Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Cỏ lạ...


1. Vong tình thảo

Nghe nói ở trên đời này có một loại cỏ gọi là Vong tình thảo. Uống nước sắc từ Vong tình thảo người ta sẽ lãng quên tất cả.

Vong tình Thảo có thể có thật, cũng có thể không. Dường như ai cũng cho rằng thời gian chính là một Vong tình thảo màu nhiệm. Nhưng có những điều đợi thời gian phai phôi thì lâu quá, nên một vài ai đó đã rèn luyện cho mình sự lãng quên.

Bạn của Thư kể nó vốn có một trí nhớ tuyệt vời, nhưng một hôm nó phát hiện ra rằng: trí nhớ tuyệt vời ấy nhiều khi làm nó khổ. Thế là nó học cách lãng quên. Nhưng đáng tiếc, khi đã học được cách quên những điều cần quên, nó cũng quên luôn cả những điều cần phải nhớ.

Khi trái tim Thư bị tổn thương lần đầu, Thư cũng giống như nhiều người khác, vội vàng tìm cách lãng quên. Trái tim người ta ai chẳng làm ra từ máu thịt, nên khi đau, đàn ông hay đàn bà cũng thế cả thôi. Có gì là khác biệt.

Thư đã mong mỏi biết bao gặp được một Vong tình thảo trên đời mỗi khi quá đỗi cô đơn và thù hận, đi lang thang dọc con phố dài vừa thân quen vừa xa lạ. Lòng Thư thầm nhủ lòng Thư: Hạnh phúc. Ôi hạnh phúc là cái gì đó ngậm ngùi.

Cửa hàng của Ngọc có cái tên khá hay: Cỏ lạ.

Thư vốn không nghĩ rằng sẽ gặp lại Ngọc khi mà đã từ lâu Ngọc ra đi từ phố núi, nghe nói ngược Bắc, xuôi Nam – Ngay cả với gia đình Ngọc cũng không nhắn nhủ một vài tin tức– Càng không nghĩ rằng suốt ngần ấy năm hai đứa sống chung trong một thành phố.

Từ nhỏ, Ngọc đã là một cô bé khác biệt, luôn luôn có xu hướng làm cho bản thân càng giống cánh con trai càng tốt. Nhưng lại không thích kết thân với bọn con trai. Thậm chí, hễ có dịp là Ngọc tẩy chay bọn con trai cùng lớp. Bố mẹ Ngọc lo ngại: Cứ thế này, lớn lên liệu nó có lấy chồng hay không nhỉ?

… “Cỏ lạ” bé nhỏ, nằm lọt thỏm giữa một dãy những shop thời trang, những tiệm vàng bạc và một siêu thị nhỏ. Một lần Thư đi qua, thấy cái tên hay hay, liền dừng lại bước vào.

Thì ra Cỏ lạ chuyên bán đồ lưu niệm. Khác biệt ở chỗ: Chủ Cỏ lạ làm theo đơn đặt hàng. Nguyên liệu cũng chẳng có gì to tát. Chỉ là hoa khô, lá khô, cỏ khô, cành cây khô… Tất cả đều khô và được nhuộm những sắc màu vui mắt.

Rồi qua bàn tay tài hoa của Ngọc những thứ khô khan ấy trở thành những món quà xinh xắn dành cho những kẻ lãng mạn và yêu đương. Mỗi khi bước chân vào “Cỏ lạ”. Thư đều nghĩ: Tất cả ở đây đều là những món quà dễ thương dành cho những tâm hồn đẹp còn lẩn khuất đâu đó trên thế gian lắm ồn ào này.

Nhưng với riêng Thư, thực ra từ lâu đã dị ứng với những món quà.

Hồi chia tay với Quốc, trong lúc đau khổ, tuyệt vọng và giận dữ, Thư đã đem trả lại cho Quốc tất cả những kỷ vật thời yêu đương Quốc trao tặng. Nhiều khi nghĩ lại Thư hối hận. Giá được làm lại thì Thư sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Nuối tiếc thì việc làm cũng đã làm rồi và thời gian chẳng cho phép ai ngồi đó mà than thở.

Mỗi khi gặp mẹ Quốc, dù rất đỗi tự nhiên, nhưng trong lòng Thư vẫn gờn gợn một chút gì đó. Không phải sự ái ngại vì đã chia tay với Quốc, mà ái ngại vì qua tay bà, Thư đã trao trả cho Quốc những kỷ vật tình yêu. Quốc đã mãi mãi là một điều xa xôi, nhưng mỗi khi gặp cái gì đó từa tựa như những món quà năm xưa, lòng Thư lại hồi lâu không yên ổn.

Thư hiểu ra, trong lòng Thư, tình cảm đối với Quốc còn sâu nặng biết bao. Càng hận Quốc bao nhiêu, Thư càng nhớ Quốc đến đê mê cuồng dại. Người ta đâu dễ quên mối tình đầu mười năm vun đắp. Thư nghĩ về những món quà. Lúc tình cảm thắm thiết thì người ta hì hục vác chúng đến tặng nhau.

Khi tình cảm nhạt phai, thậm chí là khi tình cảm đã qua đời thì quà tặng lại trở thành những vật dụng xấu xí và đáng ghét, chỉ còn nước vứt đi không thương tiếc. Nên chăng đáng thương nhất khi tình yêu tan vỡ là những món quà.

Bước chân vào “Cỏ lạ” lần đầu tiên, Thư vốn không hề biết đó là cửa hàng của Ngọc. Trên kệ tủ hẹp bày ngay ngắn những món quà đã dán mã số của khách hàng.

- Sao lại là Cỏ lạ?

Nghe Thư hỏi, Ngọc vẫn không dừng tay, cũng không ngẩng đầu lên nhìn khách.

- Vì cỏ không bình thường nên gọi là Cỏ lạ. Bạn muốn một món quà cho chính bạn hay cho người yêu.

Thư ngậm tăm. Thư chẳng biết tặng quà cho ai. Mười năm yêu một người Thư đã mất hẳn khái niệm tặng quà cho người khác trừ những món quà phải tặng để duy trì các mối quan hệ xã hội. Còn tự tặng cho mình một món quà thì Thư chưa bao giờ nghĩ tới. Để làm gì nhỉ? Để ngày ngày hay thi thoảng cầm món quà ấy lên và tự hỏi: “Ồ, mình đấy ư? Ra thế. Đây là mình tặng quà cho mình đấy nhé!”.

Với nhiều người thì đó là việc làm có ý nghĩa. Còn với Thư nó chẳng có ý nghĩa gì cả.

…Không thấy khách trả lời Ngọc đành dừng tay và ngửng lên nhìn. Giây phút ấy Thư tưởng đôi mắt Ngọc hóa đá, hoặc giống đôi mắt của một người đang nhìn thấy điều gì kinh ngạc quá đỗi. Đôi mắt như thúc giục chủ nhân: “Hãy đi đi”, lại như gàn: “Đi đâu mà đi? Việc gì phải sợ?”.

Chính Thư cũng ngạc nhiên đến không nói được khi trước mắt mình là cô bạn gái đồng ấu thân thiết mà tám năm qua Thư mong mỏi gặp. Và chính Thư cũng ngàn lần tưởng tượng ra cuộc gặp này và Thư sẽ nói: “Ngọc ơi! tha lỗi cho tao nhé!”. Thế nhưng cuộc gặp diễn ra thì người nói lại không phải là Thư, mà là Ngọc sau những giây mắt nhìn như hóa đá:

“Thư hả? Lâu quá không gặp. Mày lặn đâu kỹ vậy?”.

Ô hay! Đáng lẽ câu hỏi ấy của Thư thì Ngọc đã hỏi mất rồi. Thư bật cười. Hai đứa cười, nhìn nhau cười khanh khách. Đêm ấy Thư ngủ trên giường của chồng Ngọc. Hai đứa, mỗi đứa một giường kể lan man cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện như thể 8 năm là tám trăm năm cách biệt.

2. Đi qua tình đầu

Khi Thư yêu lần đầu Ngọc vẫn chê: “Mày yêu thằng trẻ con”. Mười sáu tuổi nhưng trông Quốc rất trẻ. Trẻ hơn những cậu bé mười sáu tuổi khác. Ngọc không thích chơi với bọn con trai từ nhỏ, nhưng với Quốc là một ngoại lệ, bởi nguyên nhân cũng lạ: Quốc có nhiều nét “nữ tính” hơn người khác, nên cái biệt danh “Quốc ái” cứ đèo đẽo theo Quốc suốt nhiều năm đi học.

Tuy vậy, Ngọc vẫn không tán thành việc Quốc và Thư yêu nhau. Lý do: “Ngọc không muốn mất tình bạn với một trong hai người. Vì sao nữa ư? Vì tình đầu dễ tan vỡ, tình đầu chẳng bao giờ thành công. Tình đầu là bài học vỡ lòng, tình đầu là thử nghiệm, tình đầu là…

Giữa trăm mối đe dọa tình đầu, Thư vẫn ngày ngày đứng bên này cầu đợi Quốc đi học. Cây cầu bê tông nho nhỏ không có tay vịn bắc qua dòng suối nước trong veo, ngổn ngang sỏi đá. Tình yêu tuổi trăng rằm trong trẻo và nồng nàn theo cách của tuổi trăng rằm. Ngày nào không nhìn thấy nhau thì ngày ấy là bão tố.

Ngày nào Thư cũng đợi Quốc đi qua cầu, nhưng cả hai chẳng bao giờ đi cùng nhau đến lớp. Bao giờ Thư cũng đợi Quốc đi qua rồi lại đứng đợi Tuyết để cùng đến trường. Tuyết cũng là người bạn gái ở gần nhà Thư, và là người mà ngoài Thư ra, cả lớp không ai chịu nổi.

Dọc bờ suối, dưới chân cây cầu ấy có một loài cỏ dại nở những bông hoa màu tím mong manh. Đó là loài cỏ có sức sống đáng nể phục. Một cây cỏ bị nhổ lên, hàng chục cây khác thế chỗ. Lá cỏ hình trái tim. Không phải một, mà là ba lá hình trái tim trên một cuống lá. Cỏ mọc nhiều vô kể. Những người trồng ngô trồng bí ven suối đầu tiên còn đánh vật với nó.

Cần mẫn nhặt từng thân cỏ bỏ đi. Nhưng cứ năm này qua năm khác, dường như con người càng tìm cách tận diệt thì cỏ càng xanh rờn kiêu hãnh như muốn tuyên ngôn với con người: “Trời sinh tôi ra để sống, liên quan chi đến các người mà các người lại diệt tôi đi?”.

Dần dần chủ nhân của những ruộng bí, ruộng ngô cũng ngán, không còn muốn tìm cách triệt cỏ nữa. Và cỏ cứ xanh như hàng vạn, hàng vạn trái tim trùng trùng dưới sao trời lồng lộng. Những trái tim xanh biếc… Vì thế, Thư gọi chúng là Vong tình thảo.

Khi Thư khoe với Ngọc về nụ hôn đầu đời. Ngọc chẳng biểu lộ chút gì ngạc nhiên, mà còn buông một câu hờ hững: “Biết rồi”. Thư giật mình: “Sao biết?”. Ngọc chép miệng. “Thư lúc nào cũng cười một mình, thi thoảng sờ tay lên môi. Chỉ có đứa nào hôn lần đầu mới hay làm thế”.

Thư đỏ bừng mặt. “Sao mày biết nhiều thế?”.

Ngọc thinh lặng, tay soàn soạt giở những trang sách giáo khoa Lý, lâu sau Ngọc đột nhiên hỏi: “Mày có chắc Quốc là người đầu tiên hôn mày không?”.

Thư ngơ ngác. Ngọc im lặng, tiếp tục giở những trang sách Lý như chưa từng hỏi câu gì. Câu hỏi của Ngọc mãi sau này Thư mới biết câu trả lời. Mà khi đã tìm được câu trả lời, lòng Thư chỉ còn một nỗi buồn tê tái.

Thi thoảng Thư về phố núi thăm nhà, lại ghé qua nhà Quốc thăm mẹ và con gái Quốc. Chủ yếu là cho con bé một ít tiền. Từ sâu thẳm, cả mẹ Quốc và Thư đều coi Thư là mẹ nuôi của con bé. Dẫu sao thì ngoài lúc nó bị mẹ đẻ bỏ rơi Thư tự tay chăm sóc nó một thời gian, còn có những ràng buộc khác về tình cảm.

Thư không bao giờ quên được buổi tối mùa hè Thư học đại học năm thứ ba… Sau những hồi cửa bị gõ dồn dập, trước mặt thư là Tuyết, trắng xanh rệu rạo, tóc xõa rối tung, tay bế một đứa bé đang ọ ẹ khóc. Tuyết nói như ra lệnh.

“Mày dọn giường đi, tối tay mẹ con tao ngủ nhờ”.

Thư làm theo lời Tuyết như một cái máy. Suốt đêm hôm ấy đứa bé khóc ngằn ngặt. Không phải Tuyết mà chính Thư ẵm nó, vỗ về nó bằng những câu à ơi vụng dại đầu đời.

Còn Tuyết, có lẽ vì quá mỏi mệt, ngủ li bì và vô tâm kỳ lạ. Tuyết không dành một lời để giải thích cho Thư biết vì sao đứa bé lại có mặt trên đời trong hoàn cảnh này. Khi cả Thư và đứa bé tỉnh giấc sau một đêm dài kẻ khóc người dỗ thì Tuyết đã biến mất, chỉ để lại một tờ giấy trên bàn ghi vỏn vẹn:

“Thư à! Đứa nhỏ này là con của Quốc, tao trả lại cho Quốc, mày đem trả Quốc, tự nuôi hay vứt nó đi thì tùy. Tao không biết”.

Thư khóc như điên như dại. Sau này Thư cũng không biết vì sao khi nhận được món quà trời giáng ấy Thư lại không đứng tim mà ngất xỉu, lại khóc như chưa bao giờ được khóc như thế.

Thư khóc dữ đến nỗi những người trong xóm trọ phải chạy sang dù sự có mặt của đứa bé trên tay Thư chưa nói lên điều gì. Cũng khiến người ta phải dở cười dở mếu.

Khi ấy Quốc và Thư, trên mọi phương diện, vẫn là người yêu của nhau.

Trong lúc tâm trí rối bời đó, Thư đã tự cho mình một quyết định táo bạo: “Thư sẽ trực tiếp nuôi dạy đứa trẻ đó dù chưa biết Thư sẽ nuôi dạy nó như thế nào khi bản thân vẫn còn là một sinh viên. Đêm dài ôm đứa bé trên tay Thư ngậm ngùi nghĩ về cây cầu bê tông không tay vịn bắc qua dòng suối quê nhà.

Nơi ấy ngày xưa Thư vẫn chờ Quốc đến rồi lại không đi cùng nhau. Dọc bờ suối có loài cỏ dại có những chiếc lá mang hình trái tim xanh biếc. Thư đặt tên đứa bé là Dị Thảo.

Khi tất cả những sóng gió về Quốc đi qua, Thư vẫn ngạc nhiên vì sao ngày đó Thư lại tha thứ cho Quốc tội lỗi kinh khủng đó. Vì Thư yêu Quốc đến nỗi quên mất mình là ai chăng? Cũng có thể vì Thư luôn nghĩ, nếu thời gian đó có Ngọc ở bên, thế nào Ngọc cũng đồng tình với Thư, có thể Ngọc sẽ nói: “Giá như mẹ đứa bé không phải là con Tuyết thì tao ủng hộ việc mày chia tay Quốc bằng cả hai tay lẫn hai chân. Nhưng lại là Tuyết. Mày dư biết rồi, nó đâu phải là đứa để người ta phải mất thời gian căm thù.

Không phải thứ gì không đếm được cũng đều là vô tận. Tình yêu vô bờ, thì càng hoang hoải đến tận cùng cô đơn, đau khổ. Thư tha thứ cho Quốc nhưng Thư cũng không còn là mình nữa. Thư thấy mình giống ai đó, một ai đó mà Thư không quen biết.

Ngày tất cả đều còn rất trẻ. Ngọc không tán thành việc Thư yêu Quốc. Càng không tán thành việc Thư cứ duy trì tình bạn với Tuyết. Bởi trong mắt mọi người thì Tuyết là đứa “không thể chấp nhận được”. Từ việc xoen xoét nhận lỗi là đã ăn cắp tiền của bạn học, còn trơ trơ tái phạm, đến việc không ngần ngại tự rước vào mình một “căn bệnh hiểm nghèo, sắp chết” để nhận được sự thương cảm cũng như tiền ủng hộ của bạn bè.

Ai cũng xa lánh Tuyết. Trừ Thư. Đối với Thư, việc là người bạn duy nhất của Tuyết đơn giản vì Thư không thể nào chịu đựng được khi thấy Tuyết cứ thui thủi một mình. Và vì là bạn tốt nhất của Tuyết nên năm nào vào ngày sinh nhật Tuyết, Thư cũng lóc cóc ôm gói quà tặng đến ngồi trước cái bàn không hoa hồng, không kẹo bánh nhìn cái mặt hả hê của Tuyết rồi lại lóc cóc đi về với niềm vui như thể mình vừa làm được một việc vĩ đại nhất trên đời.

Có lần Thư về thăm Dị Thảo thấy con bé đang thui thủi chơi một mình ở góc sân, trước sân là nơi những người trong xóm hay ra đón đợi những chuyến xe về xuôi. Tự nhiên, không có gì ngăn được, Thư sụt sùi khóc trước đôi mắt xoe tròn vô tội của con bé. Mẹ Quốc kể Tuyết có về thăm con bé một lần, nhưng chẳng cho nó lấy một đồng quà.

Rồi sau đó Tuyết lấy chồng trên phố huyện, một anh sĩ quan quân đội hẳn hoi. Mẹ Quốc cầm tay Thư nói như trăng trối: “Con là người nhân ái. Mẹ xấu hổ vì không có được đứa con dâu như con. Con bé này đã biết gọi bà, gọi cô, nhưng chưa một lần gọi một tiếng cha, tiếng mẹ…”.

Thư nhớ lần Thư mang con bé về trao trả cho tổ ấm ruột thịt của nó, im lặng trước cuộc cãi vã của mẹ Tuyết và mẹ Quốc, lòng Thư phiêu diêu với những tháng ngày xa vạn dặm. Ngày ấy Ngọc vẫn cứ thở than: Tình đầu dễ tan vỡ, tình đầu là bài học vỡ lòng, tình đầu là…

Có những giấc mơ không trở thành hiện thực. Đâu phải lúc nào tình bạn, tình yêu của Thư cũng lay động tâm hồn Tuyết và níu giữ Quốc khỏi những sai lầm của cám dỗ tình yêu khác. Vì vậy Thư đã từng mong mỏi biết bao gặp được một Vong tình thảo trên đời mỗi khi quá đỗi cô đơn và thù hận, đi lang thang dọc những con phố dài vừa thân quen vừa xa lạ. Lòng Thư thầm nhủ lòng Thư: Hạnh phúc. Ôi, hạnh phúc là cái gì đó ngậm ngùi.

3. Miền cỏ lạ bình yên

Lần đầu tiên Lãm – chồng Ngọc – đi qua Thư, Thư đã sựng lại hít hà. Mùi xà phòng còn vương trên áo Lãm giống hệt như mùi xà phòng còn vương trên áo Quốc ngày xưa. Mà xà phòng thì nhiều vô kể. Người dùng chung một loại tính sơ sơ trong thành phố cũng phải đến triệu người, mà sao khi Lãm đi qua, mùi xà phòng ấy khiến Thư chênh chao, nhớ con người phản bội ấy đến tơi bời.

Buồn cười thật, có lẽ vì Thư nghĩ đến Quốc nhiều quá mà đâm ra dần thấy Lãm có nét gì đó giống Quốc. Từ cái chớp mắt đượm buồn đến cái cười mim mím thay cho lời chào hỏi. Thư nhận ra nhiều khi mình nhớ Lãm. Mà không. Nhớ mùi xà phòng vương trên áo Lãm. Quốc nói: “Dù trói buộc cuộc đời với người đàn bà khác nhưng tình yêu Quốc dành cho Thư là bất tử”. Giả dối! Làm sao tin được một người đã ái ân mặn nồng với người khác mà miệng thì vẫn nói yêu ta?

Thư muốn gào thét, muốn đập phá tất cả, muốn giết chết con người đã yêu Quốc trong Thư. Ngày Quốc làm đám cưới, tình yêu mù quáng đã làm cho máu trong tim Thư đen lại, để đến nỗi Thư không thể cầu mong cho Quốc hạnh phúc. Thư cay đắng khi cuối cùng cũng hiểu ra rằng mình đã yêu mù quáng, tha thứ mù quáng và cả ích kỷ mù quáng nữa.

Thư hay bước vào “Cỏ lạ” bởi tựa hồ tự khi nào Thư đã tìm thấy điều gì đó bình yên. Một lần Ngọc nhìn Thư cười mỉm:

- Thư, tao làm mai cho mày và ông Lãm nhé.

- Cái gì vậy? – Thư kinh hãi thốt lên – Sao mày có thể nói như thế hả Ngọc?

Ngọc cười như mếu:

- Tao nói thật đấy! Tao và Lãm chưa bao giờ hạnh phúc.

Nào đâu cứ không hạnh phúc là sẽ bất hạnh hay sao?

Thư nhớ đêm Thư tổ chức liên hoan mừng trúng tuyển đại học. Trong buổi liên hoan ấy Ngọc đã uống rượu bằng bát. Ngọc say đến nỗi không đi được, phải ngủ lại cùng Thư. Đêm ấy trong giấc ngủ, Thư mơ thấy mình và Quốc đang ôm nhau trên đồng cỏ bất tận. Nụ hôn của Quốc đê mê, cuồng nhiệt, bàn tay mềm như tay con gái của Quốc run rẩy lần mở những khuy áo Thư. Thư lẩy bẩy giữ tay Quốc lại: “Quốc ơi đừng làm thế. Thư sợ…”. Giọng Quốc như tan ra: “Thư… tao… yêu… yêu… mày…”. Thư choàng tỉnh giấc. Đồng cỏ tan biến, chỉ còn đêm đen thẫm và tiếng dế ri ri sau nhà. Bàn tay ai đó vẫn lồng vào ngực Thư, nụ hôn ai đó còn lướt trên cổ Thư. Thư hét lên vì kinh hãi. Sau tiếng hét của Thư vài chục giây thì đèn trong nhà bật sáng, bố mẹ, anh và em trai của Thư ập vào phòng. Trước mắt họ, Thư chết lặng, ngực áo mở toang, và… Ngọc, vẫn trong cơn say, ra sức vít cổ Thư, ra sức ôm lấy Thư như không cần biết có ai trông thấy.

…Bố Ngọc trói Ngọc vào gốc đào phai trong sân, mỗi tiếng roi vút lên người Ngọc là mỗi tiếng ông ai oán: “Con dị dạng, con quái thai. Sao tao lại đẻ ra mày hả trời…”. Ông chửi rủa nhiều vô số kể, đánh nhiều vô số kể, không ai dám ngăn ông. Ngọc câm lặng chịu đòn roi của bố như thể người ta bị oan ức mà không thanh minh được. Thư khóc lóc, ôm chân bố Ngọc van xin: “Bác ơi, cháu xin bác, bác đừng đánh Ngọc”. Bố Ngọc hất Thư ngã ra đằng sau: “Cút đi. Cả mày nữa. Con quái thai…”. Thì lúc ấy Ngọc ráo hoảnh: “Bố ơi, con yêu Thư, con yêu Thư. Điều đó có gì sai. Con gái yêu con trai được, tại sao con gái lại không yêu con gái được? Chỉ là con người yêu con người thôi mà…”.

Thư không thể hình dung được vì sao Ngọc lại có thể nói được những lời như thế. Những lời dị thường, kỳ quái. Những lời đó như những nhát dao đâm vào tim mọi người. Những lời khiến ai cũng kinh ngạc mà không khóc, không cười được.

Sau này trên một chuyến xe buýt, Thư đã gặp hai chàng trai yêu nhau. Họ bộc lộ tình yêu quá đỗi tự nhiên, hành vi biến thái, kỳ quặc đó làm ngứa mắt, ngứa miệng một bác trung niên. Và để đáp lại lời bác, một chàng trai cũng nói: “Đàn ông yêu đàn bà thế gian này đầy rẫy bố ạ. Chúng con yêu nhau thì đã làm sao? Chỉ là con người yêu con người thôi mà…”.

Và thế là Thư khóc, Thư nhớ Ngọc, thương Ngọc đến tái tê, đến chua xót. Sau trận bị bố đánh đó, Ngọc đã bỏ đi, không để lại tin tức gì. Nghe nói ngược Bắc xuôi Nam… Mọi tội lỗi lại đổ lên đầu Thư. Nhưng Thư không giận Ngọc. Trong lòng Thư luôn mong gặp Ngọc ở đâu đó và nói: “Ngọc ơi, tha lỗi cho tao nhé!”.

Gặp Ngọc ở “Cỏ lạ” Thư vui vì cuối cùng Ngọc cũng đã lấy chồng như bao người con gái khác. Còn Thư, vẫn một mình một bóng. Bạn bè sốt ruột, ngược xuôi lo mai mối. Thư gạt đi tất cả, Thư ghét cảm giác ngồi nói chuyện với một người mà người ta giới thiệu. Nó không tự nhiên và luôn có một khoảng trống vô tận.

Thư ghét gặp người mà ai đó giới thiệu rồi Thư phải tìm cách chạy trốn họ, Thư ghét gặp người mà ai đó giới thiệu để rồi nếu họ không thích Thư. Mệt mỏi, chán ngắt, Thư hét lên với những người bạn nhiệt tình: “Tôi biến thái rồi. Tôi chỉ thích đàn bà. Các ông đừng có dại dột đưa vợ các ông đến gặp tôi…”. Chẳng ai tin lời Thư cả, nhưng họ lại để Thư yên. Thi thoảng Thư về phố núi, chở Dị Thảo sau xe máy.

Hai cô cháu chạy xe dọc con đường trải nhựa thênh thang, đến những cánh đồng mía xanh bạt ngàn. Những nông trường cam ngọt hay đi dọc bờ cát Sông Đà mùa nước ngọc. Dị Thảo tin tưởng đặt bàn tay bé nhỏ trong tay Thư. Cầm bàn tay bé nhỏ của Dị Thảo, Thư thấy bình yên kỳ lạ. Bình yên đến nỗi Thư có thể mỉm cười với những người đàn ông đi qua. Nhưng yêu một ai đó thì Thư không nghĩ tới.

Khi Ngọc nhận ra những rung động khác thường từ Thư với chồng mình, Ngọc đã thành thật: Từ ngày lấy Lãm - đã ba năm nhưng chưa bao giờ thực sự là vợ chồng. Chỉ là vợ chồng hờ. Và Ngọc vẫn chỉ thích đi chơi cùng các cô gái…

“Tại sao?”

“Tại vì tao không thể chịu được mùi đàn ông”.

“Thế sao lại lấy nhau?”.

“ Vì tao cần có một ông chồng. Thế thôi…”.

Đã gần hết tháng Giêng, Thư về phố núi. Trước cửa mọi ngôi nhà, không biết từ bao năm trước người ta trồng những cây đào bích. Đào bích, đào phai năm nay sau Tết mới nở rộ, đẹp lung linh trong nắng nhạt. Thư vừa đi vừa say sưa ngắm hoa đào. Có người nào đó Thư không nhớ lắm đi qua bỗng gọi: Thư phải không? Có người dưới Hà Nội lên tìm.

Tim Thư đập rộn ràng, dường như trẻ lại, mặc dù Thư chưa biết ai đã đến tìm mình. Cây cầu bê tông không có tay vịn không cũ đi nhiều so với thời gian… Ngày xưa Thư vẫn đợi Quốc qua cầu.

Thư ngẩn ngơ đứng bên này cầu. Bên kia cầu Lãm đang cầm tay bé Dị Thảo, còn con bé, đang say sưa kể cho chú Lãm nghe điều gì đó, nó đang trỏ tay và Lãm nhìn theo.

Mùa này, dưới chân cầu, dọc đôi bờ suối, Vong tình thảo vẫn xanh như bất tận, như trùng trùng những trái tim xanh biêng biếc dưới nền trời mênh mông.



ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết