Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Búp chè xanh khờ dại...


Hình ảnh đã đăng
Em hy vọng có ngày anh sẽ đọc được những dòng này. Nếu không, dù bị nhốt dưới cõi âm lạnh lẽo em cũng sẽ tột cùng đau đớn. Trước mắt em, cuộc đời không còn một chút ý nghĩa gì, ngoài việc cố viết ra được cái điều thầm kín để có ngày anh đọc.

Chắc anh chưa quên vùng đồi chè trung du quê em? Đã có một mùa hè anh đi lấy tài liệu ở đó cùng lớp họa sĩ sắp tốt nghiệp. Chao ôi, con bé Thi mười lăm tuổi, con gái ông chủ nhà nơi anh trọ nhờ, chính là em đây. Anh có nhớ một lần anh hồn nhiên nói khẽ vào tai em:
- Này, bé biết không, trông bé cứ như cái búp chè xanh ấy.
Chẳng hiểu anh nói vậy là nghĩa thế nào. Em nhớ chiều hôm trước khi u em hái những búp chè chưa mở cánh về sao cho thầy em dùng, anh cứ ngồi mải mê xem những cái nõn lá xanh bấy. Anh nghĩ gì thế nhỉ?
Thầy em rất quý anh. Một bữa ông mời anh cùng nhâm nhi chén rượu nếp cẩm, vừa thủ thỉ hỏi han:
- Cậu Thanh là con một hử?
- Vâng ạ.
- Vậy tốt nghiệp xong phải sớm lo vợ con cho ông bà yên tâm đấy nhé.
Im lặng một chút, anh nói rất nghiêm túc:
- Cháu sợ khó làm được vậy. Thầy dạy chúng cháu năm mươi tuổi vẫn chưa vợ con. Ông ấy nói muốn phụng sự nghệ thuật là phải trả giá cả cuộc đời mình. Cháu cũng muốn noi gương ông ấy.
- Con gái chúng nó chả sơ múi gì ở các anh đấy nhỉ? Rõ tội chúng nó.
- Nếu ông có lòng, cháu chờ em Thi lớn sẽ tính ạ.
Nói tới đó cả hai người nhìn vào em cười phá lên.
Tuy là câu chuyện bỡn cợt trong mâm rượu, nhưng em xấu hổ, kiếm cớ tránh mặt anh cả mấy bữa cơm sau, cả những lúc anh vác giá vẽ trở về nhà. Và càng cố tránh, em càng bị hình ảnh anh cuốn hút như có ma lực. Suốt ngày em chỉ nghĩ đến anh. Đến nỗi nhiều đêm em mơ thấy cùng anh đi tắm sông, cùng ra làm đồng, thậm chí cùng nấu cám lợn. Tỉnh dậy mới bâng khuâng làm sao. Ở tuổi mười lăm, em không hiểu mình đã vướng vào thứ người ta gọi một cách văn chương là "sự rung động đầu đời". Nghe đẹp đẽ quá, nhưng sự thực nó chỉ khiến em khổ sở thắt lòng.
Một hôm không ngăn được nỗi khao khát, em đánh liều đi vào ngôi chùa làng, nơi anh đang vẽ. Em nấp mé ngoài vườn chùa, nhìn anh qua cổng vòm nhỏ để anh không thấy. Ôi, anh tài thật. Từng nét bút dưới bàn tay anh dần hiện lên ngôi chùa giống y hệt. Cũng mái cong xanh rêu, cũng mặt nguyệt rồng chầu, hàng cửa con tiện màu nâu cũ kỹ...
Đang mê mải dõi theo tay anh, em bỗng bật hét thất thanh. Một con rắn mai gầm thả cái đầu đong đưa từ cành đại xuống ngay trước mặt em. Em ngã ngồi xuống gốc cây, kinh hãi rúm ró cả người.
Nghe tiếng em hét, anh chạy vụt ra. Vớ ngay một cành khô, anh giáng liên tiếp vào con rắn vẫn đang quấn một phần trên cây. Nó oằn oại rơi xuống gốc đại. Lúc đó em đã kịp ngồi dậy, chạy vụt nấp phía sau anh. Con rắn nát nhừ một đoạn, uốn mình co giật mấy cơn rồi chết hẳn.
Nhìn sững xác con rắn, cả em lẫn anh mặt mũi tái dại.
- Nó chết rồi! Nó chết rồi bé ạ. Nó chết rồi!
Anh vừa hổn hển động viên vừa siết chặt đôi vai đang run rẩy của em. Anh dìu em vào sân chùa, nơi anh ngồi vẽ.
- Thôi nào, bình tĩnh đi. Bé đi đâu mà lần vào vườn chùa thế?
- Em... đi tìm cây kiến càng cho u em nấu nước.
Hẳn mặt em đỏ lựng vì phải nói dối. Nhưng anh đã biết u em đau đầu, vẫn phải dùng cây kiến càng hàng ngày đấy thôi.
- Giờ cứ ngồi nghỉ đã. Lát nữa anh sẽ đi kiếm cây kiến càng cùng với bé... Nhìn kìa, vẫn còn sợ rắn đến toát mồ hôi thế này ư?
Bất ngờ anh hôn thật nhanh vào má em. Sao anh lại làm thế? Em ngơ ngác nhìn lên gương mặt tươi cười của anh. Anh trêu đùa em, hay để em quên chuyện con rắn? Em sững người một chút rồi vùng chạy biến mất.
Nhắc chuyện con rắn mai gầm hôm đó, hẳn anh đã nhớ ra cái búp chè xanh thuở ấy. Nhưng anh ơi, con bé Thi búp chè xanh đã chết mục rữa từ lâu lắm rồi anh ạ.
Anh không hiểu cái hôn ấy với em lại là một bước ngoặt quan trọng trong đời. Con bé búp chè ngây ngô tin rằng anh tỏ tình với nó. Nó hồi hộp chờ đợi sẽ được nếm trải mối tình đầu giống như trên màn ảnh, như trong những cuốn truyện nó giấu giếm thầy u đọc trộm. Lại đêm đêm nằm sau lưng u, nó hình dung đang ấp thân hình nóng rực của mình vào thân thể anh. Rồi bàn tay anh sẽ lần mở lớp áo lót nó, nhẹ nhàng vuốt ve lên da thịt đang căng cứng chờ đợi...
Mải mơ mộng, em không để ý đến ngày lớp sinh viên trường mỹ thuật trở về Hà Nội. Tối đó các anh liên hoan với thanh niên trong làng, em ngồi chết lặng chẳng còn hồn vía. Khi tan cuộc vui, em đánh bạo chờ đi với anh. Nhưng anh vô tình kéo theo một anh bạn cùng về. Thế là em mất cơ hội cuối cùng.
Cái ôtô sáng hôm sau đưa các anh xuôi. Anh có nhận ra em đứng bên đường đồi cùng mấy cô bạn, hò hét vẫy tay chào không? Hẳn anh nghe tiếng em át tất cả, chỉ để dặn riêng anh: "Nhớ viết thư anh Thanh nhé!".
Chao ôi, những ngày tiếp theo anh không tưởng tượng nổi đâu. Em lẻn ra sân chùa, nơi anh ngồi vẽ, nơi em được anh ôm siết, nơi em nhận cái hôn đầu tiên của một người con trai, để em khóc thỏa thích vì thương nhớ anh.
Ba năm cuối cấp em học hành yếu hẳn. Dù vào diện học sinh giỏi văn, em vẫn không vượt qua được kỳ thi hết cấp. Cái hy vọng ra Hà Nội thi đại học thế là tắt ngóm. Và cơ hội tìm gặp anh cũng tan theo nước mắt.
Nhiều lúc em định trầm mình vào dòng sông quê. Nhưng chưa gặp lại anh, em chưa đành lòng chết. Em ấp ủ một ý định liều lĩnh rằng nhất định phải ra Hà Nội, phải tìm anh để thoát khỏi vùng quê buồn tẻ, vừa kiếm công ăn việc làm khỏi ăn bám gia đình.
Ý định điên rồ ấy bám riết lấy em. Em bàn bạc với cái Thắm, cô bạn thân cũng thi trượt. Nó thích quá, hưởng ứng nồng nhiệt. Quê nhà còn có gì đáng níu chân chúng em? Hầu như chẳng còn mống thanh niên nào chịu bó thân ở nơi chó ăn đá gà ăn sỏi cả. Đấy, anh sẽ thấy đội quân thanh niên nông thôn đầy đường phố Hà Nội, kiếm sống bằng mọi nghề đấy thôi.
Đúng lúc đó số phận đưa đẩy chúng em gặp người đàn bà ở tiệm làm đầu trong một lần đi chơi dưới thị xã. Người đàn bà chừng hơn hai mươi, son phấn ăn diện ra vẻ thành thị. Chị ta xởi lởi bắt quen với chúng em.
- Tưởng chuyện gì khó, muốn kiếm việc ở Hà Nội thì đầy. Triệu rưỡi, hai triệu một tháng quơ đâu chả được. Rửa bát, bưng bê chứ nặng nhọc gì đâu. Chị có quen mấy cửa hàng dưới đó, họ đang nhờ chị giới thiệu người giúp việc.
- Chúng em muốn làm cùng một chỗ có được không?
- Để chị thu xếp. Miễn là các em phải ngoan ngoãn vâng lời chủ.
Chị ta còn tốt bụng lo hộ tiền nong đưa chúng em đi cùng xuống Hà Nội.
- Khi nào lĩnh lương trả chị cũng được, không phải áy náy. Tháng nào chị chả đi Hà Nội vài ba lần mua đồ.
Em với cái Thắm nói dối gia đình đi ăn cưới bạn dưới thị xã rồi rời khỏi nhà vào một buổi sớm gió hơi se lạnh. Theo chân người đàn bà lên ôtô, lòng em tưng bừng náo nức. Thế là em sắp tìm được anh rồi. Ngỡ như anh đang chờ em ở đầu kia cuộc hành trình.
Nhưng mụ đàn bà khốn nạn đó đã lừa bán chúng em cho một chủ chứa. Sau này em mới biết chuyện các cô gái bị lừa bán vào nhà hàng đều ngốc nghếch từa tựa thế cả.
Thoạt tiên em với cái Thắm điên cuồng chống trả. Chúng em bị dụ dỗ, đánh đập, bị nhốt trong phòng kín, bị bỏ đói, dẫu rằng hai đứa đều đã bị ép buộc ký giấy nợ họ mười lăm triệu.
- Đây là số tiền người ta bỏ ra mua chúng mày. Không lẽ chúng mày ba đầu sáu tay ăn quỵt được. Khôn hồn chịu khó tiếp khách, vừa kiếm ra tiền gửi về giúp gia đình, vừa được trừ nợ dần. Vài tháng hết nợ chúng mày muốn sao cũng được. Chỉ sợ lúc ấy lạy van xin ở lại đây. Cơm ăn áo mặc đàng hoàng, sướng như tiên, không muốn ư? Bơ vơ đầu đường xó chợ ở thành phố này có mà chết đói sớm. Nghĩ xem chúng mày phải nặng nhọc gì đâu? Không ai biết tông tích chúng mày mà sợ xấu hổ. Đầy đứa bằng vạn chúng mày nhé!
Như con trâu đã bị xỏ mũi, chúng em còn biết làm gì? Để thoát sự hành hạ đầy ải hơn địa ngục, chúng em đành chịu thua.
Em không kể lại cho anh nghe lần đầu tiên cầm hai triệu bán trinh tiết nó đau đớn nhục nhã thế nào. Thế là hết. Em sẽ không dám tìm gặp anh với cái thân xác đã ô uế này nữa. Em được viết thư về gia đình, gửi kèm món tiền hai triệu rưỡi sau một tháng bán mình ở tổ quỷ.
"Thày u hãy mừng cho con với cái Thắm đã kiếm được việc ở cửa hàng làm đầu tại Hà Nội. Đây là tháng lương đầu tiên con gửi về biếu thầy u. Thầy u ơi, xin hãy giữ sức khỏe chờ cuối năm con được nghỉ về ăn Tết với gia đình sẽ kể chuyện nhiều. Thầy u tha thứ cho con tội bất hiếu đã bỏ trốn nhà để mọi người phải lo lắng. Con lạy thầy u vạn lạy".
Em tự an ủi rằng món tiền đó không nhỏ ở quê nhà, để vợi đi sự dằn vặt, tủi hổ. Bây giờ hình ảnh anh đã lùi xa thẳm cùng với tuổi ngây thơ của em vừa bị đánh cắp.
Hai đứa chúng em ngỡ vài tháng chịu nhục hình rồi sẽ thoát. Nhưng món tiền ghi trong sổ nợ của lão chủ không bớt đi mà mỗi ngày một tăng. Tiền cơm nuôi, quần áo may mặc, son phấn, tiền chi cho bảo kê, phục vụ buồng... Lâu dần chúng em hiểu phải "gắn bó" đến chết với nơi này thôi. Vâng, một thứ trâu cày đến khi nó quỵ xuống mặt ruộng.
Một năm sau em bị đưa xuống nhà hàng ở Bãi Cháy. Bọn chủ vẫn thường bán chác thay đổi chúng em cho nhau. Như vậy có vẻ mặt hàng luôn được đổi mới. Em với Thắm mỗi đứa mỗi nơi từ đó.
Lại gần một năm nữa em bị đưa ra Đồ Sơn. Ở Đồ Sơn cuộc sống của chúng em dễ chịu hơn cả. Không phải trốn lánh gắt gao để khỏi bị bắt như ở Hà Nội. Thỉnh thoảng còn được dạo chơi trên bờ biển trong tầm mắt theo dõi của bọn bảo kê.
Em thành trơ lì như một viên đá mài. Em coi cuộc đời đã chấm dứt từ buổi bước chân lên ôtô rời quê hương. Giờ hãy đem chút thân xác bẩn thỉu kiếm đồng tiền trả ơn cha mẹ, khi nó chưa tàn tạ hẳn.
Cho đến thứ bảy tuần trước, anh nhớ không, buổi sáng ấy bỗng xuất hiện ba người đàn ông bước vào quán bia ôm trá hình "nhà" chúng em. Mấy cô tiếp viên có nhiệm vụ ra chào đón săn sóc. Em vừa qua cửa ngăn bỗng đứng chết sững. Một trong ba người khách đó là anh, không thể nhầm được. Dù bao năm đã qua, anh có già chút đỉnh nhưng giọng nói lẫn cử chỉ vẫn như xưa.
Một nỗi tủi thân khiến em suýt òa khóc. Em muốn chạy lại, ôm lấy anh, gục vào ngực anh kể lể. Nhưng kể gì? Em có dám chường mặt cho anh nhận biết không?

Sau khi lủi vào phòng riêng, em soi gương để tự trấn tĩnh. Làm sao anh có thể nhận ra cô gái bán hoa váy áo hở hang, giày cao gót nhọn, lông mi uốn cong vút, môi son má phấn điệu đàng này có nét gì của con bé búp chè nữa chứ?
Nhưng em trốn cũng không được. Chủ nhà hàng gọi em ơi ới ra tiếp khách. Em đành uốn éo lắc mông, vờ thản nhiên trơ trẽn như thường lệ, đi ra bàn các anh.
Tim em đập thì thụp tưởng vỡ lồng ngực. Em liếc nhanh, kín đáo dò xét ánh mắt anh nhìn em và biết anh không hề nhận ra nét nào quen thuộc xa xưa. Tim em dịu lại tựa người được thoát chết đuối. Đồng thời một nỗi buồn thê thảm xâm chiếm em. Hóa ra trong ký ức anh chẳng còn chút gì hình bóng con bé búp chè lưu lại ư?
Em ngồi chen sát vào anh. Da thịt, chao ôi da thịt xiết bao yêu thương của anh khiến em tê dại mỗi lần đụng chạm. Anh rót bia mời. Em uống, cứ uống, như một con sâu bia.
- Các anh đang nghỉ ở đâu?
- Bọn anh nghỉ ở khách sạn Vạn Thông hai hôm rồi. Bữa nay lang thang qua đây. Nghe người ta đồn nhà hàng này có nhiều bé dễ thương lắm.
Cô bạn em liếc mắt đưa tình cho anh, mau mắn nhỏ giọng khêu gợi:
- Với ba anh, chúng em sẵn sàng chiều hết lòng. Phòng nghỉ ở đây lại kín đáo sạch sẽ, giá cả mềm hơn mọi nơi, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Ba anh đưa mắt cho nhau. Em thầm lạy giời anh đồng ý ở lại cho em có dịp gần anh. Không, quyết là không có chuyện để anh chung đụng thân xác. Em chỉ ao ước lúc có riêng hai chúng ta, em sẽ kể anh nghe mọi chuyện. Ít nhất anh cũng biết vì sao một con bé khờ dại yêu thầm nhớ vụng anh đến nông nỗi này.
- Để mai nhé. Hôm nay bọn anh mắc chút việc bận, không vui chơi với các em được.
Em cuống quýt khẽ nói riêng với anh:
- Vậy em đến khách sạn Vạn Thông thăm anh được chứ? Em muốn gặp riêng anh, chỉ để trò chuyện một lát thôi. Em xin anh đấy.
Ánh mắt khẩn khoản của em khiến anh ngạc nhiên. Hẳn anh nghĩ em đang cần "đi khách". Anh tủm tỉm rút ví lấy tờ bạc một trăm ngàn, gấp lại nhét vào ngực em, nơi cổ áo rộng trễ tràng.
Em giật nảy, không ngờ anh đối xử như vậy với em. Ô hay, khách làng chơi đều làm thế cả, có sao đâu? Thậm chí hiếm khi được bo nhiều ngần đó, nếu chỉ ngồi tiếp bia thôi. Nhưng em sững người, không cất nổi lời cảm ơn.
Các anh cười vui vẻ, đứng lên ra về.
Em rũ rượi nói dối bị say bia, nằm vật ra giường. Không thể để lỡ cơ hội gặp gỡ này. Nhất định phải tới khách sạn Vạn Thông tìm anh, kể mọi chuyện cho anh nghe. Chắc chắn anh sẽ cứu được em.
Nhưng suốt đến chiều, em phải tiếp liên tục bốn lượt khách. Lựa thời gian được nghỉ ngơi, em bí mật gặp riêng tên Tỏa, một gã bảo kê ít bặm trợn nhất, lại tham lam, bảo thẳng gã:
- Anh cầm lấy đôi hoa tai vàng tây cho vợ chưa cưới đi. Em tặng anh. Em mới sắm hồi Tết. Chỉ cần anh đưa em tới khách sạn Vạn Thông hai tiếng đến tối. Em cần gặp một người bạn cũ. Cứ nói có khách quen gọi sang. Đây, em chỉ còn bảy trăm ngàn, anh cầm lấy tất, coi như khách thanh toán tiền luôn để anh mang về cho ông chủ.
Gã Tỏa chỉ mặt em đe:
- Em định giở trò gì thế? Được rồi, anh sẽ ở đó chờ em cả hai tiếng. Để xảy chuyện gì sẽ no đòn em ạ.
Em gật đầu hứa hẹn sau khi dúi vào tay gã đôi hoa tai. Em được gã Tỏa xin phép chủ đèo xe đưa em đi tiếp khách bên ngoài. Em mừng vô cùng.
Khách sạn Vạn Thông cách đây không xa, mươi phút sau em đã có mặt ở đó. Em hỏi dò cô bé lễ tân quen biết:
- Lan ơi, cậu xem hộ ba người khách Hà Nội ở phòng nào vậy?
- Tầng hai. Nhưng cả ba rủ nhau đi mát-sa rồi. Họ có hẹn cậu à?
- Không. Chỉ là mình xưa có quen cái anh tên là Thanh.
- Ồ, nghe đâu anh Thanh bày triển lãm nổi tiếng lắm. Bán tranh được ối tiền mới kéo bạn bè xuống Đồ Sơn ăn khao.
Vâng, mừng cho anh đã hết lòng phụng sự nghệ thuật. Nhưng riêng với em hình như anh chỉ luôn gây những thất vọng ê chề. Sau hai giờ ngồi chờ trước cửa khách sạn, dưới tầm mắt giám sát của gã Tỏa, em buộc phải lên xe quay về. Anh đang mát-sa vui thú ở đâu hở anh?
Sớm hôm sau chủ nhật, tất cả chúng em bận tối mắt, không ai được ra khỏi nhà. Em lạy van gã Tỏa cầm hộ em mảnh giấy gửi cho anh.
"Anh Thanh ơi, hãy cho em được gặp ít phút. Cái Thi búp chè xanh ngày xưa đây. Em cầu mong giời phật rằng anh chưa quên em. Hãy đến anh nhé. Rồi anh sẽ hiểu vì sao em khẩn khoản gặp anh đến thế. It nhất thì cũng cho em một cái địa chỉ liên lạc".
Một người khách quen đòi được em tiếp. Em nằm như cái xác vô hồn khiến ông khách hơi phật ý. Em phải năn nỉ rằng em bị đau đầu, xin khất hôm khác chu đáo. Thực ra em đang cháy cả ruột gan chờ đợi gã Tỏa mang tin trở về. Biết đâu anh sẽ đi theo gã về đây. Biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng em phải bán thân xác. Nếu anh ký giấy bảo lãnh với lão chủ, biết đâu em sẽ được đi theo anh luôn...
Nửa giờ sau gã bảo kê trở về. Bộ mặt sẹo của gã nhăn nhở trong cái cười không thành tiếng.
- Tiếc cho cô em, mấy thằng cha Hà Nội tếch từ sáng sớm cơ.
Em chỉ còn biết ôm mặt bật khóc nức nở.
Anh ơi, hẳn anh đang trả giá cả cuộc đời mình để phụng sự nghệ thuật. Anh có biết cái búp chè xanh khờ dại đã trả giá cả cuộc đời mình cho một tình yêu huyễn hoặc không?
Biển ngoài kia mênh mông lắm. Mai em ra biển tan vào sóng xanh... Câu thơ của ai hay thế, em nghĩ mãi không nhớ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết