Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Hẹn gặp ở China Town


Tình yêu là chiếc la bàn để người ta tìm đến nhau dù cách xa hàng giờ bay hay lạc nhau giữa sáu tỉ bảy con người.

Phương Đông lạc lõng

London một ngày cuối tháng một. Tuyết không nhiều nhưng thời tiết chuyển lạnh buốt. Lan bước đi trên con đường quen thuộc từ bến xe bus về nhà. Một ngày cuối tháng Một thôi mà, một tháng sau lễ Giáng sinh. Cũng chả có gì đặc biệt. Chỉ riêng với Lan, hôm nay là một ngày đặc biệt. Sáu tiếng nữa thôi là giao thừa ở Việt Nam .



Cô nhớ đến day dứt, nhớ đến tủi thân khi rời giảng đường về nhà. Bước chân trên con đường lát đá mọi ngày hào hứng, háo hức là thế mà hôm nay nặng trĩu, mệt mỏi. Cô thèm Tết, thèm cái không khí Tết Hà Nội đến nao lòng. 

Lan quyết định không về nhà vội. Cô đi thẳng đến China Town .


China Town đẫm một màu đỏ với đủ sắc lung linh. Đỏ phản quang lung linh của những đốm nhang, những chiếc đèn lồng, đỏ sắc sảo cùng những tấm tranh cắt giấy, đỏ hồng hào của những cây đào giả, đỏ rực rỡ của những dải ruy băng. Những người phụ nữ, đàn ông và cả bọn trẻ cũng mặc màu đỏ; má hồng lựng lên vì gió lạnh ngoài trời và hơi bốc lên nghi ngút từ những chiếc nồi to. Tiếng pháo, tiếng hò hét nâng cốc đã bắt đầu rải rác dù khoảng năm tiếng nữa, người Hoa mới đón Tết. Ở nơi này, cách Bắc Kinh mười giờ bay, có một Trung Hoa lung linh ở góc China Town này. 

Lượng đang ở China Town , quê hương anh ở giữa London . Gia đình Lượng không còn ai ở lại Trung Quốc. Mà không, nói là không còn ai cũng không đúng. Cha đẻ của anh vẫn ở Giang Tây , nh ưng mà thôi, không tính, bởi Lượng cũng đã có rất nhiều cái Tết ở Trung Quốc không có bố. Từ ngày bố lấy vợ mới, Lượng sống với bà. Bà ngoại nuôi anh ăn học. Đến ngày Lượng đỗ vào Đại học Bắc Kinh, cả làng tới chúc mừng, trong đó có cả bố Lượng. Đấy là lần cuối Lượng nhìn thấy bố. Năm Lượng học năm thứ hai đại học, bà ngoại mất. Ngày bà mất, bà vẫn dặn Lượng tha thứ cho bố. Lượng im lặng. 

Đây là năm thứ hai Lượng đón Tết ở London . Những cái Tết không xa lạ cũng chả gần gũi. Tuy không sống ở China Town nhưng cứ Tết là anh lại qua đây. Cũng chẳng để gặp ai cụ thể, anh đi lại qua các hàng quán, hít hà chút dư vi châu Á, nói tiếng Trung với người đồng hương xởi lởi, sẵn sang mời anh vào nhà cụng ly dù không quen biết anh. Anh đi một mình, rồi đúng giao thừa thì về nhà. 

Năm nay cũng thế. China Town lung linh, ấm áp, lạc lõng trong cái hộp xám xịt, buồn tẻ của London . Những câu đối còn chưa khô mực, những bức hoành phi sơn son và câu chúc “Gong Xi Fa Cai” là những tấm biển báo hiệu cho bạn thấy bạn đã bước vào một China Town . China Town ở London là China Town lớn nhất thế giới. 

Một vài người năm ngoái chúc rượu Lượng, nhận ra anh. Hoá ra là anh không hoàn toàn cô đơn ở đây, cũng có những người biết anh đấy chứ. Đó là một gia đình kinh doanh nhà hàng Hồng Kông. Món ăn Hồng Kông dễ bán hơn ở nước ngoài vì hương vị có phần quốc tế hơn và tên gọi cũng quen thuộc. Cửa hàng vẫn đông khách Âu dù ở bàn chính giữa nhà, chủ nhà và bạn bè đã bắt đầu mở tiệc. Họ mời anh ăn bữa cơm tất niên với họ. 

Nhà hàng Hồng Kông, tặng nhau một gia đình 

Nhà hàng Hồng Kông rõ ràng không phải là lựa chọn hằng ngày của Lan. Nhưng tối nay thì khác. Đến khi cảm thấy đói, Lan mới nhận ra chân mình cũng đã mỏi nhừ. Cô rẽ vào một nhà hàng Hồng Kông bên đường. Món ăn Hồng Kông dễ ăn, hay chí ít là dễ gọi cho những đứa mù tịt tiếng Trung như Lan. 

Jiaozi, Niangao…, Lan đang phân vân chọn món. Những món ăn này đều là những món ăn Tết truyền thống của người Trung Quốc. 

- Ní hao – Một người đàn ông tới chào Lan. 

- Ní hao – Cô đáp lại, cô quá quen với câu chào này của các bạn trong lớp. 

Người đàn ông nói gì đó bằng tiếng Trung với cô, rồi quay ra nói vọng về phía bàn ăn trung tâm. 

Rồi nhiều người nữa, những người phụ nữ với khuôn mặt phúc hậu, những người đàn ông tay vẫn giơ cao bát rượu, kéo cô ra khỏi bàn ăn một mình. Họ mời cô vào bàn ăn chung, ai đó nhanh tay lấy bát đũa cho cô, ấn cô ngồi xuống, rót rượu, gắp thức ăn cho cô, miệng vẫn ríu ran. Họ còn chỉ một chàng trai nữa, họ nói gì đấy, Lan nghe mang máng là câu hỏi tên bằng tiếng Trung. 

“Lượng” – Anh chàng kia trả lời, mắt thoáng nhìn cô. 

Hoá ra anh cũng là một người khách lạ đêm giao thừa của gia đình Hồng Kông, giống như Lan. 

“Tôi không phải người Trung Hoa. Đã làm phiền cả nhà.” – Lan rụt rè nói bằng tiếng Anh, khi cả gia đình ùa vào chúc rượu cô và nói nhiều hơn nữa những điều mà cô không hiểu. 

“Nhưng tôi cảm ơn cả nhà về sự đón tiếp tuyệt vời này. Tôi đã không cô đơn trong đêm giao thừa!”. 

Một phút im ắng. 

Một tràng cười vỡ oà không gian quán ăn. 

Họ bắt đầu nói với cô bằng tiếng Anh. Họ xin lỗi vì đã hiểu nhầm cô, (dù Lan nghĩ mình mới phải xin lỗi vì đã gây hiểu lầm) và họ hỏi cô đến từ đâu. 

- Việt Nam – Lan trả lời tự hào, cách mà cô vẫn giới thiệu mình khi ở nước ngoài. 

- Ôi, chào mừng người bạn Việt Nam . Phúc lộc bất ngờ cho gia đình chúng tôi – Ai đó nói. 

Mọi người lại tiếp tục chúc rượu và hỏi chuyện cô về tết Việt Nam , tiếp đãi cô như một người khách quen lâu ngày lại nhà. Y như lúc cô về nhà. Cả nhà vẫn hay thế, hỏi chuyện ở nơi Lan đến, bắt cô kể về những món ăn, những tập quán ở nhà mình. Mỗi lần như thế, Lan thường kể hăng say đến quên cả ăn cơm. “Để cho con bé ăn đã nào” – Bố, hoặc ông thường hay gắt lên khi mẹ và mọi người cứ hỏi Lan dồn dập. 

- Để cho cô bé ăn đã – Ai đó trong bàn ăn cũng lên tiếng. 

Điện thoại và Mắt cười 

Bàn ăn có thêm một cô gái Việt Nam . Cô gái ấy cũng như Lượng, lang thang một mình trong đêm giao thừa và dừng bước tại gia đình Hồng Kông hiếu khách này. Mọi người trong nhà đều muốn chụp ảnh với cô gái dễ thương, tươi tắn như hoa.



Lượng chợt ngồi ngẩn ra nhìn cô gái Việt vừa dịu dàng, vừa hoạt bát và nghĩ về điều gì đó miên man như quá khứ. Có tiếng chuông điện thoại. 

Chị Diệu Quyên gọi. Chị Diệu Quyên là chị họ của Lượng. Chị vẫn ở Giang Tây và năm nào cũng thế, gần giao thừa, chị đều gọi điện sang hỏi thăm Lượng ăn tết. Tiếng anh chị, tiếng tụi trẻ con rộn ràng. Nghe thấy tiếng nhạc năm mới bên đầu này đường dây, chị Quyên bảo, cũng yên tâm vì biết Lượng vẫn đón tết. Chị bắt đầu kể gì đó về cha Lượng. Anh ngắt lời chị, chúc tết gia đình chị rồi dập máy. 

“Anh chụp cho tôi một kiểu ảnh được không?”, chợt có ai đó nói với Lượng, bằng tiếng Anh. 

Ngẩng mặt lên, anh thấy cô gái Việt Nam . Mái tóc đen buông xoã từ nãy của cô giờ búi cao lên gọn ghẽ. Đôi mắt đen láy cùng đôi má ửng hồng như hẹn nhau cùng cười. Tuyết giá London biến vù đâu mất khi anh nhìn vào đôi mắt ấm áp, sinh động của cô ấy. 

Một thím cài một bông hoa lụa màu đỏ lên tóc cô gái. Cô ấy hếch mặt về phía Lượng, miệng cười chúm chím. 

- Máy điện thoại của tôi không chụp được ảnh, anh chụp cho tôi một kiểu nhé – Cô gái nhắc lại, có ý phân trần. 

- Ô, vâng! – Lượng thoáng ngỡ ngàng. 

Lượng giơ chiếc máy điện thoại đang cầm trên tay lên chụp. Cô gái nghiêng đầu làm điệu, cười lí lắc. 

Lượng save bức ảnh và đổi tên ảnh là “Mắt cười”, một từ chợt chạy qua đầu anh khi chụp ảnh cho Lan – mọi người đều gọi cô ấy như thế. Rồi khi mọi người quay lại bàn ăn, Lượng vẫn đang hí húi bấm nốt lệnh save mà tự cười mình vì cái tên “Mắt cười” anh đặt cho cô gái lạ, chợt có ai kéo tay kia của anh. Cô gái lấy bút dạ màu trong túi, ghe gì đó lên cánh tay anh. 

Giao thừa 60 phút 

- Email của tôi đấy, gửi cho tôi nhé! – Lan nháy mắt rồi trở về bàn ăn.
Hình như cô còn quá trẻ để hiểu hết nỗi cô đơn của cái Tết xa nhà. Lan nhớ nhà chứ, buồn chứ. Nhưng vào đây, với những người bạn mới hỏi han, trò chuyện, cô vui hơn rất nhiều. Các cô chú người Hoa kể chuyện họ đến Anh nhiều năm trước, kể chuyện Hồng Kông, kể chuyện China Town này hồi họ mới sang. Lan nghe say sưa thích thú. Cô dường như cũng làm bàn ăn hôm ấy ấm hơn. Nhưng cô bác người Hoa sống một mình ở London như trẻ ra, ấm hơn vì những câu chuyện, nụ cười của Lan. 

- Cô có muốn đi một vòng với tôi không? – Lượng tiến lại gần Lan và hỏi nhỏ.
Lan gật đầu. 

Hai người xin phép đứng lên và lững thững đi về cuối đường. 

Lan hít hà “mùi Tết”, cô vẫn gọi thế. 

- Mùi Tết ở đây khác với mùi Tết ở Hà Nội của tôi! 

- Cũng khác với mùi Tết ở Bắc Kinh, không phải của tôi. 

- Anh không phải là người Bắc Kinh à? 

- Không, tôi học ở Bắc Kinh 4 năm. Nhưng lúc đó, tôi mới bắt đầu biết ngửi mùi tết, như em nói ý. 

- Không hiểu sao tôi luôn nghĩ ai là người Trung Quốc cũng đến từ Bắc Kinh. 

- Quê tôi xa Bắc Kinh lắm, tận phía Nam cơ. Từ quê tôi đến Hà Nội có khi còn gần hơn đến Bắc Kinh. 

Lan cười. Lan kể cho Lượng nghe về nhà cô ở Hà Nội, về Campus không có tết và về đêm giao thừa cô dự ké China Town . 

- Tôi thì chả có gì để kể cả. Tôi sang đây học Thạc sĩ, ngành Kỹ thuật. Cuộc sống của tôi chán lắm, không lung linh như em – Lượng thú nhận. 

Đi một lúc, hai người ngồi duỗi chân ở một góc phố. Lan đung đưa bàn chân trên đất theo điệu nhạc từ một cửa hàng gần đấy. Lượng gọi đôi chân của Lan là “hai vũ công Converse đỏ”. 

Một lúc sau, khi điệu nhạc trong cửa hàng kết thúc, Lan chống bàn chân trên hai mũi giày, đung đưa rồi thả xuống. Cô làm điệu như thể hai bàn chân đang chào khán giả. 

Lượng vỗ tay tán thưởng còn “hai vũ công” thu về, nằm im sau màn biểu diễn. 

- Giao thừa rồi – Lượng nhìn đồng hồ và ngước lên ý đợi pháo hoa. 

Pháo hoa thật. 

Lan ngẩng đầu lên, háo hức ngắm từng chum, từng chum pháo hoa trên trời. Màu pháo hoa ở đây cũng nhiều sắc đỏ hơn ở Hà Nội thì phải.

Từ các ngôi nhà, mọi người ùa ra, xem pháo hoa và chúc tụng nhau gì đó. Cả China Town London như nổ tung niềm vui và những lời chúc xôn xao khắp nẻo. 

- Chúc anh năm mới có cuộc sống lung linh để khoe cho tôi nghe – Lan quay sang Lượng. 

- Chúc em… – Lượng cũng định chúc lại Lan. 

- Không, còn một tiếng nữa mới là giao thừa của Việt Nam . 

Lượng mỉm cười, để dành lời chúc sau 60 phút nữa. Anh thoáng thấy nét buồn trên khuôn mặt Lan. 

- Em buồn à? 

- Đúng là Tết của người khác. Ai cũng ở bên gia đình mình. Thậm chí, cái Tết ước lệ này còn cách tết nhà tôi một giờ đồng hồ – Lan nhìn ra xa, tay cầm chặt điện thoại. 

- Em có thể dựa vào vai tôi nếu muốn. 

- Tại sao anh biết tôi muốn dựa? 

- Tôi có biết đâu, nhưng tôi muốn em dựa. 

Có hai người ngồi dựa vào nhau đợi giao thừa, giao thừa một lần nữa 

- Anh không gọi điện về nhà cho ai à? 

- Không. Mẹ và bà tôi đã mất lâu rồi. 

- Còn bố anh? 

- Tôi không liên lạc với ông. Tôi không biết số điện thoại của ông – Lượng giải thích đơn giản. Lan cũng không hỏi thêm nữa. Cô ngoan ngoãn ngồi bên Lượng. Lạn chưa, người nhìn đồng hồ đợi giao thừa Việt Nam lại là Lượng. 

- Chúc anh năm sau học xong và về nước.
- Em chúc rồi mà. 

- Giao thừa tận 60 phút cơ mà. Tôi sẽ chúc anh hết những điều anh muốn. 

- Thế chúc nữa đi! 

- Chúc anh đi đến tận châu Phi. 

- Sao lại là châu Phi? 

- Vì tôi thích châu Phi. 

- Chúc anh lấy được vợ Hồng Kông. 

- Sao lại là người Hồng Kông? 

- Vì món ăn Hồng Kông rất ngon. 

- Chúc anh…
Lan cứ ngồi thế, dựa vào Lượng mà kể ra những ước mơ mà cô chúc Lượng. Giao thừa chưa bao giờ dài thế và chưa bao giờ có nhiều lời chúc như thế. 

- Còn 5 phút nữa là giao thừa Việt Nam đấy! – Lượng thông báo. 

- Chẳng còn pháo hoa nữa rồi – Lan ỉu xìu.
- Đợi chút nhé! – Lượng đứng lên và chạy vào một nhà bên đường. 

Anh trở ra với một cây pháo bông nhỏ trên tay. 

3 phút… 

2 phút… 

1 phút… 

Lan và Lượng cùng đếm ngược. 

Đúng 5h chiều London , Lượng châm pháo bông. 

Muôn vàn tia lửa toé ra rực rỡ. 

Cây pháo bông nhỏ xíu cháy hết khi kim phút đồng hồ chưa kịp chạy đến số 1. 

- Nhỏ nhưng đủ cho hai người đúng không? – Lượng quay sang nhìn Lan. 

Cô mỉm cười thay cho lời cảm ơn. 

Hẹn nhau bằng nụ hôn 

- Con chúc ba mẹ khoẻ, con nhớ cả nhà lắm… – Lan điện thoại nói chuyện với cả nhà. Ai cũng tranh điện thoại chúc cô. Tết đầu tiên của cô con gái xa nhà. Bố còn nhắc Lan không được về khuya còn mẹ thì không quên nhắc con gái mẹ uống vitamin hằng sáng. 

- Tôi chúc em can đảm và mạnh mẽ – Lượng ghé sát mặt Lan, thì thầm, lau những giọt nước mắt trên má cô. “Nếu như giống ở quảng trường Thời đại New York thì người ta sẽ hôn nhau lúc giao thừa đấy.” – Anh trêu cô. 

- Đấy là Times Square, còn đây là China Town – cằm cô vếch lên bướng bỉnh – Tôi là con gái Á Đông xịn đấy, sao hôn người lạ tuỳ tiện được. 

- Cô gái Á Đông, mặc sườn xám, đi giày Converse – Lượng trêu cô. 

- Không, mặc áo dài chứ, tôi là người Việt Nam mà. 

Lượng cười lớn. Lan vênh mặt cãi anh trong khi mắt vẫn ngân ngấn nước. 

Lượng lái xe đưa Lan về campus. Tối đó, anh gọi cho chị Diệu Quyên để hỏi số điện thoại của bố anh hiện giờ. 

- Chúc bố năm mới khoẻ mạnh – Giọng Lượng trầm và chậm rãi.
Đầu dây bên kia, cha anh vẫn im lặng. 

Hai người cùng im lặng. 

Chợt, anh nghe thấy tiếng ông khóc. Anh bỏ máy. Không phải vì anh còn giận ông, chỉ đơn giản vì anh sợ nghe tiếng cha mình khóc. 

Anh cũng gửi ảnh qua mail cho Lan. “Cảm ơn vì bờ vai và một giao thừa của chính tôi." 

"Hẹn nhau bằng nụ hôn China Town !”, Lan reply ngắn gọn. 

Bangkok và đáp án trò chơi số phận 

China Town Bangkok gần sông Chao Phraya . Lan vào một quán cà phê nhỏ ở góc đường, gọi một tách trà và ngắm nhìn đường phố. Tết Hà Nội vẫn thế, đủ mùi Tết: mùi hương trầm, lá mùi già đun làm nước tắm, mùi lá rong, mùi hoa hồng, mùi măng khô ninh sườn và đủ các thứ mùi khác mà Lan lại hít hà cho đã. Ăn Tết xong, Lan sang Bangkok nhận việc.
Bốn năm sau giao thừa cùng Lượng. Lan không liên lạc với Lượng nữa dù cô nhớ anh rất nhiều. Tin nhắn đáp lại ngắn gọn cùng lời hẹn của Lan hình như đã gửi đúng đến người thích thả mình cho trò chơi số phận như cô. Lượng không vội vàng tìm cô, không đến China Town ngay sáng hôm sau. Tết sau đó, nếu đúng kế hoạch, Lượng sẽ trở về Bắc Kinh sau khi đã hoàn thành khoá học Thạc sĩ hai năm. Anh và cô đều như nhờ vả số phận tạo cho mình một cuộc hẹn thật đặc biệt và bất ngờ. 

Ba giao thừa ở London , Lan cũng không đến China Town một mình nữa. Thi thoảng không phải ngày lễ, cô rẽ qua China Town chào hỏi nhà hàng Hồng Kông. Còn Tết, cô thường ngồi với những người bạn đồng hương trong campus. Campus năm nay nhiều người Việt hơn năm Lan sang. Lan có những giao thừa của người Việt Nam và đúng như lời chúc của anh, Lan không còn khóc khi giao thừa. Giao thừa nào cô cũng đợi đủ 60 phút, giao thừa 60 phút của cô, của anh. 

- Ní hao! 

Ai đó chào Lan bằng tiếng Trung. Đi khắp nơi, cô đã quá quen với việc ai đó nhầm cô là người Trung Quốc. 

- Xin chào, đó là cách người Việt Nam chúng tôi nói “Hello” – Lan thường dí dỏm trả lời thế. 

Cô ngẩng đầu lên. 

Lượng! 

- Hình như tôi có một lời hẹn với những vũ công Converse đỏ và nụ hôn… – Lượng chưa kịp nói hết… 

… Lan đã ôm lấy anh. 

China Town, dù không phải chốn cũ, nhưng có hề gì, vẫn là một phần châu Á đang ở đây. 

Có thể nhiều trùng hợp đến thế cho câu chuyện này? 

Nhớ tên miền email Lan viết trên tay Lượng, anh biết được trường mà Lan theo học. Tìm tên một cô sinh viên tên Lan, người Việt Nam trong một trường đại học ở London không phải là quá khó. Anh tìm một email nữa, của một cô bạn người Thái, học cùng lớp với Lan. Khi về Bắc Kinh, anh vẫn thỉnh thoảng viết thư hỏi cô bạn đó về tình hình của Lan. Mới đây, cô ấy nhắn anh là Lan đã tốt nghiệp và nhận việc ở Bangkok từ sau Tết. Cô bạn hỏi Lượng sao không email trực tiếp cho Lan vì cô biết, Lan cũng rất muốn gặp lại anh. 

- Chúng tôi có hẹn ở China Town – Lượng trả lời. 

- China Town nào?


(suutam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết