Mẹ của em đặt tên em là Tịnh Yên, có nghĩa là sự an bình. Mẹ bảo cuộc đời của mẹ sóng gió quá nhiều, mẹ lỡ lầm yêu một người đàn ông lãng tử, có nụ cười đẹp giống như tranh vẽ, nhưng người đàn ông đó quá đào hoa, đã phụ bạc mẹ em, đi theo người đàn bà khác khi đã sinh ra em. Khi em chào đời chỉ có mẹ, cho đến giờ này em vẫn chưa biết mặt cha mình.
Mẹ em là người đàn bà ít học, cho nên bà chẳng trở thành một doanh nhân thành đạt, có nhiều tiền cho em có thể thong dong bước vào đời. Nhưng mẹ em lại là người đàn bà chịu khó, bà bươn chải trên dòng đời ồn ào, luôn sẵn sàng cuốn trôi những ai đứng lại mà không chịu bước đi. Bà chạy theo dòng đời đó bằng đôi chân của mình, chạy rất nhanh như thể chạy không nhanh thì bà sẽ không có công việc để làm, mà không có công việc thì đồng nghĩa với việc con bà, cô bé Tịnh Yên tròn xoe đôi mắt ngây thơ nhìn cuộc sống sẽ đói.
Mẹ em bắt đầu buổi sáng bằng phiên chợ rau hối hả, khi ánh đèn đường trở mình hiu hắt trong cơn mưa. Cứ thế, mẹ em trở thành một toa tàu chuyển mình chở em lớn, chở em vào đời với những mơ ước thần thánh của tuổi thơ. Rồi em lớn, em lớn nhanh. Em có những giấc mơ đẹp năm 17 tuổi phải không Tịnh Yên? Tôi vẫn bảo với em rằng, nếu không có giấc mơ thì con người ta sẽ chẳng bao giờ vượt qua được những khó khăn trước mặt. Mà cuộc sống này luôn nghiệt ngã, vẫn thường dạt xô tất cả những giấc mơ cho chúng trở thành những đám mây phiêu lãng.
Em mơ gì? Tôi nhớ hôm đó em đến nhà tôi, dường như em đợi rất lâu trước cổng nhà cho đến khi tôi về. Em cúi chào lễ phép, bởi em vốn là một học trò ngoan:
- Thưa thầy, thầy cho em gặp thầy một chút.
Trong lớp học, em ngồi bàn thứ ba, góc trong cùng. Em vẫn hay lơ đãng đưa mắt nhìn ra cửa sổ khi tôi đang giảng bài. Có hôm em đi trễ bởi vì em phụ mẹ em chia rau cho kịp phiên chợ chuyến. Có khi em ngủ gục trên bàn vì có thể em đã phải dậy quá sớm. Nhưng em là một học sinh học tốt.
Hôm tôi bảo tất cả học trò trong lớp làm một bài kiểm tra với nội dung như sau: “Theo em, mai sau em sẽ làm gì?”. Tất cả học trò của tôi đều có những suy nghĩ khác nhau, những suy nghĩ ấy chính là động lực để cho các em bước những bước chân của mình vào đời. Hôm đó tôi bảo các em: “Tờ giấy này thầy sẽ giữ lại, 5 năm sau, em nào cần lấy lại hãy tới tìm thầy nhé. Thầy bảo đảm các em sẽ rất thú vị khi thấy nghề mình đã chọn khác với những gì mà các em đã ghi ngày hôm nay”.
Trong mảnh giấy của Tịnh Yên, em viết: “Em biết em sẽ không có điều kiện lên Đại học như các bạn khác, chắc chắn thế. Nên phía trước mặt của em là những bước chân phải chạy...”. Đọc những dòng chữ của em, tôi gọi em vào phòng giáo viên. Em mím môi như thể em đang cắn một viên sỏi cứng rắn nào đó.
Tôi hỏi :
- Tịnh Yên, nếu em gặp khó khăn, em hãy báo cho thầy biết. Nếu thầy giúp em được thì thầy sẵn sàng. Việc học mới giúp cho con người đàng hoàng tiến vào đời em biết không?
- Dạ biết.
- Vậy thì em hãy cố gắng mà học. Thầy hy vọng 5 năm sau em sẽ trở lại gặp thầy để lấy lại tấm giấy em viết ngày hôm nay.
Đi dạy học nhiều năm, tôi biết cuộc sống của mỗi em học sinh đều không giống nhau. Không phải ai sinh ra đời đều cũng có đủ cha mẹ, có đủ tiền bạc để học hành và thực hiện những giấc mơ tuổi trẻ của mình. Cuộc sống của các em học trò của tôi có khi phải bỏ dở dang việc học ở trong giai đoạn đẹp nhất lớp 11, 12 của cuộc đời vì cha mẹ không có khả năng lo cho các em ăn học. Rồi các em tự vào đời mà bỏ đi những ấp ủ tương lai của mình.
Tôi, một giáo viên Cấp 3, mỗi ngày đến trường truyền dạy cho các em kiến thức, đôi khi nhìn thấy trong lớp vắng đi một chỗ trống mà lòng không khỏi buồn. Nhưng tôi không thể níu các em về lại lớp học của tôi, bởi cuộc sống đã xếp đặt như thế. Và khi tôi bảo các em viết những tờ giấy nói về ước mơ của mình, tôi hy vọng các em sẽ trở lại sau khi tốt nghiệp Đại học, lấy nó đem về như một kỷ niệm đẹp.
- Em xin nghỉ học vào Thành phố học múa. Em rất mê múa. Cô học trò tên Tịnh Yên cúi mặt xuống. Em nhỏ xíu xiu kia mà lại có một quyết định lạ lùng. Tôi bảo: Chỉ còn một năm nữa là hết cấp. Em ráng một năm nữa rồi tính cũng được. Nghe không Tịnh Yên?
Em vẫn cúi mặt xuống:
- Dạ không được đâu thầy. Anh Vũ bảo là phải đi cùng anh ấy vào thành phố học múa. Ảnh sẽ đưa em vào trong một vũ đoàn. Em chỉ có cơ hội duy nhất này.
Sau ngày tới nhà tôi đó như một nghi thức, Tịnh Yên đi. Tôi chợt nhớ là em rất thích thả diều. Có lần ra quảng trường vào buổi chiều hóng gió biển, trốn cái nóng nực tôi đã gặp em. Tịnh Yên với chiếc áo cánh, chiếc quần lửng, gương mặt trẻ con cùng với một thanh niên lớn hơn em khoảng 10 tuổi cùng kéo một con diều thả bay lên bầu trời.
Với người thầy, chỉ quản lý học sinh trong nhà trường, còn chuyện ngoài xã hội không thể nào can dự. Khi đó, nhìn cách của Tịnh Yên và chàng trai đó âu yếm nhau, tôi hiểu Tịnh Yên đang yêu. Một cô bé 17 tuổi còn học phổ thông, buổi sáng còn phải thức dậy sớm ra chợ phụ mẹ lấy hàng thì tình yêu dành ở chỗ nào trong ngăn tim nhỏ nhoi?
Nhưng tôi không thể đứng ở giữa quảng trường mà dạy cho em về bài học đạo đức. Tôi chỉ ngắm những cánh diều buổi chiều cứ bay cao trên bầu trời xanh biếc kia. Cho đến khi Tịnh Yên tới nhà tôi xin phép nghỉ học, tôi hiểu là em đã quá khờ khạo đi theo tiếng gọi của tình yêu khi bước chân vào đời của em còn phải đi qua bao nhiêu biển cả, bao nhiêu núi đồi. Rồi chỗ ngồi của em vắng từ ngày hôm đó...
Các cô cậu học trò nhỏ của tôi vẫn đến lớp. Họ xầm xì to nhỏ về chuyện Tịnh Yên bỏ học. Tôi vẫn đứng trên bục giảng, ngày qua ngày bình thản không nhắc nhở nữa về một sự ra đi. Tịnh Yên cũng đã lần lượt bị lãng quên trong trí nhớ của bạn bè.
Thời gian vẫn trôi qua như nó vẫn trôi qua theo quy luật của tạo hóa. Tôi đã rời bục giảng 3 năm sau đó vì tôi bỗng dưng muốn được đi đây đi đó. Tôi muốn đi hết đất nước mình, một giấc mơ như những giấc mơ của các em học trò mà tôi giảng dạy, tôi vẫn thường bảo các em viết trên tờ giấy nhỏ về ước mơ của các em, để sau đó các em tìm lại lấy mảnh giấy đó, xem thử con đường mình đã chọn có đúng hay không? Nhưng rất nhiều em đã không trở lại để lấy mảnh giấy ghi ước mơ thời đi học của mình.
Còn tôi, tôi bỏ tất cả những mảnh giấy ấy vào trong một chiếc hộp thiếc, cất giữ. Tôi tin rằng cũng sẽ có em trở về, dù muộn màng để xin lại mảnh giấy đó. Tôi cũng tin là Tịnh Yên cũng sẽ trở về, tìm tới tôi lấy lại ước mơ của mình.
Tôi đến thành phố bằng một chuyến xe lửa. Chuyến xe lửa nhẩn nhơ dừng lại, nhẩn nhơ lăn những bánh sắt trên đường ray với những tiếng xập xình buồn buồn. Toa xe tôi ngồi có một nhóm sinh viên đi du lịch trở về, họ hồn nhiên đùa giỡn khiến tôi nghĩ đến lớp học, đến những cô cậu học trò của tôi.
Tôi đã gặp Tịnh Yên trong lúc tôi không ngờ nhất, ngay cả tôi cũng không nhận ra em. Khi đó tôi vừa bước ra khỏi Dinh Thống Nhất, đi bộ chậm rãi trên con đường qua các thảm cỏ đến Nhà thờ Đức Bà. Tôi thong dong thả bộ giữa không gian trong lành, xanh mát của thành phố, hờ hững lướt qua những con người đang ngồi trên những chiếc ghế đá, họ đang tận hưởng phút nhẹ lòng của cuộc đời.
- Thưa thầy. Có phải thầy là thầy Diễm?
Tiếng gọi ấy khiến tôi quay lại. Một cô gái đang ngồi trên ghế đá, bên cạnh là một cậu bé con chừng 3 tuổi đang loay hoay trên tay một cánh diều. Cậu bé đang tìm cách cho cánh diều bay.
Tịnh Yên? - Tôi nhớ ra em ngay. Nhưng sao giờ đây em già dặn quá, gương mặt em đã có quá nhiều sương khói. Bên cạnh em là một chiếc xe đẩy đầy những cánh diều.
Hôm đó tôi đã đến nhà Tịnh Yên. Căn nhà nhỏ em đang thuê, sống với đứa con trai nhỏ. Đứa con sinh ra trong một phút lạc lòng của tuổi trẻ vẫn nô đùa với cánh diều. Tình yêu non nớt ấy đã ném em vào giữa thành phố đông người này. Rồi em tự thân mưu sinh như con người ta phải sinh tồn với đủ nghề.
Giờ em trở thành một cô chuyên bán những cánh diều trong công viên, cho người ta mua thả lên bầu trời. Em nói khi tôi ra về:
- Thầy ơi, em muốn trở về. Tôi bỗng nghĩ đến những cánh diều không còn bay trên bầu trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết