Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Sau cơn mưa trời lại sáng


Con người cũng như thiên nhiên... Có lúc nổi cơn giông bão để rồi ban tặng cho đời những ngày nắng tháng năm vàng đượm.
Đầu tháng 5, mọi ngã đường đã phủ vàng màu nắng. Đạp xe chậm chậm dưới những tán bằng lăng, thi thoảng nhắm mắt lại tận hưởng cái gió mơn man luồn qua tóc, tôi cảm nhận được mùi vị của mùa hè.
Hè sang mang theo cái oi ả của nắng, cái nồng nồng của đất sau những cơn mưa tầm tã, cái mặn mòi của những giọt mồ hôi và trong tôi mùa hè còn gợi lại chút gì đó nhói đau nơi sâu thẳm con tim đang dần vui trở lại.
Hai năm, khoảng thời gian đủ dài để người ta quên đi cái gọi là nỗi buồn và cũng đủ để làm lành những vết thương lòng nhưng với tôi khoảng thời gian đó chỉ đủ làm dịu đi “nỗi đau” đã hằn sâu trong tâm hồn .
Tôi còn nhớ như in “Cái ngày định mệnh ấy”. Trời cũng ngập nắng, dưới những tán bằng lăng đu mình theo gió. Tôi, cô tân sinh viên vẫn vô tư thả hồn vào những bài tình ca lãng mạn để tận hưởng cảm giác mới mẻ của mùa hè đầu tiên nơi phồn hoa đô thị đâu biết được bi kịch lại xảy ra bất ngờ đến như vậy!
Về đến phòng trọ, chưa hết cảm giác lâng lâng tôi giật mình thảng thốt bởi trong phòng vang ra tiếng chửi rùng rợn của một giọng con gái rất quen. Trong phút rối trí, con bạn từ nhà hàng xóm chạy về miệng run lật bật nói không nên lời: “ Mày… mày ơi! Chị mày bị làm sao ấy… sợ lắm!”.
Không kịp nghĩ ngợi gì, tôi mở cửa xông thẳng vào phòng. Trời ơi! Tôi không tin vào mắt mình nữa: “ Chị gái tôi ngồi vật vờ trên gác xép, mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bù xù còn miệng thì không ngớt chửi rũa”.
Tôi đứng lặng giữa phòng nhìn chị hồi lâu, chân tay tê cứng, đầu óc quay cuồng mơ hồ, hình như tôi đang lạc vào khung cảnh của một bộ phim Hàn nào đó mà mình đã từng xem.
Ở bên ngoài, hàng xóm kéo lại bàn tán um sùm còn tôi đứng trong phòng, gần chị đến thế mà chẳng thể nói gì hay làm gì cho chị. Tất cả trở nên trống rỗng.
Phải gần tiếng đồng hồ sau, bộ não của tôi mới hoạt động trở lại, tôi vội vàng chạy ra ngoài hỏi khắp các cô chú trong xóm, xem có ai biết chị mình bị làm sao không. Và ai cũng có cùng câu trả lời: “ Chị cháu bị ma làm đấy” rồi họ bảo tôi hòa nước tỏi cho chị uống.
Chẳng cần biết đúng sai thế nào, tôi vội vã làm ngay bát nước tỏi mang lên gác xép cho chị nhưng mới leo đến nửa thang thì chị hất tung bát nước tỏi và tôi thì ngã nhào xuống nền gạch. Đôi chân tê cứng lại vì đau, tôi ngồi bất động giữa nhà và chỉ cảm nhận được những giọt nước mắt cay đắng đang rơi lả trả trên má. Tôi biết làm gì bây giờ, ai có thể giúp tôi đây?
Tôi thấy cô độc và bất lực làm sao! Thương chị biết nhường nào nhưng phải làm gì đây? Không còn cách nào khác, tôi lục tìm điện thoại cố gắng bình tĩnh gọi điện về cho bố mẹ. Tôi biết rằng, bố mẹ sẽ lo lắng lắm nhưng chỉ có họ mới cứu được chị mà thôi.
Hơn 2 trăm cây số, giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè mẹ tôi đã tất tưởi ra Hà Nội ngay trưa hôm đó. Và khi trời vừa nhá nhem mẹ đã ở bên cạnh chị em tôi. Nhìn thấy mẹ tôi mừng lắm, tôi gọi to “ Mẹ ơi!”.
Có lẽ vì tủi thân và đau đớn ba mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, mẹ tôi xoa đầu chị nói: “ Sao lại ra nông nổi này hả con? Mẹ phải làm gì cho con đây? Sao ông trời lại hành hạ con thế này?”.
Mẹ tôi thì rã rời vì vừa đi một chặng đường dài còn chị thì mệt lã vì đói và khát nhưng chẳng ai kịp ăn chút gì thì chị tôi lại lên “ cơn” ném đồ tùm lum, mẹ tôi có vuốt ve, dỗ dành cỡ nào chị cũng không dừng tay.
Vậy là không thể chờ đợi được nữa mẹ và tôi quyết định đem chị vào bệnh viện, phải khó khăn lắm hai mẹ con mới đưa chị đến được bệnh viện an toàn. Sau mũi tiêm an thần, chị tôi được đưa vào phòng cấp cứu và khi tôi kể lại triệu chứng cũng như hành động bất thường của chị, các bác sĩ đã trẩn đoán chị gái tôi mắc chứng “ loạn thần cấp”.
Thế đấy, mọi chuyện cứ như trong mơ vậy! Chị tôi trong phút chốc trở thành bện nhân khoa tâm thần của bệnh viện Bạch Mai. Và công việc học hành của chị đành gác lại, mẹ tôi nói trong nước mắt: “ Chỉ cần chị tôi khỏe lại là tốt rồi, học hay không còn quan trọng gì nữa..”.
Nghĩ lại thời gian đó tôi thấy xót xa vô cùng: Cơm mang vào cho mẹ chỉ có vài miếng đậu rán và vài sợi rau luộc nhạt thếch. Nhiều bữa tôi không kịp làm cơm thì mẹ chỉ húp lại phần nước của tô phở mua cho chị hồi sáng, thế là qua bữa trưa.
Hình ảnh người mẹ hao mòn, khổ sở và người chị tội nghiệp phải từng ngày vật lộn với căn bệnh quái ác đã ám ảnh tôi trong suốt thời gian sau đó.
Một tháng trôi qua nặng nề là thế! Chị tôi đã dần bình phục song sức khỏe thì yếu lắm. Nghe lời khuyên của bác sĩ, gia đình tôi đưa chị về quê và đành phải bảo lưu cho chị sang năm đi học tiếp.
Gia đình tôi thương chị vô cùng nhưng lúc này điều quý giá nhất là “ chị vẫn khỏe mạnh bên gia đình”. Mọi chuyện tưởng chừng nhẹ nhàng hơn nhưng thói đời mà chẳng chịu buông tha cho gia đình tôi.
Bao lần chứng kiến bố mẹ nuốt nước mắt vào trong, cố gượng cười để động viên chị em chúng tôi hãy cố gắng sống thật tốt, tim tôi như vỡ vụn và tôi chỉ muốn đứng giữa trời đất mà rằng: “ Xin các người hãy buông tha cho gia đình tôi, quá mệ mỏi rồi”.
Thương bố mẹ và không muốn họ lo lắng thêm nữa, tôi quay lại trường học. Những ngày tháng đó đối với tôi thật nặng nề và buồn chán.
Tôi vẫn lên lớp nhưng chẳng thể nhập tâm vào bài học, đầu óc cứ để ở nơi nào xa xôi lắm, lũ bạn gọi tôi là: “ Cái xác không hồn” và chẳng biết từ bao giờ tôi học cách trốn chạy, trốn chạy khỏi ánh mắt có khi là dò xét, có khi là thương hại của bạn bè, người quen, trốn chạy khỏi những gương mặt quen vì nếu đứng trước mọi người tôi sợ phải nghe những lời hỏi thăm hay cạy khóe của họ.
Tôi sẽ bật khóc và tôi không muốn mình trở nên yếu đuối, đáng thương trước mọi người. Tôi đã sống như thế, lặng lẽ và âm thầm. Tôi đóng khung cuộc sống vào một góc tối nhất, chỉ có mình tôi với nỗi đau khôn nguôi và những cơn ác mộng hãi hùng tôi bật tỉnh giấc tưởng mình đang rơi xuống địa ngục.
Nhanh thật đấy! Năm thứ nhất của đời sinh viên vụt qua, tôi thấy hụt hẫng quá, chẳng kịp giữ lại cho mình chút kỷ niệm nào vui vẻ cả, tất cả mờ nhạt lắm, chỉ có một cảm giác đau nhói nơi con tim đã khô héo mà thôi.
Giờ đây, khi đã là cô sinh viên năm 3, tôi thấy mình cứng cáp hơn, vững vàng hơn nhưng Hà Nội trong tôi vẫn chỉ là một khoảng lặng lờ mờ, liêu xiêu như con đường nhuộm nắng tôi thường đi qua.
Hết hè sang thu và mùa xuân yêu thương cũng đến, tôi đón sự ấm áp của trời đất như đón chính sự hồi sinh của bản thân mình. Tất cả đã trôi qua, vết thương đã lành, nỗi đau cũng đã dịu lại.
Tôi nhìn đời, nhìn người đẹp hơn, vui tươi hơn. Mặc dù có những luyến tiếc nhưng tất cả đã bình yên trở lại: Bố mẹ tôi đã được thở phào nhẹ nhõm vì chị gái tôi đã bình phục hoàn toàn. Chị tôi dở dang chuyện học hành song chị lại trở thành một “cô giáo” làng được học trò yêu mến. Và quan trọng, gia đình tôi vẫn khỏe mạnh bên nhau, ngập tràn trong tiếng cười hạnh phúc.
Sau “ bi kịch tinh thần” đó, tôi nhận ra rằng: Con người cũng như thiên nhiên vậy! Trời đất có lúc nổi cơn giông bão để rồi ban tặng cho đời những ngày nắng tháng 5 vàng đượm. Biển có lúc dậy sóng để rồi trả lại cho chúng ta những bãi bờ yên lặng còn chúng ta thì sao?
Trải qua biến cố trong đời mới biết rằng mình đã sống có ý nghĩa như thế nào: Mạnh mẽ, vững vàng, yêu thương. Và trên hết, ta sẽ biết quý trọng cuộc đời này hơn, quý trọng giây phút được sống bên những người ta yêu thương để đón chờ những mùa hè đầy nắng, không chút đau thương.
Nguyễn Thị Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết