Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Bị nhà chồng khinh chỉ vì là dân… tỉnh lẻ

Kể từ khi tôi về làm dâu đến nay đã 5 lần mẹ tôi phải lên đây hạ giọng nói chuyện với mẹ chồng tôi với thái độ van xin hãy bỏ quá cho con gái mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc chùm bài viết về Hà Nội tôi lại nhớ đến thân phận làm dâu người Hà Nội của mình, muốn tâm sự với ai đó cho vơi đi những ấm ức, tủi nhục mà 8 năm qua tôi phải chịu đựng cho đến tận bây giờ,…

Tôi là gái Tuyên Quang. Người ta vẫn nói “Chè Thái”- để ám chỉ chè Thái Nguyên thì ngon, còn “Gái Tuyên”- để ám chỉ những cô gái Tuyên Quang xinh đẹp. Cũng chẳng hẳn là như thế, nhưng tôi là một cô gái may mắn được trời phú cho vẻ đẹp dễ nhìn. Vì thế, những năm học đại học tôi được nhiều người để ý, yêu thương. Tôi chẳng phải là một cô gái tham tiền, nhưng trong số những người đó tôi lại yêu một anh người Hà Nội. Trong lúc yêu tôi cũng đã về thăm nhà anh mấy lần, và lần nào tôi cũng cảm nhận được ánh mắt không thiện cảm của gia đình nhà chồng. Từ bố, mẹ chồng đến các em gái, em trai của anh đều làm tôi có cảm giác sợ hãi. Nhưng vì không có gì rõ ràng, mà chỉ là cảm nhận riêng của mình nên tôi chẳng dám tâm sự với anh, sợ anh lại bảo tôi đổi tiếng ác cho gia đình anh.

Nhưng một lần đến nhà anh chơi, hôm đó, mẹ anh sai tôi đi chợ mua thức ăn, vừa đi chợ về đến cửa phòng bếp tôi nghe thấy tiếng rì rầm của mẹ và anh nói với nhau. Mẹ anh bảo rằng, “Con kiếm đứa nào gái Hà Nội mà cưới, sau này nhỡ có khó khăn gì còn nhờ vả được, chứ rước con bé tận Tuyên Quang về để lo cho nó cả đời à”. Tôi đã rất thất vọng vì câu nói này của bà, nhưng vẫn cố gắng bước chân vào để cho người yêu tôi hiểu rằng tôi đã nghe được hết câu chuyện của hai mẹ con anh. Ăn cơm và rửa bát xong đâu đấy, anh đưa tôi về ký túc xá, anh biết tôi đã nghe được câu chuyện giữa anh và mẹ mình nên chủ động nói lời xin lỗi với tôi, anh còn hứa sẽ không có lần sau.

Những lần sau đó, tôi không muốn đến nhà anh, bởi tôi sợ những ánh mắt, lời nói và thái độ thiếu thiện cảm của những người thân trong gia đình anh sẽ làm cho tôi nhụt chí, và không đủ can đảm để đến với anh- người đàn ông mà tôi rất yêu thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rồi chúng tôi cũng cưới nhau sau khi ra trường. Ngày ấy, xin việc rất khó khăn, nên mặc dù học sư phạm văn ra nhưng tôi cũng chẳng xin được việc. Suốt ngày tôi phải quanh quẩn ở nhà với mẹ chồng (lúc ấy bà đã nghỉ hưu) và 2 đứa em chồng một trai, một gái. Tôi ăn không dám ăn, nói không dám nói mà suốt ngày cứ chỉ biết cắm mặt xuống làm hết việc nọ đến việc kia. Từ đi chợ nấu cơm cho cả nhà, đến lau quyét nhà cửa, và giặt giũ quần áo. Mẹ chồng tôi lại tính sạch sẽ, nên nhà cửa, giường tủ lúc nào cũng phải sạch bóng ra, có thể soi gương được thì mới thích. Còn đứa em gái chồng kém tôi 1 tuổi, nhưng cứ mở miệng ra là chửi chị “Đồ nhà quê”; “Sao chị ngu thế…”; “ngữ chị làm ô sin cho nhà tôi còn chưa xứng chứ đừng nói là làm dâu”… Có lần tức quá, tôi định đưa tay lên tát nó một cái thì bà mẹ chồng đã xồng xộc chạy đến chửi tôi “Sao mày dám đánh con bà” rồi về kể hơn kém với chồng tôi,…

Biết ở nhà thêm thì sớm muộn gì cũng xảy ra mâu thuẫn to, nên chồng tôi cố xin cho tôi dạy hợp đồng ở một trường trung học. Vì nhờ vả xin việc nên cũng phải mất ít tiền, nhưng vì hai vợ chồng tôi không có tiền nên phải mượn của bà, nhưng cũng kể từ đó tôi không được biết đến đồng lương tròn méo của chồng và của mình. Cứ gần đến cuối tháng là bà đã hỏi có lương chưa thì trả bà, vì bà sợ chúng tôi vay không có trả, nên cứ được đồng nào là tôi nộp cho bà hết.

Thời gian ấy lại đúng vào dịp tôi có bầu. Sáng phải dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, giặt giũ quần áo cho cả nhà, rồi mới đi dạy học, tôi về lại phục vụ lau dọn nhà cửa đến 9-10h đêm rồi lại soạn giáo án, … nên sức khỏe tôi suy sụp, và đã mất đi đứa con khi tôi mang thai cháu được gần 3 tháng tuổi.

Lần mang thai thứ 2, tôi đã cố gắng giữ gìn, và nói với chồng tôi để anh san sẻ với tôi một chút ít công việc, nhưng cứ mỗi lần thấy chồng làm là mẹ chồng lại chửi và trách tôi là “Con đàn bà hư hỏng, không biết phép tắc của một người vợ”, rồi bà điện thoại về quê cho bố mẹ tôi trách móc có con gái không biết đường dạy dỗ. 

Kể từ khi tôi về làm dâu đến nay đã 5 lần mẹ tôi phải lên đây hạ giọng nói chuyện với mẹ chồng tôi với thái độ van xin hãy bỏ quá cho con gái mình. Lần nào như thế mẹ tôi cũng khóc và bảo với tôi rằng, "Không ở được với nhau thì ly dị con ơi, mẹ cũng khổ vì con lắm rồi,...".  

Bản thân là một người được ăn học đoàng hoàng, lại là một cô giáo đứng trên bục giảng, tôi hiểu thế nào là phép tắc, phải trái, đúng sai,… nhưng trước mặt mẹ chồng và các em chồng tôi cũng chỉ là loại đàn bà bỏ đi, làm ô sin cho nhà chồng còn không xứng đáng. Tôi không quy chụp tất cả những bà mẹ chồng Hà Nội đều cay ghiệt với con dâu như mẹ chồng tôi, nhưng tôi muốn nói rằng người Hà Nội họ luôn đặt ra cho mình một phép tắc và bắt mọi người phải làm theo cái phép tắc của họ.
  • Phuongnga...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết