Khi cô con gái 4 tuổi, hình ảnh người cha trong cô bé chỉ là 1 người đàn
ông cao lớn hơn cô rất nhiều và luôn dùng đôi tay khỏe mạnh của mình để
nhấc bổng cô lên.
Cha: “Con gái, con rất giống mẹ của con.”
Con gái: “Đâu có, mẹ ở trong khung gỗ, sau 1 tấm kính, mẹ lúc nào cũng đứng yên và cười.”
Khi cô 8 tuổi, hình ảnh người cha trong cô là người đàn ông luôn cầm 1 vật mà giờ cô đã biết đó là cây vĩ cầm.
Cha: “Con gái, con rất giống mẹ của con.”
Con gái: “Vâng, con cũng thấy điều đó, nhưng hình như trông mẹ già hơn con mà.”
Khi cô 16 tuổi, hình ảnh người cha trong cô là 1 người đã đứng tuổi với
chòm râu xồm xoàm dưới miệng và mớ tóc chạm vai đã điểm bạc.
Cha: “Con gái, con rất giống mẹ của con.”
Con gái: “Cha à, hơn chục năm nay cha đã nói câu ấy rồi, con không giống mẹ thì giống ai…”
Mẹ của cô gái đã mất khi cô mới chưa đầy 3 tuổi bởi dịch bệnh ác nghiệt.
Cô bé không đủ khả năng để nhớ về hình ảnh người mẹ hiền từ đã nuôi
dưỡng, yêu thương cô những năm thuở bé thơ ngắn ngủi. Dù sống thiếu tình
yêu thương của mẹ, nhưng may mắn sao bên cạnh cô vẫn là người cha đầy
trách nhiệm. Cô vẫn đc đi học như bao bạn bè, vẫn đủ cơm ăn, áo mặc. Cô
thấy cha mình già lắm, già hơn rất nhiều so với cha mẹ của bạn bè cô.
Ngày ngày, người cha vẫn thường dắt chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp các
ngõ phố để bán chong chóng. 2 cha con cô thuê trọ ở nơi rẻ mạt nhất
trong thành phố. Thế nhưng ở cái chốn phồn hoa ấy, trẻ con đâu còn thích
những chiếc chong chóng màu sắc nữa, ngày ngày ông chỉ bán đc vài chiếc
và kiếm vài đồng bạc lẻ. Hơn nữa, hàng xóm xung quanh chẳng thể chịu
nổi sự gàn dở của ông bởi ngày nào cứ tới đêm là ông lại lôi cây vĩ cầm
ra kéo những bản nhạc nghe rất não lòng. Người ta cho rằng ông bị điên,
người ta chửi, người ta ghét, người ta đuổi. Xấu hổ nhất là con gái ông.
Và thế là 2 cha con ông phải dọn về miền quê nghèo ở.
Từ thuở nhỏ biết bao lần ông dạy cô con gái chơi vĩ cầm nhưng cô không
đủ kiên nhẫn để học. Bây giờ lớn hơn cô lại càng cương quyết:
- Cha à, đừng bắt con chơi vĩ cầm, hãy vứt cây đàn đó đi, nó có kiếm ra tiền đâu. Con đã chán nghe mấy bản nhạc đó lắm rồi.
Mỗi khi như vậy, người cha chỉ biết ngoảnh mặt ngao ngán mà chẳng nói
gì. Ông vẫn kéo vĩ cầm hàng đêm. Ở quê, trẻ con rất yêu quý ông lão râu
tóc xum xuê bán chong chóng dạo. Chúng lại càng thích thú với cái cách
ông cầm cây đàn, đưa tay kéo rất nhẹ nhàng, điệu nghệ và phát ra những
âm thanh mê hồn. Người ta khuyên ông kiếm tiền bằng việc chơi vĩ cầm
nhưng lúc nào ông cũng khẽ lắc đầu và nói: “Tôi không bán tiếng đàn của
mình.” Chằng ai hiều nổi lí do, có người còn nghĩ ông ngạo mạn 1 cách
không đúng đắn trong khi ông quá nghèo và còn 1 đứa con gái đã lớn.
Cô gái giờ đã trưởng thành, cô cũng bắt đầu yêu như bao người khác, khi
yêu những chàng trai có điều kiện hơn mình thì cô giấu bặt về người cha
già nua kia và về ngôi nhà rách nát của mình. Khi yêu những chàng trai
cũng nghèo khó như cô thì cô lại muốn dắt anh về nhà chơi. Vì thế mà cô
chẳng ngại khi nói với cha:
- Cha à, tối nay con đã hẹn lũ trẻ trong làng ra chòi cạnh ao nghe
cha chơi vĩ cầm, giờ này chắc chúng cũng có mặt đủ cả rồi, cha mau ra đó
đi.
Người cha chỉ biết lẳng lặng vác cây vĩ cầm bước ra ngoài. Với ông, cô là tất cả.
Cuộc sống quá khó khăn, người con gái mới lớn chẳng thể chịu nổi khi cứ
nhìn những người cùng trang lứa với cô đang hạnh phúc, sung sướng trong
khi cô lúc nào cũng phải lo sợ trước đồng tiền, phải ăn bữa cơm không
thịt, phải mặc quần áo cũ… và nhất là người cha như cây bàng già nua
xiêu vẹo lúc nào cũng nhìn cô bằng đôi mắt sâu thẳm cùng những tiếng đàn
ai oán của ông.
- Cha à, con lên thành phố vài năm, con sẽ kiếm tiền về cho cha, cha ở
lại giữ sức khỏe. Cha cũng đừng kéo vĩ cầm mãi như thế nữa, cha sẽ chết
vì nó mất.
Thế là người con gái lên đường với mong muốn làm giàu để lại người cha
khổ sở ở lại vật lộn với thời gian và nỗi nhớ con da diết.
Kinh tế khó khăn, dù chỉ đi làm thuê nhưng cô cũng không chống cự nổi.
Cô trở lại quê nhà với số tiền ít ỏi. Về nơi đây, lại căn nhà rách nát,
lại tiếng vĩ cầm du dương nhưng người cha đã già hơn nhiều, trông ông
tiều tụy và hao mòn. Nhìn thấy con gái, ông hạnh phúc vô cùng, sức sống
trong ông lại trở lại thay vì cuộc sống cô đơn không có con gái của ông
vài năm trước. Ông lại kéo đàn hàng đêm, những khúc nhạc réo rắc, du
dương…
Đến 1 ngày, cô gái tự thấy mình sao quá bất hạnh và khổ sở, cô nhìn cha và khóc nức nở. Cô gào thét trong sự tuyệt vọng:
- Tại sao con lại không có 1 người cha hoàn hảo như bao người cha
khác? Cha có biết không, người ta bảo cha là gàn dở, là điên khùng. Cha
vô dụng, cha bất tài lắm, cha biết không? Con ghét tiếng vĩ cầm cha kéo!
Tại sao lại sinh ra con để con phải sống khổ thế này? Tại sao?
Người cha mở trừng đôi mắt nhìn cô con gái như đang điên loạn của mình,
trông ông lúc đó như đang ngậm phải thuốc độc, mặt ông tái đi, đôi tay
chai sần ôm chặt lấy ngực, dường như ông đau lắm! Ông cố giữ bình tĩnh,
ông lò dò từng bước tiến lại gần chiếc giường, rút dưới chiếc gối cũ kĩ
ra 1 tờ giấy và đưa cho con gái. Cô gái tức giận mở nhanh tờ giấy đã úa
vàng rách mép:
“Anh yêu quý, em biết sẽ chẳng bao lâu nữa em sẽ phải rời xa anh và con.
Em đúng là 1 người vợ bội bạc, 1 người mẹ độc ác. Em biết anh sẽ tha
thứ cho em phải không? Nhưng còn con gái chúng ta, nó thật đáng thương,
nó sẽ không được sống trong tình yêu thương, chở che của mẹ. Em sẽ chẳng
bao giờ đc thanh thản vì điều này. Em vẫn còn nhớ khi xưa em yêu anh
nhờ tiếng đàn và cho đến giờ vẫn vậy. Em sẽ ra đi và chôn sâu trong mình
hình ảnh anh cùng cây vĩ cầm. Xin anh, sau này khi không có em, anh hãy
kéo những khúc nhạc thiết tha kia, như những khúc hát ru ngọt ngào để
bù đắp tình cảm cho con gái bé bỏng, xin anh! Mong sao khi nghe những âm
vang ấy, con sẽ có cảm giác như có mẹ bên cạnh…”
Nước mắt thánh thót rơi ướt đẫm bức thư trước khi ra đi mẹ cô để lại,
hơn lúc nào hết, cô thấy mình tội lỗi vô cùng. Cô đau đớn khi biết suốt
hơn 20 năm qua cha cô đã gửi tất cả những niềm yêu thương vào tiếng đàn,
khi biết rằng với cha cô là tất cả. Vậy mà cô đã từng xấu hổ, bỏ mặc và
coi cha mình như một gánh nặng. Cảm giác yêu quý cha của cô đã mất từ
lâu, cô chẳng khi nào quan tâm xem cha đang nghĩ gì, cha thấy ra sao,…
chưa bao giờ. Quá đau đớn và xấu hổ, cô chỉ biết hét lên: “Cha à, con
xin lỗi!” rồi gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Người cha già lúc ấy đã bỏ
ra ngoài hiên với chén rượu chan nước mắt.
3 tháng sau, người cha bất ngờ bị tai biến, ông bị liệt nửa người. Tay
phải của ông bây giờ đã chẳng thể cử động và ông chẳng còn có thể kéo vĩ
cầm đc nữa. Có lẽ với cô gái đây là điều bất hạnh nhất với cô: Không
còn tiếng vĩ cầm yêu thương bao năm tháng. Ngày ngày cô gái tận tụy chăm
sóc cha già của mình. Nhưng dù có thế nào cũng chẳng thể sánh đc với
những yêu thương ông đã trao cho cô và những đớn đau cô đã dành cho ông.
Cây vĩ cầm đã sờn hết sơn, nó đã cũ kĩ lắm rồi bởi tuổi thọ của nó cũng
gần bằng ông lão. Ông lão liệt, nó cũng như đã chết, chẳng còn ai có
thể kéo những bản nhạc đầy tình cảm như ông.
Cô gái đã đến tuổi lập gia đình lâu rồi, có người đến hỏi cưới song cô chỉ nói:
“Cha tôi kia, anh có thể cưới tôi khi ở trong căn nhà này, chăm sóc, yêu
quý cha tôi và có thể ngày ngày kéo vĩ cầm cho tôi nghe chứ?”
Cô vẫn chưa có chồng…
Giờ đây với cô chẳng còn gì quan trọng hơn cha cô nữa. Cha là tài sản
đắt giá nhất cô có. Cô khẽ cầm đôi tay nhăn nheo khô cứng của cha lên,
hôn nhẹ lên nó và nói: “Cha à, con yêu cha!”
Sưu Tầm
P/s: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết