái tim bị hỏng, nếu như con ngoan thì Bụt cũng sẽ đưa viên pha lê đó vào trái tim của mẹ con cứu chữa trái tim mẹ con chứ ạ? Khi ấy mẹ con sẽ dắt tay con đi chơi, lại cùng con đi múc nước bên dòng sông và còn kể chuyện cho con nghe nữa...
Cô bé say sưa kể về quãng đời tuổi thơ của mình với mẹ mà không hề hay biết rằng tôi và Hoa đã im lặng từ lúc nào. Chúng tôi cắn môi để nước mắt không tuôn trào ra nhưng nó vẫn cứ chảy thành dòng trên khuôn mặt. Em bé ấy sẵn sàng hy sinh viên pha lê thần kỳ chữa mắt cho mình để cứu chữa trái tim không còn đập nữa của mẹ mình, em bé ngây thơ ấy vẫn chẳng hề biết rằng mẹ mình đã rời xa mãi mãi.
- Mẹ ơi! Mẹ dậy chưa? Con sẽ lấy viên pha lê chữa trái tim cho mẹ! - Cô bé quay lại giường mẹ.
Đáp lại cô, chỉ là tiếng gió thổi ào ào, tiếng mưa bay lạnh buốt và cả tiếng nấc nghẹn của chúng tôi trong sáng ngày u buồn ảm đạm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết