Hầu hết tất cả chúng ta đều hiểu rằng suy nghĩ tích cực đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu và sống với ước mơ. Cho nên bài viết này không phải để nêu lên tầm quan trọng hay đưa ra những lời khuyên đại loại như “hãy suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống”, hoặc “suy nghĩ tích cực là bí quyết của thành công”,…
Tôi chắc chắn rằng bạn đã từng nghe qua những lời khuyên như thế trong cuộc sống. Tuy nhiên những người cho bạn lời khuyên đó nếu thật sự muốn giúp bạn thì họ còn cần phải cho bạn biết làm cách nào để thực hiện được điều họ nói.
Làm thế nào khơi dậy những suy nghĩ tích cực?
Khi tôi còn là sinh viên ở những năm đầu đại học, tôi cực kỳ chán ghét môn lập trình máy tính và từng nghĩ rằng bản thân không hề có chút năng khiếu nào với môn học này. Vì thế, điểm số môn lập trình của tôi chỉ vừa đủ để không bị thi lại. Lúc đó, tôi đã tự hỏi chính mình rằng “Liệu tôi có khả năng hoàn thành tất cả các môn lập trình khác nữa ở những học kỳ sau hay không?”. Và dựa trên kết quả ở học kỳ đầu tiên, tôi nghĩ rằng niềm hi vọng sẽ rất mong manh.
Dù vậy, tôi vẫn tiếp tục cố gắng. Cứ thế trải qua năm học kỳ đầu, tôi đều có thể vượt qua tất cả những môn liên quan đến lập trình máy tính. Để rồi đến học kỳ cuối cùng, khi một lần nữa phải đối đầu với môn học khó nuốt này, tôi cũng tự hỏi chính mình câu hỏi đó và lần này tôi có thể trả lời một cách tự tin hơn hẳn. Tôi tin mình sẽ làm được và hoàn thành tốt môn học này.
Chia sẻ với bạn một câu chuyện khác. Trong cuốn Làm Thế Nào Thay Đổi Thực Tại Của Bạn?, tôi có viết về một chàng trai tên là John Wood. Anh ta từng đảm nhiệm một chức vụ quan trọng với mức lương cao tại công ty Microsoft một thời gian. Nhưng sau đó, vì tiếng gọi từ con tim, anh ta rời bỏ công việc hiện tại để đi xây dựng những thư viện cho trẻ em nghèo trên toàn thế giới.
Khoảng thời gian đầu khi mới rời bỏ công ty, John không có chút kinh nghiệm gì về việc xây dựng các tổ chức từ thiện hay kêu gọi quyên góp nên đã có rất nhiều lúc, anh ta tự nghi ngờ về chính khả năng của mình. Những suy nghĩ tiêu cực lúc đó lại chiếm ưu thế trong đầu óc của anh. Tuy nhiên, anh lựa chọn không quan tâm đến chúng và tiếp tục hành động. Và chính trong quá trình đó, anh dần học hỏi được nhiều điều mới mẻ cũng như tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Và cũng chính vì thế mà mức độ tự tin trong anh tăng dần lên. Những suy nghĩ tiêu cực không còn chỗ đứng nữa. Chúng đã được thay thế bởi những dòng suy nghĩ tích cực thông qua những hành động kiên định của anh.
Đúc kết: Hành động khơi dậy suy nghĩ tích cực!
Nguyên nhân chính của việc bạn bị mất tinh thần là do bạn không tìm ra giải pháp cho những vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Do đó, việc bạn chỉ cố gắng suy nghĩ tích cực sẽ ít khi thay đổi được những kết quả ở hiện tại. Thay vì vậy, một hành động nhỏ lại có thể giúp vực dậy tinh thần của bạn tốt hơn. Bởi vì chỉ có hành động mới tạo ra kết quả chứ không phải suy nghĩ. Và chính những kết quả đó sẽ giúp củng cố cho những suy nghĩ tích cực bên trong bạn và đẩy lùi những giọng nói tiêu cực trong đầu. Đến lượt những suy nghĩ tích cực, chúng lại thúc đẩy bạn hành động nhiều hơn nữa.
Hay nói cách khác, bạn đừng chờ đợi những suy nghĩ hay niềm tin tích cực đến với bạn rồi bạn mới hành động, mà hãy hành động trước và rồi suy nghĩ và cảm xúc của bạn sẽ thay đổi. Con người ta rất khó tìm được sự tự tin trong suy nghĩ, hầu hết phải thông qua hành động.
Mặt khác, hành động và kết quả ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng. Để tìm hiểu kỹ hơn, bạn hãy tìm đọc cuốn Làm Thế Nào Thay Đổi Thực Tại Của Bạn? vì trong đó trình bày khá chi tiết về mối liên hệ cũng như cách vận hành từ tầm nhìn cho đến kết quả.
Và bạn cũng có cách để khơi dậy suy nghĩ tích cực trước khi hành động
Đó có thể là nghe nhạc, hoặc tìm đọc những mẫu chuyện lên tinh thần. Tuy nhiên, nguồn động lực bên trong bạn không thể được duy trì nếu thiếu đi những hành động cần thiết.
Nói tóm lại, bạn hãy đặt ra một tầm nhìn thật sự truyền cảm hứng đối với bạn, hành động kiên định vì tầm nhìn đó và rồi những suy nghĩ tích cực sẽ tự tìm đến với bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết