Một dịp tình cờ tôi về nhà người bạn thân chơi, mọi chuyện sẽ không có gì nếu như tới bữa cơm gia đình không đem ra một đĩa rau nhãn lồng luộc chín. Nhìn đĩa rau còn nghi ngút khói, bỗng dưng bao hình ảnh của mẹ tôi lại vội vã ùa về…
Do làm ăn thất bại nên gia đình tôi suy sụp, đến nỗi mà mẹ tôi phải đi hái rau dại để bán. Mẹ hái đủ thứ từ bồ ngót, cải trời, mỏ quạ, rau muống, rau mác, rau dền… nhưng nhiều nhất là đọt nhãn lồng.
Lúc đầu, mẹ chỉ hái ở những khu vườn gần nhà. Mỗi khi biết nhà nào chuẩn bị làm cỏ vườn, mẹ thường tranh thủ hái nếu không người ta sẽ chặt bỏ hết. Nhưng chỉ có vậy thôi nhiều khi mẹ còn bị họ nặng nhẹ đủ lời. Riết rồi mẹ phải đi xa hơn, đến những khu vườn bỏ hoang để hái. Lâu dần, mẹ có tên là "Bà Tư nhãn lồng".
Khi đi, mẹ cầm theo cái giỏ đệm thật to. Tuy hái rất nhiều nhưng bán chẳng được bao nhiêu, cao lắm cũng chừng hai chục ngàn. Với số tiền ấy, mẹ mua thứ gạo rẻ nhất để cả nhà ăn. Còn đồ ăn thì kiếm được gì ăn nấy, có khi chỉ vài con cá sặt, một nhúm cá lòng tong, mấy con ốc… Những hôm đi vào khu vườn hoang, cây cối rậm rạp, cỏ mọc um tùm, đến lúc trở ra thì chân mẹ bị cỏ cắt chi chít, có khi còn bị ong đánh và kiến cắn nữa.
Và mỗi lần đi học xa về, tôi thường đi hái phụ mẹ. Mẹ không cho tôi đi nhưng tôi quyết đòi theo. Tôi muốn phụ mẹ và cũng không đành lòng ở nhà để mẹ phải lặn lội sớm hôm. Mẹ rất thông thuộc đường đi và biết rất rõ nơi nào có nhiều nhãn lồng nhất. Tới nơi, mẹ cặm cụi hái như chú ong thợ chăm chỉ làm việc. Tay mẹ thoăn thoắt như người hái chè.
Chốc chốc mẹ lại quay sang nhìn tôi. Ánh mắt mẹ hiền từ, miệng luôn kể chuyện để tôi khỏi buồn. Tôi nhìn mẹ mà lòng đầy xót xa. Bởi lẽ trước đây mẹ là con gái cưng trong một gia đình khá giả. Lúc mới về nhà chồng, mẹ có biết làm chi đâu. Nhưng vì anh em chúng tôi, mẹ đã trở thành người phụ nữ khác hẳn. Mẹ dậy sớm thức khuya, quán xuyến công việc gia đình từ trong ra ngoài.
Khi ba tôi làm ăn thất bại, đất đai, tài sản trong nhà đem đi bán hết, thậm chí ngôi nhà cũng bị đem đi thế chấp. Ba tôi khá buồn chán, chỉ còn mẹ là chỗ dựa vững chải nhất cho cả nhà. Mẹ không tỏ ra buồn phiền, lúc nào cũng cứng cỏi để anh em tôi có tinh thần mà sống và tin vào cuộc đời. Những lúc chủ nợ lại đòi tiền, họ mắng, họ chửi, họ hăm dọa và mẹ tôi chỉ biết năn nỉ, "dạ", "thưa".
Những tưởng sau những lần ấy mẹ sẽ gục ngã. Nhưng không, mẹ vẫn vững vàng và tin rằng một ngày nào đó gia đình mình sẽ khác. Nghĩ thế, mẹ dẹp cái sĩ diện của mình đi để cần mẫn lo cho gia đình. Lúc đầu, mẹ đi bán bánh bò, bán xôi, bán chuối... Nhưng bán riết rồi cũng hết vốn và mẹ chuyển sang hái rau dại để bán. Và những đọt nhãn lồng là thứ mà trời đã ưu ái ban cho mẹ. Và cứ mỗi buổi sáng mẹ lại đạp xe vượt trên con đường nhỏ trơn trượt, đầy bùn lầy, ổ gà để đến chợ thật sớm. Có hôm không bán được, mẹ phải đem về và luộc cho cả nhà cùng ăn.
Có thể nói một đĩa rau nhãn lồng luộc là điều không thể thiếu trong mọi bữa cơm của gia đình tôi. Cứ mỗi lần bưng chén cơm lên tôi thấy đâu đó thấp thoáng hiện ra hình ảnh người mẹ gầy gò, đội chiếc nón lá đứng cô đơn trong khu vườn hoang để hái từng đọt nhãn lồng mà nước mắt tôi như muốn trào ra. Tôi biết rằng mỗi hạt cơm mình đang ăn là mồ hôi của mẹ, là những gì đã được mẹ chắt chiu bằng tất cả tình yêu thương và sự hi sinh để cả gia đình vượt qua cơn nguy khó.
Chợt tiếng chén đũa lách cách làm tôi giật mình. Mọi người trong nhà bạn tôi đang nói cười vui vẻ. Họ đang chuẩn bị thưởng thức hương vị đặc biệt của món nhãn lồng chấm chao. Họ đâu biết được lòng tôi lúc này chất chứa biết bao nỗi niềm chua xót. Tôi thấy lòng buồn vô hạn, thấy nhớ mẹ và muốn về ngay với mẹ. Tôi biết rằng khi mình ngồi đây thì ở quê xa mẹ tôi vẫn đang làm cái công việc quen thuộc của mình, công việc mà đáng lẽ ra cuộc đời mẹ sẽ không không bao giờ biết đến.
Tôi thấy sự hi sinh của mẹ thật cao cả, chính sự cao cả đó thường khiến tôi chết lặng mỗi khi nhớ về mẹ. Và hôm nay, chính những đọt nhãn lồng kia lại một lần nữa làm tim tôi nhói lên từng cơn đau. Chính nó đã cho tôi biết thế nào là sự hi sinh, thế nào là niềm tin và giá trị vào cuộc sống trên cõi đời này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết