Không thấy ai khổ nhiều như mẹ. Mẹ khổ từ khi chưa kịp lớn, chưa kịp khôn, khổ từ khi chưa kịp làm thiếu nữ.
Bà ngoại chết oan vì chó dại cắn. Mẹ là chị cả của ba đứa em. Ngày tiễn bà ra cồn Đót, trời nắng thiêu cháy thịt da. Dì Út chưa đầy năm ngằn ngặt khóc vì khát sữa. Mẹ ngơ ngác, chênh vênh giữa đồng không mông quạnh.
12 tuổi mẹ phải cùng ông ngoại gánh trên vai một gia đình. Mẹ là hình ảnh nguyên vẹn của bà ngoại: chịu thương chịu khó, rắn rỏi, vững vàng. Cậu dì tôi lần lượt có nghề nghiệp ổn định. Lo cho các em xong, mẹ gác đời tư lại. Khi Tổ quốc cần, mẹ xung phong ra chiến trường tham gia kháng chiến chống Mỹ. Tuổi xuân vùn vụt qua không chờ đợi, mẹ về đã hóa dở dang. Người ta bảo con gái tuổi Tý long đong lắm.
Mẹ đi làm lẽ, nuôi ba anh của mẹ trước và thêm hai anh em tôi. Đất nước vừa trải qua chiến tranh, đâu đâu dân tình cũng đói nghèo, khốn khó. Cảnh nhà tôi túng quẫn nên mẹ lên nông trường chè Hạnh Lâm làm công nhân, cha ở nhà với các anh.
Nắng miền Trung rừng rực như lò nung, bóng mẹ bé nhỏ, vẹo xiêu trên những đồi chè rộng lớn nhưng mẹ vẫn bước đi về phía trước. Mẹ ước mong, hi vọng, tin tưởng một ngày tươi sáng hơn ở tương lai.
Cảnh cơm hai niêu thì tình cảm cũng chia về hai phía. Cha lâu lâu mới lên thăm mẹ con tôi một lần. Căn nhà thường ngày vẫn rộn tiếng cười nhưng thiếu bóng cha cứ trống huơ đến lạ. Nhọc nhằn mà mẹ trải qua mỗi tháng ngày kể làm sao cho hết.
Có lần, con bị ghẻ nước dày đặc cả lưng, ngứa không chịu được. Đêm đêm, khi con đã ngủ mẹ lật sấp tôi xuống, chuẩn bị hai bát nước muối và một cái gai, lể cho tôi từng nốt một. Bệnh này có cái tệ là nước ghẻ dính ở đâu thì ghẻ mọc lên ở đó. "Cái lưng của mẹ như muốn còng đi và mắt choẹt cay vì khói đèn dầu và thiếu ngủ" - mẹ vẫn nhắc thế mỗi khi nhớ lại chuyện này.
Mẹ có mang mà quần quật đến ngày trở dạ. Một tay hai đứa con thơ mà mẹ vẫn đạt danh hiệu người hái chè giỏi nhất nông trường. Cậu đi Liên Xô cho mẹ những tấm vải rất đẹp. Mẹ không may áo quần cho mình mà cắt cắt, vá vá thành những bộ đồ "đẹp nhất nông trường" cho anh em tôi. Nhà thì nghèo mà chúng tôi phổng phao đến lạ. Có lẽ những gì tốt nhất mà mẹ có, mẹ cho anh em tôi hết cả rồi.
Chẳng biết đời mẹ được làm vợ, được người khác chăm sóc yêu thương mấy ngày?
***
Mới 8 năm lấy cha, cha lại bỏ mẹ và chúng tôi ra đi mãi mãi. Mẹ hụt hẫng như con thuyền bỗng dưng không bến mặc dù nó đã từng vượt qua bao dông bão của cuộc đời. Cha ra đi vào tháng sáu. Mộ cha phủ đất khô cằn. Gió xới tung lên bụi mịt mù, mẹ thảng thốt, thẫn thờ, chỉ biết ôm chúng tôi mà khóc. Năm đứa con chưa kịp trưởng thành. Ông ngoại ngày xưa còn có mẹ, mẹ bây giờ chẳng có ai. Trong mẹ đã có một khoảng trống mênh mông không đầy được bao giờ.
Mẹ bỏ nông trường về hẳn dưới quê. Nhà không còn cha, bước chân như thêm nhiều hẫng hụt, nụ cười cũng lặng lẽ hơn xưa, anh em tôi sống tủi cực nhiều hơn hạnh phúc. Mẹ như cái cây bị giá rét ngày đông làm trơ trụi lá. Giống như không còn nhựa sống nhưng tiềm tàng là sự mãnh liệt vô biên. Nội lực của mẹ là vô hạn. Mẹ bươn chải ngược xuôi trên mọi dải đất nghèo để chống chèo nuôi 5 đứa con tội nghiệp.
Tôi nhớ, khi làm lễ ba tháng mười ngày cho cha, mẹ dắt anh em tôi ra sông đốt đồ để linh hồn cha được siêu thoát. Mẹ chỉ tay ra sông và nói: "Từ khi con người khai thác cát bừa bãi, dòng chảy con sông đã lệch. Dù nước không chảy nhanh như dòng cũ nhưng rõ ràng dòng chảy mới cũng đang hòa mình ra biển lớn. Cha đã không còn, nhà mình sẽ rất khó khăn nhưng mẹ muốn các con phải giống dòng sông này, dù có thế nào cũng phải tiếp tục chảy, hướng về biển lớn". Lời mẹ con vẫn nhớ.
Mẹ đã yêu thương, chăm lo cho tất cả, nín lặng bỏ qua những điều tiếng chua cay của người ta về mẹ ghẻ con chồng. Không bao giờ mẹ kể công hay than thở. Mẹ luôn cho anh em tôi thấy rằng sống là phải biết thứ tha và luôn cố gắng hướng về phía trước.
Có lẽ đây là thời kỳ mà tuổi thơ tôi trải qua với những nỗi buồn tủi không bao giờ muốn nhớ lại. Tại sao cũng một cuộc đời mà có người vui thật vui mà mẹ con tôi lại buồn ơi là buồn. Người ta gièm pha, bắt nạt, khinh khi, gieo vào lòng chúng tôi những tổn thương không bao giờ phai được.
Ôi, cái thời ngày xưa với những suy nghĩ khắt khe, sự nghèo đói khiến người ta cay độc và tàn nhẫn. Mẹ làm lẽ có gì là xấu, cha ra đi cũng là một cái tội hay sao? Hái một quả sim trong vườn thằng bạn cũng đè đánh cho, đào một con mương thoát nước bên đường người ta cũng dọa... Họ khinh "mẹ con đàn bà" không chống lại được ai.
Để yên ổn, hai anh em chỉ chơi với nhau và canh nhà cho mẹ. Mẹ giao chúng tôi trông hai đàn gà mới nở, mẹ hứa khi gà lớn lên sẽ bán cho mỗi đứa một con. "Mẹ muốn các con biết cách tạo ra thành quả lao động bằng chính công sức của mình, để biết tôn trọng giá trị vật chất dù là nhỏ nhất" - mẹ khích lệ. Một công việc mới ý nghĩa làm sao! Hai anh em vui lắm. Tôi phân công em đứng ngoài cổng, còn tôi phụ trách trong vườn, quyết không để gà mẹ đưa đàn gà con đi qua nhà người khác. Mẹ đã dặn không được mất một con nào. Công việc vui nhưng mệt quá vì gà chạy tứ tung, kêu chíp chíp khắp vườn...
Mẹ đi bán hàng ở chợ. Mẹ làm bạn với nắng mưa, mẹ thức khuya dậy sớm. Mẹ ra đi khi cây cỏ đang ngủ trong sương và trở về khi sương đã phủ đầy cây cỏ. Mẹ làm việc quần quật không biết nghỉ. Mẹ muốn anh em tôi khôn lớn trưởng thành, không phải bước sấp bước ngả giống như đời mẹ.
Tuổi trẻ của mẹ đã qua đi lúc nào tôi chẳng kịp hay.
Thời gian ư? Thời gian cũng không thể khiến mẹ tôi già nhanh đến thế. Vậy vì lẽ gì hỡi mẹ của con? Chắc tại những nẻo đường thật dài mẹ phải đi sớm về khuya, tại những cơn mưa không khi nào báo trước, tại cái nắng quê ta bỏng rát bàn chân mẹ rảo bước và tại cả chúng con lo tóc xanh mà quên dáng mẹ tảo tần.
Mẹ chưa một lần trách cứ, phân vân. Mẹ vẫn cười mỗi khi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt tràn tình yêu chan chứa. Mẹ dạy chúng tôi: "Đời người là một hòn đá, các con cũng là những hòn đá, chỉ có sự mài giũa một cách cần mẫn, chân thành thì hòn đá kia sẽ thành viên ngọc. Mẹ muốn các con luôn biết cách tự vươn lên để thành viên ngọc sáng giữa cuộc đời tươi đẹp này. Đừng chỉ là hòn đá bám đầy rêu. Cuộc đời tươi đẹp" - mẹ thường nói với chúng tôi như thế để các con có niềm tin phấn đấu không ngừng.
Và rồi chúng con đã thật sự trưởng thành, đã có công ăn việc làm ổn định. Mỗi lần đứng trên bục giảng, nhìn ánh mắt ngây thơ của học trò miền sơn cước Kỳ Sơn nghèo khó, con đã kể câu chuyện đời mẹ, về sức mạnh và nghị lực phi thường của mẹ, con muốn hành trang học trò mình mang theo luôn có lòng vị tha, can đảm, niềm tin hi vọng nhìn về ngày mai.
Cảm ơn cuộc đời đã cho con là con của mẹ. Dù không có cuộc sống an nhàn nhưng mẹ đã cho chúng con thật nhiều điều quý giá. Dù không một huy chương nhưng con đã thấy mẹ chính là viên ngọc của đời con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết