Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Tâm sự người tỉnh lẻ 16

Mày lên thành phố thì ráng kiếm đứa nào nhà thành phố mà quen, xấu một chút thì hãy bằng lòng hy sinh đời bố, củng cố đời con.

Thànhnkn
Tôi bước ngang đời bên kia bến mới
Với ngổn ngang phiền muộn lẫn âu lo
Kiếp con người cùng sinh từ đất mẹ
Hà cớ gì phân biệt chốn chôn rau
Bởi vì đâu nên thành cớ sự
Chắc vì mưu sinh lặn lội chốn đông người
Ai lỡ cười thì đừng chê ngay vội
Mà bỏ quên cốt cách nơi tâm hồn.
Tôi lớn lên nơi mảnh đất được tiếng là dân Hải Phòng, đi đâu cũng đều bị người ta dị nghị. Có thể vì hung hăng, có khi tại bản lĩnh yêng hùng... Ai cũng hiểu ở đâu thì đều có người này người kia nhưng quả thật vì cái danh mà lắm người sĩ diện lại tỏ ra mình nguy hiểm mà làm liên lụy tới cả một vùng. Mang cái danh ấy rong ruổi từ Sài Gòn, miền Tây qua tới miền Trung đến tận đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và rồi giờ là Hà Nội. Ban đầu khi tiếp xúc, ai nấy cũng đều tỏ vẻ dè chừng, phân biệt. Thế đấy, tôi được cái danh mà mang vạ vào thân.
Cũng may, trải qua thời gian gần gũi, người ngoài mới hiểu được cốt cách cá nhân cái gã tỉnh lẻ như mình: "Cái thằng đến lạ, cứ rong ruổi suốt, không biết khi nào mới dừng lại. Với cái bản tính không chịu trời, không chịu đất mà cũng chẳng chịu người như nó thì như vậy cũng không có gì là khó hiểu. Cái dáng dong dỏng cao, gầy, thêm đôi kính cận, bề ngoài như thằng lãng đãng. Chỉ có điều đã gần thì mến ngay: chơi đẹp - bụng nó không xấu".
Và từ đây, quãng đường gã tỉnh lẻ rong ruổi lên thành phố mưu sinh có nhiều chuyện muốn chia sẻ mà tâm sự đôi điều. Cất bước ra đi, mọi người rỉ tai: "Mày lên thành phố thì ráng kiếm đứa nào ngoan ngoãn, nhà thành phố mà quen, có xấu một chút nhưng hãy bằng lòng hy sinh đời bố, củng cố đời con, chuột nên sa vào chĩnh gạo?". Tôi cười mà gật gù cho qua chuyện.
Bắt đầu bằng chữ "duyên" - chuyện tình với người con gái thành thị, các bậc phụ huynh vẫn thường nghi kỵ dân tỉnh lẻ lên thành phố quen con gái người ta chắc nịch là âm mưu toan tính gì đây: "Có khi họ muốn hộ khẩu, lân la làm quen mà chăm chăm nhìn vào cơ ngơi và túi tiền của mình để hòng chiếm đoạt chứ chẳng tha thiết gì?".
Có thể lắm kẻ như vậy nhưng tỉnh lẻ như tôi nghĩ khác: "Không nên nhìn vào túi tiền của ai đó mà quên mất tâm hồn và giá trị nơi tấm lòng. Có thể bạn sẽ trở nên phụ thuộc và bỗng dưng hèn kém". Và tôi chẳng bao giờ mơ tưởng những thứ không phải là của mình mà chỉ đơn giản bởi chữ "yêu" và chữ "tình".
Lên thành phố một thời gian, hóa ra người thành phố cũng có vài chuyện để bàn: Người thành phố xem nhẹ người tỉnh vì cho rằng họ sống quá bon chen. Người thành phố phân biệt đẳng cấp với nhau bằng nhà nọ, xe kia, bằng cách tiêu tiền mà ông bà để lại rồi cứ ngầm hiểu biển số 32 lớn hơn 16... Bởi vậy cho nên một số người thành thị kiêu ngạo cho mình cái quyền đi xe không mũ bảo hiểm, thích vượt là vượt, muốn rẽ ngang rẽ dọc tùy tiện mà chẳng cần xi nhan.
Thỉnh thoảng người tỉnh lẻ lang thang đi ăn uống, la cà quán sá... như lạc vào cõi khác, cõi dành riêng cho người sở hữu. Khẩu hiệu khách hàng là thượng đế dường như là thứ gì đó quá xa xỉ. Người thành phố có "phở chửi", cafe "phịch" (phịch có nghĩa là cách họ phục vụ bưng bê đặt trước mặt khách hàng kèm theo âm thanh "phịch"), xôi "xéo", quán "tự xử" (không có WC khách ra đường mà tự sướng), bệnh viện "nhăn nhó", giáo dục mắc bệnh thành tích... Người tỉnh lẻ thiết nghĩ dịch vụ của người thành phố có gì đó gắt gỏng, không giống như quê mình: chan hòa, ân cần và trìu mến đến thân thương.
Người thành thị "nhà mặt phố, bố làm quan to", nhờ có hộ khẩu có nhà, đất để cắm dùi nên không lo chuyện cạp đất mà ăn. Người tỉnh lẻ nhà chẳng mặt đường, bố mẹ lam lũ, chỉ là thường dân. Người tỉnh lẻ gắn liền với tháng năm ở trọ nơi xứ người, họ vất vả kiếm sống bằng sức lao động của mình và cuối tháng bớt ăn, nhịn tiêu, nộp tiền nhà cắt cổ cho ông chủ bụng bự, bà chủ lắm điều. Như vậy người thành phố đã giàu càng giàu thêm.
Người tỉnh lẻ sinh sống bằng đủ mọi nghề: đi làm tiếp thị, phụ hồ, nhân viên quèn, không có địa vị trong xã hội vì chẳng quen biết ông to bà lớn nào để xin xỏ hay lót tay... Thậm chí, người tỉnh lẻ còn buộc phải làm cái nghề bị xã hội coi rẻ: nghề làm gái. Xin thưa họ cũng phải bỏ sức lao động của mình để phục vụ. Có trách hãy trách những người không biết cách giữ người mình yêu hay do quen phải những người "trần trụi bản năng của tính người" mà thôi vì ở bên kia, người ta vẫn coi đó là một nghề như bao nghề khác.
Rồi nhân cái chuyện làm kinh tế, tôi thấy người tỉnh lẻ kinh doanh cũng không đến nỗi nào bởi vì người tỉnh lẻ sống không dựa dẫm, biết cố gắng, có ý chí vươn lên. Như vậy, tâm tình của người tỉnh lẻ giản đơn thế này: "Đừng nên phân biệt mà nên sống hòa đồng, phải biết vươn lên, miễn sao giữ đúng 'cốt cách' của người tiến bộ lương thiện".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết