Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Cảm động mối tình xe lăn ở Hà Nam.


Anh là một chàng trai tật nguyền, suốt đời ngồi xe lăn. Những di chứng của trận ốm li bì thời thơ ấu ăn sâu vào cơ thể khiến thể trạng ngày càng gầy gò

Sponsored links:
Anh là một chàng trai tật nguyền, suốt đời ngồi xe lăn. Những di chứng của trận ốm li bì thời thơ ấu ăn sâu vào cơ thể khiến thể trạng ngày càng gầy gò, nhỏ thó. Còn chị là một cô gái bình thường, dáng vẻ xinh xắn và học hành tử tế. Định mệnh đưa hai người gặp nhau, tình yêu đã bùng lên, xóa nhòa mọi ranh giới khoảng cách, chị từ bỏ mọi thứ, kể cả gia đình để đến với anh bằng tình yêu lẫn tình thương. Hạnh phúc ngọt ngào ấy đã được người đời trìu mến gọi tên bằng “mối tình xe lăn”.

Khi tôi tìm đến căn nhà thuê trọ số 12, ngõ 1 tổ 13B, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) để tìm cặp vợ chồng rất đỗi đặc biệt: anh Nguyễn Thanh Toàn, 24 tuổi và chị Lê Thị Vân, 28 tuổi trú tại đây thì không gặp được, hàng xóm láng giềng của đôi vợ chồng này cho hay, họ đã ra khỏi phòng trọ từ rất sớm và phải đến tối mịt mới về.

Họ đi cùng với chiếc xe lăn, mưu sinh phố phường bằng nghề bán vé số dạo. Đoạn, những người hàng xóm tốt bụng này cũng không quên mách nước rằng, để tìm anh Toàn chị Vân không khó, cứ rong ruổi trên một vài tuyến phố, thấy cô gái xinh đẹp nào đó đang đẩy xe lăn cho một người con trai, đấy đích thị là vợ chồng Vân, Toàn.

Quả đúng như vậy, chỉ qua vài con phố nhỏ, tôi đã “chộp” được họ trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Hai Bà Trưng). Trong quán nước vỉa hè, anh Toàn và chị Vân đã cởi mở chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống riêng, tuy có phần vất vả nhưng rất đỗi hạnh phúc của họ.

Định mệnh anh và em

Hình ảnh đã đăng

Ảnh cưới của vợ chồng chị Vân anh Toàn.

Chị Lê Thị Vân, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng chiêm trũng Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Tuy vất vả nhưng Vân được bố mẹ cho ăn học tử tế, sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì sợ không đủ tiền theo học đại học nên Vân đã chọn con đường học trung cấp, chuyên ngành kế toán.

Cuộc sống của chị Vân cũng sẽ êm đềm trôi qua như bao cô gái thôn quê khác lên thành phố với ước mong đổi đời, khi chị quyết tâm bám trụ lại Phủ Lý để tìm việc làm, nếu như không gặp anh Toàn là chồng hiện tại của mình bây giờ.

Nhớ lại cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, chị Lê Thị Vân xúc động, vào một buổi chiều muộn, sau một ngày rã chân gõ cửa xin việc tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố mà không được. Trong lúc mệt mỏi và chán nản thì Vân nhận được điện thoại của một người bạn rủ đến nhà người bà con cô bác ở cùng thành phố chơi nên đã đồng ý.

Theo chân cô bạn đồng hương, Vân đến khu nhà nhỏ ở xóm lao động nghèo phường Lương Khánh Thiện và không khỏi bất ngờ trước căn nhà bé tẹo, rách nát nhưng lại là chỗ chen chân của 4 con người, gồm 3 đứa con và người mẹ trẻ tảo tần sớm hôm nơi đây.

Sau phút bỡ ngỡ ban đầu, chị Vân bỗng thấy thương cảm khi biết được số phận của 4 mẹ con trong ngôi nhà nhỏ ấy.

Họ cũng từ làng quê nghèo lên thành phố mưu sinh, nhưng dường như số phận không ưu ái khi mà cách đây mấy năm về trước, trụ cột của gia đình đã vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn lao động, để lại người mẹ trẻ ốm o cùng ba con thơ, trong đó người con trai cả Nguyễn Thanh Toàn bị tật nguyền, phải sống đời xe lăn vĩnh viễn.

Sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, hình ảnh về ngôi nhà nhỏ với những con người khốn khổ luôn trở đi trở lại trong tâm trí của chị Lê Thị Vân, đặc biệt là những cử chỉ rất thuần thục trên chiếc xe lăn của Nguyễn Thanh Toàn.

Để rồi, những lúc rảnh rỗi, từ bước chân vô định đến có chủ ý, Vân lại tìm đến căn nhà ấy để chia sẻ, lắng nghe nhịp sống buồn buồn nhưng lại rất có ý nghĩa của từng ấy con người. Chẳng biết tự lúc nào, Vân đã trở thành người quen của gia đình nhỏ.

Ngôn ngữ của tình yêu 

Hình ảnh đã đăng

Hàng ngày, Vân giúp Toàn tập luyện để đôi chân có thể đi lại.

Trong những ngày qua lại chia sẻ với gia đình nhỏ này, trong trái tim đa cảm của Lê Thị Vân đã dành cho họ một thứ tình cảm rất đặc biệt. Riêng với “cậu em” Thanh Toàn, là người anh cả, và mặc dù bị tật nguyền nhưng ngày ngày vẫn thay mẹ chăm sóc các em, lo toan chuyện gia đình khiến Vân rất nể phục.

Cứ như thế, qua những cuộc trò chuyện, gần gũi tâm sự với nhau, dần dà trái tim Vân đã dành cho Toàn một thứ tình cảm đặc biệt lúc nào không hay. Lê Thị Vân tâm sự, lúc nhận ra mình đã biết nhớ khi xa Toàn, lý trí cũng đấu tranh nhiều lắm.

Rào cản lớn nhất là Toàn bị tật nguyền, lại ít hơn những 3 tuổi đã khiến cho Vân nhiều đêm phải trăn trở, suy nghĩ. Đã có lúc, chị chạy trốn ngôn ngữ của trái tim bằng cách không đến gia đình Toàn nữa. Nhưng càng cố dặn lòng quên, chị càng thêm nhớ.

Để rồi, khi biết định mệnh đã sắp sẵn duyên số cho hai người, Vân âm thầm đến với Toàn, lặng lẽ chăm sóc anh bằng tình cảm chân tình nhất.

Về phía Toàn, ban đầu anh cũng chỉ nghĩ Vân đến với gia đình anh bằng sự cảm thông chia sẻ sâu sắc, hoàn toàn không dám nghĩ đến một tương lai xa vời cho hai đứa. Dù đôi khi, anh nhận ra ở “chị Vân” có những nét đẹp riêng mà anh chưa bao giờ nhận ra ở những người con gái khác, và anh cũng không giấu giếm chuyện không ít lần thầm thương nhớ trộm.

Nhưng kịp nhìn lại phận mình, anh lặng lẽ giấu mình trong buồn tủi thân phận. Chuyện anh không ngờ đến, mà nói như Toàn thì ngay cả trong giấc mơ anh cũng không dám mơ đến, ấy là Vân lại dành trọn tình cảm cho mình!

Một đêm trăng thanh nọ, Vân ở lại ăn cơm tối cùng gia đình rồi ngỏ ý đẩy xe lăn đưa Toàn đi hóng gió. Toàn không tin nổi là Vân đã nói lời yêu với Toàn, trong hoàn cảnh trớ trêu và lệch nhịp ấy. Khoảnh khắc hạnh phúc khi được một người con gái yêu thương mình nhanh chóng vụt qua, Toàn tủi phận khóc rưng rức.

Anh thương cho mình, thương cho Vân và thương cho số phận. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng của nó, Toàn càng trốn chạy thì tình cảm càng đậm sâu. “Ruồng rẫy” không được, sau rốt đôi trẻ đã đến với nhau trong niềm hạnh phúc, bởi hơn ai hết Vân hiểu, phía sau tình yêu này là những sóng gió đời thường sẽ đến với hai người.

Nhưng họ mặc kệ, yêu và được yêu, đó mới là hạnh phúc thực sự và họ quyết nắm giữ những gì mình đang có.

Hạnh phúc từ mối tình mang tên “Chiến thắng”

Yêu thì có thể giấu được, nhưng khi quyết định cưới nhau, Vân buộc phải thông báo với gia đình và quả như không ngoài dự tính từ trước, bố mẹ và các anh chị của Vân đã kịch liệt phản đối. Bố của Vân thậm chí còn tuyên bố từ con nếu chị không chịu chia tay với Toàn.

Trong khi đó, phía gia đình người yêu, vì mặc cảm nên họ không dám ra mặt để xin tác hợp cho hai đứa. Để bảo vệ tình yêu, một mình Lê Thị Vân đã phải vừa đấu tranh, vừa thuyết phục gia đình hai bên để tác hợp cho đôi trẻ.

Mất gần nửa năm, trải qua bao sóng gió trầm luân, sau rốt lòng thủy chung kiên định của cô gái trẻ đã được đền đáp. Bố mẹ Vân chấp nhận cho con gái lên xe hoa với chàng trai tật nguyền, họ “trừng phạt” bằng cách không cho chị bất cứ của hồi môn nào, với hy vọng cưới nhau rồi, Vân sẽ sớm vỡ mộng hôn nhân mà từ bỏ.

Nhưng không, đã gần 2 năm rồi kể từ ngày đám cưới hạnh phúc diễn ra, không những không vỡ mộng hôn nhân mà Lê Thị Vân còn làm được việc phi thường hơn, ấy là ngày ngày kiên trì giúp Toàn vận động và đến nay, anh đã có thể bước được những bước chập chững đầu tiên của đời người.

Anh Nguyễn Thanh Toàn phấn chấn chia sẻ, nhờ tình yêu bao la của người vợ hiền mà anh đã được hồi sinh, sống cuộc sống có ý nghĩa hơn sau hơn 20 năm gắn bó cuộc đời với xe lăn. Năm lên 3 tuổi, Toàn đã gặp bất hạnh khi bị tai biến do tiêm nhầm thuốc dẫn tới bệnh lý co gân.

Vì nhà nghèo nên không có tiền chữa trị kịp thời, sau đó hai chân anh đã mất đi cảm giác từ ấy cho đến nay. Mấy chục năm qua, gia đình anh an phận với tai nạn đó, nhưng từ ngày quen Vân, anh được chị đưa đến các bệnh viện chỉnh hình, sau khi thăm khám, chụp chiếu và biết được rằng đôi chân của Toàn có thể phục hồi được ít nhiều nếu tập luyện kiên trì và đúng phác đồ.

Vậy là, từ ngày cưới nhau, ngày ngày Vân đẩy xe lăn đưa Toàn mưu sinh khắp phố phường, sáng sớm và chiều tối, hai vợ chồng đều dành ra khoảng 30 phút để tập vận động cho Toàn.

Điều kỳ diệu xảy ra là sau gần nửa năm kiên trì tập luyện, một ngày đầu tháng 2/2012, Nguyễn Thanh Toàn đã có thể chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình. Với mọi người, đó hẳn là điều kỳ diệu, nhưng là người trong cuộc, cả anh Toàn và chị Vân đều hiểu rằng, đó là thành quả của những năm tháng miệt mài luyện tập không ngơi nghỉ của hai vợ chồng.

Tâm sự cùng chúng tôi, chị Vân nở nụ cười hạnh phúc cho biết: “Ban đầu khi quyết định cưới anh Toàn làm chồng, tôi đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình. Nhưng tôi thấy mình rất yêu thương anh, chúng tôi đã dần thuyết phục được gia đình và quyết tâm sống hạnh phúc trọn đời bên nhau”.

Còn với Nguyễn Thanh Toàn, trong câu chuyện với chúng tôi, đã không ít lần anh đưa tay lên gạt nước mắt: “Tôi thương và thầm cảm ơn vợ tôi vì đã mang lại niềm hi vọng cho tôi. Cầu mong tôi khoẻ để được ở bên vợ tôi và giúp đỡ vợ trong những lúc khó khăn”.

Hiện tại, anh Toàn được trợ cấp thương tật với số tiền 180.000 đồng/tháng, với số tiền ít ỏi đấy, ngày ngày chị Vân phải đẩy xe lăn đưa anh Toàn đi mưu sinh trên khắp các phố phường của thành phố Phủ Lý.

Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng ngập tràn tình yêu thương. Hằng ngày, cứ mỗi buổi sáng sớm và chiều tối, họ vẫn thường đưa nhau đi tập men theo khắp các con đường Phủ Lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết