“Chiếc áo màu lá úa của Thục đã làm cho tôi yêu những hàng cây cằn cỗi, từng vạt cỏ úa tàn. Và tôi cứ ngỡ mình đang sống giữa mùa thu. Mùa lá rụng!”
Cũng như những lần trước, Thục nhận được một lá thư lạ lùng, ngộ nghĩnh. Người lạ mặt nào đó đã lấy bức tranh có rừng cây trụi lá, đỗ bóng hắt hiu để xếp thành một phong bì tuyệt đẹp. Tên và địa chỉ của Thục nằm trên tầng mây trắng bồng bềnh. Bên trong chỉ có tờ giấy nhỏ với nét chữ nghiêng nghiêng, tim tím.
Vậy mà lòng Thục nghe nôn nao xao đông. Như phù thủy, người lạ đã dùng lá thư phù phép, điều khiển niềm vui, nỗi buồn của Thục. Không phải mình Thục, mấy cô bạn giao dịch viên cùng phục vụ chung với Thục trong bưu điện tỉnh nầy cũng xôn xao, hồi hộp và ao ước. Họ biết có một đôi mắt đang dõi theo từng cử đông của Thục để ca ngợi hoặc là trách móc. Thục như người say, chếch choáng, lâng lâng. Bây giờ, mỗi ngày đến nơi làm việc là Thục đến với những bất ngờ thú vị. Thục tưởng như mình đang đi trong ánh mắt ai và Thục đợi chờ lá thư của một người không quen biết, dù nội dung của nó làm cho Thục đớn đau như lời lẽ của bức thư đầu.
Hôm đó, ba mẹ Thục giận nhau.
Khi Thục đến bưu điện thì mẹ còn nằm khóc trong phòng riêng. Đã vậy, người đầu tiên Thục phải giao tiếp là một bà già lẩm cẩm. Thục chỉ chỗ nầy, bà ký tên chỗ khác. Lãnh có năm mươi ngàn đồng mà bà đếm gần nửa giờ đồng hồ mới xong. Bà còn yêu cầu Thục cho đổi những tờ giấy bạc cũ rách. Bà đi rồi, Thục giận dỗi ném cây bút bi vào ngăn tủ nhưng nó lại rơi xuống đất và viết không ra mực nữa. Thục nóng nảy quăng bút ra sân rồi đóng sầm ngăn tủ. Chắc hẳn đã có nhiều người trông thấy và cả cái người lạ mặt ấy. Hôm sau, Thục và các bạn phải sửng sốt trước chiếc phong bì xám ngắt gởi cho Thục. Bên trong là câu ví von cay độc:
“Cô là con bồ câu có đôi cánh cụt và tiếng gù y hệt… giọng ngỗng kêu!“.
Thục khóc nức nở khi nhớ đến chuồng chim bồ câu của ba. Đó là một căn nhà lợp tôn khá rộng ở trong vườn. Ba Thục đã dùng để nuôi đủ loại bồ câu: Bồ câu Xiêm, Hà Lan, Romain, Mondain… Con nào con nấy xinh xắn, dễ thương vô cùng. Nhưng để bồ câu không bay mất và nhận ra khi chúng lạc sang nhà hàng xóm, ba Thục đã cắt ngắn đôi cánh chim. Mẹ và Thục cứ buồn ngơ, buồn ngẩn mỗi lần trông thấy ánh mắt của chúng. Những chú chim cánh cụt chỉ biết ngước nhìn bầu trời cao vút, rộng thênh thang mà nhớ tiếc những phút giây bay bổng tuyệt vời. Chim lẩn quẩn dưới đất, quanh chân ba. Chúng trở nên nhỏ nhoi, tội nghiệp. Ba rất quí bồ câu nên thường mua đậu xanh về cho chúng ăn. Khi vãi những nắm thức ăn béo bổ này ra sân, ba luôn ăn mặc chỉnh tề, lịch sư: Áo sơ mi bỏ vào quần, giầy có quai hậu như đang tiếp khách nước ngoài. Ông bắt chước tiếng bồ câu gù “ cú cụ, cú cụ…”. Rồi tung những hạt đậu lên cao. Chúng rơi rào rào xuống đầu những con chim cánh cụt đang co ro buồn bã. Hình như bồ câu chẳng chú ý gì đến tình cảm của ba Thục dành cho chúng nên đã lần lượt gục chết. Nhìn thấy ba đứng lặng bên chuồng chim, mẹ nói với Thục:
- Bồ câu thích sống từng cặp trong những ngăn chuồng nhỏ, ấm cúng và xinh đẹp như tổ ấm của đôi vợ chồng mới cưới. Đằng nầy, ba con bắt chúng sống tập thể trong căn phòng rộng mênh mông. Mặc sức gió lùa, mưa tạt. Đã vậy, ba còn cắt trụi đôi cánh, biến chúng thành những con vật xấu xí, dị hình thì làm sao chúng chịu nổi!
Thế mà người nào đó đã gởi một lá thư nặc danh, so sánh Thục với những con chim câu ấy. Và, còn chê giọng nói của Thục giống y hệt giọng ngỗng kêu nữa chứ. Thục căm thù cái người độc ác đó quá. Đúng là anh ta có đi ngang qua nhà Thục nên đã trông thấy chuồng bồ câu mà hiện giờ ba dùng để chứa củi. Anh ta muốn ngạo Thục chứ gì.
Nhưng rồi ngày thứ Bảy cuối tuần đó, Thục lại nhận được lá thư kế tiếp tuyệt đẹp với dòng chữ:
“Em đã trở thành một giao dịch viên đáng yêu!”.
Những lá thư cứ đều đều bay đến như để ru Thục vào cõi mộng xa xôi, không ngừng nghỉ.
- Thục ơi!
Thục nhìn ra, Anh Khoa đang cười với Thục. Cái mũ nhựa màu vàng to tướng chỉ làm cho đầu anh bự thêm chứ không làm ngắn lại cái cổ dài đặc biệt của anh. Mẹ Thục hay đùa:
- Bưu điện giao cho cháu phát thư là phải! Cháu y hệt chim bồ câu đưa thư ngày xưa.
- Bác nói đúng ghê! Cái túi đựng thư nặng nề nầy cứ ghì hai vai cháu xuống, bảo sao cái cổ cháu chẳng dài ra!
Thục chen vào:
- Vậy thì anh đừng đeo túi nữa mà cột nó và ba-ga xe đạp là xong.
Rồi cổ Khoa cũng vẫn không ngắn lại được chút nào!
Anh đang đứng trước hàng hiên gọi tiếp:
- Thục! Ra đây anh đưa về. Hôm nay hai bác bận đi dự đám cưới. Thấy anh đi ngang nhà, bác dặn anh tới rước Thục giùm.
Nghe Thục kể lại chuyện những bức thư lạ, ba mẹ Thục bỗng dưng lo lắng. Mẹ sợ người gửi thư là một gã đẹp trai. Ngày nào đó, gã sẽ xuất đầu lộ diện và cướp mất con gái của bà. Còn ba, ba nghi người gửi thư là một cô gái xinh đẹp, đầy mưu mô. Biết đâu, cô ta sẽ tìm gặp Thục mà chỉ dẫn những trò tinh quái, khác thường làm điên đảo bọn đàn ông, con trai. Ông quyết định đích thân đưa đón con gái. Thục không còn được một mình nhởn nhơ đến sở làm nữa. Cô thấy mình đã biến thành con bồ câu cánh cụt của ba.
Chiều nay, ba giao việc đón Thục cho anh Khoa. Cái anh chàng phát thư gàn bướng nầy. Tội nghiệp ba! Cái đáng lo ba không lo. Có bao giờ Khoa đưa Thục về thẳng nhà đâu! Anh có hàng tá lý do hợp lệ để hai người vòng vo nơi nầy, nơi nọ tới tối mịt. Khi thì:” Hôm nay, thư nhiều quá! Anh phải tranh thủ để bà con mừng. Ai mà chẳng đợi thư phải không Thục? Mệt gần chết! Ghé quán uống miếng nước mới được”. Bữa khác thì: ”Lúc nầy ốm quá! Anh phải đãi Thục một chầu phở anh mới yên lòng”. Chiều nay, chẳng biết đến tiết mục gì nữa đây?
Như đoán được ý nghĩ của Thục, Khoa hỏi:
- Thục muốn đi chơi hay về nhà?
- Về nhà!
Anh ngẩn ra một lúc rồi đỗ quạu:
- Về thì về!
Thục ngồi chưa yên thì anh đã đạp xe vù vù. Hoảng hồn, Thục ôm chặt lưng Khoa. Hình như bàn tay của Thục làm cho anh lên cơn sốt cấp tính, anh càng lạng lách liên hồi. Thục la lên:
- Chạy chậm chậm! Té Thục rồi làm sao?
Khoa vẫn lầm lì đạp tới. Thục lúng túng đánh rơi chiếc giày cao gót xuống mặt đường. Cô đấm đùi đụi vào lưng Khoa một hồi. Anh hoảng hồn ngừng xe, ngơ ngác hỏi:
- Gì vậy Thục?
- Rớt mất chiếc giày rồi!
- Thục coi chừng xe nha! Để anh đi kiếm cho!
Trước mắt Thục, cái túi Khoa dùng đựng thư đem phát đã bị bung nút tự hồi nào. Có một lá thư lạ nổi bật giữa những trang vở với mấy hàng chữ nghiêng nghiêng viết bằng mực tím. Thục rút phong bì ra xem, tên và địa chỉ của Thục nằm trên những đóa hồng nhung rực rỡ…
Thục chợt hiểu. Cô thẹn thùng nhìn Khoa. Người lạ mặt! Thật bất ngờ! Người lạ mặt đã hiện ra như trong cổ tích. Hoàng tử Khoa đã nhặt được chiếc giày của cô bé lọ lem tên Thục!
Con bồ câu đưa thư đang âu yếm nhìn con bồ câu cánh cụt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết