Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Ở nơi cuối con đường

Em ở lại học giỏi nha, mai mốt ráng thi đậu đại học Luật. Biết đâu sau này hai anh em mình gặp nhau trên Sài Gòn đó.
Trí Bình và Hạnh Dung là hàng xóm, chơi rất thân với nhau. Ông Hữu Thiện - ba của Trí Bình buôn bán gỗ còn bà Minh Doanh - mẹ của Trí Bình là cò đất nên gia đình cậu tương đối khá giả. Có lẽ vì vậy mà nhiều khi Trí Bình ham chơi hơn ham học. Trong khi đó, gia đình Hạnh Dung chỉ đủ ăn chứ không dư dả nhiều.
Mẹ Hạnh Dung đã bỏ ba con cô khi cô bé mới hai tuổi để chạy theo một người đàn ông giàu có. Chú Đạt Thành, ba Hạnh Dung ngày ngày vẫn chạy xe ôm kiếm tiền lo cho cuộc sống của hai ba con. Thương ba, Hạnh Dung luôn cố gắng học hành và ngoan ngoãn để không phụ lòng mong mỏi của ông. Cô bé vẫn hay mơ rằng mình sẽ trở thành một luật sư có danh tiếng và xây một căn nhà thật đẹp và rộng rãi cho hai ba con cô vui vầy bên nhau.
Một buổi sáng như mọi ngày, Trí Bình (lấp ló):
- Hạnh Dung ơi, đá cầu không?
Đang học bài thì Hạnh Dung nghe tiếng Trí Bình í ới gọi, cô bé vội trả lời:
- Anh Trí Bình hả? Vô đây đi. Em đang học bài.
Trí Bình nhìn quanh ngôi nhà rồi hỏi:
- Ba em chạy xe rồi hả?
- Dạ.
Trí Bình nài nỉ:
- Chơi đá cầu với anh nha. Mấy đứa bạn anh, đứa thì đi học thêm, đứa thì sợ mẹ nên rủ hoài mà tụi nó chẳng chịu đi. Giờ còn mình em thôi đó.
- Để em giải xong hai bài tập Toán này nữa nha. Chút xíu à.
Vừa nói, Hạnh Dung vừa nhoẻn miệng cười nhìn Trí Bình như để lấy lòng cậu bé vì nhìn Trí Bình lúc này ra vẻ sốt ruột lắm!
Nhìn thấy cuốn sách Toán lớp 5 trên bàn học của Hạnh Dung, Trí Bình hỏi lại:
- Thiệt hông đó? Vậy anh chờ em nha. Mà nè, em phải giải cho đúng nha, mất công xíu nữa chú Thành về lại ca "bài ca con cá" là chỉ biết rủ em đi chơi mà hổng cho em học bài nữa là mệt à.
- Hổng có đâu, mà em giải gần xong rồi nè.
- Ừ. Anh chờ. Mà Dung nè (Trí Bình gãi đầu), trưa nay cho anh ăn cơm ké nữa nha. Ba mẹ anh trưa nay hổng có về, ăn cơm với người giúp việc thì chán chết, ăn cơm với ba con em vui hơn, Dung nhen!
- Dạ. Có hai ba con em cũng buồn mà. Vậy nên... Em đồng ý hai tay hai chân luôn nè. Hi hi...
- Ừ. Giờ mình đá cầu nha. Í, mà em làm xong bài chưa đó?
- Dạ, xong rồi nè.
Hai đứa nhỏ chạy vội ra khoảng sân trống trước nhà Hạnh Dung. Tiếng đá cầu cùng tiếng cười của Hạnh Dung và Trí Bình mỗi khi trái cầu bị rơi, vang lên nắc nẻ, lan tỏa cả khoảng trời xanh thẳm trên cao.

Hình ảnh đã đăng

Cho đến một ngày... trong ngôi nhà của gia đình Trí Bình, ba mẹ cậu lớn tiếng với nhau. Trí Bình lúc ấy nấp ở cầu thang để theo dõi câu chuyện. Ông Hữu Thiện to tiếng:
- Tôi đã nói rồi mà bà có chịu nghe tôi đâu. Cứ nghe thấy mùi tiền là nhảy bổ vào. Đó, giờ nó lừa bà vố lớn rồi đó. Tới nước này chỉ có bán nhà mới có tiền mà trả cho người ta.
- Thì tôi có biết đâu, cứ nghĩ chuyến này lời to nên cứ đâm đầu vào. Ai mà biết trước lô đất đó lại thuộc diện quy hoạch để mở đường chứ.
Nói xong, bà Minh Doanh vừa khóc vừa ức lên tức tưởi.
- Dạo này kiểm lâm rà soát dữ lắm, nghề gỗ của tui cũng khó mà sống nổi. Thôi, giờ tui tính vầy, bà thấy được không? Tui với bà bán căn nhà ở thị xã này đi, gom hết tiền lên Sài Gòn làm lại từ đầu. Đất Sài Gòn nghe nói cũng dễ làm ăn lắm! Sẵn tiện chuyển trường cho thằng Bình luôn. Tui thấy dạo này nó mê chơi dữ lắm rồi, lên trên đó coi thử nó có chịu khó học hành không? Chứ ở đây, mấy tụi bạn cứ tới nhà rủ đá banh, chơi game riết rồi sinh đổ đốn.
- Ông nói vậy thì mẹ con tui theo vậy. Chứ giờ tui cũng rối trí lắm rồi.
Nghe đến đây, Trí Bình vụt chạy theo lối cửa sau qua nhà của Hạnh Dung. Hạnh Dung lúc này đang ngồi nhìn ba sửa xe. Chiếc xe cub 78 của chú Đạt Thành hôm nay lại dở chứng, đạp hoài mà chẳng thấy tăm hơi gì. Trông thấy vẻ mặt hốt hoảng của Trí Bình, Hạnh Dung rất ngạc nhiên. Cô bé liền đứng dậy, bước ra cửa nơi Trí Bình đang đứng đó.
- Có chuyện gì vậy anh Trí Bình?
- Nhà anh hổng ở đây nữa đâu. Ba mẹ anh chuẩn bị dọn lên Sài Gòn sống rồi.
Nét mặt Trí Bình thoáng chút ưu tư và buồn bã
- Sao lại vậy? Em hổng hiểu. Ba mẹ anh có chuyện gì hả?
Chú Đạt Thành nghe hai đứa nhỏ nói chuyện với nhau cũng vội buông tay, cất tiếng:
- Chuyện gì vậy Trí Bình? Mà hai cái đứa này ngộ thiệt nha. Có chuyện gì vào nhà nói chứ. Cứ đứng ngoài cửa như vậy. Vào đây kể cho chú nghe với, Trí Bình!
- Ừ, đúng đó anh. Mình vào nhà đi. Nhìn anh lo lắng chưa kìa, có chuyện gì vào nhà kể cho hai ba con em nghe với. Vào đi anh!
Vừa nói, Hạnh Dung vừa cầm tay Trí Bình kéo cậu vào nhà mình.
- Nào, bây giờ có chuyện gì, Trí Bình từ từ kể cho chú nghe coi.
- Phải đó anh, anh kể đi. Anh làm em cũng nóng ruột lắm rồi nè.
- Dạ, chuyện là vầy. Ba mẹ con làm ăn thua lỗ nên định bán căn nhà đi đó chú, rồi cả nhà con lên Sài Gòn lập nghiệp. Vậy là mai mốt con hổng được qua đây chơi với Hạnh Dung và ăn cơm với hai ba con chú nữa rồi.
Hạnh Dung ngỡ ngàng:
- Thiệt vậy hả anh? Vậy là em hổng được chơi đá cầu với anh nữa. Ba mẹ anh không còn cách nào khác hết hả anh?
- Ừ. Nhà anh phải lên Sài Gòn. Anh nghe ba mẹ bàn bạc với nhau vậy đó.
- Vậy biết bao giờ em mới gặp được anh đây?
Cô bé Hạnh Dung ra chiều tư lự.
Chú Đạt Thành ôn tồn:
- Trí Bình à, theo chú nghĩ ba mẹ con tính như vậy là cũng có lý do riêng của mình. Sài Gòn đất rộng người đông, có nhiều cơ hội hơn ở thị xã này. Lên đó rồi, con ráng học nha, nếu có dịp, nhớ về lại thị xã này thăm hai ba con chú nghen!
- Anh phải đi hả?
- Ừ. Phải vậy rồi. Em ở lại học giỏi nha, mai mốt ráng thi đậu đại học Luật. Biết đâu sau này hai anh em mình gặp nhau trên Sài Gòn đó.
- Dạ. Em nhớ rồi. Anh đi rồi phải giữ sức khỏe nha. Mai mốt em lớn, em đậu đại học, em lên Sài Gòn.
- Ừ. Mình giữ lời hứa đó nha Dung. Em ngoéo tay với anh đi.
- Dạ...
Ngày gia đình Trí Bình dọn đi là ngày trường Hạnh Dung phải học bù giờ. Tiếng trống tan học vang lên cũng đã hơn 5h chiều, cô bé dắt vội chiếc xe đạp ra cổng trường và đạp thiệt nhanh về nhà. Nhưng Trí Bình đã đi rồi. Căn nhà khang trang của gia đình cậu giờ đây trống huơ trống hoác, chờ người mới đến ở. Nhìn thấy thế, đôi mắt Hạnh Dung cứ rưng rưng. Trong đầu cô bé văng vẳng lời nói của Trí Bình: "Em ở lại học giỏi nha, mai mốt ráng thi đậu đại học Luật. Biết đâu sau này hai anh em mình gặp nhau trên Sài Gòn đó".
Gạt vội những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má, Hạnh Dung cố gắng tự an ủi mình: "Đâu phải anh Bình đi luôn đâu! Nếu mình học tốt, mình đậu đại học là mình có thể gặp lại anh rồi". Nhưng ý nghĩ khác cũng vội đến xâm chiếm lấy cô bé: "Mà Sài Gòn đông đúc như vậy, biết có còn cơ hội gặp lại nhau không anh Bình ơi!". Dựng xe ở góc nhà, Hạnh Dung mặt buồn rười rượi. Chú Đạt Thành nhìn thấy thế, chỉ biết chậc lưỡi và lắc đầu ngao ngán: "Thiệt là... cái con bé này".

***

Mới đó mà sắp đến ngày Hạnh Dung tốt nghiệp phổ thông, chú Thành càng siêng năng chạy xe ôm để kiếm thêm tiền cho con bé lên Sài Gòn thi đại học. Tối nay, trời bỗng nhiên trở gió, thêm vào đó, những hạt mưa đầu mùa lất phất rơi. Chiếc áo đã sờn vai nay lại thêm vài chỗ thủng khiến chú thấy lạnh ghê gớm:
- Ráng vậy, chạy thêm mấy cuốc, mua được hộp sữa cho con Dung bồi bổ. Dạo này con bé học nhiều, xanh xao quá!
Đang mải suy nghĩ thì chú Thành nghe thấy tiếng khách gọi xe:
- Chú ơi, về Biên Hòa hết bao nhiêu tiền vậy?
- À, đường hơi xa, qua khúc Tân Lập vắng nữa, cháu cho chú xin 65 ngàn.
- Thôi, cũng tối rồi. Chú ráng chở con về. Con trả chú 100 ngàn luôn, miễn là chú chạy cẩn thận dùm con nghen!
- Ừ, Chú nhớ rồi. Lên xe đi cháu.
Vừa nói, chú Thành vừa gỡ nón bảo hiểm treo bên hông xe để đưa cho khách. Anh thanh niên vội đỡ lấy và leo lên xe. Chiếc xe đang chạy bon bon trên đoạn đường Tân Lập vắng vẻ để chuẩn bị rẽ trái tiến về trung tâm thành phố Biên Hòa thì chú Thành cảm giác lạnh lạnh nơi gáy cổ và nghe thấy tiếng gằn:
-Ông già, cho xe tấp vô vệ đường, nhanh lên.
Chưa kịp định thần, chú Thành cảm giác như anh thanh niên ngồi phía sau càng dí chặt hơn lưỡi dao vào cổ mình
- Nghe không, ông già?
Chú đành đáp ứng theo đúng yêu cầu của tên cướp.
-Có bao nhiêu tiền, móc ra ngay.
Nghĩ đến con gái ở nhà, chú Thành ra sức năn nỉ:
-Tui còn đứa con gái sắp thi đại học, anh thương tình tha cho.
Nhưng tên cướp nào quan tâm đến ân tình:
-Lão già khốn kiếp.
Vừa hét, hắn vừa móc cả túi áo và túi quần của chú lấy đi 132 ngàn, công sức của cả ngày dài chú Thành vất vả. Không chỉ vậy, tên cướp còn đạp chú ngã dúi vào gốc cây bên đường, cướp luôn chiếc xe cub 78 tồi tàn.
Sự việc xảy ra quá nhanh và bất ngờ, với lại lớn tuổi như chú thì làm sao có thể đọ lại sức với tên cướp vừa có dao, vừa thanh niên trai tráng như thế kia, chú Thành chỉ biết nhìn theo ánh đèn xe nhỏ xíu dần mất hút trên con đường vốn ít người qua lại. Sau một đêm phải ngủ ngoài trời lạnh, chú Thành may mắn gặp được cô bán rau chở hàng lên chợ thị xã nên chú quá giang được để về nhà. Vừa tới nhà, chú thấy ngay Hạnh Dung đang đứng đợi ở cửa.
Thoáng thấy ba, Hạnh Dung hỏi ngay:
- Ba đi đâu cả đêm làm con lo quá! Có chuyện gì đúng không ba? Xe mình đâu rồi hả ba? Sao ba lại đi bộ vậy?
- Ba bị cướp xe rồi con à. Chiếc 78 cùi như vậy mà nó cũng nỡ nào lấy của ba con mình. Giờ hổng biết ba con mình sống sao đây?
- Trời đất. Nghèo còn mắc cái eo mà. Nhưng không sao, ba về như vầy là con yên tâm rồi. Giờ hai ba con mình cố gắng nha ba. Làm lại từ đầu nha ba.
- Ừ. Phải vậy thôi. Chứ biết sao bây giờ.
- Rồi cả đêm qua ba ngủ ở đâu hả ba?
- Ba ngủ ngoài đường con à. Cũng may là sáng nay gặp được cô chở rau lên chợ thị xã nên ba mới về được tới nhà. Chứ không, giờ chắc ba ở trên khu Tân Lập đó luôn quá.
- Cô chở rau tốt bụng quá ba hen. À, mà ba ơi, con có nấu mỳ cho hai ba con mình nè, ba rửa mặt mũi tay chân rồi vô ăn với con nha. Để mỳ nguội, hổng ngon ba à. Thôi thì của đi thay người, ba về với con là con mừng rồi.
- Ừ. Để ba đi rửa mặt. Hên mà ba có sổ tiết kiệm gửi ở quỹ tín dụng được gần hai triệu đồng mấy năm qua. Chắc mai ba lên rút rồi hai ba con mình khăn gói lên Sài Gòn cho con thi đại học. Ba cũng lên trên nộp đơn vào công ty may đi làm công nhân với người ta coi thử. Ba sẽ mướn một chỗ trọ cho ba con mình. Chứ nhà này, mình cũng gần hết hạn thuê rồi con à. Con thấy sao hả Dung?
- Dạ. Con nghe ba, ba à.
Đêm ấy, Hạnh Dung nằm trên giường mà cứ trằn trọc mãi. Rồi đây chốn Sài Gòn xa lạ kia có cho ba con cô một cuộc sống mới no đủ và đầm ấm không? Nhưng cô cũng không quên lời hứa ngày xưa giữa cô và Trí Bình : "Mai mốt em lớn, em đậu đại học, em lên Sài Gòn gặp anh".
- Khổng biết giờ này anh Trí Bình ra sao? Sao anh đi mấy năm rồi mà mãi chẳng thấy tin tức gì? Hay là anh đã quên thị xã này rồi. Anh quên mình và quên luôn lời hứa với mình sao?
Những câu hỏi cứ vây lấy Hạnh Dung và cuốn cô vào giấc ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ, cô mơ thấy mình trở về là một cô bé học lớp 5 và chơi trò năm mười với Trí Bình. Vậy mà cô bé kêu hoài, kêu mãi mà anh Trí Bình trốn ở nơi nào chẳng ra để một mình cô bé bơ vơ, trơ trọi, nước mắt lã chã rơi giữa khoảng sân trống mênh mông.
Còn nữa...

Thảo Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết