Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ước một ngày thường


Khi đánh mất tự do, có người mới hiểu được sống những ngày bình thường với người thân yêu của mình là một hạnh phúc quý giá...

Rượu - Quẩn
Chưa đến giờ phiên tòa mở, người dự khán túm tụm dưới bóng những tán bàng, tìm chút râm mát. Trong phòng xét xử, những dãy ghế nối nhau, lặng lẽ như tiếng thở dài. Ngoài hiên, một phụ nữ bồng đứa trẻ chừng 4 tháng tuổi đi lui đi tới. Những bước chân bồn chồn. Đứa trẻ nhìn mặt mẹ, cười. Nụ cười trẻ thơ tinh khôi lại khiến mẹ ngậm ngùi. Vừa lúc đó, chiếc xe đặc chủng của công an giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Người đàn ông ngoài 40 tuổi, gầy gầy, hai bàn tay trong chiếc còng, chậm chạp bước xuống. Thấy vợ con, ánh mắt anh ta vừa mừng vừa thảng thốt.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao bị cáo định dùng xăng đốt mình và con?”. Giọng Nguyễn Anh Trí có vẻ buồn và nặng nhọc: “Vợ sinh con gái được hơn nửa tháng, bị cáo mừng lắm. Bị cáo bàn với gia đình làm tám mâm tiệc lo lễ đầy tháng cho con, mời bạn bè cùng dự nhưng người nhà bị cáo không đồng ý, nói không có tiền. Bị cáo nói không có tiền thì bán xe máy của vợ bị cáo lấy tiền làm, nhưng người nhà bị cáo vẫn không đồng ý. Buồn, bị cáo đi uống rượu. Vì có men rượu trong người nên bị cáo không làm chủ được, nghĩ quẩn: sống mà không lo được cho con thì mua xăng đốt hai cha con cùng chết...”.
Vợ Trí ôm đứa con đang ngủ trong lòng, lủi thủi bỏ ra ngoài, ngồi bệt xuống hành lang rầu rĩ: “Trí mất cha, còn mẹ, nhưng mẹ bỏ đi, không đoái hoài. Trí ở nhà người cô ruột. Trí thương yêu tui nhưng tui là gái từng có một đời chồng, đã ly hôn nên không được gia đình chấp nhận. Hai đứa tui thuê nhà trọ sống chung với nhau, không có đám cưới. Lúc tui mang bầu, gia đình Trí mới chấp nhận cho về nhà ở. Mơ ước của Trí là được làm cái lễ đầy tháng cho con, mời bạn bè, ra mắt tổ ấm của mình luôn thể. Không được, buồn thì uống rượu vào rồi làm bậy. Chứ lúc không có rượu, cậu hiền lắm, không gây gổ ai bao giờ”.
Đại diện viện kiểm sát luận tội. Không gian phòng xét xử đặc lại bởi hình hài gầy gò của bị cáo như bị “đóng đinh” sau vành móng ngựa và sự im lặng của đám đông người dự khán. Phía ngoài hành lang, đứa bé nằm co quắp trong lòng mẹ, bị cái nắng nóng oi bức kéo ra khỏi giấc ngủ, khóc thét lên. Tiếng khóc ngằn ngặt khiến bị cáo thảng thốt.
Khát
Nhà của cô ruột Trí nằm trong khu phố chật chội, những ngôi nhà cũ kỹ, nhỏ và thấp (trước kia gọi là khu bờ hồ Trần Hưng Đạo), nơi ở của người đạp xe thồ, làm thuê hay buôn bán vặt vãnh. Phòng của vợ chồng con cái Trí ngoài chiếc giường 1,6m, chỉ còn lại chút không gian làm lối đi. Vợ Trí ôm con ngồi bệt góc lối đi ấy, chừng làm như vậy có thể trốn được ngột ngạt của oi bức, của chật chội?
Như đọc được ý nghĩ của khách, chị uể oải: “Phòng chỉ chừng đó, nhưng không có cậu, tui thấy trống trải quá!”. Rồi chị trải lòng bằng những câu chuyện, ký ức có rất nhiều xót xa, u uẩn của người chồng, mà tận trong sâu thẳm là một nỗi khát. Những ngày hạnh phúc của cậu bé chưa đầy 7 tuổi chấm dứt khi người cha mất tích. Nhiều năm gia đình tìm khắp Bắc Nam, thậm chí chỉ mong biết được nếu ông đã mất thì cũng tìm được phần mộ, nhưng vô vọng. Ngay sau khi ba mất tích không lâu, mẹ Trí bỏ đi, rồi cũng biệt tăm. Lớn lên, Trí nhiều lần lùng tìm và biết được mẹ đang sinh sống ở Nha Trang, đã lấy chồng khác và có những đứa con khác. Chưa bao giờ Trí giải được câu hỏi vì sao không một lần mẹ động lòng quay về nhà, và dù chỉ một lần ôm cậu vào lòng? Trí khát. Nỗi khát tình cha, tình mẹ đến đau đớn. Đôi khi Trí “giải tỏa” bằng cách uống rượu, rồi về nhà la hét, quậy phá khiến gia đình phải nhờ công an phường gọi lên trụ sở giải quyết.
Mặt vợ Trí chùng xuống: “Nhiều lần, đắng ruột vì anh ấy vừa khóc vừa lẩm bẩm một mình “tui không cha không mẹ, tui buồn”. Từ ngày được làm cha, Trí sung sướng lắm. Đi làm về là bồng con suốt, quên hết mệt nhọc”.
Hôm Trí được đưa từ trại tạm giam về công an phường để cơ quan điều tra dựng lại hiện trường, “dù đang mưa lớn, tui cũng tất tả trùm áo mưa, ẵm con bé ra, xông vào cho ba nó bồng con một chút. Thấy con, chồng tui thảng thốt như hôm ở phiên tòa. Mấy anh công an thấy tội nghiệp, thương tình nên cũng để cậu ôm con bé vào lòng một chút”.
“Cứ ngồi nhìn bốn bức tường, khổ lắm”
Vợ Trí cẩn thận mở mấy lần nilông, lấy ra hai lá thư đầy kín những dòng chữ xiêu vẹo. Ở đó Trí gửi gắm nỗi lòng thương vợ, nhớ con, rằng anh ta rất ân hận. Trí dặn dò vợ cố gắng, “rồi anh về anh làm lại cho mẹ con em”. Người phụ nữ rơm rớm: “Con dại. Đường lên trại tạm giam công an tỉnh xa, mỗi lần đi thăm không dễ. Nhưng thương chồng ngóng vợ ngóng con, thèm tình cảm gia đình, nên được phép thăm là tui ôm con đi, không bỏ phiên nào. Thời gian thăm chỉ 10 phút ngắn ngủi và chỉ được nhìn qua cửa kính, nói chuyện với nhau bằng điện thoại. Nhìn con cười, cậu lại rớt nước mắt: Anh không ra gì nên em và con khổ. Chừ giá như anh được sống một ngày bình thường với em và con”.
Nghe nói thời gian tới, Trí chuyển đi chấp hành hình phạt tại trại giam Bình Điền. Vợ Trí nói: “Đường lên trại giam Bình Điền xa xôi gấp mấy lần, việc đi lại thăm chồng sẽ không được thường xuyên như trước. Nhưng chồng chuyển lên đó, tui mừng. Bởi chồng tui từng bảo: Lên đó, có thể anh sẽ vào đội cuốc đất hay làm gạch... công việc có thể nặng. Nhưng được lao động, cảm giác cuộc sống sẽ gần giống như những ngày bình thường. Và thời gian sẽ qua mau hơn, chứ hết ngày này đến ngày khác cứ ngồi nhìn bốn bức tường, khổ lắm!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét về bài viết