… Từ lâu tôi đã muốn chiếm được Po-lie-xpai. Xin nói rõ thêm rằng lòng mong muốn này của tôi, về thực chất, không thuộc phạm trù tình cảm. Dĩ nhiên, Po-li là một cô gái làm mọi người xúc động, nhưng tôi không phải loại người để trái tim chi phối cái đầu. Tôi muốn có Po-li vì một lý do được cân nhắc kỹ càng, hoàn toàn có tính chất lý trí.
Tôi đang học năm thứ nhất trường Luật. Vài năm nữa, tôi sẽ ra trường hành nghề. Tôi biết rất rõ tầm quan trọng của kiểu người vợ khả dĩ đem lại thành công rực rỡ cho một luật sư. Những luật sư ăn nên làm ra mà tôi đã quan sát, hầu như không trừ một ai, đều có vợ là những phụ nữ đẹp, duyên dáng, thông minh. Po-li hoàn toàn đáp ứng điều đó, trừ một phương diện.
Cô ta đẹp, cái đó đã hẳn. Tuy cô chưa có kích thước của một “hoa hậu”, nhưng tôi tin chắc là thời gian sẽ bổ sung vào những thiếu sót đó. Cô ta đã có sẵn những tiền đề rồi.
Cô ta rất duyên dáng, đó cũng là một điều chắc chắn. Tôi muốn nói là vẻ người cô ta rất hấp dẫn, dáng vóc thanh mảnh, phong thái, tự nhiên, cử chỉ tỏ rõ là con nhà nề nếp loại nhất. Cung cách cư xử ăn uống của cô thật là không chê vào đâu được.
Nhưng cô ta không thông minh. Nói thật tình, cô ta còn có vẻ đi theo hướng ngược lại. Nhưng tôi tin rằng dưới sự hướng dẫn của tôi, cô sẽ trở nên thông minh. Dẫu sao thì cũng đáng công thử xem thế nào. Xét cho cùng, làm cho một cô gái đẹp ngu đần trở thành thông minh còn dễ hơn là làm cho một cô gái thông minh nhưng xấu trở thành đẹp.
Cuộc hẹn gặp đầu tiên của tôi với Po-li có tính chất một cuộc điều tra. Tôi muốn tìm hiểu xem tôi sẽ phải làm gì để nâng trí tuệ của cô ta lên tới cái mức cần thiết. Trước hết tôi đưa Po-li đi ăn.
- Trời, bữa ăn ngon tuyệt – Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi hiệu ăn.
Rồi tôi đưa cô đi xem chiếu bóng.
- Trời, phim hay tuyệt – Po-li nói sau khi chúng tôi rời khỏi rạp.
Sau đó tôi tiễn cô về nhà.
- Trời, hôm nay đi chơi tuyệt quá! – Po-li nói sau khi tạm biệt tôi, chúc tôi ngủ ngon.
Tôi trở về nhà, lòng nặng trĩu. Tôi đã đánh giá quá thấp khối lượng công việc tôi đã phải làm. Cô gái thiếu hiểu biết một cách khủng khiếp! Mà chỉ cung cấp hiểu biết cho cô ta thôi cũng không đủ. Trước hết mọi chuyện, phải dạy cho cô ta biết suy nghĩ. Chuyện này có vẻ là một nhiệm vụ không phải nhỏ. Và thoạt đầu, tôi đã có ý buông cô ta cho Pi-ti Be-lô, một anh chàng vẫn ve vãn cô. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến khuôn mặt, thân hình đẹp đẽ, hấp dẫn của cô, cái cách cô bước vào một căn phòng và cái lối cô cầm dao, cầm dĩa, thế là tôi quyết định sẽ cố gắng một phen.
Tôi đi vào công việc này một cách có kế hoạch, có hệ thống, như trong mọi việc tôi làm. Trước hết tôi dạy cô về lô-gíc. Tôi học Luật và đang học môn Lô-gic, cho nên nắm rất vững vấn đề. Lần gặp sau tôi bảo Po-li :
- Này em, tối nay chúng ta đi chơi nói chuyện.
- Ô, tuyệt quá! – Po-li đáp.
Chúng tôi tới công viên, ngồi dưới một gốc cây sồi cổ thụ và cô nhìn tôi, vẻ chờ đợi :
- Chúng ta nói chuyện gì bây giờ, hở anh ?
- Nói chuyện về lô-gíc.
Po-li suy nghĩ một lát rồi quyết định là cô ta thích vấn đề đó:
- Tuyệt!
Tôi hắng giọng:
- Lô-gíc là khoa học về tư duy. Trước khi biết cách suy nghĩ đúng đắn, trước hết chúng ta phải học cách nhận ra những cái ngụy biện thông thường của lô-gíc. Tối nay chúng ta nói về vấn đề đó.
- Tuyệt! – Po-li vỗ tay ra vẻ rất thích thú.
Tôi chớp mắt nhưng vẫn dũng cảm tiếp tục:
- Trước hết, chúng ta hãy nghiên cứu cái ngụy biện gọi là “phép đơn giản hóa”.
- Ôi, anh nói đi – Po-li giục tôi, hai hàng lông mi chớp chớp, chờ đợi.
- Phép đó trỏ một lý lẽ dựa trên một sự-khái quát hóa không đúng. Thí dụ: tập thể dục là tốt. Do đó ai ai cũng phải tập thể dục.
- Đồng ý! Em đồng ý đấy. – Po-li hăm hở – ý em muốn nói là tập thể dục rất tuyệt, nó làm cho cơ thể cân đối, đẹp ra và vân vân…
Tôi nhẹ nhàng bảo:
- Po-li, lý lẽ đó là ngụy biện. “Tập thể dục là tốt” là một khái quát hóa không đúng. Chẳng hạn, nếu ta đau tim, thì tập thể dục là không tốt, mà còn là có hại. Nhiều người được bác sĩ dặn là không được tập. Cho nên ta phải xác định cho đúng sự khái quát hóa đó: phải nói là “tập thể dục, thường là tốt” hay là “tập thể dục là tốt đối với nhiều người”. Nếu không ta sẽ phạm phải cái lối ngụy biện “đơn giản hóa”. Em rõ chưa nào?
- Chưa. – Po-li thú thật – Nhưng hay lắm! Anh nói nữa đi!
- Em đừng giật tay áo anh như thế. – Tôi bảo, rồi nói tiếp – Rồi đến lối ngụy biện gọi là “Khái quát hóa vội vã”. Em hãy nghe cho kỹ: Anh không nói được tiếng Pháp, em không nói được tiếng Pháp. Pi-ti Be-lô không nói được tiếng Pháp. Do đó anh phải kết luận rằng ở trường đại học Mi-nê-xô-ta này, chẳng ai nói được tiếng Pháp cả.
- Thật à? – Po-li ngạc nhiên hỏi – Không ai nói được à?
Tôi cố gắng che giấu nỗi thất vọng, bực dọc:
- Po-li, đấy là một ngụy biện. Khái quát hóa quá vội vã. Có quá ít thí dụ để đảm bảo cho một kết luận như vậy.
Po-li hối hả giục:
- Anh còn biết những ngụy biện gì nữa không? Thật là tuyệt, có lẽ còn tuyệt hơn cả khiêu vũ nữa chứ!
Tôi cố gạt đi nỗi thất vọng đang dâng lên trong lòng. Tôi đang làm một việc uổng công với cô gái này, có lẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng được cái là tôi kiên nhẫn nên vẫn tiếp tục:
- Rồi đến lối ngụy biện “Nhân quả sai”. Em nghe đây : chúng ta đừng nên rủ Bin đi chơi nông thôn. Mỗi lần rủ anh ta đi là trời lại mưa.
Po-li thốt lên :
- Đúng thế đấy! Em biết có một người như vậy. Một cô gái, tên là Ơ-la Bếc-cơ, không sai một lần nào. Cứ có cô ta đi cùng là y như rằng trời mưa…
Tôi hơi gắt :
- Po-li, đó là ngụy biện. Ơ-la Bếc-cơ không làm ra mưa. Cô ta chẳng liên quan gì đến trời mưa hết. Em đã phạm vào ngụy biện nếu em trách cứ Ơ-la Bếc-cơ về chuyện trời mưa.
Po-li tiu nghỉu hứa :
- Vâng, em sẽ không bao giờ làm thế nữa. Anh giận em đấy à ?
Tôi thở dài :
- Không, Po-li, anh không giận em.
- Thế anh nói nữa về ngụy biện đi!
- Ta hãy xem xét lối “tiền đề mâu thuẫn”
- Vâng, vâng, anh nói đi. – Po-li nói, ánh mắt sáng lên vì sung sướng.
Tôi hơi cau mày, nhưng đã trót đâm lao …
- Đây là một thí dụ : Nếu Chúa làm được mọi việc, vậy thì liệu Chúa có thể làm ra được một tảng đá mà Chúa không thể nhấc lên nổi không ?
- Tất nhiên là được rồi còn gì nữa. – Po-li đáp ngay.
- Nhưng em không thấy là nếu Chúa có thể làm được bất cứ việc gì, thì Chúa có thể nhấc nổi hòn đá chứ ?
- Ừ nhỉ. – Po-li có vẻ suy nghĩ – Thế thì có lẽ là Chúa không làm được hòn đá đó.
- Nhưng Chúa làm được mọi chuyện cơ mà ! – Tôi nhắc.
Po-li gãi gãi cái đầu xinh đẹp nhưng trống rỗng của cô, cuối cùng cô thú nhận :
- Em chẳng biết thế nào nữa.
- Dĩ nhiên là em biết làm sao được. Vì khi tiền đề của một lý lẽ mâu thuẫn với nhau thì không thể có lý lẽ được nữa. Nếu như có một sức mạnh không gì cưỡng nổi thì không thể có một vật gì không thể lay chuyển được. Nhưng nếu có một vật không thể lay chuyển được thì tất nhiên là không thể có một sức mạnh không gì cưỡng nổi. Rõ chưa ?
- Anh nói cho em nghe rõ thêm nữa đi. – Po-li hăng hái nói.
Tôi nhìn đồng hồ :
- Có lẽ tối nay nên dừng lại ở đây thì hơn. Bây giờ anh đưa em về, em sẽ ôn lại tất cả những cái đã học. Tối mai chúng ta sẽ tiếp tục học bài mới.
Tôi đưa Po-li về ký túc xá của cô. Cô cho tôi biết là cuộc đi chơi trò chuyện tối đó thật là tuyệt. “Cực kỳ đấy!” – Cô nói. Còn tôi thì buồn rầu trở về chỗ tôi ở. Có vẻ dự định của tôi sẽ thất bại mất thôi. Cô gái rõ ràng là có cái đầu không hiểu nỗi lô-gíc.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại. Tôi đã phí mất một buổi tối. Mất một buổi nữa cũng chẳng sao. Biết đâu đấy. Có thể đâu đó trong cái trí óc tắt ngấm của cô ta vẫn còn âm ỉ vài cục than hồng, biết đâu tôi chẳng làm cho chúng bùng cháy lên. Đành rằng chẳng có nhiều nhặn hi vọng gì, nhưng tôi quyết định thử thêm một lần nữa.
Tối hôm sau, ngồi dưới gốc cây sồi, tôi bảo :
- Ngụy biện mà tối nay chúng ta đề cập đến là “Dùng thương hại làm mủi lòng”.
Po-li run lên vì thích thú.
- Em hãy nghe cho kỹ nhé. Một người đi xin việc. Khi ông chủ hỏi khả năng chuyên môn của anh ta thì anh ta trả lời là anh ta có một vợ và sáu con, vợ thì què quặt không làm được gì, con cái thì chẳng có gì ăn, không có áo mặc, chân không có giày, nhà thì không có giường, không có than mà mùa đông lại sắp tới …
Môt giọt nước mắt lăn trên gò má hồng của Po-li. Cô sụt sịt :
- Ôi, thật là thảm quá !
- Đúng, thật là thảm. – Tôi đồng ý – Nhưng đó không phải là một lý lẽ. Người kia đã không trả lời vào câu hỏi của chủ về khả năng chuyên môn của anh ta mà lại đi kêu gọi lòng thương của chủ. Anh ta đã phạm vào ngụy biện “Dùng thương hại làm mủi lòng”. Em hiểu chưa ?
Cô ấp úng :
- Anh có khăn mùi xoa đấy không ?
Tôi đưa mùi xoa cho cô và cố nén tiếng hét đang ứ lên cổ trong khi cô ta lau nước mắt. Tôi cố kiềm chế giọng nói của mình cho bình thường :
- Bây giờ ta bàn đến “Loại suy sai”. Đây là một thí dụ : Sinh viên phải được phép nhìn vào sách giáo khoa trong khi thi. Xét cho cùng thì các nhà phẫu thuật trong khi mổ, có máy X-quang hướng dẫn, luật sư khi cãi trước tòa, có giấy tờ, văn bản trong tay, thợ mộc dựng nhà có bản thiết kế hướng dẫn… Vậy thì tại sao sinh viên lại không được phép xem sách khi thi ?
Po-li hăng hái nói :
- Ồ, đúng là một ý cực kỳ hay mà nhiều năm nay em chưa từng nghe thấy.
Tôi nói sẵng :
- Po-li. Lý lẽ đó hoàn toàn sai. Bác sĩ, luật sư, thợ mộc, … không phải là đang thi để xem họ đã học được những gì, khác với anh sinh viên. Hoàn cảnh họ hoàn toàn khác, không thể loại suy được.
- Em vẫn cho đó là một ý cực kỳ … – Po-li nói.
- Cực kỳ… con khỉ – tôi lầm bầm, nhưng tôi vẫn ngoan cường tiếp tục – Sau đây ta xét đến ngụy biện “Giả thuyết trái với thực tế”.
- Nghe có vẻ hay đấy nhỉ – Po-li nói.
- Em nghe đây : Nếu bà Quy-ri không tình cờ để quên một phim ảnh trong ngăn kéo cùng với một mẩu quặng Ra-đi-um thì ngày nay thế giới chẳng biết gì về Ra-đi-um hết.
- Đúng – Po-li gật gật – Anh có xem phim không ? Chà, thật là mê li ! Tài tử Oanh-tơ Pít-giơn thật là hết ý!…
- Em có thể quên cái nhà ông Pít-giơn đó đi một lát được đấy – Tôi lạnh lùng nói – Anh muốn chỉ ra rằng lời tuyên bố đó là một ngụy biện. Có thể bà Quy-ri sẽ tìm ra Ra-đi-um một ngày nào sau đó. Có thể một người khác sẽ tìm ra. Không thể bắt đầu bằng một giả thuyết không thật rồi từ đó rút ra những kết luận có cơ sở được.
- Đáng lẽ ra họ phải để Oanh-tơ Pít-giơn đóng nhiều phim hơn mới phải. – Po-li nói – Em chẳng được xem thêm phim nào có anh ta nữa.
Tôi quyết định thử một lần cuối cùng. Chỉ một lần nữa thôi. Máu thịt con người chịu đựng cũng có giới hạn.
- Ngụy biện tiếp theo được gọi là “Bỏ thuốc độc vào giếng”.
- Ồ, kỳ lạ nhỉ ? – Po-li trố mắt.
- Hai người tranh luận với nhau. Người thứ nhất đứng dậy nói “Đối phương của tôi là một tay nói dối có tiếng. Các ngài không thể tin được một lời nào của anh ta đâu.” … Po-li, bây giờ em nghĩ đi. Nghĩ cho kỹ. Sai ở đâu?
Tôi chăm chú nhìn cô ta trong lúc cô nhíu tít cặp lông mày mượt mà, cong vút. Bỗng một ánh thông minh lóe lên – ánh đầu tiên tôi thấy – trong mắt cô. Cô công phẫn nói:
- Thế là không công bằng. Hoàn toàn không công bằng. Người thứ nhất bảo người thứ hai là một kẻ nói dối ngay cả trước khi người thứ hai mở miệng thì người này còn có hi vọng gì nữa?…
- Đúng ! – Tôi phấn khởi kêu to – Đúng một trăm phần trăm ! Người thứ nhất đã “bỏ thuốc độc vào giếng” trước khi mọi người uống nước giếng. Anh ta đã hãm hại đối phương trước khi người này bắt đầu… Po-li, anh rất tự hào về em…
- Ồ! – Cô lẩm bẩm, mặt đỏ lên vì sung sướng.
- Em thân mến, em thấy không, có gì là khó đâu ? Chỉ cần em tập trung suy nghĩ thôi… Suy nghĩ – nghiên cứu, đánh giá. Bây giờ ta ôn lại tất cả những gì ta học nhé !
- Anh cứ hỏi đi. – Po-li khẽ vung bàn tay, bình tĩnh nói.
Phấn khởi vì thấy Po-li cũng không phải là ngu đần gì, tôi kiên nhẫn nhắc lại tất cả những điều tôi đã giảng giải. Tôi nêu lên nhiều thí dụ, chỉ ra những chỗ sai, ra sức phân tích không biết mệt, cứ như là đào hầm vậy… Tôi không biết lúc nào thì ra tới ánh sáng mà liệu có ra được tới ánh sáng không đây. Nhưng tôi kiên trì đào, bới, cuốc, cào… Và cuối cùng tôi đã thành công, tôi đã thấy hé ra một ánh sáng. Rồi ánh sáng đó lớn dần và mặt trời lùa vào, mọi thứ đều sáng rực.
Mất năm tối cả thảy, nhưng thật là bõ công. Tôi đã biến Po-li thành một người tinh thông lô-gíc. Tôi đã dạy cho cô biết suy nghĩ. Công việc của tôi đã xong. Cuối cùng cô đã xứng đáng với tôi. Đúng là một người vợ thích hợp cho tôi, xứng đáng với nhà cao cửa rộng tôi sẽ có sau này, một người mẹ thích hợp với những đứa con thông minh, xinh đẹp của tôi…
Đừng nghĩ rằng tôi không yêu Po-li. Trái lại. Cũng như Píc-ma-li-ôn yêu tượng người phụ nữ hoàn hảo mà ông đã tạc ra, tôi yêu người con gái mà tôi đã đào tạo nên. Tôi quyết định ngỏ cho cô ta biết tình cảm của tôi vào buổi gặp sắp tới. Đã đến lúc phải biến chất mối quan hệ giữa chúng tôi, từ tính chất kinh viện sang tính chất lãng mạn.
- Po-li – tôi nói, khi chúng tôi ngồi dưới cây sồi – Tối nay, chúng ta sẽ không nói đến những ngụy biện nữa.
- Ồ! – Cô nói, có vẻ thất vọng.
- Em thân yêu – Tôi hạ cố mỉm cười với cô – Chúng ta đã ngồi với nhau năm tối rồi. Năm tối rất tốt đẹp. Rõ ràng là chúng ta rất hợp với nhau.
- “Khái quát hóa vội vã” – Po-li nhắc lại – Làm sao anh có thể nói được là chúng ta rất hợp nhau trên cơ sở có năm cuộc gặp gỡ thôi?
Tôi tặc lưỡi, thú vị. Cô bé học thuộc bài quá.
- Em ạ. – Tôi vuốt ve bàn tay cô một cách khoan dung – Năm lần gặp nhau là quá đủ rồi. Xét cho cùng, em chẳng cần ăn hết một cái bánh ga-tô mới biết là bánh ngon chứ?
- “Loại suy sai” – Po-li nói ngay – Em không phải là một cái bánh ga-tô, em là một cô gái.
Tôi tặc lưỡi, lần này kém phần thú vị hơn lần trước. Có lẽ cô bé học bài thuộc quá mức cần thiết. Tôi quyết định đổi chiến thuật. Rõ ràng phương pháp tốt nhất là tỏ tình một cách đơn giản, mạnh mẽ, trực tiếp. Tôi ngừng một lát trong khi khối óc đồ sộ của tôi lựa chọn những lời lẽ thích đáng. Rồi tôi bắt đầu:
- Po-li, anh yêu em. Em là tất cả vũ trụ đối với anh, là mặt trăng, là những ngôi sao, những chòm tinh tú trong không gian. Em thân yêu, em hãy nói là em sẽ sống suốt đời với anh vì nếu không thì cuộc đời đối với anh sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Anh sẽ khô héo, tàn tạ, anh sẽ không ăn, không ngủ, đi lang thang trên mặt đất này như một bóng ma âu sầu, thui thủi…
Tôi khoanh tay lại, chắc là phải “ăn tiền” rồi.
- “Dùng thương hại làm mủi lòng”. – Po-li nói.
Tôi nghiến răng ken két. Tôi không phải là Píc-ma-li-ôn, tôi là Phrăn-ken-xten và con quỷ đang bóp cổ tôi. Tôi cuống cuồng đẩy lùi làn sóng hoảng hốt đang tràn lên trong lòng. – Bằng bất cứ giá nào, tôi phải bình tĩnh – Tôi gượng cười:
- Ồ, Po-li, em thuộc bài về ngụy biện quá nhỉ?
- Đúng thế! – Po-li gật mạnh đầu.
- Thế ai dạy em?
- Anh chứ ai nữa?
- Đúng. Vậy là em cũng nợ anh một cái gì đó, phải không em? Nếu không có anh, em chẳng bao giờ biết về ngụy biện.
- “Giả thuyết trái với thực tế”. – Po-li lại nói ngay.
Tôi quệt mồ hôi trán.
- Po-li, – Giọng tôi khàn khàn – Em không nên hiểu những cái đó máy móc quá! Anh muốn nói đó chỉ là những chuyện ở trường học thôi. Em cũng biết đấy, chuyện sách vở ấy mà, nào có ăn nhằm gì với đời sống thật đâu!
- Lại “đơn giản hóa” rồi. – Po-li vừa nói vừa vui vẻ trỏ vào mặt tôi.
Tôi không nhịn được nữa, vùng đứng lên, rống như một con bò:
- Thế em có bằng lòng lấy anh không thì bảo?
- Không. – Cô đáp.
- Tại sao?
- Vì chiều hôm nay em đã hứa hôn với Pi-ti Be-lô rồi mà!
(suutam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét về bài viết