Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Người Hà Nội chỉ hơn dân tỉnh lẻ cái hộ khẩu

Lời thề ế vợ cũng không lấy gái tỉnh lẻ hay thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ, chê vợ nhà quê không thèm ăn thứ mẹ vợ nấu của anh Hoàng Mạnh Hùng, chị Võ Hảo, anh Mạnh Tú kèm theo vô số những thói xấu của người nhà quê được kể ra đang làm độc giả 'dậy sóng'. Theo đó xuất hiện hai luồng ý kiến: người thì hoàn toàn ủng hộ, nhưng cũng có những người thẳng thắn chê bai, cho đó là cách nhìn ích kỷ, thiển cận.

Người tỉnh lẻ hay lợi dụng, ý thức kém

Tỏ ra thông cảm với những phiền hà mà anh Ngọc Tú gặp phải khi lấy vợ tỉnh lẻ, độc giả người Hà Nội tên Ngọc Nhi chia sẻ: bản thân tôi là con gái Hà Nội, lấy chồng Hà Nội nhưng anh em chồng đều lấy vợ quê,  chỉ là quan hệ chị em dâu mà tôi cũng không thể chịu nổi.    

Nói ra thì bảo phân biệt quê với tỉnh nhưng thực sự không thể không phân biệt được. Chúng ta sinh ra và lớn lên ở đâu thì quen với nếp sống và môi trường sinh hoạt ở đó rồi khó mà thay đổi thích nghi với môi trường khác được.Tôi không có ý coi thường những bạn có nguồn gốc nông thôn. Nhưng thử suy nghĩ kỹ xem có thấy các bạn khác chúng tôi nhiều lắm không?

Độc giả Ngọc Nhi 'kết tội': "Tất cả mọi vấn đề từ tắc đường, ý thức, văn hóa... đều do các bạn mang từ nông thôn lên hết đấy. Nếu không có người ở nông thôn lên Hà Nội sẽ chẳng bao giờ tắc đường. Không có phụ nữ ăn mặc quá hở hang ra đường (đây là cách bắt chước người thành phố nhưng lại quá lố bịch), không có người tiểu tiện ngoài đường... các bạn có biết chính các bạn là nhân tố quan trọng đang làm xấu đi Hà Nội".
"Người nhà quê hay thích lợi dụng lắm, ý thức thì vô cùng kém" (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Lan cũng cho rằng nếu có kiếp sau cũng không bao giờ lấy người tỉnh lẻ: "Nói thật với các bạn, người nhà quê hay thích lợi dụng lắm, ý thức thì vô cùng kém, mỗi lần người nhà chồng mình lên chơi thì ôi thôi nhà cửa bừa bộn, nhà vệ sinh thì lúc nào cũng ngập nước trong khi mình đã dặn bao nhiều lần là vào nhà vệ sinh không được để nước bắn ra sàn....!

Rồi thích đi thăm thú chỗ nọ kia, rồi nhìn thấy cái gì cũng xin, vay mượn...! Các bạn xem các bạn có lòng tự trọng không?"

Nhiều độc giả nhặt ra hàng loạt thói xấu của người tỉnh lẻ ủng hộ ý kiến của anh Hoàng Mạnh Hùng, Mạnh Tú, chị Võ Hảo.
Theo đó, anh Bùi Quý Nhạn nhận xét rất sợ người ở quê vì hay nhờ vả không ngại ngùng.
Độc giả có nick name Meo cho biết, ở nhà cũng có một người em dâu là người tỉnh lẻ. "Em trai tôi ngoài việc gặp phải những vấn đề phiền toái giống anh bạn anh ra thì toàn thể nhà tôi đều khủng hoảng từ khi một dân tỉnh lẻ bước vô nhà. Thế nên một đứa em trai còn lại của gia đình tôi nó cũng sợ chết khiếp gái tỉnh lẻ như anh, và nó tuyên bố thà ế chứ nó cũng không dám với tới gái tỉnh lẻ".
Hoàn toàn ủng hộ việc nhất quyết không lấy người ở quê, bạn Lê Minh phân tích: "Gia đình nhà tôi cũng phải chịu đựng chuyện này nên rất hiểu những nỗi khổ mà người nào ở trong hoàn cảnh này phải chịu. Chị gái tôi lấy chồng ở Phú Xuyên, nay gọi là Hà Nội mới đấy.
Nhưng thực chất thì vẫn là nhà quê. Điều quan trọng nhất chính là ở nếp sống, cách sinh hoạt khác nhau nhiều. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, nhưng cách sống của người ở quê khác biệt với ở thành phố nên sẽ nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, khó chịu với nhau.
Người nhà của ông anh rể cứ thản nhiên lên Hà Nội ở nhờ để ôn thi đại học mà không hề nói gì với chị gái tôi, chỉ thì thụt với ông anh rể và họ luôn có thái độ rất thiếu sự đàng hoàng.

Lại thêm sự vô ý trong sinh hoạt nữa mới khổ, đồ của người khác cứ điềm nhiên lấy dùng không hỏi han, nếu mình tỏ thái độ khó chịu thì lập tức sẽ bị liệt vào tội ích kỷ, ghê gớm. Giường của vợ chồng thì cứ điềm nhiên ngồi lên mà không thấy vô ý, ở nhà người khác mà không ý tứ gì, cứ như ở nhà mình, nói to, bật ti vi cứ như ở ngoài sân hợp tác xã vậy.

Cách ăn uống, sinh hoạt khác nên dẫn đến những mâu thuẫn chồng chất và thật sự là rất khó hòa hợp giữa người thành phố và nông thôn, sống với nhau rất khó chịu. Cả nhà tôi phải chịu đựng ông anh rể này vì những sinh hoạt khác với nếp sinh hoạt của gia đình và may mắn là cuối cùng chị gái tôi đã quyết định ly dị, chấm dứt sự chịu đựng lẫn nhau và trả lại sự yên bình cho cả gia đình.
Tóm lại người thành phố nên tìm người thành phố để lấy nhau vì sẽ dễ đồng điệu với nhau hơn trong cách sống chứ không phải là sự giàu nghèo.

Tôi đồng ý với quan điểm của bạn. Người ngoại tỉnh lên Hà Nội sinh sống, sự chăm chỉ, cầu tiến của họ có thể hơn người Hà Nội nhưng suy nghĩ của họ vẫn mang tính tư hữu kiểu ở quê, bon chen riêng mình những thứ không đáng. Suy cho cùng cũng vì cố bám trụ lại đây, phải cố cho bằng người Hà Nội nên họ trở thành như vậy. Còn đâu những anh trai làng, cô gái thôn quê thật thà chất phác ...

Độc giả Phi Long kết luận, cần phải nhận rộng những điển hình và tư tưởng không lấy người tỉnh lẻ bởi "Đây là cuộc sống của mình, quan điểm của mình. Mình không thích thì bảo là không thích, mình ghét sự phiền phức thì nói là ghét sự phiền phức".
Người Hà Nội chỉ hơn dân tỉnh lẻ cái "hộ khẩu Hà Nội"
Trong khi đó, đông đảo độc giả cho rằng những suy nghĩ như của anh Hùng, anh Tú, chị Hảo vừa ích kỷ, vừa thiển cận, thậm chí có độc giả cảm thấy như "tát nước vào mặt". Nhiều người chỉ trích các nhân vật trên phân biệt vùng miền và có phát ngôn thiếu suy nghĩ. Họ cảm thấy may mắn cho cô gái tỉnh lẻ không phải lấy một người chồng như vậy.

Bạn Mai Trang nhận xét: "Đầu óc bạn thật là thiển cận. Suy nghĩ, cái nhìn trong mắt người Hà Nội như bạn chắc chỉ nghĩ được rằng: quê đồng nghĩa với con trâu, cái cày, toàn bọn quê mùa thích nhờ vả, ăn bám à?"

Một độc giả khác có nickname là Jet cho biết, sau khi đọc tâm sự của anh Hùng cảm thấy như tát nước vào mặt bởi 'mình cũng biết là người Hà Hội không ưa gì những người nhà quê, nhưng không ngờ quan điểm của tác giả lại gay gắt và phân biệt như vậy".
Độc giả Trang An lại thấy rất nực cười sau khi đọc chia sẻ của "người Hà Nội": "Bạn tự tin về mình quá, bạn đã hoàn hảo chưa mà chê này chê nọ. Chẳng qua bạn hơn người khác chỉ 01 cái hộ khẩu Hà Nội thôi. Chưa chắc gì con gái tỉnh lẻ đã yêu bạn đâu, ai cũng có tự trọng cho mình hết. Bạn cứ lấy gái Hà Nội đi, đợi xem bạn sẽ cung phụng cho người vợ Hà Nội gốc như bạn thế nào.
Người có ăn có học, công việc đàng hoàng tốt đẹp mà không có 01 cái tâm thì cũng là thứ người bỏ đi mà thôi".

Nhận xét đây là một cái nhìn phiến diện, bạn đọc tên Long cho rằng "đó chỉ là ý kiến phiến diện của bạn về người tỉnh lẻ mà thôi, đâu phải cứ ở tỉnh lẻ là như vậy cả. Nói thật chứ ở tỉnh lẻ còn nhiều người có mức sống cao hơn, có kiến thức hơn bạn hiện giờ lắm. Hơn nữa ở đâu cũng vậy thôi, những mặt trái ở thủ đô có lẽ bạn không bao giờ nhìn thấy ".

"Tôi thấy cách nói của anh quá cực đoan, thể hiện cái nhìn nông cạn về sự phân biệt giữa Hà Nội và tỉnh lẻ.

Nó chỉ là sự trá ngụy cho bản tính lười biếng và ích kỉ của đàn ông các anh. Yêu mà lại không dám chấp nhận, yêu mà sợ hi sinh, yêu mà phải toan tính. Nếu có điều gì quá sức, sao các anh không dám thẳng thắn với vợ", độc giả Thu Huyền viết.

Cô bức xúc" 'Tôi nghĩ thế này, thứ nhất, chính bản thân các anh có phải Hà Nội gốc không hay là có được cái nhà thì sinh ra kênh kiệu, thứ hai, dân tỉnh lẻ không phải ai cũng một vốc họ hàng, tôn ti. Mà quan trọng hơn, tỉnh lẻ nhưng cũng đầy lòng tự trọng.

Tôi tin, nếu vợ, người yêu các anh đọc được những dòng này, suy nghĩ này, họ mới là người không thèm đếm xỉa đến các anh. Mà cũng không hiếm trai tỉnh lẻ giỏi gấp nghìn lần, nghị lực gấp nghìn lần các anh. Mang tiếng trai Hà Nội mà toan tính vặt vãnh, sợ trách nhiệm vậy, có đáng mặt đàn ông không?".

Một nữ độc giả khác cảm ơn anh Hùng, anh Tú: "Mình là một cô gái tỉnh lẻ 100%, 7 năm trước mình thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trong tay, có một công việcc ổn định thu nhập tương đối, cũng có anh chàng Hà Nội muốn lấy mình. Cám ơn tác giả đã giúp mình đưa ra được quyết định sáng suốt, mình sẽ tìm một anh chàng cũng nhà quê như mình, chăm chỉ, hiền lành, có chí tiến thủ".
  • Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết