Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Nắm túi tiền và cái nhà, chồng tỉnh lẻ sẽ phục tùng

Sau khi theo dõi mọi người tranh luận về việc con gái Hà Nội có nên lấy chồng ở tỉnh lẻ không, tôi thật thà bảo các bạn nên lấy người tỉnh lẻ. Nhìn gương mấy người bạn Hà Nội của tôi, tôi dám kết luận lấy chồng tỉnh lẻ sướng hơn.

Nhà tôi ở phố Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã sống trong một môi trường thành phố.

Tôi đã học xong Thạc sĩ trường Đại học Thương Mại, hiện đang làm cho một công ty tài chính ở Cầu Giấy, Hà Nội. Cuộc sống của tôi hiện tại vô cùng hạnh phúc vì có chồng nghe lời, con ngoan.

Chồng tôi là người tỉnh lẻ, quê anh ở Hà Trung, Thanh Hóa. Tôi lấy chồng cũng là do được mai mối. Anh là người hiền lành, công ăn việc làm ổn định.
Ban đầu tôi cũng không thích người tỉnh lẻ nhưng bố mẹ tôi nói lấy chồng chứ có lấy cả quê nhà chồng đâu mà lo. Tôi lại vốn cao số nên lấy anh cho phù hợp và nhẹ nhàng.

Tôi nhắm mắt gật đầu lấy chồng người nhà quê. Bạn bè tôi ai cũng khuyên tôi rằng không nên lấy chồng như thế. Nhà cửa chưa có, bố mẹ chồng ở quê lại nghèo thì tôi phải gánh thêm nhà chồng nữa.
Tôi luôn tự hào vì lấy được chồng tỉnh lẻ biết nghe lời.
Tôi luôn tự hào vì lấy được chồng tỉnh lẻ biết nghe lời. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng từ ngày lấy anh, tôi thấy mình chẳng phải gánh thêm gánh nặng nào cả. Chắc tại tôi biết quản lý chồng.
Sau khi làm đám cưới, bố mẹ tôi cho vợ chồng tôi một căn nhà 3 tầng rộng 70 mét vuông gần cầu Hà Đông. Vì thế có thể coi anh là đi ở rể.

Chồng tôi là người rất biết điều. Anh biết thân biết phận mình thiếu thốn vật chất nên bù đắp cho vợ bằng tinh thần. Anh nghe lời vợ răm rắp.
Từ chuyện tôi cấm kiệt việc anh đưa người quen về nhà tá túc, việc về quê ăn Tết đến việc đưa bố mẹ chồng ở quê ra sống cùng.
Nhà đó là của bố mẹ cho tôi nên tôi phải có quyền quyết định cho ai ở thì được ở. Nếu tôi không quyết đoán thì chắc chắn nhà tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như nhà chị Võ Thị Hảo ở Khương Trung.

Tôi nghĩ lấy chồng tỉnh lẻ cũng được nhưng mình phải rắn và luôn cầm đằng chuôi thì mới không bị nhà chồng lấn sân, nhờ vả. Ai ở hoàn cảnh của chị Hảo cũng phải hiểu cho chị ấy. Bị nhà chồng làm phiền thì quá là mệt.

Trong sinh hoạt gia đình, tôi phải giao việc cho chồng ngay từ ngày đầu mới cưới. Hàng ngày, sau giờ tan sở, chồng tôi phải có nhiệm vụ đón con và về tắm rửa cho con.
Bữa tối trong nhà thì ai về sớm người ấy nấu. Chồng tôi làm gần nhà nên anh hay về sớm hơn vợ và anh tự nấu ăn cho cả gia đình. Mặt khác, anh cũng nấu ngon hơn tôi nên anh rất chịu khó nấu nướng.

Chuyện lau dọn nhà cửa, thứ 7 anh không phải đến cơ quan nên anh đảm nhiệm luôn. Chủ nhật, vợ chồng tôi về nhà bà ngoại cách đó 3 km. Chồng tôi không bao giờ bỏ cơm nhà đi uống bia với bạn bè khi chưa được sự đồng ý của tôi.

7 năm làm dâu nhưng không Tết nào tôi phải về quê chồng ăn Tết cả. Tôi cũng sợ cái Tết ở quê và được cái anh rất ủng hộ vợ. Năm nào anh cũng ở lại Hà Nội ăn Tết với vợ con.

Bạn bè tôi ai cũng khen tôi lấy được chồng biết nghe lời. Nhưng tôi nói thật nếu không có quyền, có nhà thì làm sao họ chịu nghe lời mình. Nếu phụ nữ muốn chồng biết điều và nghe lời vợ thì mình phải làm ra tiền hơn chồng và phải có nhà thì chồng mới phục.

Mấy người làm cùng cơ quan tôi, sau giờ làm việc lại tất tả chạy về nhà lo cơm nước. Có chị nấu cơm xong còn chống gối chờ chồng về ăn. Còn tôi, khi về nhà, chồng tôi đã nấu xong xuôi hết, con cái tắm rửa sạch sẽ. Quần áo từ tầng thượng chồng cũng gấp gọn vào tủ hết.
Cuộc sống có vợ, có nhà, có công việc là điều mong ước của rất nhiều người. Phụ nữ có nhà cửa rồi, tôi khuyên nên lấy chồng từ quê lên vì họ biết nghe lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết